So sánh tin học và công nghệ thông tin

Toán Tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin và Công nghệ thông tin

Ngành đào tạo Toán Tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin và Hệ thống thông tin quản lý khác gì nhau?
Đối với đa số mọi người những ngành này về cơ bản là giống nhau, ngoại trừ việc Toán Tin có vẻ được đào tạo kiến thức Toán bài bản hơn. Thực tế, thì cả năm định hướng này ở trình độ đại học đều gắn liền với máy tính. Tuy nhiên, mỗi ngành có một số đặc điểm khác biệt và có thể dẫn đến định hướng nghề nghiệp khác nhau.

Toán Tin

Toán Tin, ngay ở cái tên của nó đã nói lên tất cả là một ngành khoa học liên ngành giữa Toán và Tin học. Toán học có thể xem là môn khoa học tự nhiên cổ xưa nhất của loài người và là cốt lõi của tất cả các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ khác bao gồm cả Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Tin học hay Công nghệ thông tin.
Tin học quan tâm đến khía cạnh thông tin trong máy tính. Các bạn hẳn đã biết các chức năng cơ bản của máy tính và hệ thống máy tính đó là thu thập, lưu trữ, và xử lý thông tin. Vì thế tin học nghiên cứu về các chức năng của máy tính, các nguyên lý cơ bản, phương pháp thực hiện cũng như cách thức sử dụng các công cụ lập trình, phần mềm, phần cứng liên quan.
Toán trong Toán Tin vì thế cũng đặc biệt quan tâm đến những nguyên lý cơ bản đằng sau thuật toán, cách thức xử lý thông tin, hoặc sử dụng máy tính, phần mềm như công cụ để giải quyết các bài toán tính toán cụ thể, ví dụ như các môn học giải tích, đại số, toán rời rạc, độ phức tạp tính toán, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, xác suất thống kê, tối ưu, phương pháp số, tính toán song song và tính toán hiệu năng cao, ...
Toán Tin sử dụng máy tính và tính toán để giải quyết các bài toán lớn như tính riêng tư, bảo mật, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chống đói nghèo và biến đổi khí hậu. Tất cả những ứng dụng đều dựa trên nền tảng máy tính. Toán Tin khác với kỹ thuật máy tính hay khoa học máy tính ở chỗ nó là nền tảng cũng như tập trung mạnh vào con người với sức mạnh của tính toán, của máy tính nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể. Sau đây là một số ứng dụng cụ thể.
Sinh học và chăm sóc sức khỏe: Phân tích chuỗi gene người, phát triển các ứng dụng trên cơ sở dữ liệu về kỹ thuật sinh học cũng như dược phẩm, hỗ trợ chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, tìm ra các phương thuốc hiệu quả hơn cho từng bệnh nhân, theo dõi sự lây lan của bệnh dịch cũng như đề ra cách giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh dịch.
Tương tác người - máy: phát triển các lý thuyết cũng như phương pháp để cải thiện khả năng tương tác giữa người và máy tính, nghiên cứu về trí thông minh của người để cải thiện trí thông minh của máy, thiết kế các giao diện, thiết bị cố định cũng như di động để cải thiện trải nghiệm người dùng, tăng cường khả năng của con người thông qua trí tuệ nhân tạo và robotic.
Đồ họa máy tính: Hiển thị dữ liệu khoa học để con người có thể hiểu được, tạo các hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 2D cũng như 3D, sử dụng các phương tiện số để giải quyết các vấn đề về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như giải trí, xây dựng các môi trường mô phỏng cũng như thực tại ảo, tạo ra các trang web tương tác cho kinh doanh, giáo dục và y tế, thiết kế các nền tảng giành cho giáo dục và đào tạo online, lập trình games.
Kinh doanh: phát triển các công cụ phân tích dữ liệu, hỗ trợ kinh doanh thông mình, thiết kế các hệ hỗ trợ quyết định để hỗ trợ các cấp quản lý, tạo ra các phần mềm tự động hóa kho hàng và xí nghiệp, tích hợp công nghệ máy tính hiện đại vào các quá trình kinh doanh sống còn, cung cấp các công cụ để quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, định hướng các đổi mới sáng tạo trong kinh doanh để tăng cường khả năng cạnh tranh
Sinh viên Toán Tin ngoài các kiến thức căn bản về Toán, chú trọng vào cơ sở Toán cho Tin học và Toán học tính toán, được trang bị các kiến thức về ngôn ngữ lập trình, điều tra, khảo sát, phân tích, thiết kế, phát triển, cài đặt, bảo trì, vận hành hệ thống phần mềm, hệ thống máy tính và hệ thống thông tin nói chung, các kiến thức về hệ điều hành, kiến trúc máy tính, hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu, ngoài ra còn có các công nghệ xử lý dữ liệu và thông tin hiện đại như trí tuệ nhân tạo, máy học, kho dữ liệu, kinh doanh thông minh, hệ chuyên gia, hệ hỗ trợ quyết định ...
Nghề nghiệp trong lĩnh vực Toán Tin
Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Toán Tin làm các công việc liên quan đến các lĩnh vực của máy tính như Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính hay Công nghệ thông tin. Một số thì tham gia vào các ngành khác như công nghiệp, tài chính, ngân hàng với các kiến thức về Toán ứng dụng của mình. Một số không nhiều thì tiếp tục với công việc giảng dạy hay nghiên cứu về Toán.
Toán Tin là một ngành có nhu cầu về nhân lực rất cao, ở mọi lĩnh vực của ngành kinh tế như Công nghiệp, Ngân hàng - tài chính, Y tế, Hành chính công, ... Với vốn kiến thức chắc chắn và đa dạng trong cả hai lĩnh vực Toán và Tin học, sinh viên Toán Tin tùy theo định hướng chuyên sâu của mình có rất nhiều cơ hội trong các lĩnh vực nghề nghiệp như:

  • Giảng dạy, nghiên cứu
  • Phát triển phần mềm ứng dụng, lập trình web, lập trình mobile, lập trình games, ...
  • Kỹ sư hệ thống: phát triển hệ điều hành, phát triển hệ thống
  • Bảo mật và an toàn an ninh thông tin
  • Phân tích dữ liệu và dữ liệu kinh doanh
  • Kiến trúc kinh doanh thông minh
  • Phát triển cơ sở dữ liệu
  • Phụ trách dự án công nghệ thông tin

Khoa học máy tính

Khoa học máy tính, trước hết là một ngành khoa học, ngành này tập trung vào khía cạnh lý thuyết của các ứng dụng tính toán, có nghĩa là nó tập trung trả lời các câu hỏi phía sau của các chương trình máy tính. Sử dụng thuật toán và kiến thức toán cao cấp, khoa học máy tính tìm hiểu cách thức để thao tác và chuyển hóa thông tin. Về khía cạnh này, Khoa học máy tính khá giống với Tin học, nó thường quan tâm đến phần mềm, hệ điều hành và các cài đặt.
Cũng như chuyên ngành Tin học, sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính sẽ học cơ bản về các ngôn ngữ lập trình, toán rời rạc, đại số tuyến tính, thiết kế và phát triển phần mềm. Cao hơn, họ có thể học về bản thân máy tính và hiểu về cách thức các loại máy tính khác nhau xử lý các thông tin.
Một cách đơn giản, người làm khoa học máy tính tìm cách nói chuyện với máy tính. Việc này được thực hiện thông qua toán học, ngôn ngữ của máy tính. Họ lập ra các chương trình hay hệ điều hành để định hướng máy tính thực hiện những công việc cụ thể cần thiết.
Nghề nghiệp trong lĩnh vực Khoa học máy tính
Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính trở thành người phát triển phần mềm, hay lập trình Web, một số tiếp tục lên các bậc học cao hơn và có thể tham gia nghiên cứu hay làm việc trong những lĩnh vực cao cấp, đòi hỏi nhiều kiến thức toán nền tảng như máy học hay trí tuệ nhân tạo.
Khoa học máy tính là một ngành phát triển rất nhanh, tương ứng với nhu cầu đội ngữ không ngừng tăng trưởng. Các bạn cũng có thể nghĩ đến những ngành nghề trong lĩnh vực này như:
Phát triển phần mềm ứng dụng, lập trình web, lập trình mobile, lập trình games, ...
Kỹ sư hệ thống: phát triển hệ điều hành, phát triển hệ thống
Bảo mật, an toàn và an ninh thông tin
Thiết kế hệ thống dữ liệu

Kỹ thuật máy tính

Kỹ thuật máy tính như tên gọi của nó, quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh máy móc của máy tính. Một cách đơn giản, kỹ thuật máy tính làm cho các phần của máy tính làm việc với nhau. Người làm kỹ thuật máy tính chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế và phát triển các thiết bị liên quan đến máy tính như bo mạch, vi xử lý, router, card màn hình, ... Các chuyên ngành khá gần với lĩnh vực này có thể kể ra như Kỹ thuật điện tử hoặc kỹ thuật điện - điện tử.
Về cơ bản thì kỹ thuật máy tính quan tâm đến phần cứng hoặc tích hợp giữa phần cứng và phần mềm. Họ quan tâm đến thiết kế và tạo ra các bộ vi xử lý, phần cứng mà các phần mềm do bên Toán Tin và Khoa học máy tính viết ra. Họ tạo ra các công nghệ hiện đại, các thiết bị ngày càng nhỏ hơn, các bộ vi xử lý ngày càng hiệu quả và kinh tế hơn.
Kỹ thuật máy tính chia sẻ các khái niệm cơ bản với khoa học máy tính, kỹ thuật và máy tính. Bằng cách kết hợp những lĩnh vực này, ngành kỹ thuật máy tính giải quyết các vấn đề về phần cứng, tạo ra các cỗ máy state-of-the-arts [công nghệ tiên tiến] có thể thực hiện nhiều tác vụ khác nhau.
Nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính
Lĩnh vực kỹ thuật máy tính có nhiều công việc phục vụ trong mọi lĩnh vực công nghiệp cần đến máy tính. Một số lĩnh vực đặc trưng của ngành kỹ thuật máy tính có thể kể ra:

  • Công việc trong chính phủ
  • Ngành sản xuất máy tính và điện tử
  • Thiết kế máy tính và các lĩnh vực liên quan

Công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin muốn nói đến những người sử dụng công nghệ [khác với kỹ thuật máy tính là tạo ra công nghệ phần cứng, khoa học máy tính là tạo ra công nghệ phần mềm, và toán tin là thiết lập cơ sở nền tảng và đóng góp trọng yếu vào việc tạo ra công nghệ]. Người làm công nghệ thông tin ứng dụng các hệ điều hành đã có, phần mềm và ứng dụng được phối hợp với nhau, có thể tạo ra các hệ thống lớn hơn để giải quyết các bài toán cụ thể. Người làm công nghệ thông tin cũng có thể xây dựng hệ thống mạng từ các khối cơ bản, ví dụ như hệ thống đặt hàng tự động.
Các sinh viên Công nghệ thông tin thông thường được trang bị các kiến thức về mạng, về cơ sở dữ liệu khá sâu, ngoài ra họ được trang bị các lý thuyế cơ bản về khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và toán ứng dụng.
Nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin
Lĩnh vực Công nghệ thông tin phát triển khá nhanh thời gian qua, vì thế nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này tăng trưởng ở mức khá trong thời gian qua. Một số nghề nghiệp đặc trưng có thể kể ra.

  • Phân tích độ an toàn thông tin hệ thống: chịu trách nhiệm phân tích và phòng chống các mối nguy an ninh.
  • Kiến trúc hệ thống và kiến trúc mạng
  • Hỗ trợ kỹ thuật máy tính
  • Quản trị cơ sở dữ liệu
  • Quản trị hệ thống
  • Phương tiện số: sử dụng các phương tiện số trong tiếp thị, hỗ trợ giáo dục và đào tạo
  • Quản trị và phân tích tài nguyên doanh nghiệp

Toán Tin khác gì so với Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin

Về cơ bản, để có một công việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, bạn không nhất thiết phải có bằng về Khoa học máy tính và/hoặc Kỹ thuật máy tính, mặc dù việc có bằng trong hai lĩnh vực này là cơ để bạn có một vị trí công việc tốt trong lĩnh vực CNTT. Tuy thế, việc có bằng cấp về Công nghệ thông tin nhiều khi là không đầy đủ, đặc biệt trong trường hợp các kiến thức nền tảng về Khoa học máy tính hay Kỹ thuật máy tính là không đầy đủ, để bạn có một vị trí trong hai lĩnh vực này. Về cơ bản, nghề nghiệp Công nghệ thông tin thường trong môi trường kinh doanh với các hệ thống mạng, hệ thống máy tính, cơ sở dữ liệu và có thể cả lập trình. Trong khi đó, môi trường cho ngành Khoa học máy tính hay Kỹ thuật máy tính là rộng hơn khá nhiều, trải từ các cơ quan chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu đến các công ty kinh doanh, hay chuyên về lập trình, hệ thống hay dữ liệu. Người có bằng Khoa học máy tính, với lượng kiến thức trang bị thêm phù hợp hoàn toàn có thể làm việc trong lĩnh vực Kỹ thuật máy tính và ngược lại.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với ngành Toán Tin và các định hướng còn lại, khi Toán Tin có thể xem là hàm chứa những kiến thức cốt lõi của Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính. Người học Toán Tin hoàn toàn có thể có sự nghiệp tốt trong hai lĩnh vực này cũng như lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Hệ thống thông tin quản lý

Việc sử dụng rộng rãi máy tính cũng như công nghệ thông tin đưa đến cho doanh nghiệp những khả năng cạnh tranh vượt trội cũng như các cơ quan hành chính công hoặc các cơ quan phi lợi nhuận phục vụ mọi người được tốt hơn. Hệ thống thông tin quản lý trên cơ sở máy tính trở thành yếu tố then chốt trong hầu hết các tổ chức, và chiến lược phát triển hệ thống thông tin cũng được tích hợp chặt chẽ vào chiến lược phát triển của tổ chức.
Hệ thống thông tin quản lý là một ngành chứng kiến sự phát triển mạnh trong khoảng 50 năm qua song hành với nhu cầu tăng trưởng không ngừng của các tổ chức trong việc sử dụng công nghệ thông tin để vận hành các quá trình sản xuất, hỗ trợ quyết định, lên chiến lược cạnh tranh.
Hệ thống thông tin là thuật ngữ dùng để chỉ các hệ thống, con người, và quá trình được sử dụng để tạo ra, lưu trữ, thao tác và phát tán thông tin. Hệ thống thông tin quản lý là muốn nói đến các hệ thống thông tin được sử dụng trong quản lý, vận hành các tổ chức kinh doanh. Lĩnh vưc Hệ thống thông tin quản lý giống như cầu nối giữa kinh doanh với Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Hệ thống thông tin.
Trong trường đại học, Hệ thống thông tin quản lý bao gồm nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát triển, xây dựng, cài đặt, triển khai các hạ tầng cũng như hệ thống thông tin được sử dụng trong tổ chức cho mục đích quản lý [phát triển hệ thống] và thu nhận, cài đặt, quản lý các tài nguyên và dịch vụ công nghệ thông tin [chức năng của hệ thống thông tin]. Sinh viện được trang bị các kiến thức về Công nghệ thông tin, Khoa học quản lý, Kinh tế, Quản trị, ...
Chuyên gia hệ thống thông tin quản lý chịu trách nhiệm về phát triển, cài đặt và quản trị hạ tầng công nghệ thông tin [máy tính và truyền thông], dữ liệu [cả ngoài và trong] và các hệ thống trên toàn doanh nghiệp, theo dõi các công nghệ mới để tích hợp vào chiến lược và kế hoạch của tổ chức, hỗ trợ các cá nhân và các bộ phận về hệ thống công nghệ thông tin. Một số nhiệm vụ đặc thù có thể kể ra như.
Kiến trúc kinh doanh thông minh: đưa ra các chuẩn và các định hướng cho việc định nghĩa, chỉ đạo, xây dựng, tăng cường và tiến hóa của các nền tảng công nghệ thông tin đưa đến sự phát triển của công việc kinh doanh.
Phân tích quá trình kinh doanh: cung cấp hệ thống hỗ trợ quá trình phân tích, nhận định các cơ hội, nguy cơ, thước đo cho hiệu năng cũng như sự thay đổi của tổ chức, doanh nghiệp.
Nghề nghiệp trong lĩnh vực Hệ thống thông tin quản lý
Các công việc trong lĩnh vực Hệ thống thông tin quản lý trải dài trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, lập trình, phân tích dữ liệu, truyền thông, bảo mật máy tính, ... Sau đây là một số ví dụ cụ thể.
Chăm sóc sức khỏe: xây dựng các hệ thống thông tin liên quan đến y tế, dựa trên phân tích nhu cầu của bác sĩ, y tá, người bệnh và các tổ chức chăm sóc sức khỏe, xây dựng các mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho phép các bác sĩ và y tá chia sẻ kiến thức cũng như thực hành, xây dựng các hệ thống khuyến nghị, theo dõi cũng như chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, tạo ra các hồ sơ chính xác và có thể cung cấp tức thời về sức khỏe của bệnh nhân, nhận diện phương pháp chữa bệnh tốt nhất dựa trên mạng lưới thông tin y tế.
Kinh doanh: phát triển các công cụ để thu thập và phân tích dữ liệu kinh doanh, thiết kế các hệ hỗ trợ quyết định để hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp, tạo ra các công cụ phần mềm tự động hóa kho hàng và xí nghiệp
Cộng đồng: xây dựng hệ thống thông tin địa lý hỗ trợ công tác quy hoạch, sử dụng công nghệ hỗ trợ cho quá trình bầu cử, xây dựng hệ thống thành phố thông minh, cung cấp hệ thống mạng xã hội tăng cường kết nối cộng đồng.
Hệ thống thông tin quản lý khác gì so với Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin

Về cơ bản, hệ thống thông tin quản lý không đòi hỏi nhiều kiến thức Toán nền tảng chư Khoa học máy tính hay Kỹ thuật máy tính. Hệ thống thông tin quản lý tập trung vào nhiệm vụ và mục tiêu của tổ chức cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào các mục tiêu xa hơn của tổ chức. Về cơ bản thì Khoa học máy tính hay Kỹ thuật máy tính đòi hỏi nền tảng kiến thức Toán nhiều hơn so với Hệ thống thông tin quản lý. Hệ thống thông tin quản lý là ứng dụng Công nghệ thông tin cụ thể trong việc thiết lập các hệ thống trên nền tảng máy tính dùng cho công tác quản lý. Sinh viên chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý được trang bị thêm các kiến thức cơ bản về quản trị, kinh doanh.
Tổng kết

Tổng kết lại, một cách đơn giản hóa, kỹ thuật máy tính thiết kế và xây dựng máy tính, khoa học máy tính thiết kế và phát triển các thuật toán, phần mềm, và ứng dụng trên máy tính, toán tin nghiên cứu về các nền tảng, cốt lõi của hai lĩnh vực này. Công nghẹ thông tin là hướng tới khía cạnh ứng dụng của Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính. Còn Hệ thống thông tin quản lý là ứng dụng cụ thể của Công nghệ thông tin trong các hệ thống trên nền tảng máy tính sử dụng trong kinh doanh.
Nguồn: Viện toán ứng dụng và tin học đại học bách khoa hà nội.
LamTung 25-03-2019

Video liên quan

Chủ Đề