Tại sao gọi là cá sấu hoa cà

Cho cá sấu nghe… nhạc

Khác với hình dung về một “Võ Tòng” phương Nam chuyên bắt cá sấu, Tôn Thất Hưng xuất hiện trước chúng tôi với sự niềm nở chân thành,  nói chuyện như “móc hết ruột gan ra”, dù là với người mới gặp. Anh kể: “Năm 1991, khi vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp Thú y, tôi ôm tấm bằng đi xin việc mấy nơi nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu. Rồi tình cờ, được người bạn mách Thảo Cầm Viên đang tuyển người làm trong tổ bò sát,  tôi đánh liều vào xin được phỏng vấn và may mắn được nhận.

Anh Tôn Thất Hưng giới thiệu về cao xương cá sấu. Ảnh: LÊ MINH

Sau hơn 30 năm gắn bó với loài vật xấu xí này, Tôn Thất Hưng đã lập ra “Ngôi làng cá sấu Sài Gòn” – Làng nghề đầu tiên của Việt Nam về cá sấu với hơn 20ha và 1.200 “công dân cá sấu”. Chúng tôi hỏi anh sao lại đặt tên công ty là Cá sấu Hoa Cà, anh cười: “Khi người dân phát hiện có 2 con cá sấu ở cửa biển Cần Giờ, Ban giám đốc Thảo Cầm Viên chỉ định tôi đi bắt. Sau vài ngày tìm kiếm, tôi thấy 2 con sấu đang ẩn mình dưới bãi hoa cà dại và reo lên “A! Cá sấu hoa cà”. Và từ đó cái tên “cá sấu hoa cà” ra đời với cách gọi lãng mạn của anh Ba Hưng. Đến cái nhà hàng của anh và bạn bè lập ra cũng tên là Cá sấu hoa cà, một cái tên không thể “đụng hàng” với ai được.

 Với Tôn Thất Hưng không có mục tiêu nào là lớn hay nhỏ, khi anh làm việc đến nơi đến chốn, dẫu cho thành công hay thất bại. Có lẽ sự nhiệt thành quá đỗi với cuộc đời, mà khi đã 55 cái xuân xanh thì “người đàn ông trót leo lên lưng cá sấu” này vẫn còn là kẻ độc thân. Ngay cả chuyện lập gia đình anh cũng khác người, vì anh bảo lấy vợ rồi sợ khổ vợ vì anh chỉ mê công việc mà thôi. 

Có thể nói sự nghiệp và cơ ngơi này đối với Tôn Thất Hưng đều do chữ ‘”duyên” quyết định. Nguyên nhân đầu tiên là xuất phát từ việc thiếu… tiền. “Lúc đó, có lẽ không nuôi cá sấu tôi cũng không biết làm gì” - anh chia sẻ.

Thoạt đầu, ở Thảo Cầm Viên có một người Campuchia tên là Gia, chuyên làm công việc cho ấp nở trứng cá sấu với nhiều “phép màu khó hiểu”. Hưng – lúc đó là nhân viên nuôi voi của Thảo Cầm Viên – đã quyết tâm tìm hiểu. “Thầy” Gia càng giấu nghề, Hưng càng trổ tài học lóm. Dần dần anh phát hiện ra rằng, bí quyết chính là ở thời gian và nhiệt độ, độ ẩm, chứ chẳng phải cần đến thứ đất “phải về tận Campuchia mua”.

Với sự cần mẫn và quyết tâm, năm 1985 anh trở thành người đầu tiên thực hiện kỹ thuật ấp nở cá sấu thành công ở Thảo Cầm Viên. Sau khi thành công với việc ấp trứng cá sấu, anh lại khiến nhiều người ngỡ ngàng với các chiêu chăm sóc và tận dụng tất cả giá trị của nó.

Tìm hiểu được người nước ngoài cho bò nghe nhạc thì thịt bò sẽ ngon hơn thì ở Việt Nam, Hưng lại cho cá sấu nghe… nhạc, và theo sự đánh giá của nhiều người thì thịt cá sấu sau khi “hấp thụ nhạc”  đã ngon hơn hẳn. Rồi để giảm bớt sự đau đớn cho cá sấu khi bị xẻ thịt, anh thường chích điện cho cá chết, chứ không cắt đầu cá như các nơi thường làm.

Được mệnh danh là “Ông vua cá sấu” nhưng khi được hỏi về tình yêu với loài động vật này thì anh khẳng định “Tôi không có tình yêu với cá sấu mà chỉ biết ơn thôi. Cá sấu giúp mình kiếm tiền nhưng mình ăn nó thì sao gọi là yêu được” - anh dí dỏm.

Chính từ lòng biết ơn này mà năm 2001, anh đã thả 25 con cá sấu về Rừng quốc gia Cát Tiên [vào thời điểm đó mỗi con cá sấu trị giá mấy chỉ vàng]. Chiến dịch thả cá sấu về thiên nhiên mang tên “Happy to be home” [Hạnh phúc trở về nhà] của anh đã thu hút giới truyền thông trong và ngoài nước. Anh tâm sự: “Mục đích của chúng tôi là muốn thế giới biết được, Việt Nam mặc dù kinh doanh động vật nhưng vẫn có trách nhiệm với thiên nhiên”.

“Sợ núi cao thì không tìm được cách leo núi”

Năm 2000, Tôn Thất Hưng cùng bạn bè góp vốn chính thức thành lập Công ty Cá sấu Hoa Cà. Nhưng cũng đúng lúc này khủng hoảng kinh tế trầm trọng, cá sấu rớt giá, khiến anh điêu đứng. Không còn cười chê mấy ông làm ăn phá sản rồi tự tử như trên phim ảnh, Tôn Thất Hưng biết phân biệt rạch ròi giữa đam mê và trách nhiệm, giữa thư dãn và nghiêm túc, giữa kinh doanh và sự biết ơn.

Anh đúc kết: “Sợ núi cao thì chúng ta không bao giờ tìm được cách leo núi; bất kể từ đâu, chỉ cần đặt mục tiêu là sẽ đến nơi”. Tôi làm việc bằng cảm hứng, càng trở ngại càng thấy hứng thú, nên khi khó khăn nhất là khi hoàn thành công việc, có tiền rồi mà không có mục tiêu tiếp theo thì dễ mất phương hướng”.

Từ những suy nghĩ đó, anh vận động nhiều người thành lập Hiệp hội Cá sấu rồi đến làng nghề cá sấu, với đội ngũ nhân viên đông đảo, có chuyên môn. Anh cũng đem tất cả các kiến thức mình có được chia sẻ cho bà con nông dân, hỗ trợ con giống ban đầu… để mọi người có thể phát triển. Nhiều người thấy vậy, bảo Hưng quá dại, nhưng anh bỏ ngoài tai. Tất cả những việc anh làm không vì tư lợi cá nhân mà vì mục tiêu biến miền Tây thành vựa cá sấu.

 Nghiện công việc nhưng Tôn Thất Hưng lại sợ nghiện một thứ, đó là  Facebook. Anh không dám chơi “phây” mặc dù anh vẫn để công nhân viên của mình dùng Facebook hỗ trợ cho công việc và đam mê của chính anh.

Khi công việc làm ăn khấm khá lên, anh lại không cho phép mình được ngồi yên, anh tìm mọi cách chia sẻ với mọi người và cộng đồng. Anh nghĩ, cá sấu lấy thịt làm thực phẩm, da làm đồ trang sức, vậy xương dùng làm gì? Bỏ ra ngoài thì gây ô nhiễm môi trường lại vừa lãng phí. Thế là anh lân la lên mạng tìm hiểu cách “tái chế” xương cá sấu. Tình cờ anh đọc được bài báo “Đôi chân của cô bé xương thủy tinh” và biết căn bệnh này nguy hiểm là do thiếu chất collagen. Trong khi đó, xương cá sấu có rất nhiều collagen mà chất này có thể cải thiện tình trạng cho những người bị bệnh xương thủy tinh.

Tôn Thất Hưng đưa xương cá nấu thành cao và nhờ các bệnh viện chấn thương chỉnh hình nghiên cứu thêm về cao cá sấu trong phương pháp cải thiện sức khỏe cho người bị bệnh xương thủy tinh. Tuy nhiên, mỗi lần gõ cửa nhà các bác sĩ, anh đều bị đuổi về vì bị cho là người đi… buôn cao. Nhưng trời không phụ lòng người, anh xách hũ cao đến nhà GS - TS Nguyễn Quang Long [nguyên Trưởng bộ môn Chấn thương chỉnh hình Trường Đại học Y Dược TP.HCM] nhờ ông cho thí nghiệm trên các bệnh nhân bị bệnh xương thủy tinh. Kết quả không ngờ là 70 bệnh nhân được sử dụng cao cá sấu kết hợp với chương trình luyện tập và phẫu thuật chỉnh hình thì có 90% bệnh nhân không cảm thấy đau, không ngại va chạm và có thể tự bơi.

Thành công ở Việt Nam, Hưng mang công trình nghiên cứu qua Mỹ để trình bày với các giáo sư thế giới. Đề án của anh được đánh giá cao nhưng lại chưa được công nhận vì thiếu yếu tố thực nghiệm. Song anh vẫn bền bỉ đeo đuổi mục đích này và sự thành công có lẽ không quá xa đối với anh, nhất là khi anh được nhiều người tâm huyết ủng hộ.

Một tấm lòng với đời

Từ những thành công ban đầu, anh lập ra nhà trẻ Kim Cương – nơi những bệnh nhi bị xương thủy tinh được nuôi dưỡng và điều trị miễn phí [trụ sở ở quận 12, cách công ty của anh không xa]. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Trần Văn Năm [Phó Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TP.HCM] và được trị liệu theo phác đồ “4T” [thuốc – tập luyện – tâm lý – thực phẩm], 30 đứa trẻ giờ đã có thể vô tư chơi bóng, bơi lội là cả một quá trình cố gắng, phấn đấu của chính bản thân anh.

Các trẻ em bị bệnh xương thủy tinh tại nhà trẻ Kim Cương của Công ty Cá sấu Hoa Cà. Ảnh: H.Q.L

Đưa chúng tôi đi thăm nhà trẻ Kim Cương, anh Hưng chia sẻ: “Đừng thương hại các em, đừng xuýt xoa và khóc. Cũng đừng chụp hình các em như những trẻ cá biệt. Bởi các em cũng là những người bình thường khác. Hãy để các em tự lập và hành động như một người bình thường”.

Tôn Thất Hưng luôn nghĩ rằng những gì mình nhận được cũng cần phải cho đi. Nỗi khổ tâm của anh không biết chia sẻ cùng ai, cứ đến rồi tự chịu, lúc nào cũng chỉ một mình.

Hơn nửa cuộc đời Hưng dành cho việc nghề nuôi cá sấu và cũng chỉ có cá sấu mới đem lại thành công cho anh [anh đã từng nuôi bò sữa nhưng chúng chết hết, nuôi hươu lấy nhung cũng thất bại và lập một trang trại nuôi chó béc-giê cũng chẳng đi đến đâu]. Anh tự đặt cho mình một mục tiêu những năm tháng sắp tới là đi tìm thêm bệnh nhân bị bệnh xương thủy tinh, “trẻ nào bị bệnh xương thủy tinh đều phải nhận được thuốc”. Sau một thời gian điều trị, một số em đã khỏe mạnh hơn và được đi học cùng trường với các trẻ bình thường khác. /.

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Video liên quan

Chủ Đề