Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu

Sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K cho người bệnh là một 'con dao hai lưỡi'. Thuốc kháng vitamin K có nhiều nhược điểm như: Bắt đầu tác dụng chậm, cách theo dõi điều trị phức tạp, khoảng trị liệu hẹp, tương tác với nhiều loại thức ăn và thuốc do đó việc nâng cao hiểu biết và theo dõi và trong thực hành là rất quan trọng.



1. Thuốc chống đông kháng vitamin K là gì ?


- Thuốc chống đông kháng vitamin K [còn gọi là thuốc kháng vitamin K] là thuốc chống đông máu đường uống, được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa huyết khối trong các mạch máu. Thuốc giúp ngăn không cho huyết khối hình thành và tăng lên về kích thước, chứ không làm tan huyết khối. Ở nước ta thường sử dụng 2 loại: Sintrom [Acenocoumarol] và Coumadin [warfarin].
- Thuốc kháng vitamin K hoạt động thông qua ức chế sự tổng hợp các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K [gồm yếu tố II, VII, IX và X] trong gan. Trong cơ thể, vitamin K cần thiết để tham gia tổng hợp các yếu tố đông máu giúp tránh chảy máu.

2. Thuốc kháng vitamin K được chỉ định khi nào?
- Bệnh nhân đã thay van tim cơ học cần phải uống kháng đông suốt đời để duy trì hoạt động của van, tránh bị kẹt van do cục máu đông gây hư van phải mổ lại.
- Bệnh nhân bị loạn nhịp tim [rung nhĩ] dễ tạo cục máu đông trong tim. Cục máu đông này được tim bóp ra, trôi theo dòng máu lên não gây đột quỵ [nhồi máu não]. Do đó bệnh nhân bị rung nhĩ phải uống thuốc chống đông để ngăn ngừa đột quỵ.
- Bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch chân cần uống thuốc kháng đông từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn tùy nguyên nhân gây huyết khối.
- Bệnh nhân thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi tiên phát cần điều trị thuốc kháng đông lâu dài.

3. Sử dụng thuốc kháng vitamin K như thế nào?
- Uống đúng liều lượng theo đơn của bác sĩ, các thuốc kháng vitamin K đều có thể bẻ nhỏ để tiện cho việc chia liều.
- Không được tự ý uống thuốc hoặc cho người khác uống mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Nên uống thuốc kháng vitamin K vào một giờ nhất định trong ngày.
- Nên uống thuốc liên tục đến ngày tái khám.
- Bác sỹ xác định liều thuốc chông đông ở mỗi bệnh nhân dựa theo thời gian đông máu thông qua xét nghiệm INR với khoảng cần đạt [2,5 - 3,5 đối với người mang van tim nhân tạo cơ học và 2 - 3 trong những trường hợp còn lại]. Bệnh nhân cần tuân thủ liều dùng và thời điểm cần xét nghiệm INR theo Bác sĩ yêu cầu [thường 2-4 tuần một lần]. Tránh dùng quá liều có thể gây ra chảy máu hoặc liều quá thấp có thể gây huyết khối.

4. Nếu quên không dùng thuốc
- Uống lại liều đã quên ngay khi nhớ ra nếu quên trong vòng 8 tiếng.
- Nếu quên trên 8 tiếng, nên bỏ qua liều đó, chờ uống liều tiếp theo.
- Không được uống gấp đôi liều thuốc để bù lại liều quên.
- Nên thông báo với bác sĩ liều thuốc quên khi đến tái khám.
- Nếu quên liên tiếp 2 lần nên hỏi ý kiến hướng dẫn của bác sĩ.

5. Tác dụng phụ của thuốc kháng vitamin K
Tác dụng phụ có thể nhẹ hoặc nặng, tạm thời hay vĩnh viễn. Các tác dụng phụ liệt kê dưới đây không phải xuất hiện ở tất cả các bệnh nhân.
Mặc dù hầu hết các tác dụng phụ liệt kê dưới đây không xảy thường xuyên, nhưng có thể dẫn đến nghiêm trọng hơn nếu không có tư vấn của Bác sĩ.
Cần thông báo với Bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có tác dụng phụ sau đây xảy ra:
- Chảy máu: các vết thương lâu cầm máu, chảy máu chân răng, chảy máu cam.
- Bất tỉnh, nhức đầu, chóng mặt, hoặc yếu nửa người..
- Tê hoặc ngứa mặt, bàn tay, hoặc bàn chân.
- Đau, sưng, hay khó chịu ở cơ.
- Kinh nguyệt kéo dài hơi bình thường.
- Nước tiểu màu hồng hoặc màu nâu.
- Đại tiện ra máu hoặc phân đen.
- Không giải thích được sự bầm tím tay, chân, thân mình.
- Đột ngột khó thở.
Dừng ngay liều thuốc tiếp theo và đến viện ngay lập tức nếu xảy ra bất cứ sau đây:
+ Dấu hiệu của dị ứng nặng [ví dụ, sưng mặt hoặc cổ họng, phát ban, hoặc khó thở, tụt huyết áp].
+ Có dấu hiệu chảy máu [phân đen, đi ngoài ra máu, chảy máu trong mắt, nôn ra máu, nôn ra dịch đen như bã cà phê, đái máu, ho ra máu].

6. Các bệnh và tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến việc dùng thuốc kháng vitamin K
- Bệnh thận: Những người có vấn đề về thận nên thảo luận với bác sĩ, thuốc này có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của họ.
- Bệnh gan: Những người có vấn đề về gan nên thảo luận với bác sĩ của họ, bệnh gan có thể ảnh hưởng đến liều lượng và hiệu quả của thuốc kháng vitamin K, phải được theo dõi đặc biệt.
- Tai nạn: Trong trường hợp thương tích hay tai nạn, mọi người uống thuốc này nên mang theo một thẻ hoặc giấy tờ tùy thân ghi là đang dùng thuốc chống đông.
- Mang thai: Không nên sử dụng thuốc kháng vitamin K khi mang thai vì có nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi.
- Ngưng thuốc: Cần theo chỉ định của Bác sĩ, không đột ngột ngưng dùng thuốc này mà không thảo luận với Bác sĩ.
- Các thủ thuật: Trước khi làm bất kỳ xét nghiệm hoặc thủ thuật nào [ví dụ: phẫu thuật, nhổ răng, chụp mạch], cần phải thông báo cho Bác sĩ bạn đang sử dụng thuốc kháng vitamin K.
- Cho con bú: Thuốc kháng vitamin K có thể đi vào sữa mẹ nên có thể ảnh hưởng đến em bé. Thảo luận với Bác sĩ về việc bạn nên tiếp tục cho con bú hay không.
- Trẻ em: Sự an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc này chưa được xác định cho trẻ em.

7. Tương tác thuốc
Trước khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc điều trị bất kỳ bệnh gì, hãy thông báo cho Bác sĩ về tiền sử dị ứng nếu có, tất cả các loại thuốc đang dùng, đang mang thai hoặc cho con bú, và bất kỳ vấn đề khác về sức khỏe. Vì các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến thuốc kháng vitamin K.

7.1. Các thuốc tương tác với thuốc kháng vitamin K ?
Rất nhiều thuốc có thể tác động đến hiệu quả của thuốc kháng vitamin K, do đó cần phải thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ các thuốc mà bạn đang sử dụng để điều chỉnh cho phù hợp.

Bảng dưới đây liệt kê một số thuốc cần thận trong khi phối hợp với thuốc kháng vitamin K. Các thuốc khác không liệt kê trên đây có thể tương tác với thuốc này.

Bảng: Tương tác thuốc cần thận trọng khi sử dụng thuốc kháng vitamin K

Tăng tác dụng chống đông và nguy cơ chảy máu

- Nội tiết tố androgen. Hormon tuyến giáp, - Thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin, - Kháng sinh nhóm cephalosporin, nhóm cyclin, kháng sinh nhóm fluoroquinolo, kháng sinh nhóm macrolid, sulfamethoxazol - Dẫn chất 5 nitro-imidazol [metronidazol], cisaprid, colchicin. - Thuốc hạ mỡ máu: nhóm fibrat [fenofibrat, gemfibroziI], thuốc nhóm statin. - Một số thuốc chống nấm: fluconazol, itraconazol, voriconazol - Cimetidin [liều ≥ 800 mg/ngày], - Glucocorticoid - heparin khối lượng phân tử thấp và heparin không phân đoạn. - Allopurinol, amiodaron, paracetamol, tramadol, - proguanil, propafenon, tamoxifen, viloxazin, vitamin E [liều ≥ 500 mg/ngày].

Giảm tác dụng của thuốc kháng vitamin K  - Thuốc chống động kinh gây cảm ứng enzym [phenytoin, phenobarbital, phenytoin, primidon], thuốc kích thích ăn ngon, azathioprin, cholestyramin, efavirenz, griseofulvin, mercaptopurin, nevirapin, rifampicin, ritonavir, sucralfat.

7.2. Các thực phẩm nào có thể ảnh hưởng đến thuốc kháng vitamin K ? Nhiều loại thực phẩm chứa vitamin K, gây cản trở tác dụng của thuốc này. Vì thế cần một chế độ ăn ổn định ít thay đổi và nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa vitamin K bao gồm: - Cải xoăn, bông cải xanh, cải bắp, củ cải, rau chân vịt, súp lơ, mùi tây, hành xanh, rau muống, măng tây và rau diếp. - Mù tạc. - Trà xanh. - Bơ. - Gan động vật, thịt cừu, thịt bò. - Dầu đậu tương, đậu nành dầu hướng dương, đậu [đậu Hà Lan, đậu xanh].

8. Một số điều lưu ý khi dùng thuốc chống đông kháng vitamin K

- Thường xuyên cảnh giác theo dõi các tác dụng phụ. - Theo dõi hiệu quả điều trị thường xuyên theo lịch của bác sĩ. - Không được tự ý dùng thuốc. - Tránh uống rượu. - Không tham gia hoạt động thể thao mà có thể dẫn đến va chạm mạnh. - Duy trì chế độ ăn ít thay đổi, chẳng hạn như ăn nhiều rau xanh các loại. - Không cố gắng để thay đổi trọng lượng của bạn bằng cách ăn kiêng

TS.BS. Lê Xuân Dương
Khoa A11 – Bệnh viện TƯQĐ 108

Ảnh minh họa. Nguồn: drugoffice.gov.hk

Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành huyết khối nên thường được chỉ định trong phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh lý do sự hình thành huyết khối gây ra như nhồi máu cơ tim, đột qụy, huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch phổi và rung tâm nhĩ.

Việc sử dụng thuốc chống đông warfarin [Coumadin, Zofarin] hoặc acenocoumaron [Sintrom, Mini-sintrom] hàng ngày rất cần thiết đối với các bệnh nói trên. Khi sử dụng thuốc, cần lưu ý những điều sau:

Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ

- Uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày.

- Không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Nếu quên uống thuốc và nhớ ra trong ngày, uống ngay liều thuốc đã quên. Nếu quên uống thuốc và nhớ ra vào ngày hôm sau, chỉ uống thuốc tiếp tục như bình thường, không uống gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã quên.

- Đi khám và xét nghiệm máu thường xuyên theo đúng hẹn của bác sĩ.

Nếu có điều kiện, nên mua máy để tự kiểm tra INR bằng que thử tại nhà. [INR chỉ số giúp theo dõi tác dụng của thuốc chống đông]. Bác sĩ sẽ tư vấn khoảng INR cho phép đối với bạn. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu chỉ số INR nằm ngoài khoảng cho phép.

Chăm sóc răng miệng: Luôn thông báo cho bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ là bạn đang dùng thuốc chống đông khi khám bệnh, nhổ răng, phẫu thuật hoặc làm bất cứ thủ thuật nhỏ nào. Chăm sóc răng miệng cẩn thận, nên dùng bàn chải mềm và dao cạo râu điện. Nên đi khám nha khoa định kỳ.

Không tự động uống thuốc: Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc chống đông. Không tự động uống hoặc ngừng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

Một số thuốc có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, tăng nguy cơ chảy máu bao gồm:

- Thuốc kê đơn: Amiodarone [Cordarone], các loại kháng sinh, clopidogrel [Plavix]…

- Thuốc không kê đơn: Paracetamol [Panadol, Efferalgan]; Ibuprofen, Aspirin và các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid khác, ranitidine [Zantac]…

Một số thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông [tăng nguy cơ hình thành cục máu đông] bao gồm:

- Thuốc bổ vitamin có thành phần vitamin K.

- Thực phẩm chức năng, thảo dược có chứa vitamin K, dầu cá, Ginkgo, Co-Enzyme Q10, dầu lanh, nhân sâm…

Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu, chấn thương, ngã, tai nạn, đặc biệt là tai nạn ở vùng đầu. Lập tức đi khám ngay khi bị chấn thương, đặc biệt là tai nạn vùng đầu, và thông báo với nhân viên y tế bạn có dùng thuốc chống đông.

Cần đi khám ngay nếu có các dấu hiệu: Chảy máu kéo dài hơn 10 phút mới cầm; chảy máu chân răng; bầm tím dưới da thường xuyên; chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và nhiều hơn bình thường; chảy máu mũi; đi đại tiện phân đen sệt hoặc lẫn máu; nôn ra máu; nước tiểu có máu, màu đỏ, nâu hoặc hồng; chóng mặt; rất mệt mỏi; yếu người; đau đầu nghiêm trọng.

Bệnh nhân nữ nên dùng biện pháp tránh thai khi đang sử dụng thuốc. Không nên có thai hoặc cho con bú khi đang dùng thuốc chống đông. Nếu muốn có thai, cần phải trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ.

Chế độ ăn uống

- Không uống nhiều rượu bia [tối đa 2 cốc/ngày]. Báo với bác sĩ nếu bạn hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc lá.

- Nên ăn ở mức độ vừa phải thực phẩm chứa nhiều vitamin K bởi vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông. Cần duy trì ổn định lượng vitamin K ăn vào mỗi ngày để đảm bảo ổn định tác dụng của thuốc.

- Tránh thực phẩm giàu vitamin K.

Thực phẩm giàu vitamin K gồm:

+ Trái bơ, sữa đậu nành, nhân sâm,…

+ Các loại rau xanh, củ quả có nhiều màu xanh: Rau dền, cải lá xoăn, rau bó xôi, rau xà lách xanh, ngò tây, rau diếp, rau muống, rau lang, măng tây, cải thảo, súp lơ xanh, đậu bắp, đậu Hà Lan,…

+ Gia vị, rau thơm: Kinh giới, bạc hà, húng tây, húng quế, cần tây, rau mùi./.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Video liên quan

Chủ Đề