Đánh giá mức thu học phí thpt

Kính thưa: Đ/c Dương Văn Thái - UV TW Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy, Trưởng Đoàn ĐBQHH tỉnh Bắc Giang

 Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, Kính thưa các vị đại biểu

Được sự phân công của Chủ tọa kỳ họp, tôi xin thảo luận nội dung: Thực trạng về học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục hiện nay và việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi

1- Thực trạng về học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục hiện nay:

Có thể nói những năm học vừa qua, ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của HĐND tỉnh Quy định mức thu học phí, mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh Quy định cơ chế thu, quản lý và sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở GDMN, phổ thôngGDTX công lập trên địa bàn tỉnh, đã góp phần tăng cường kỷ cương nền nếp trong công tác quản lý tài chính nói chung, quản lý khoản thu từ người học nói riêng tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, khắc phục những bức xúc, tồn tại khá lâu về vấn đề các khoản thu trong nhà trường. Bởi lẽ, ngoài các khoản mà Nghị quyết đã quy định, các trường không được phép thu các khoản dịch vụ, phục vụ nào khác. Việc chấp hành Nghị quyết của các nhà trường chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Các cơ sở giáo dục chỉ thực hiện thu các khoản dịch vụ phục vụ và hỗ trợ khi được sự thỏa thuận, thống nhất giữa nhà trường với phụ huynh học sinh và có thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT [Phòng GD&ĐT thẩm định các trường mầm non, tiểu học, THCS; Sở GD&ĐT thẩm định các trường THPT và Trung tâm GDNN-GDTX]. Nhờ có Nghị quyết, các khoản dịch vụ phục vụ trong nhà trường được công khai, minh bạch hơn, tránh lạm thu.  

2- Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi

Ngày 27/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo đó Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 81 có quy định Khung thu học phí quy định từ năm học 2022-2023 và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền.

Mặt khác trên thực tế, tháng 8 hàng năm, các trường tổ chức họp phụ huynh học sinh để bàn, thỏa thuận các khoản thu trong năm học, làm cơ sở để xác định mức thu cụ thể, báo cáo Phòng GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT thẩm định để triển khai thực hiện, việc thu học phí và các khoản thu bắt đầu thực hiện từ tháng 9 hàng năm.

Chính vì vậy, Sở GD&ĐT đã tham mưu xây dựng Nghị quyết mới của HĐND tỉnh để áp dụng từ tháng 9 năm 2022 [năm học 2022-2023] với tinh thần:

Thứ nhất là về thu học phí:

Nghị định số 81 thực hiện điều chỉnh tăng khung thu học phí, trên cơ sở đảm bảo thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và mục tiêu phát triển giáo dục ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Theo Nghị định số 60, hàng năm các địa phương phải chỉ đạo thực hiện nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị; đồng thời hàng năm thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục, tổng kinh phí ngân sách cắt giảm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khoảng 124 tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, khung thu học phí của Nghị định số 81 tăng cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 81 ban hành, nhiều ý kiến nhân dân phản ánh trong bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tăng mức thu học phí cao ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân và phát triển KTXH.

Mức thu học phí do HĐND tỉnh quy định không được thấp hơn khung học phí đã quy định trong NĐ 81. Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết về mức thu học phí, lựa chọn phương án mức thu học phí áp dụng theo 03 vùng [thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi]. Cụ thể: Mầm non: mức thu học phí khu vực thành thị bằng mức sàn của Nghị định số 81; khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số và miền núi mức thu được giữ nguyên mức thu đang áp dụng của năm học 2021-2022 [do mức sàn của Nghị định số 81 thấp hơn]. Trung học cơ sở và Trung học phổ thông: Mức thu bằng mức sàn của Nghị định số 81, từ năm học 2023-2024 tăng thêm khoảng 7% so với năm học trước. Riêng mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ tháng 9/2024 trở đi;  THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026 trở đi. 

Bậc Tiểu học: quy định mức thu làm căn cứ để ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học, học tại trường tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường học công lập; học sinh học tiểu học các trường công lập không phải đóng học phí.

Với đề xuất mức thu học phí theo mức sàn như dự thảo Nghị quyết, tăng thu học phí trên địa bàn tỉnh chỉ bổ sung kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đào tạo khoảng 73 tỷ đồng, ngân sách tỉnh phải bù thêm khoảng 51 tỷ đồng [40%]. Như vậy, mặc dù theo dự thảo Nghị quyết, nhân dân phải đóng học phí cao hơn trước đây, song Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã rất quan tâm, ngân sách tỉnh đã phải bù thêm một khoản khá lớn, tạo thuận lợi, chia sẻ khó khăn cho người học.

Ngày 8/6/2022, Chính phủ đã có NQ số 77/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 5 giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp; đánh giá đầy đủ tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời theo tinh thần tiết kiệm, thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và học sinh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2022. Ngày 07/7/2022, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2903/BGDĐT-KHTC về việc lấy ý kiến về đề xuất lộ trình học phí và chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh THCS gửi UBND các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa có văn bản nào điều chỉnh khung thu học phí theo Nghị định 81. Vì vậy tại thời điểm này, HĐND thông qua Nghị quyết là phù hợp và đúng quy định. Trong trường hợp Chính phủ có văn bản điều chỉnh lộ trình học phí và chính sách miễn giảm học phí …, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh việc áp dụng cụ thể mức thu học phí của năm học 2022-2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ hai là về các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục

Trong bối cảnh mức thu học phí năm học 2022-2023 tăng, điều kiện kinh tế xã hội đang bị ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19; để tạo điều kiện, giảm áp lực cho người học, Sở GD&ĐT tham mưu mức thu tối đa của các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục như Nghị quyết số 10 [không tăng]. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tế, đề xuất bỏ khoản thu sổ liên lạc giấy, sách giáo khoa và bổ sung dịch vụ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; dịch vụ ứng dụng chuyển đổi số phục vụ khai thác, trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường ...

Nhiệm vụ thời gian tới

Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh ban hành quyết định quy định cơ chế quản lý, sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục [Sở đã hoàn thiện dự thảo, trình UBND tỉnh thông qua trong tháng 8/2022]. Theo đó, [1] Quy định cụ thể cơ chế thu, quản lý và sử dụng từng khoản thu đã được HĐND tỉnh quy định đối với các cơ sở giáo dục công lập.[2] Thống nhất việc quản lý chỉ đạo của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT đối với các cơ sở giáo dục công lập trong việc thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở thực hiện. [3] Trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở giáo dục trong việc thỏa thuận, thống nhất với phụ huynh học sinh, tổ chức thực hiện các dịch vụ phục vụ, sử dụng các khoản hỗ trợ hoạt động giáo dục; công khai dân chủ trong quá trình thực hiện. 

Với các Nguyên tắc thực hiện: [1] Cơ sở giáo dục thỏa thuận với phụ huynh học sinh, thông qua việc lấy ý kiến dự toán thu chi từng khoản thu [bằng biên bản]; không được tự ý đặt ra bất kỳ một khoản thu nào khác, nếu thu sai quy định phải trả lại cho phụ huynh và học sinh. [2] Quản lý, hạch toán các khoản thu chi trong hệ thống sổ sách kế toán theo quy định. Thực hiện giãn thu theo tháng, theo kỳ, không tập trung vào đầu năm học. [3] Sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả các khoản thu; đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành.

Hàng năm, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết. Nhất là bàn bạc với phụ huynh lựa chọn mức thu phù hợp với điều kiện khó khăn do dịch bệnh và phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm [nếu có].

Trên đây là báo cáo về Thực trạng về học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục hiện nay và việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi.

Nhân dịp này, Ngành Giáo dục trân trọng cảm ơn và đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, ban hành các chính sách phát triển giáo dục. Đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng giáo dục để sự nghiệp giáo dục Bắc Giang tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra./.  

Chủ Đề