Phương pháp học tập Môn Tin học 6

Cùng sự phát triển về công nghệ thông tin thì yêu cầu đòi hỏi đối với con người ngày càng cao. Trong thời đại “công nghiệp 4.0” thì kiến thức tin học vô cùng quan trọng, máy móc đã được sử dụng để thay thế cho con người ở nhiều lĩnh vực, điều đó đem lại sự kinh tế, tiết kiệm thời gian, nhân lực và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Tin học là một môn học sơ khai để bạn có thể “gia nhập” vào nền công nghiệp 4.0 này. Nhưng lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng tin học là môn phụ, không quan trọng, chỉ cần giỏi các môn toán, lý, hóa, văn, anh là được. Thậm chí, nhiều phụ huynh và học sinh đều cho rằng đó là những trò chơi, những thú vui vô bổ, lạm dụng nó lại dẫn đến việc lơ là học tập của con em. Do đó, trước tiên cần phải có cái nhìn đúng về môn học này.

Tin học là một môn học cơ bản có tính đặc thù riêng, là sự kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và thực hành. Bạn phải vừa nắm chắc lý thuyết, đồng thời phải áp dụng những lý thuyết đã học được để thao tác trên máy tính, chuyển từ tư duy, ý tưởng thành những sản phẩm tin học.. Học tốt môn tin học sẽ đem lại cho bạn hành trang vững chắc, là nền tảng cơ bản để học tốt những môn học còn lại. Dưới đây gia sư tin học chia sẽ một số cách giúp bạn học tốt môn tin học, các bạn cùng tham khảo nhé.

Nắm chắc những kiến thức cơ bản

Có bao giờ bạn xem thường hay chủ quan những kiến thức mà giáo viên, tài liệu tin học cung cấp cho bạn, xem những điều đó là đơn giản, không cần phải học không? Bạn đang phạm phải một sai lầm mà nhiều người mắc phải. Muốn học tốt tin học bạn phải bắt đầu từ những kiến thức cơ bản, có như vậy bạn mới nắm chắc bản chất môn tin học, từ đó mới có thể đi vào những kiến thức chuyên sâu. Tri thức nhân loại đều bắt đầu từ sơ khai đến phức tạp, từ thực tế đến trừu tượng, từ căn bản đến nâng cao và chuyên sâu. Do vậy, khi tiếp xúc với môn học này, bạn phải nắm bắt được những điều cơ bản nhất như nguyên lý hoạt động của máy tính, cách thức hoạt động của các hệ điều hành, tác dụng của từng loại phần mềm, ứng dụng,…Học cái dễ trước, cái khó sau, cái sau phải vận dụng cái trước, không nên đốt cháy giai đoạn. Có như vậy, bạn sẽ học đến đâu, hiểu đến đó, sẽ thúc đẩy tính tò mò, ham học hỏi của bạn và giúp bạn có sự đam mê, hứng thú cần thiết để học tin học.

Học đi đôi với hành

Dù môn học nào cũng vậy, nếu bạn học xong nhưng không thể áp dụng nó vào một công việc hay một lĩnh vực nào đấy, kiến thức đó sẽ dần mai một và trôi vào quên lãng. Để những kiến thức tin học được ghi nhớ lâu dài và trở thành kỹ năng, kỹ xảo thì khi được học xong một số nội dung nào đó, bạn phải thao tác nó trên máy tính để tạo “điểm nhấn”. Nếu bạn được thực hành nhiều lần thì kiến thức sẽ được ghi nhớ vào bộ não, lâu dần sẽ trở thành kỹ năng của bạn, khi bạn gặp những vấn đề, những bài tập tương tự thì tự động bạn sẽ xử lý dễ dàng mà không cần phải mất thời gian tìm tòi lại tài liệu. Vậy nên, bạn phải trang bị tốt kiến thức, phát triển tư duy, kết hợp với rèn luyện kỹ năng thực hành là điều cốt lõi để học tập tốt môn học này.

Có thái độ tích cực, ham học hỏi

Đừng ngại ngùng hoặc dấu dốt vì bạn không học giỏi môn học này, ai cũng có điểm mạnh và điểm hạn chế của bản thân. Chỉ có thái độ tự ti, ngại học hỏi, ngại tìm hiểu, lười suy nghĩ mới khiến bạn ngày càng tụt hậu, thua xa bạn bè. Hãy xây dựng thái độ tích cực cho bản thân, xác định động cơ học tập đúng đắn, tạo một khí thế sôi nổi khi học bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như: rủ bạn bè học nhóm để tăng hứng khởi và có sự truy trao, cạnh tranh với nhau; kết hợp giữa học và chơi như chơi trò chơi về giải đố các câu hỏi liên quan đến nội dung học.

Đầu tư thời gian và công sức

Ông cha ta có câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Mọi thành công đều phải bỏ công sức ra mới đạt được, chứ không đơn giản là vì do năng khiếu, năng khiếu chỉ quyết định một phần rất nhỏ còn sự cần cù, chịu khó tìm hiểu, thái độ tích cực, tinh thần ham học hỏi mới quyết định đến khả năng học tốt môn tin học. Giáo viên truyền đạt cho bạn nhiều kiến thức cơ bản, quan trọng, ngoài ra bạn cũng nên tham khảo, đọc nhiều tài liệu tin học, nghiên cứu trên mạng, thư viện, học hỏi ở bạn bè,… thì bạn mới có thể học được lượng kiến thức lớn hơn. Tóm lại, bạn phải đầu tư thời gian vào việc học lý thuyết, rèn luyện thói quen tư duy, thực hành thao tác nhiều trên máy tính thì mới có thể học tốt được môn học này.

Trên đây là một số cách để bạn có thể học tốt môn tin học, tin rằng với sự cố gắng nổ lực ham học hỏi của bản thân bạn cộng với một người thầy, cô truyền cho bạn kiến thức và sự hứng thú, đam mê và không thể thiếu một cái máy tính tốt sẽ giúp bạn đạt được thành công.

Môn Tin học lần đầu tiên trở thành môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 6. Thầy Đặng Xuân Đích – Giáo viên môn Tin học tại hệ thống giáo dục HOCMAI đã giúp các bạn tiếp cận bài học đầu tiên về thông tin và tin học một cách hấp dẫn và lý thú.

Phụ huynh và học sinh xem lại bài giảng của thầy Đích tại:

Trong chương trình Tin học lớp 6, học sinh sẽ được học về thông tin và dữ liệu; cách biểu diễn thông tin như thế nào trong máy tính; hoạt động thông tin của máy tính và con người diễn ra như thế nào; tiếp cận với các phần mềm, ứng dụng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và các vấn đề liên quan đến đạo đức khi sử dụng mạng xã hội… Vậy, nội dung cốt lõi đầu tiên học sinh cần nắm được chính là định nghĩa thông tin là gì?

KHÁI NIỆM VỀ THÔNG TIN

Thông tin là tất cả những gì đem lại sự hiểu biết về thế giới xung quanh [sự vật sự việc …] và về chính con người. Vật mang tin là những sự vật hiện tượng có hàm chứa thông tin. Thông tin thường được lưu trữ dưới dạng sách báo, tạp chí… hay được lưu trữ tại các thiết bị lưu trữ thông tin như băng đĩa nhạc, internet, máy tính. 

Ví dụ minh họa thực tiễn:

Bạn A đi đến ngã tư thấy đèn đỏ thì dừng lại.

MÔ HÌNH QUÁ TRÌNH XỬ LÝ THÔNG TIN

Trong đó: 

Thông tin trước khi xử lý được gọi là thông tin vào.

Thông tin nhận được sau khi xử lý gọi là thông tin ra. 

Áp dụng ví dụ thực tiễn vào mô hình này, ta có:

Thông tin vào là “Bạn A thấy đèn đỏ”. Qua quá trình não bộ xử lý thông tin, thông tin ra là “Bạn A dừng lại”.

Từ đó ta có thể thấy, việc lưu trữ và truyền thông tin sẽ giúp cho thông tin và sự hiểu biết được tích lũy và nhân rộng.

SỰ HỖ TRỢ CỦA MÁY TÍNH

Con người chúng ta tiếp nhận thông tin bằng 5 giác quan: thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Tuy nhiên 5 giác quan này của con người chưa phải là phiên bản tốt nhất. Bởi, ví dụ như con chó có khả năng sử dụng khứu giác tốt, đánh hơi và phân biệt mùi tốt hơn con người. Chúng ta đã sử dụng giống chó nghiệp vụ để tối ưu hóa khả năng này của chúng trong việc truy lùng các vụ án về ma túy. Thật vậy, với những gì con người chưa làm được bằng khả năng bẩm sinh thì con người hoàn toàn có thể nhờ đến những công cụ hỗ trợ.

Con người sáng tạo ra các công cụ và các phương tiện  giúp mình vượt qua các giới hạn của bản thân. Ví dụ như con người đã làm ra kính thiên văn để có thể quan sát được các hành tinh cách con người hàng vạn ki-lô-mét. Hay để quan sát được những vật thể nhỏ hơn không thể nhìn bằng mắt thường, con người đã chế tạo ra kính hiển vi để quan sát được từ tế bào, những con vi khuẩn vi trùng sử dụng vào mục đích nghiên cứu… Có thể nói một trong những sáng chế vĩ đại của con người ứng dụng thực tiễn đem lại sự thay đổi cho toàn thế giới, đó chính là phát minh ra máy tính điện tử.

Máy tính điện tử có vai trò to lớn trong cuộc sống của con người. Máy tính có khả năng hỗ trợ tích cực cho con người trong các hoạt động thông tin, giúp con người thực hiện nhiều công việc cần nhiều thời gian một cách nhanh gọn, hiệu quả hơn. Và có thể nói môn Tin học sinh ra để giúp chúng ta tìm hiểu sâu hơn về loại công cụ này. Một trong các nhiệm vụ chính của tin học là nghiên cứu việc thực hiện các hoạt động thông tin một cách tự động trên cơ sở sử dụng máy tính điện tử. 

Thông qua bài học, các bạn học hình chắc chắn đã hiểu hơn về thông tin xung quanh chúng ta, con người đã xử lý thông tin ra sao và áp dụng máy tính điện tử như một công cụ hỗ trợ như thế nào. Bố mẹ có thể giúp con tìm hiểu sớm về môn Tin học theo chương trình GDPT mới qua khóa Học tốt lớp 6 [2021-2022] của HOCMAI. Với phương pháp giảng dạy dễ hiểu của thầy Đặng Xuân Đích và chương trình học được xây dựng bám sát theo sách giáo khoa mới, chắc chắn các con học sinh sẽ tự tin bứt phá trong năm học mới.

>>> ĐĂNG KÝ NGAY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG HỌC THỬ

Chủ Đề