Kháng nguyên sars-cov-2 là gì

I. CÁC XÉT NGHIỆM COVID-19

Trong đại dịch COVID-19 có 2 nhóm xét nghiệm SARS-CoV-2 là: xét nghiệm virus và xét nghiệm kháng thể.

1. Xét nghiệm chẩn đoán virus [viral diagnostic test]

Là xét nghiệm phát hiện virus trực tiếp. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm là dịch ngoáy mũi họng, nhằm giúp phát hiện nhiễm coronavirus SARS-CoV-2 hoạt động hay không.

Có hai loại xét nghiệm chẩn đoán virus là xét nghiệm phân tử [molecular test], như nucleic acid amplification test [NAAT], RT-PCR test, LAMP test, và xét nghiệm kháng nguyên [antigen test] phát hiện các protein trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.

Ưu điểm của các xét nghiệm trực tiếp là xác định virus có trong mũi họng, đồng nghĩa là đang bị bệnh và có nguy cơ lây nhiễm.

Nhược điểm là phải có máy chuyên sâu, nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp, đắt tiền và tốn thời gian.

2. Xét nghiệm kháng thể [antibody test]

Là xét nghiệm phát hiện virus gián tiếp. Mẫu bệnh phẩm là máu, nhằm tìm kiếm các kháng thể được hệ thống miễn dịch của cơ thể sinh tổng hợp ra để chống lại virus SARS-CoV-2

Vì kháng thể chỉ được sản xuất vài ngày hoặc vài tuần lễ sau khi bị lây nhiễm và tồn tại một khoảng thời gian sau khi hồi phục, nên các xét nghiệm kháng thể không được sử dụng để chẩn đoán đang bị COVID-19 cũng như đánh giá khả năng miễn dịch trong tương lai.

Hiện tại, Việt Nam chúng ta sử dụng 3 loại xét nghiệm là [1] Xét nghiệm nhanh kháng nguyên; [2] Xét nghiệm RT-PCR; và [3] Xét nghiệm nhanh kháng thể.

II. XÉT NGHIỆM NHANH KHÁNG THỂ [ELISA]


1. Nguyên lý

Virus SARS-CoV-2 chỉ có một chuỗi RNA bọc trong một cấu tạo vật chất hình cầu có nhiều kháng nguyên protein như: protein vỏ bọc E, protein màng M, protein vỏ nhân N, protein gai S. Các thành phần protein kháng nguyên này khi vào cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch sinh tổng hợp ra các kháng thể tương ứng để chống lại bằng cách ngưng kết, trung hòa, bất hoạt..

2. Ưu điểm

- Phát hiện kháng thể trong máu giúp đánh giá khả năng sinh miễn dịch [immunogenicity] của bệnh nhân hay người được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

- Có thể thực hiện trong các labo trung bình, và không đòi hỏi kỹ thuật viên cao cấp.

- Chi phí tương đối so với xét nghiệm RT-PCR

3. Nhược điểm

- Là xét nghiệm xâm nhập, với mấu nghiệm là máu.

- Xét nghiệm gián tiếp, chỉ cho biết virus có vào cơ thể hay không mà thôi.

4. Dương tính, âm tính giả

* ELISA dương tính giả khi:

- Kháng thể không đặc hiệu [nhầm với kháng thể với virus khác];

- Cơ thể sẵn kháng thể chống lại những virus gần giống SARS-CoV-2.

* ELISA âm tính giả khi:

- Xét nghiệm sớm, chưa đủ thời gian để cơ thể tổng hợp đủ ngưỡng kháng thể cần thiết. Thời gian cửa sổ từ 7 đến 21 ngày: IgM xuất hiện 23% sau 7 ngày, 58% sau 14 ngày , và 75% sau 21 ngày.

- Độ nhạy Se của xét nghiệm thấp không đủ để dương tính,

- Lỗi kỹ thuật xét nghiệm,

- Kit xét nghiệm không đảm bảo chất lượng.

III. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ

1. Cần thiết để đánh giá khả năng miễn dịch

Các kháng thể được hệ thống miễn dịch sản xuất sau khi bị các kháng nguyên của SARS-CoV-2 kích thích. Do đó, xét nghiệm kháng thể là thước đo khả năng, tính sinh miễn dịch, của cá nhân con người.

Hai ứng dụng quan trọng của xét nghiệm kháng thể:

- Một là, đánh giá hiệu quả của vaccine: Sau khi tiêm vaccine, đặc biệt cho người lớn tuổi, có bệnh kèm, bị suy giảm miễn dịch,…, cần phải xét nghiệm kháng thể để biết được khả năng sinh miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 cao hay thấp để tiêm nhắc thêm, hay thay đổi vaccine.

- Hai là, đánh giá khả năng tạo kháng thể của vaccine: Trong các thử nghiệm lâm sàng [clinical trials], các hãng dược phẩm phải dựa vào xét nghiệm kháng thể để đánh giá tính sinh miễn dịch, khả năng kích thích sản sinh kháng thể, của loại vaccine đang nghiên cứu phát triển.

2. Không dùng để chẩn đoán

* Vì kháng thể chống SARS-CoV-2 bắt đầu phát hiện được trong vòng 1 đến 3 tuần sau khi nhiễm bệnh. Do đó, xét nghiệm kháng nguyên thường cho kết quả âm tính giả khi tiến hành trên những ca F0, người nhiễm virus, trong giai đoạn đầu [dưới 10 ngày].

* Thống kê cho thấy, trung bình, các kháng thể còn tồn tại, lưu hành, trong máu bệnh nhân đã khỏi bệnh từ 6 tháng đến 1 năm. Do đó, khi các xét nghiệm RT PCR đã âm tính, không còn virus, xét nghiệm kháng nguyên vẫn cho kết quả dương tính giả.

Do đó, CDC của nhiều nước khuyến cáo, không nên dùng xét nghiệm kháng thể để:

+ Chẩn đoán một người nào đó đang bị nhiễm trùng đang hoạt động hay không.

+ Xác định xem ai đó có thể trở lại làm việc hay không. Đặc biệt, với những người hoạt động nhóm trong các môi trường trường học, ký túc xá, khu công nghiệp…

IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Testing for COVID-19
//www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/symptoms-testing/testing.html
[2] Coronavirus testing basics
//www.fda.gov/consumers/consumer-updates/coronavirus-testing-basics
[3] COVID-19 tests
//www.corfumedica.com/covid-19/
[4] Xét nghiệm COVID-19
//publichealth.lacounty.gov/acd/docs/CoronavirusTestingVietnamese.pdf
[5] How do COVID-19 antibody tests differ from diagnostic tests?
//www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronavirus/expert-answers/covid-antibody-tests/faq-20484429
[6] Using Antibody Tests for COVID-19
//www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/lab/resources/antibody-tests.html
[7] How do COVID-19 antibody test differ from diagnostic test ?
//www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronavirus/expert-answers/covid-antibody-tests/faq-20484429
[8] COVID-19 IgM/IgG antibody rapid test kit
//www.aurorabiomed.com/product/covid-19-igm-igg-antibody-rapid-test-kit/
[9] How to use ABC-19TM rapid antibody test
//WWW.ABINGDONHEALTH.COM/VIDEOS/HOW-TO-USE-ABC-19-RAPID-TEST/
[10] Covid 19 antibody test procedure | results explained | kit
//WWW.YOUTUBE.COM/WATCH?V=VYNZ4Q04H0W

Tác giả: TS.BS Trần Bá Thoại - BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM

Chủ Đề