Mảnh đất champa và nền văn hóa miền trung năm 2024

Chạy dài ven biển miền Trung với thế “phụ sam diện hải” [tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra phía Biển Đông bao la] đây chính là vùng đất thấm đẫm sắc màu văn hóa Chăm Pa huyền thoại.

Cội nguồn văn hóa Chăm Pa

Với nền văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa sông Hằng - Ấn Độ, giao lưu và tiếp biến với văn hóa Đông Sơn, Thăng Long - Đại Việt phương Bắc và văn hóa Đồng Nai, Phù Nam - Chân Lạp của phương Nam. Đây cũng là nơi hội nhập sâu sắc các yếu tố văn hóa núi Trường Sơn - Tây Nguyên với văn hóa biển - Nam Đảo.

Chính sự giao lưu du nhập và hội tụ các nền văn minh, những dòng chảy văn hóa đã làm cho vùng đất cư trú của đồng bào Chăm từ lâu đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của đất nước ở Trung Bộ. Chỉ 200 năm sau Công nguyên, nơi đây đã lần lượt xây dựng nhiều đền tháp, thành mỹ, trung tâm tôn giáo tín ngưỡng, trung tâm nghề thủ công truyền thống. Nhiều tuyệt tác điêu khắc, kiến trúc, mỹ thuật ra đời, nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng độc đáo cũng hình thành và phát triển. Tất cả những yếu tố đó tạo ra một diện mạo văn hóa Chăm Pa - sang trọng, sôi động tràn đầy sức sống, tỏa sáng đến muôn đời sau. Vùng đất Chăm Pa là minh chứng cho sự hòa thuận, hợp lưu của dòng chảy văn hóa Việt từ truyền thống đến hiện đại.

Dấu ấn Chăm Pa trên đất miền Trung

Cư dân Chăm Pa có chữ viết rất sớm. Từ thế kỷ thứ VII người dân đã dùng văn tự riêng để ghi chép truyền bá kinh phật, trao đổi thư từ lưu lại văn tự. Ngày nay ngoài những bản kinh phật vẫn còn tồn tại, người Chăm Pa vẫn lưu giữ được những thẻ lá buông ghi chép thơ phú cổ. Từ xa xưa, văn hóa Chăm Pa đã để lại dấu ấn của ít nhất hai bộ sử thi khổng lồ là Ramayana và Mahabharata. Nhờ các bức phù điêu minh họa các nhân vật và diễn biến sử thi và qua các bia kí, ngày nay ta dễ dàng nhận ra diện mạo sử thi, thần thoại, truyền thuyết đồ sộ cùng những sinh hoạt lễ hội độc đáo của cư dân Chăm Pa mà hình tượng tiên nữ, vũ nữ Apxara là một tuyệt tác mỹ thuật tài hoa bất tử.

Văn bản chữ Chăm truyền thống.

Người Chăm là chủ thể của nền văn minh lúa nước miền Trung. Chính họ đã sáng tạo ra giống lúa trái vụ đầu tiên ở vùng Đông Nam Á để tồn tại cùng với vụ lúa mùa đó là lúa chiêm. Ngày nay, người Mường vẫn còn gọi là lúa Chăm. Họ đã sớm biết ngăn sông đắp đập từ ngàn năm trước. Hai con đập Nha Trinh [Ninh Thuận] và Ma Ê [Bình Thuận] còn được sử dụng trong đời sống hiện nay là minh chứng rõ nét nhất. Nghề dệt và nghề gốm Chăm mang tính phổ biến rộng khắp ở khía cạnh sản phẩm hàng hóa có thương hiệu. Từ xa xưa người chăm đã biết tổ chức làng nghề, truyền dạy nghề cho các thế hệ sau một cách bền vững. Có thể tin rằng nghề dệt, nghề gốm Chăm tồn tại cho tới nay đã được mấy ngàn năm.

Tháp Chăm tượng đài thiên niên kỷ

Hệ thống di tích tháp Chăm hiện diện tới ngày nay trải dài từ đèo Hải Vân - Bắc Trung Bộ tới vùng lưu vực sông Đồng Nai - Đông Nam Bộ, trong đó có cả vùng Tây Nguyên rộng lớn. Điểm chung các tháp Chăm được hoàn thành bởi một cụm các công trình kiến trúc. Một tháp lớn hình vuông thon nhọn tượng trưng cho ngọn núi trung tâm vũ trụ - nơi ngự trị của các vị thánh thần. Xung quanh tháp chính là tháp nhỏ theo bốn vị trí tượng trưng cho lục địa và ngoài cùng là hào rãnh tượng trưng cho đại dương. Mặt tháp bao giờ cũng hướng về phương mặt trời mọc.

Tháp Po Klong Garai, Ninh Thuận.

Tháp Chăm gồm ba tầng cấu trúc nhỏ dần, kết thúc bằng một Linga bằng đá. Trong hệ thống tháp nổi bật các tác phẩm điêu khắc Chăm Pa đa dạng độc đáo. Đề tài của các tác phẩm thờ gồm tượng thờ Siva, Vishnu, Brahma. Vật thờ ở tháp còn có các cặp Linga - Yoni và các trang trí bằng tượng thờ Vũ nữ Apsara, người cưỡi ngựa, các linh vật trong huyền thoại chăm như Garuda, Kala, bò thần Nam din.

Hệ thống đền tháp Chăm thật sự là những kỳ quan kiến trúc mỹ thuật truyền thống, đơn giản mà đồ sộ, tinh giản mà sâu sắc, giản dị mà triết lý. Đến các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận hay là Gia Lai, Đắk Lắk... hẳn du khách đều mong muốn có dịp đến chiêm ngưỡng tuyệt tác tháp Chăm cổ kính. Đó không chỉ là không gian văn hóa tâm linh tín ngưỡng mà còn là một trong những bảo tàng ngoài trời về dấu ấn cư trú của con người khai thiên lập địa mở đất miền Trung, nuôi dưỡng tâm hồn Việt ở phương Nam trọn vẹn hai thiên niên kỷ.

Tượng vũ nữ Apsara, Trà Kiệu.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phục dựng nguyên bản một tượng đài thiên niên kỷ Chăm Pa giữa lòng Hà Nội để cùng với ngọn núi Ba Vì soi bóng xuống hồ nước Đồng Mô thơ mộng. Du khách có thể đến nơi đây chiêm ngưỡng sắc màu văn hóa chăm pa sống động, khúc triết. Tắm mình trong hào quang hồng phúc của tín ngưỡng tâm linh, du khách sẽ cảm nhận sự thanh thản mà nguồn sáng từ quá khứ hư vô vỗ về trong tâm thức.

Chủ Đề