Sự góp mặt của những người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc



Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, bà Trưng bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử lại ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc. Phụ nữ không chỉ chiến đấu anh hùng mà đã lao động cần cù, gian khó để vượt lên cảnh đói nghèo và lạc hậu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp và đàng hoàng hơn. Chính vì thế mà Đảng, Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới đất nước, đó không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam.

Phát huy truyền thống đó, trong thời đại mới, người phụ nữ ngoài việc thực hiện thiên chức, vai trò, nhiệm vụ của mình, còn không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hoá, hoàn thiện về tri thức, có kỹ năng sống và khả năng biết tính toán, dự liệu, thông minh, linh hoạt, có sức khoẻ tốt để tiếp cận, nắm bắt kịp thời kiến thức khoa học để phục vụ công tác. Nhiều phụ nữ tham gia các hoạt xã hội hơn cả nam giới và họ đã mạnh dạn ứng cử, xung phong làm những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Họ đã thật sự thoát khỏi những định kiến, lễ giáo cổ hủ, hà khắc để vươn lên sống tốt hơn và có nhiều đóng góp hơn cho gia đình và xã hội. Điều đó chứng minh, khi xã hội có bình đẳng giới, nhận thức và vai trò của phụ nữ đã thay đổi hoàn toàn. Họ không ngừng nghiên cứu, trau dồi khả năng và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao trong mọi lĩnh vực.

Hiện nay, những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã phần nào hỗ trợ người phụ nữ trong công việc nội trợ, giảm bớt sức lao động của người phụ nữ trong gia đình. Song, phụ nữ vẫn là người làm chính công việc nhà, từ việc bếp núc tới việc dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Cộng với thời gian làm việc ngoài xã hội, quỹ thời gian dành cho việc hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, việc học tập nâng cao trình độ kiến thức của phụ nữ là rất hiếm hoi, thậm chí ở một số đối tượng phụ nữ như công nhân, buôn bán, quỹ thời gian này gần như không có. Bên cạnh đó, nguy cơ bạo lực gia đình đang là mối đe dọa cho một số không nhỏ phụ nữ. Trong khi đó, ở đâu bạo lực gia đình xuất hiện, ở đó đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ bị tổn thương.

Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ CNH, HĐH, người phụ nữ đã và đang thực hiện hài hòa hai vai: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình.Vì cuộc sống hối hả, nền kinh tế bắt đầu ăn sâu vào mỗi cuộc sống gia đình, nếu như người phụ nữ không biết cách sắp xếp, sao nhãng dần những trách nhiệm vốn thuộc về mình như chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái, thì dần dần sẽ có khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Người phụ nữ hiện đại cần biết cách cân bằng trách nhiệm gia đình với việc tham gia các hoạt động kinh tế ngoài xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới trong quan niệm về sự “đảm đang” của người phụ nữ, không nên bó hẹp trong “khuôn khổ” của gia đình. Người phụ nữ hôm nay có tri thức nhiều hơn, được độc lập về kinh tế nhiều hơn và đồng thời cũng biết cách tạo ảnh hưởng của bản thân đối với các thành viên trong gia đình rõ nét hơn. Và hơn hết, người phụ nữ hiện đại cần biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình; là người biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn. Cũng chính nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo mà người phụ nữ có thể làm tốt hơn những thiên chức của mình như nuôi dưỡng, giáo dục con cái, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau.

Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời nó còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động… Chính nhờ Đảng có sự lựa chọn đường lối đúng đắn cho sự phát triển của đất nước mà vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là những bước khởi đầu thuận lợi. Hiện thời chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm của con người trong xã hội, kể cả nam giới và nữ giới. Không chỉ có nam giới chưa nhận thức hoặc có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng hiểu biết mơ hồ từ đó có những thái độ lệch lạc và không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình.

Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành nhà lãnh đạo, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động. Trong nhiều lĩnh vực, sự có mặt của người phụ nữ là không thể thiếu như ngành dệt, may mặc, du lịch, công nghệ, dịch vụ… Quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ [CEDAW]. Đặc biệt, hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được thành lập ở hầu hết các bộ, ngành và toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mạng lưới cán bộ tư vấn về giới hoạt động hiệu quả, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường bằng Luật Bình đẳng giới.

Người phụ nữ hôm nay luôn đóng một vai trò quan trọng không những trong đời sống gia đình mà còn trong đời sống xã hội.Họ là cở sở cho một cuộc sống bền vững và hạnh phúc. Với những đóng góp và sự dâng hiến của mình, vai trò của người phụ nữ ngày càng có một vị trí, vai trò thiết yếu và không ai có thể thay thế. Để người phụ nữ đảm đương được vai trò của mình, đồng thời phát huy được hết khả năng bản thân để phát triển trong thời hiện đại, yếu tố tự thân của mỗi phụ nữ là rất quan trọng. Chỉ khi nào tính tích cực, chủ động của người phụ nữ được khơi dậy, phụ nữ mới vừa có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc.

Đại úy Nguyễn Đức Dương Trường Sỹ quan Lục quân 1

.

Cập nhật lúc: 05:39, 08/04/2021 [GMT+7]

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam ở thế kỷ XX, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trên các mặt trận ngoại giao và trên chiến trường. Với tinh thần cách mạng, ý chí sắt đá, đầu óc khôn ngoan, linh hoạt, họ đã có những tác động tích cực, tranh thủ được sự ủng hộ của những lực lượng tiến bộ, những người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên khắp thế giới, đồng thời tham gia chiến đấu dũng cảm, kiên cường, trực tiếp đối mặt với kẻ thù ngoài chiến trường, góp phần vào thắng lợi chung của Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

Nguyễn Thị Minh Khai - Nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn đầu tiên

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910 tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh - Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước lại được theo học quốc ngữ từ nhỏ, năm 16 tuổi chị đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1927 chị gia nhập Đảng Tân Việt, lấy bí danh là Minh Khai. Sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, tổ chức huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng, làm nòng cốt cho cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Từ 1930 đến 1935, chị được tổ chức đưa ra nước ngoài học tập và hoạt động trong tổ chức Quốc tế Cộng sản và tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 ở Mát-xcơ-va, chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên phát biểu tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hòa bình. Năm 1937 chị trở về nước và được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, lãnh đạo các cơ sở cách mạng và Nhân dân đấu tranh. Năm 1940, giữa lúc phong trào đang phát triển mạnh mẽ thì chị bị địch bắt giam tù đày tra tấn rất dã man và bị chúng kết án tử hình nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của một chiến sĩ cộng sản. Chị hy sinh lúc mới 31 tuổi nhưng tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của chị vẫn mãi được Nhân dân tưởng nhớ và lịch sử khắc ghi.

Bà Nguyễn Thị Bình và bà Nguyễn Thị Định

Nguyễn Thị Bình - Sứ giả hòa bình của Việt Nam

Bà vốn quê ở Quảng Nam nhưng được sinh ra [năm 1927] tại Sa Đéc - Đồng Tháp. Bà tham gia phong trào đấu tranh cách mạng từ 1945 và trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào Phụ nữ cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn, phong trào học sinh sinh viên, phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình của giới trí thức ở miền Nam. Bà đã từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam [1960]; Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Trưởng phái đoàn đàm phán tại Hội nghị quốc tế Paris về Việt Nam, kí kết Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nước CHXHCN Việt Nam [1976-1987], Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam [1992].Vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng với bản tính thông minh, duyên dáng, lại có tài thuyết phục, Nguyễn Thị Bình rất thành công trong hoạt động ngoại giao. Khi tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia và bạn bè quốc tế, bà đã để lại ấn tượng tốt đẹp cũng như tuyên truyền, vận động được nhiều nước trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi hòa bình giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam. Với vai trò là “sứ giả hòa bình”, bà đã có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Nguyễn Thị Định - Nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Nguyễn Thị Định [1920 - 1992] được sinh ra trên vùng quê Lương Hòa - Giồng Trôm - Bến Tre trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và cách mạng. Tuổi ấu thơ, gia đình đông anh em lại phải sống trong xã hội thực dân phong kiến, bà không có điều kiện cắp sách đến trường, tuy không được học nhiều nhưng bà lại rất thông minh, nhạy cảm và lắm mưu trí, thích đọc sách và ham hiểu biết. Nguyễn Thị Định đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm [năm 16 tuổi]. Năm 1938 bà đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Chồng hi sinh khi tuổi đời còn trẻ, con nhỏ, nhưng với ý chí kiên cường và lòng căm thù giặc sâu sắc bà đã thoát li hoạt động cách mạng, nhiều lần bị địch bắt bớ tù đày nhưng chúng không khuất phục được bà. Nguyễn Thị Định là người được chọn làm thuyền trưởng đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến sự ở Nam Bộ và xin vũ khí chi viện, từ đó khởi đầu cho “con đường Hồ Chí Minh trên biển”. Sau đó bà là người chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, cũng như tham gia chỉ huy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, bà đã lãnh đạo đội quân tóc dài lập nên nhiều chiến công lừng lẫy, làm giặc nhiều phen lao đao, lúng túng, góp phần đưa phong trào cách mạng Việt Nam chuyển từ thế phòng ngự, sang thế tấn công dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, bà đã từng đảm nhận các chức vụ: Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam... bà đã được Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức quốc tế tặng thưởng nhiều huân chương và giải thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, giải thưởng hòa bình quốc tế Lê-nin, Huân chương Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới. Lúc sinh thời, bà đã từng được Bác Hồ khen ngợi: “Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân là nữ như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam và cho cả dân tộc ta”.

Ngoài các gương tiêu biểu nói trên, ở Việt Nam còn hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị là chiến sĩ, liệt sĩ anh hùng khác đã không tiếc máu xương, chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã phát huy truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, góp phần tô thắm trang sử vàng vẻ vang của dân tộc.

Ngô Bá Thành - Người phụ nữ của thiên niên kỷ 

Bà tên thật là Phạm Thị Thanh Vân [Ngô Bá Thành là tên người chồng quá cố của bà]. Bà là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đỗ thủ khoa Tiến sĩ Luật học ở Pháp - Mĩ - Tây Ban Nha và đã được Trung tâm Tiểu sử quốc tế bầu chọn là người phụ nữ của thiên niên kỷ - người phụ nữ Đông Dương vô địch tốc kí tại Pháp. Với tài năng kiệt xuất, được mời vào làm việc cho Ban Luật quốc tế và Viện Đại học quốc tế nhưng bà đã từ chối và trở về Sài Gòn làm việc để tham gia phong trào đấu tranh đòi hòa bình, đòi quyền sống cho Nhân dân, cho dân tộc. Trong thời kì chiến tranh Nam Bắc, bà là đại diện tiêu biểu của thành phần thứ 3. Trong quá trình hoạt động, bà đã nhiều lần bị chính quyền Sài Gòn cầm tù và chịu thiệt thòi về cuộc sống gia đình nhưng bà vẫn kiên cường đấu tranh hi sinh cho sự nghiệp, cho lẽ phải. Bà đã từng là Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội các khóa 6, 7, 8, 10; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 1998, bà đã được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ [American Biographical Institule - ABI] chọn là “Người phụ nữ của năm 1998” vì những cống hiến to lớn cho xã hội và nghề nghiệp. Cùng năm đó, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Anh [International Biographical Centre - IBC] chọn bà là “Người phụ nữ thiên niên kỷ”, đồng thời được nhận vinh dự là “Người phụ nữ châu Á đầu tiên giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Tiểu sử quốc tế đầu tiên khu vực châu Á”.

ĐOÀN BÍCH NGỌ

Video liên quan

Chủ Đề