Người uống thuốc phóng xạ cách ly bao lâu

14:15 - 09/07/2019

An toàn bức xạ dành cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp điều trị iod phóng xạ. Bài viết của kỹ sư vật lý phòng xạ Huỳnh Lê Thanh Hải có nhiều năm...

-----------------------------------------

  • Chào mọi người, lỡ hẹn mãi, hôm nay mới có dịp ngồi viết một bài dài dài về an toàn bức xạ, chắc hẳn trong chúng ta ai cũng từng nghe đến khái niệm bức xạ, phóng xạ… và đa phần đều rất sợ hãi khi nghĩ về nó, nào là gây ung thư, quái thai… hôm nay mình chia sẽ ra đây, một chút kiến thức hạn hẹp của mình, hi vọng giải đáp được phần nào sự lo lắng của mọi người về an toàn phóng xạ cũng như quá trình điều trị xạ của chúng ta.
  •  Mình tên Thanh Hải, là KS vật lý y khoa, hiện tại đang công tác tại khoa Y học hạt nhân, BV TW Huế, khoa liên quan mật thiết đến các bệnh nhân K giáp, chuyên môn được đào tạo của mình là vật lý phóng xạ, vật lý hạt nhân, an toàn bức xạ cũng như ứng dụng hạt nhân trong y tế, mình công tác ngành y cũng được 5 năm, so với mấy bác trong này thì chưa là gì, nhưng bằng hiểu biết chút ít của mình, mình xin chia sẽ vài điều, coi như là một chia sẽ mang tính cá nhân, mọi người cùng trao đổi và thảo luận. Mình sẽ cố gắng viết bằng ngôn ngữ đơn giản nhất, bài hơi dài mọi người cố gắng đọc.

-----------------------------------------

  • Trước tiên, rất nhiều người trong chúng ta nghe cụm từ “ Phóng xạ”, “”tia phóng xạ”… vậy Phóng xạ là gì?
  • Phóng xạ là hiện tượng một số hạt nhân nguyên tử không bền tự biến đổi và phát ra các bức xạ hạt nhân [thường được gọi là các tia phóng xạ]. Các nguyên tử có tínhphóng xạ gọi là các đồng vị phóng xạ, còn các nguyên tử không phóng xạ gọi là các đồng vị bền.
  • Tia phóng xạ theo nghĩa gốc là các dòng hạt chuyển động nhanh phóng ra từ các chất phóng xạ [các chất chứa các hạt nhân nguyên tử không ở trạng thái cân bằng bền]. Các hạt phóng ra có thể chuyển động thành dòng định hướng.
  • Có nhiều loại dòng hạt phát ra từ các chất phóng xạ. Cụ thể:
  • • Tia alpha: gồm các hạt alpha có điện tích gấp đôi điện tích proton, tốc độ của tia là khoảng 20.000 km/s.
  • • Tia beta: gồm các electron tự do, tương tự tia âm cực nhưng được phóng ra với vận tốc lớn hơn nhiều, khoảng 100.000 km/s.
  • • Tia gamma: là dòng các hạt photon, không mang điện tích, có bản chất gần giống ánh sáng nhưng bước sóng nhỏ hơn, chuyển động với tốc độ ánh sáng.
  • • Dòng các neutron không có điện tích.
  • • Dòng các hạt neutrino không có điện tích, chuyển động với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng [phát ra cùng với các hạt beta trong phân rã beta].
  •  Ngoài sự phân rã tự nhiên của các chất phóng xạ, tia phóng xạ cũng còn được quan sát từ các nguồn khác như các lò phản ứng hạt nhân, máy gia tốc hay va chạm của các tia vũ trụ trong khí quyển Trái Đất. Các lò phản ứng hạt nhân có thể tạo ra dòng hạt neutron mạnh. Các máy gia tốc có thể sinh ra dòng các hạt tổ hợp có khối lượng cao hơn. Còn tia vũ trụ có thể sản sinh muon và meson. Thuật ngữ tia phóng xạ cũng có thể mở rộng, để bao gồm các dòng hạt chuyển động nhanh phát ra từ các nguồn này.
  •  Ngoài các chất phóng xạ tồn tại trong tự nhiên từ hàng triệu năm, còn có các chất phóng xạ được sản xuất từ quá trình nhân tạo, các chất phóng xạ tự nhiên, các loại bức xạ trong vũ trụ luôn luôn tác động lên chúng ta, từ đất đá, môi trường, tạo nên một liều gọi là liều phông, nghĩa là bất cứ chỗ nào trên trái đất ta cũng chịu tác động bởi bức xạ.

 

-----------------------------------------

  • Trả lời: Có.
  • Do khả năng có thể tương tác với vật chất, tùy mức năng lượng và loại bức xạ, chúng có thể gây ion hóa tế bào, làm đứt gãy các nguyên tử, tạo các gốc tự do gây ra các hiệu ứng sinh học như gây các bệnh về phóng xạ, ung thư máu, nguy cơ tử vong hay di truyền…
  • Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như liều lượng, loại bức xạ, khả năng chiếu xạ [chiếu trong hay chiếu ngoài].

-----------------------------------------

  • Trả lời: Bất cứ sự việc gì cũng mang tính hai mặt, tia phóng xạ có tác hại nhưng cũng có rất nhiều ứng dụng, trong quân sự, trong công nghiệp: như thăm dò khai thác khoáng sản, trong y tế, sinh học… Tùy vào yêu cầu mà ta sử dụng các loại phóng xạ và bức xạ khác nhau, khống chế để giảm tác hại và nâng cao mặt lợi.
  • Trong y tế, các chất phóng xạ và các bức xạ được ứng dụng rộng rãi trong xạ hình và xạ trị cũng như chẩn đoán hình ảnh: X quang, CT… Trong xạ trị thì có xạ trị trong, xạ trị áp sát, xạ trị gia tốc, y học hạt nhân… Với liều lượng và cường độ được khống chế để không gây nguy hiểm cho cho bệnh nhân và người khác.

-----------------------------------------

  • Do đa phần thành viên trong hội ta là các bệnh nhân K giáp, nên phần lớn liên quan đến y học hạt nhân, điều trị iod phóng xạ, nên mình sẽ tập trung nói về vấn đề này.
  •  
  • Như các bạn đã biết, tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết quan trọng, và lớn nhất trong cơ thể. Tuyến này nằm phía trước cổ, lượng khoảng 10-20 gram, hình dạng như con bướm, ngang hàng với các đốt xương sống C5 - T1, phía trước có lớp da và cơ thịt, phía sau giáp khí quản.
  •  
  • Tuyến giáp có 2 thùy: thùy phải và thùy trái, mỗi thùy áp vào mặt trước bên của sụn giáp và phần trên khí quản, và 1 eo tuyến nối 2 thùy với nhau. Tuyến màu nâu đỏ được cấu tạo bên ngoài bởi 1 lớp bao xơ được tạo ra bởi lớp cân sau gắn tuyến vào sụn giáp, nên khi nuốt tuyến di động theo thanh quản.
  •  
  • Giáp trạng tiết các hormone thyroxine [T4] và triiodothyronine [T3], nhận ảnh hưởng điều hòa của hormone TSH từ tuyến yên trên não. T4/T3 có chức năng điều hòa nhiều chuyển hóa trong cơ thể.
  •  
  • Ung thư tuyến giáp là một loại bệnh lý ác tính liên quan đến tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Nó là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Đa số ung thư tuyến giáp là carcinôm biệt hoá tốt, tiến triển âm thầm, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài, điều trị chính yếu là phẫu thuật. Đa số bệnh nhân Ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm và tích cực.
  •  
  • Ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán bằng chọc hút kim nhỏ hoặc phẫu thuật cắt nhân tuyến giáp làm mô bệnh học. Trên lâm sàng chia 4 thể sau:
  • Ung thư tuyến giáp thể nhú [chiếm từ 70-80%] trong ung thư tuyến giáp. Thể này tiến triển chậm và thường hay di căn hạch cổ. Mặc dù có di căn hạch nhưng ung thư tuyến giáp thể nhú vẫn có tiên lượng rất tốt.
  • Ung thư tuyến giáp thể nang [chiếm từ 10-15%] cũng giống như thể nhú, thể nang có thể di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi.
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy [chiếm từ 5-10%], liên quan đến di truyền trong gia đình và các vấn đề nội tiết.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa [chiếm tỷ lệ dưới 2%] là thể ác tính nhất của ung thư tuyến giáp đồng thời đáp ứng kém với điều trị.

-----------------------------------------

  • Ung thư tuyến giáp có thể điều trị thành công, triệt căn bằng phẫu thuật và điều trị iod phóng xạ bổ trợ với I-131 kể cả với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển. Phẫu thuật: Thông thường cắt toàn bộ tuyến giáp và vét hạch cổ chọn lọc là phương pháp đầu tay trong điều trị ung thư tuyến giáp.

-----------------------------------------

  • Điều trị I-131: Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại [lành tính và ung thư] sau khi phẫu thuật. I-131 sau khi hấp thu vào sẽ phá hủy ADN và làm chết tế bào tuyến giáp.
  • Bình thường các loại iod được hấp thụ trong thực phẩm, các loại muối iod là I- 130, một đồng vị bền của I-131, về tính chất hóa học, chúng hoàn toàn giống nhau, là một chất rắn màu tím, có thể thăng hoa ở nhiệt độ thường, một chất quan trọng trong sự sống. I-131 và I-130 khác nhau về tính chất vật lý, I-131 là một chất phóng xạ có chu kì bán rã là 8,02 ngày có thể phân rã ra beta [electron] năng lượng 606 Kev và tia gamma năng lượng 364 Kev và 637 KeV.
  • Chính vào đặc tính phóng xạ này, người ta sử dụng I-131 trong chẩn đoán và điều trị đặt biệt các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Trong hai loại bức xạ beta và gamma thì bức xạ bê ta có khả năng ion hóa mạnh nhất, nhưng khả năng đâm xuyên kém, chỉ đi được vài mm trong mô, khi được đưa vào cơ thể một phần sẽ tập trung tại tuyến giáp phá hủy các tế bào tuyến giáp còn sót lại, β dường như không thể đâm xuyên ra ngoài cơ thể, ngược lại tia gamma có năng lượng 364 KeV có khả năng đâm xuyên mạnh, dễ dàng thoát ra khỏi cơ thể, khả năng ion hóa kém nên không gây nhiều tác hại, ta lợi dụng tia gamma để thực hiện kỹ thuật xạ hình, xạ hình giáp hay xạ hình toàn thân, I-131 được đưa vào cơ thể sẽ tập trung ở các vị trí như tế bào tuyến giáp còn sót, từ đó phát ra tia gamma được một thiết bị chuyên dụng là SPECT ghi lại tái tạo hình ảnh cho ra kết quả.

-----------------------------------------

Tại sao phải cách ly bệnh với người điều trị iod phóng xạ khi điều trị ung thư tuyến giáp?

  • Các bệnh nhân ung thư tuyến giáp điều trị y học hạt nhân sẽ được chỉ định sử dụng các dược chất phóng xạ để chấn đoán và điều trị bệnh, dược chất phóng xạ được dùng ở đây là I-131, được dùng trong chẩn đoán [Xạ hình tuyến giáp, đo độ tập trung, xạ hình toàn thân [xạ hình là kỹ thuật ghi hình bằng phóng xạ]] và điều trị [xạ trị, uống I-131 vào cơ thể, lợi dụng sự phát các tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào tuyến giáp còn sót].
  • Ngoài I-131 còn có I-125 được dùng trong kỹ thuật miễn dịch phóng xạ [RIA] tuy nhiên liều lượng cực thấp và chỉ dùng trong xét nghiệm với mẫu máu bệnh nhân nên ta không cần quan tấm đến chất phóng xạ này.
  • Như đã nói, mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, I -131 có thể gây ra nguy cơ chiếu xạ trong [khi lọt vào cơ thể] và nguy cơ chiếu xạ ngoài [sự tác động của tia beta và gamma].
  • Khi I-131 được đưa vào cơ thể, sẽ tập trung một phần ở các tế bào tuyến giáp, một phần sẽ tập trung tại tuyến nước bọt, gan, thận, dạ dày… và chịu sự bán rã sinh học của cơ thể [sẽ được thải bỏ phần lớn qua nước tiểu, một phần nhỏ qua phân, một phần rất nhỏ qua tuyến nước bọt và mồ hôi], chính vì những điều này nên nguy cơ gây chiếu xạ trong đối với người khác là rất thấp.
  • Lượng I-131 theo mồ hôi rất thấp, nên nguy cơ vào cơ thể người khác càng thấp. Để hạn chế nguy cơ này thì những ngày đầu sau khi điều trị iod phóng xạ [uống iod] ta nên hạn chế cầm nắm chế biến thức ăn hay khạc nhổ đúng chỗ.
  • Đây là nguy cơ cao nhất mà bệnh nhân điều trị I-131 có thể tác động ra xung quanh.
  • Khi I-131 được đưa vào cơ thể, bệnh nhân thành một nguồn phát xạ, từ cơ thể phát ra tia beta và gamma. Tuy nhiên tia beta do I-131 phát ra có năng lượng thấp [0.61MeV] và là hạt có khối lượng [khối lượng nguyên tử] nên khả năng đâm xuyên kém, chỉ có thể đi được vài mm trong mô [tế bào] của cơ thể và hầu như không thể phát xạ ra ngoài, chỉ có tia gamma có khả năng đâm xuyên và phát ra ngoài cơ thể gây ra liều hấp thụ với người tiếp xúc.
  • Tuy nhiên, gamma đâm xuyên cao nhưng khả năng ion hóa kém, nên ít nguy hiểm hơn beta. Có 3 kỹ thuật để kiểm soát các mối nguy hiểm của bức xạ chiếu ngoài. Đó là: Thời gian [tiếp xúc càng ít càng tốt], khoảng cách [đứng càng xa càng tốt, liều chiếu tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách] và che chắn.
  • Vì I-131 là một chất phóng xạ, luôn luôn phát ra các tia phóng xạ là beta và gamma, trong đó tia β có khả năng gây ion hóa, gây nên nguy cơ chiếu xạ cho những người tiếp xúc, khi đưa chúng vào trong cơ thể, khi đó cơ thể sẽ thành một nguồn phát xạ di động, nên về nguyên tắc các bệnh nhân sử dụng phóng xạ phải được cách ly.

-----------------------------------------

  • Căn cứ chính vào thông thư 13/2014/TTLT bộ Khoa học công nghệ- Bộ Y tế quy định về đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế. Căn cứ vào một số khuyến cáo của IAEA từ đó đưa ra các tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn. Làm căn cứ để cho bệnh nhân xuất viện, khuyến cáo về hạn chế tiếp xúc hay mức độ cách ly.
  • Căn cứ khoản 3, điều 21 thông tư 13 “Chỉ cho phép người bệnh điều trị thuốc phóng xạ được xuất viện về nhà khi mức hoạt độ phóng xạ được đánh giá còn trong người người bệnh không vượt quá 400 MBq.”, 400 MBq= 10,8 mCi, có nghĩa là bằng cách nào đó mà đánh giá được rằng trong cơ thể bệnh nhân còn liều lượng I-131 dưới 10,8 mCi là có thể xuất viện. 
  • Khi xuất viện, không còn CÁCH LY mà chỉ là HẠN CHẾ TIẾP XÚC, đặc biệt là với phụ nữ mang thai và trẻ em [những đối tượng nhạy cảm cao với bức xạ]. Tuy nhiên điều khoản này của thông tư còn gây tranh cãi, vì thực tế theo thông tư cũ, với bệnh nhân dưới 30 mCi có thể cho xuất viện được, điều này phù hợp hơn với tình hình kinh tế, khả năng hoạt động của bệnh viện cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh nhân điều trị I-131. Hơn nữa không có cách nào đánh giá được chính xác hoạt tính I-131 còn trong cơ thể, vì I-131 khi vào cơ thể sẽ chịu sự đào thải và bán rả của hai quá trình bán rã vật lý và bán rã sinh học. Ta có thể đo được liều chiếu hiệu dụng hay liều tương đương bằng máy đo, đơn vị liều thường là [µSv/h].
  • Tùy vào mục đích sử dụng [chẩn đoán hay điều trị] mà liều lượng/hoạt tính được sử dụng khác nhau, hoạt tính thấp [trong chẩn đoán như xạ hình giáp, đo độ tập trung, liều thử, xạ hình toàn thân] liều thường dưới 5 mCi, nên các bệnh nhân uống liều này không cần phải cách ly, về nhà có thể sinh hoạt bình thường, chỉ là lưu ý hạn chế tiếp xúc một vài hôm.
  • Đối với liều điều trị, thường trên 30 mCi , thì cần cách ly, tuy nhiên đối với một số bệnh viện có lượng bệnh đông, thì liều 30 mCi uống xong có thể cho về, liều 50 mCi trở lên thì có thể nội trú 1 – 5 ngày. Thời gian điều trị tại bệnh viện gọi là thời gian Cách ly [hạn chế chiếu xạ ra môi trường, hạn chế chiếu xạ lẫn nhau giữa người bệnh đang điều trị]. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được ra về không cần phải CÁCH LY nữa mà khuyến cáo HẠN CHẾ TIẾP XÚC.

-----------------------------------------

  • Sau khi bệnh nhân ra viện, tùy vào liều điều trị iod phóng xạ, mà thời gian hạn chế tiếp xúc lâu hay mau.
  • I-131 khi được đưa vào cơ thể sẽ chịu sự đào thải 2 quá trình là bán rã sinh học T1/2 [bio] và bán rã vật lý T1/2 [phy], tạo nên chu kì bán rã toàn phần. T1/2 [eff] =1/ T1/2 [phy] +1/ T1/2 [bio].
  • Chu kì bán rã vật lý của I-131 là hằng số, T1/2 [phy]= 8,02 ngày. Có nghĩa cứ 8.02 ngày thì hoạt tính sẽ giảm một nữa, ví dụ có một viên thuốc I-131 có hoạt tính ban đầu 100 mCi thì sau 8,02 ngày viên thuốc đó chỉ còn hoạt tính 50 mCi và sau 8.02 ngày kế tiếp chỉ còn 25 mCi.
  • Chu kì bán rã sinh học đối với người bình thường từ 3-7 ngày, nhưng người bị cắt toàn bộ tuyến giáp chu kì bán rã sinh học ngắn hơn nhiều lần. và thời gian đầu sau khi uống phóng xạ, I-131 chịu sự suy giảm chính bởi bán rã sinh học. Nên những ngày đầu điều trị, chu kì bán rã toàn phần rất ngắn.
  • Mình có thực hiện đo khoảng một 100 bệnh nhân điều trị, nhận thấy ngày đầu tiên liều chiếu suy giảm rất nhanh, ước lượng chu kì bán rã toàn phần chỉ khoảng 8 giờ, có nghĩa là ở ngày đầu, cứ mỗi 8 giờ liều chiếu sẽ giảm một nữa [liều chiếu tỉ lệ thuận với hoạt tính phóng xạ còn trong cơ thể bệnh nhân], sau 1 ngày 24 giờ đầu tiên liều chiếu suy giảm đến 8-10 lần [đây là kết quả đo chỗ mình, con số mang tính tuơng đối]. Vì thế, khi bệnh nhân chuẩn bị xuất viện, sẽ được đo liều chiếu để làm thủ tục ra viện, khi ra về, hoạt tính phóng xạ I-131 trong cơ thể giảm liên tục theo thời gian.

 Chưa có một tài liệu nào đưa ra căn cứ chính xác cần cách ly bao lâu, nhưng qua thực tế đo đạc liều, làm công tác an toàn bức xạ và các quy định, khi bệnh nhân ra viện chỉ cần hạn chế tiếp xúc một thời gian vừa phải, với liều 80, 100 mCi chỉ cần hạn chế tiếp xúc thêm 1 tuần, liều 150 thì 10 ngày, 150 trở lên thì 15, 20 ngày là có thể sinh hoạt bình thường.

Sau bao lâu thì có thể xem như hết phóng xạ trong người?

  • Như ta biết, chu kì bán rã toàn phần luôn luôn nhỏ hơn chu kì bán rã vật lý, giả sử I-131 chỉ chịu sự chi phối của bán rã vật lý, tức T toàn phần = T vật lý = 8,02 ngày, thì thời gian được xem như sạch phóng xạ là 10 lần chu kì bán rã = 8,02*10= 80.2 ngày. 80.2 ngày sau khi điều trị cơ thể được xem như bình thường, khi đó hoạt tính trong cơ thể đã giảm TỐI THIỂU 2^10= 1024 lần, 88 ngày thì giảm khoảng 2048 lần [thực tế suy giảm cao hơn con số này nhiều lần do bị bán rã sinh học].
  • Vì thế sau 80 ngày là quần áo mặc khi điều trị có thể xem như phân rã hết, cũng có thể an tâm khi cân nhắc mang thai. [Tất nhiên cần sự tư vấn của bsi về tình trạng bệnh, có thể hoãn điều trị để mang thai được không, thường các bác sẽ khuyên 6 tháng đến một năm sau điều trị hãy cân nhắc mang thai]. Quần áo mặc khi điều trị nên được giặt riêng và cất một vị trí riêng, sau khoảng 3 tháng là mặc bình thường.

-----------------------------------------

  • Phóng xạ có thật sự nguy hiểm? Không! Nếu ta thật sự hiểu về nó, từ đó phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.
  • Phóng xạ xuất hiện khắp mọi nơi, liều lượng ứng dụng trong y tế là liều được đánh giá an toàn, [liều trong y tế thấp hơn ngàn lần trong công nghiệp và triệu lần trong quân sự]. Thực tế tại các khoa Y học hạt nhân các nhân viên ngày ngày tiếp xúc với phóng xạ, tích tụ liều cao nhưng chưa thấy xuất hiện các bệnh phóng xạ như vô sinh, ung thư. Vẫn trẻ khỏe và đẹp.
  • Nhiều người nghe nói xạ trị là sợ, nào rụng tóc, quái thai, thật ra xạ trị có nhiều kỹ thuật gồm xạ trị trong, xạ trị áp sát, xạ trị bằng máy gia tốc [dùng cho bệnh lý ung thư khác, sử dụng các bức xạ liều cao tự nhiên hay gia tốc bằng máy gia tốc thẳng [LINAC] chiếu vào để diệt khối u, liều cao, chiếu xạ rộng nên nhiều tác dụng phụ].
  • Xạ trị trong điều trị K giáp hay gọi là điều trị bằng Y học hạt nhân là cách đưa I-131 vào cơ thể thường qua đường uống, là kỹ thuật an toàn hơn nhiều, hiệu quả và kinh tế, cũng như không gây nhiều tác dụng phụ, các tác dụng phụ thường thấy là viêm dạ dày, viêm tuyến nước bọt do I-131 tập trung lâu tại vị trí này, cách phòng tránh tốt nhất là uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ trái cây để tránh táo bón, nhai kẹo cao su để tăng đào thải khỏi tuyến nước bọt. Còn nguy cơ ung thư khác là cực thấp.
  • Trên đây là chia sẽ của mình, có thể còn nhiều thiếu sót mong anh chị đồng nghiệp có thể bổ sung, mọi người ai cứ thăc mắc gì cứ chia sẽ, mình sẽ cố gắng giải đáp hoặc nhờ các bác có kiến thức cao hơn. Hi vọng các bạn sẽ bớt lo lắng, tin tưởng vào quá trình điều trị, thật sự đây là phương pháp mang lại hiệu quả khá tốt, giúp nâng cao chất lượng và thời gian sống cho bệnh nhân.
  • Hãy cố gắng yêu thương, chia sẽ, sức mạnh tinh thần có giá trị rất lớn, giúp nâng cao miễn dịch chống lại bệnh tật, Chúc mọi người sẽ có kết quả điều trị tốt nhất, luôn yêu đời và mau lành bệnh.

PS: Có nhiều bạn gọi mình là bác sĩ, gọi thế thì mình không dám, mình chỉ là một người bình thường, so với mấy bác kiến thức còn hạn hẹp, nhất là chuyên môn y khoa, nên mọi người cứ gọi tên hay thích cứ gọi Chú Sỉ thôi. Cảm ơn mọi người đã đọc.

Chào thân ái và quyết thắng!

Bài viết được dẫn nguồn từ link sau: //bit.ly/2JKhugX 

Video liên quan

Chủ Đề