Cơ sở khoa học của dạy học kể chuyện

Trường Tiểu học Mai Động: Một số biện pháp dạy tốt phân môn kể chuyện cho học sinh lớp 1 ở trường tiểu học

Ngày đăng 14/09/2019 | 10:52

Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp dạy tốt phân môn kể chuyện cho học sinh lớp 1 ở trường tiểu học

PHẦN I: MỞ ĐẦU

I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

Yêu cầu về dạy và học ngày càng nâng cao để đáp ứng được sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy việc đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các môn học là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Kể chuyện nói riêng.

Trong thực tế dạy học, vẫn còn hiện tượng giáo viên dạy tiết Kể chuyện chưa đúng phương pháp đặc trưng bộ môn, trong suốt tiết dạy Kể chuyện hầu như mắt không rời khỏi trang sách và chưa thuộc truyện, hiểu truyện. Giáo viên còn truyền thụ áp đặt một chiều, học sinh thụ động tiếp thu không đầy đủ những gì giáo viên truyền đạt, không tự khám phá ra tri thức mới. Cách dạy này hiệu quả không cao, hạn chế tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Cho đến thời điểm hiện tại, nhìn chung chất lượng dạy học phân môn Kể chuyện còn nhiều hạn chế về đội ngũ giáo viên. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc đổi mới phương pháp dạy học phân môn Kể chuyện chưa đạt hiệu quả.Về phía học sinh, các em thụ động tiếp thu những tri thức mà giáo viên truyền đạt và chưa có sự sáng tạo, linh hoạt trong kể chuyện. Một số học sinh khả năng tái hiện kém nên khi kể chuyện còn lúng túng.

Là một giáo viên dạy lớp 1, tôi suy nghĩ rất nhiều về cách dạy phân môn Kể chuyện và đặc biệt là luôn có nguyện vọng muốn nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần đưa chất lượng giảng dạy của nhà trường ngày một cao hơn. Xét nhiệm vụ, yêu cầu và tầm quan trọng của phân môn Kể chuyện nên tôi quyết định phải tìm: “Một số biện pháp dạy tốt phân môn Kể chuyện cho học sinh lớp 1 ở trường tiểu học.”

II. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:

Một số biện pháp dạy tốt phân môn Kể chuyện cho học sinh lớp 1.

III. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:

Sử dụng một số biện pháp để dạy tốt phân môn Kể chuyện lớp 1 nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy phân môn Kể chuyện nói riêng và môn Tiếng Việt nói chung góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học.

Bản thân có hiểu biết sâu sắc hơn về phân môn Kể chuyện nói riêng và môn Tiếng Việt nói chung.

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Phương pháp quan sát.

Phương pháp điều tra, khảo sát.

Phương pháp thống kê.

Phương pháp so sánh.

PHẦN II: NỘI DUNG

Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN

I. VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ CỦA DẠY KỂ CHUYỆN Ở TIỂU HỌC

1. Vị trí của dạy Kể chuyện ở Tiểu học:

Dạy Kể chuyện góp phần thoả mãn nhu cầu nghe kể chuyện của trẻ em đồng thời là một phương tiện giáo dục. Từ thưở 3,4 tuổi các em đã say mê nghe kể chuyện. Càng lớn lên, các em càng thích nghe kể chuyện. Kể chuyện có sức mạnh riêng đối với sự hình thành nhân cách của trẻ.

Kể chuyện vừa góp phần rèn kĩ năng Tiếng Việt vừa nâng cao năng lực cảm thụ văn học của học sinh Tiểu học. Bài Kể chuyện là một văn bản nghệ thuật. Do đó khi học Kể chuyện, học sinh không chỉ huy động tư duy lôgic, huy động trí nhớ và kể lại đúng các chi tiết, tên các nhân vật,… mà các em còn thể hiện cảm xúc, sự thụ cảm cá nhân đối với số phận các nhân vật, diễn biến các sự kiện trong câu chuyện. Tính chất này khiến bài Kể chuyện vừa có khả năng thoả mãn nhu cầu nghe kể chuyện vừa có tác dụng giáo dục. Mặt khác, kể chuyện giúp cho việc rèn kĩ năng quan trọng: kĩ năng nghe, nói. Có thể nói, kể chuyện là kết tinh khả năng sử dụng ngôn ngữ nói của học sinh ở từng lớp.

2. Nhiệm vụ của dạy Kể chuyện ở Tiểu học:

Dạy Kể chuyện góp phần hình thành nhân cách, đem lại cảm xúc thẩm mĩ lành mạnh, đem lại niềm vui cho học sinh. Xu-khôm-lin-xki viết: “Truyện cổ tích góp phần phát triển cảm xúc thẩm mĩ mà thiếu chúng không thể có tâm hồn cao thượng, lòng mẫn cảm chân thành trước nỗi bất hạnh, đau đớn và khổ ải của con người. Nhờ có truyện cổ tích, trẻ nhận thức thế giới không chỉ bằng trí tuệ mà bằng trái tim, vì trẻ không chỉ có nhận thức mà còn tỏ thái độ của mình với các điều thiện và điều ác. Truyện cổ tích cung cấp cho trẻ những hiện tượng đầu tiên về chính nghĩa và phi nghĩa. Giai đoạn đầu tiên của giáo dục lí tưởng cũng diễn ra nhờ có truyện cổ tích. Truyện cổ tích là ngọn nguồn phong phú và không có gì thay thế được để giáo dục tình yêu Tổ quốc.”

Dạy Kể chuyện góp phần tích luỹ vốn văn học, mở rộng vốn sống cho trẻ em. Suốt những năm ở bậc Tiểu học, học sinh được nghe và tham gia kể rất nhiều câu chuyện với đủ thể loại gồm các tác phẩm có giá trị của Việt Nam và thế giới, từ truyện cổ tích đến truyện hiện đại. Qua từng câu chuyện, thế giới muôn màu sắc mở rộng trước các em. Các truyện kể còn chắp cánh cho trí tưởng tượng của học sinh bay bổng. Lê-nin cho rằng: “Thật là bất công nếu nghĩ rằng óc tưởng tượng chỉ cần thiết cho người làm thơ, ngay cả trong toán học cũng cần có tưởng tượng, ngay cả việc phát minh ra phép tính vi phân và tích phân sẽ không thể nào có được nếu thiếu óc tưởng tượng. Óc tưởng tượng là một phẩm chất quý giá vô cùng.”

Dạy Kể chuyện góp phần rèn luyện và phát triển kĩ năng nói và kể trước đám đông một cách có nghệ thuật, góp phần khêu gợi tư duy hình tượng của trẻ. Trong quá trình nghe, hiểu, nhớ, kể lại truyện, tư duy của trẻ luôn luôn hoạt động và phát triển. Khả năng ghi nhớ, khả năng thông hiểu ngôn ngữ, khả năng phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá,… của các em được luyện tập tích cực. Các em không chỉ rèn luyện khả năng ghi nhớ máy móc mà cả khả năng ghi nhớ ý nghĩa, khả năng thông hiểu câu chuyện.

Dạy Kể chuyện góp phần giáo dục học sinh trở thành con người có nhân cách tốt, có ích cho xã hội, con người của thời kì Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA PHÂN MÔN KỂ CHUYỆN Ở LỚP 1

Phân môn Kể chuyện ở Tiểu học ngoài mục đích giải trí, kích thích hứng thú học tập, bồi dưỡng tâm hồn, trau dồi vốn sống,… còn nhằm phát triển, nâng cao năng lực trí tuệ của trẻ, đồng thời rèn luyện cho các em khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ [khuyến khích sự sáng tạo của cá nhân]. Chính vì vậy, tiết Kể chuyện đòi hỏi giáo viên vừa biết kể chuyện hấp dẫn, vừa biết dạy cho học sinh tập nói - tập kể chuyện và phát triển ngôn ngữ. Nó chú trọng sự ghi nhớ “cốt truyện”, quan tâm đến việc dùng lời nói có cảm xúc của mỗi học sinh trong thực hành luyện tập kể chuyện.

Dạy tiết Kể chuyện, sau khi kể cho học sinh nghe, giáo viên phải hướng dẫn các em cách ghi nhớ “cốt truyện” [bố cục, diễn biến, hình ảnh, chi tiết nổi bật,…], từ đó, tập tái hiện nội dung từng đoạn, từng phần để tìm hiểu truyện và bước đầu tập dùng ngôn ngữ của bản thân để diễn tả [tập kể chuyện]. Qua mỗi tiết Kể chuyện, học sinh được tiếp xúc với một văn bản truyện kể khá lí thú, cảm nhận được nội dung và thu hoạch được những bài học bổ ích…Nhưng điều quan trọng hơn là các em học được cách dùng từ ngữ, câu văn để diễn đạt một ý, liên kết các ý trong một đoạn, một bài; đây chính là yêu cầu rèn kĩ năng nói [kết hợp kĩ năng nghe] của phân môn Kể chuyện. Yêu cầu tối thiểu học sinh cần đạt là dựa theo tranh, kể lại được một đoạn của câu chuyện được nghe kể trên lớp. Đối với các bài tập kể lại toàn bộ câu chuyện, yêu cầu vài học sinh kể nối tiếp nhau, mỗi học sinh chỉ kể một đoạn để hợp thành cả câu chuyện.

III. VÀI NÉT VỀ PHÂN MÔN KỂ CHUYỆN LỚP 1

Cái mới nổi bật của chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 thể hiện qua hai định hướng lớn là:

a] Coi trọng đồng thời cả bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết nhưng chú ý hơn đến kĩ năng đọc và viết.

b] Coi trọng đồng thời ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết nhưng chú ý hơn đến ngôn ngữ viết.

Dựa vào chương trình và hai định hướng nêu trên, môn Tiếng Việt 1 đã xây dựng một hệ thống các bài học với một cấu trúc chặt chẽ, vừa đảm bảo tính đồng tâm, vừa đảm bảo tính phát triển [ở cả phần Học vần và Luyện tập tổng hợp].

Các bài của phần Học vần có 3 dạng cơ bản, là:

- Làm quen với âm và chữ;

- Dạy- học âm, vần mới;

- Ôn tập âm, vần.

Ở các bài Ôn tập , sau phần luyện đọc, luyện viết là phần Kể chuyện theo tranh nhằm giúp cho nội dung học tập thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn. Tên truyện gắn với những âm, vần học sinh đã học.

- Hình thức kể chuyện: giáo viên kể cho học sinh nghe là chủ yếu, học sinh nhìn tranh minh hoạ trong sách giáo khoa và nghe cô giáo kể. Văn bản truyện được in trong sách giáo khoa.

- Sau phần kể chuyện, nếu có thời gian, giáo viên có thể đặt câu hỏi đơn giản về nội dung câu chuyện cho học sinh trả lời, hoặc có thể cho học sinh kể lại từng đoạn theo tranh.

Phần Luyện tập tổng hợp bố trí theo tuần [tính từ tuần 25 trở về sau]. Nội dung Luyện tập tổng hợp bắt đầu được thể hiện theo phân môn, đó là:

- Tập đọc;

- Chính tả;

- Kể chuyện;

- Tập viết.

Như vậy, lúc này phân môn Kể chuyện mới được dạy trong 1 tiết riêng biệt.

IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỐI TƯỢNG HỌC SINH LỚP 1

Việc tìm hiểu một số đặc điểm về mặt tâm lí lứa tuổi, về nhận thức và vốn tích luỹ của trẻ, về mặt tư duy và ngôn ngữ là hết sức cần thiết trong phương hướng lên lớp của bất kì môn học nào trong đó có phân môn Kể chuyện.

Trước khi đến trường Tiểu học, nhiều em đã trải qua lứa tuổi nhà trẻ từ 1 đến 3 tuổi và lứa tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Cũng có một số em trong nhiều năm của thời kì này đều sinh hoạt tại gia đình bên những người thân của mình như ông bà, cha mẹ, anh chị em và bạn bè cùng xóm ngõ hoặc cùng khu tập thể. Việc đến trường là bước ngoặt lớn đầu tiên trong cuộc đời các em.

Các em học sinh lớp 1 rất ham hiểu biết, khao khát tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên, các hiện tượng về đời sống con người và biết bao lĩnh vực nhận thức khác. Một lời nói sâu sắc, một câu chuyện kể hấp dẫn gây nên một tiếng vọng trong tâm hồn các em và tạo cho các em những tiền đề thuận lợi trong việc hình thành nhân cách, hình thành những tình cảm đạo đức cao cả như tình cảm gia đình, tình yêu Tổ quốc.

Nhìn chung, các em học sinh lớp 1 có nhu cầu cao trong việc giao tiếp với người lớn [đặc biệt là với thầy giáo, cô giáo] và với bạn cùng lớp. Các em hay làm theo thầy cô giáo, bạn bè và những gì mà các em yêu thích. Có khá nhiều trường hợp các em học sinh lớp 1 thực hiện các nhiệm vụ mà thầy cô giáo yêu cầu ở trường cần mẫn hơn cả việc thực hiện các yêu cầu do cha mẹ đề ra. Ngược lại, nếu giáo viên không chú ý tới tính hưng phấn cao về cảm xúc của đối tượng học sinh lớp 1 thì rất dễ làm cho các em nảy sinh những biểu hiện tiêu cực trong học tập và nhân cách, gây nên những hậu quả lâu dài có khi theo suốt cuộc đời một con người. Giáo viên không được tuỳ tiện cắt bỏ tiết Kể chuyện vì ở lứa tuổi lớp 1, các em học sinh có nhu cầu tối đa về việc nghe kể chuyện. Nếu giáo viên tuỳ tiện cắt xén thời gian cho phép thì ý nghĩa, hiệu quả giáo dục, giáo dưỡng của truyện có thể bị hạn chế. Tiết Kể chuyện nếu được thực hiện tốt sẽ là tiết học rất sinh động, đem lại hiệu quả giáo dục, giáo dưỡng cao.

V. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC DẠY KỂ CHUYỆN

Qua thực tế tìm hiểu, đàm thoại, dự giờ, xem giáo án của đồng nghiệp, tôi nhận thấy: Khi dạy Kể chuyện, giáo viên truyền đạt tri thức có sẵn trong sách giáo khoa tới học sinh còn áp đặt, gò bó. Giáo viên còn nói quá nhiều; các bước lên lớp chưa linh hoạt, sáng tạo. Khi có người dự giờ thì giáo viên ít chú ý đến học sinh yếu vì các em này thường chậm, làm mất thời gian và làm giảm tiến độ của tiết dạy. Giáo viên chủ yếu sử dụng phương pháp đàm thoại, thuyết trình mà chưa phát huy tổng hợp các phương pháp khác nhất là các phương pháp mang tính đặc thù bộ môn như: phương pháp trực quan, phương pháp luyện tập [phương pháp trực quan chỉ được áp dụng mang tính hình thức khi có người dự giờ]. Việc đổi mới phương pháp và sử dụng phương pháp đổi mới trong dạy học trên thực tế chỉ được thực hiện trong các tiết Hội giảng, tiết chuyên đề,…

Về phía học sinh, các em thụ động tiếp thu những tri thức mà giáo viên truyền đạt và chưa có sự sáng tạo, linh hoạt trong kể chuyện. Một số học sinh khả năng tái hiện kém nên khi kể chuyện còn lúng túng, giáo viên phải nhắc hoặc gợi ý thì các em mới có thể kể tiếp được.

Chương III:

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỂ DẠY TỐT PHÂN MÔN KỂ CHUYỆN Ở LỚP 1

BIỆN PHÁP 1: CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN

Chuẩn bị của giáo viên trước tiết lên lớp vô cùng quan trọng. Điều này đã trở thành một chân lý: không có sự chuẩn bị công phu, chu đáo thì không thể có tiết dạy thành công được. Lao động của người giáo viên ở bước chuẩn bị này thường là thầm lặng và ít được tính đến song thật ra có tính quyết định cho sự thành công của tiết lên lớp.

1. Đọc truyện, tìm hiểu truyện:

Đây là khâu cơ bản đầu tiên của tiết Kể chuyện. Để có thể kể có nghệ thuật, hấp dẫn, hơn ai hết giáo viên phải là người thuộc truyện, nắm vững tình tiết cốt truyện, hiểu cặn kẽ ý nghĩa và bài học rút ra rừ truyện.

Song đọc truyện cũng phải có phương pháp. Có hai phương pháp đọc: đọc thầm và đọc thành tiếng. Thường thì lúc đầu đọc thầm toàn bộ truyện và đọc thầm phần hướng dẫn ở Sách giáo viên. Sau đó đọc to thành tiếng có thể kết hợp ngữ điệu phù hợp để tìm giọng điệu chuẩn. Đọc truyện thành tiếng còn tạo điều kiện tự kiểm tra khả năng và nghệ thuật phát âm thực tế của mình.

Việc đọc truyện còn biểu hiện được sắc thái ngôn ngữ của các nhân vật khác nhau. Khi đọc truyện, giáo viên có thể dừng ở những chỗ cần thiết để tìm hiểu rõ từng tình tiết, từ ngữ của truyện. Cũng trong quá trình đọc truyện, giáo viên tìm hiểu ý nghĩa và bài học rút ra từ câu chuyện. Phần ý nghĩa toát ra trực tiếp từ cốt truyện còn phần tổng kết rút ra bài học có tính chất nâng cao, khái quát hơn. Giáo viên cần nhận rõ mức độ khác nhau đó để có cách xử lí cần thiết.

2. Tập kể chuyện:

Đọc truyện là bước đầu làm quen với câu chuyện. Giáo viên cần biến câu chuyện đó thành truyện của bản thân mình bằng cách tập kể chuyện. Quá trình tập kể chuyện là quá trình chuyển ngôn ngữ từ văn bản in ấn sang ngôn ngữ của bản thân giáo viên. Giáo viên có thể kể theo cách thể nghiệm khác nhau sao cho bộc lộ được tính cách nhân vật trong truyện một cách sâu sắc nhất. Kể lại được toàn bộ câu chuyện có nghĩa là giáo viên đã thuộc truyện - đó là cơ sở để giáo viên chủ động trong tiết lên lớp. Khi đã kể lại được truyện, giáo viên cần nghiên cứu kết hợp cử chỉ và nét mặt để phù hợp với ngôn ngữ kể chuyện.

3. Soạn giáo án:

Giáo viên cần xác định rõ mục tiêu của bài dạy vì mục tiêu sẽ chi phối toàn bộ quá trình dạy học từ khâu soạn bài đến từng bước lên lớp của giáo viên. Từ đó, giáo viên chuẩn bị đồ dùng dạy học, chuẩn bị hệ thống câu hỏi khai thác bài, dự kiến những thắc mắc học sinh gặp phải để chủ động lựa chọn phương pháp dạy học, chủ động tiến hành các hoạt động dạy học cho đến khi đạt được mục tiêu của bài dạy.

BIỆN PHÁP 2: CHUẨN BỊ CỦA HỌC SINH:

Để thực hiện một giờ Kể chuyện có hiệu quả thì việc chuẩn bị của học sinh là vô cùng quan trọng. Cuối mỗi tiết học, giáo viên cần yêu cầu học sinh về nhà tập kể lại câu chuyện vừa được học và chuẩn bị cho tiết Kể chuyện lần sau bằng cách xem trước tranh minh hoạ, đọc lời gợi ý dưới tranh để tập trả lời các câu hỏi. Đồng thời trong tiết Hướng dẫn học trước buổi học có tiết Kể chuyện, giáo viên dành thời gian kiểm tra những yêu cầu đã nêu ở cuối tiết Kể chuyện hôm trước để giúp đỡ và hướng dẫn học sinh. Từ đó các em ghi nhớ các nhân vật, các chi tiết chính của câu chuyện sẽ học ngày mai.

Ngoài ra, trong mỗi tiết dạy, giáo viên cần tạo cho học sinh tâm thế muốn được kể chuyện cho cô và các bạn nghe mà không ngượng ngùng, rụt rè. Lời động viên của cô giáo; tạo sự thi đua giữa các tổ, nhóm; trang trí hoặc bố trí lại lớp học gợi không khí câu chuyện;… là những biện pháp có hiệu quả tạo cho học sinh tâm thế mong muốn được tham gia kể chuyện trong tiết học.

BIỆN PHÁP 3: HƯỚNG DẪN LỰA CHỌN GIỌNG ĐIỆU KỂ:

Mỗi câu chuyện, tuỳ theo nội dung sẽ có giọng điệu kể riêng. Chọn được giọng điệu kể thích hợp đã tạo cho người kể một ưu thế. Có nhiều giọng điệu: tha thiết, trang trọng, âu yếm, dịu dàng, châm chọc, chanh chua, ác độc, mệt mỏi,… Cần tránh lối kể đều đều, buồn buồn hoặc giữ một giọng điệu suốt câu chuyện tạo cho người nghe tâm trạng chán ngán, buồn ngủ, căng thẳng.

Trong truyện có lời kể và lời nhân vật, giáo viên cần hướng dẫn học sinh thay đổi giọng để phân biệt được: đâu là lời kể, đâu là lời hoặc tâm trạng của nhân vật; đâu là lời của nhân vật này, đâu là lời của nhân vật khác.

VD: Trong câu chuyện: “Rùa và Thỏ”

Lời kể của người dẫn chuyện lúc đầu khoan thai: “Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông, một con Rùa đang cố sức tập chạy.”.

Lời Thỏ đầy kiêu căng, ngạo mạn khi thấy Rùa đang cố sức tập chạy: “Chậm như rùa [dài giọng mỉa mai] mà cũng đòi tập chạy ?”.

Lời Rùa chậm rãi, khiêm tốn nhưng đầy tự tin, dám thách Thỏ: Anh đừng giễu tôi ! Anh với tôi thử chạy thi coi ai hơn ?”.

Bị thách thức, Thỏ càng tự đắc, cao giọng, chấp Rùa cả một quãng đường: “Chú em mà cũng dám chạy thi với ta sao? Ta chấp chú em một nửa đường đó!”.

Lời kể của người dẫn chuyện ở đoạn tiếp chậm rãi: “Thỏ nhìn theo Rùa, mỉm cười. Thỏ cứ nhởn nhơ nhìn trời, nhìn mây, thỉnh thoảng nhấm nháp vài ngọn cỏ non, có vẻ khoan khoái lắm.”.

Tới đoạn cuối, nhịp kể nhanh hơn, dồn dập hơn, thoải mái vì Thỏ ngạo mạn, chủ quan nên đã thua, Rùa kiên trì nên đã thắng: “Lúc sực nhớ đến cuộc thi, ngẩng đầu lên, Thỏ thấy Rùa đã gần tới đích, bèn vắt chân lên cổ mà chạy. Nhưng đã muộn mất rồi, Rùa đã tới đích trước nó.”

BIỆN PHÁP 4: HƯỚNG DẪN LỰA CHỌN LỜI KỂ:

Phương pháp dạy học phân môn Kể chuyện ở tiểu học không đòi hỏi người kể phải kể lại câu chuyện đúng nguyên văn. Khi kể chuyện, giáo viên cần giúp học sinh nắm được nội dung, diễn biến và các chi tiết cụ thể để có khả năng tái hiện và kể lại theo yêu cầu đề ra, mà còn phải đem đến cho học sinh niềm vui và hứng thú cảm nhận giá trị nội dung, ý nghĩa của câu chuyện. Lứa tuổi học sinh lớp 1 tuy chưa nhiều vốn sống nhưng lại khá phong phú về trí tưởng tượng thơ ngây. Tác động mạnh đến trí tưởng tượng của các em chính là đã khơi nguồn cảm xúc và mở rộng sự hiểu biết. Chính vì vậy, lời kể cần được lựa chọn để sinh động, hấp dẫn nhằm gây cảm xúc và gợi trí tưởng tượng của học sinh. Từ đó, các em hứng thú và dễ nhớ nội dung câu chuyện hơn.

Thử so sánh hai cách kể sau đây về một chi tiết trong truyện “Trí khôn”:

[1] Hổ muốn xem trí khôn của bác nông dân quá nên chịu để bác trói. Trói xong, bác bảo: “Ngươi sẽ được thấy trí khôn của ta”.

[2] Hổ tò mò muốn xem trí khôn của bác nông dân quá nên chịu để bác trói. Bác nông dân liền lấy một sợi dây thừng to quấn nhiều vòng thật chặt quanh người Hổ. Trói xong, bác bảo: “Ngươi sẽ được thấy trí khôn của ta”.

Rõ ràng cách kể thứ hai có phần sáng tạo [thay đổi từ ngữ diễn đạt, miêu tả rõ hành động của nhân vật để gợi trí tưởng tượng cụ thể – chữ in nghiêng] và đem lại hiệu quả tốt hơn đối với học sinh khi nghe kể chuyện.

BIỆN PHÁP 5: HƯỚNG DẪN LỰA CHỌN CÁCH NGẮT GIỌNG, NHẤN GIỌNG:

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh ngắt giọng để gây hứng thú [hồi hộp, mong chờ,…] cho người nghe. Ngắt giọng là những chỗ ngừng giọng nhất định. Có hai loại ngắt giọng:

Ngắt giọng lôgíc theo dấu chấm câu;

Ngắt giọng tâm lí theo tình cảm của người kể.

Muốn cho ngắt giọng không phải là chỗ nghỉ trống rỗng trong lời nói mà là chỗ ngắt thể hiện được tình cảm, giáo viên phải hướng dẫn học sinh ngắt sao cho tự nhiên, hợp lí. Trong quá trình kể chuyện, trước những tình tiết gay cấn, thắt nút, đỉnh điểm hoặc những chi tiết quan trọng; dù không có dấu câu cũng nên ngắt giọng tâm lí gây nên sự hồi hộp, chờ đợi.

VD: Trong câu chuyện “Trí khôn”

Sau khi kể: “Trâu đáp” – dừng một chút để tạo sự hồi hộp, chờ đợi câu nói của Trâu. Sau câu nói: “Ta về, Hổ ăn mất Trâu của ta thì sao?” – dừng một chút rồi mới nói tiếp câu thứ hai của người.

Trong quá trình kể chuyện, giáo viên nên hướng dẫn học sinh phát hiện và nhấn giọng vào các từ ngữ thể hiện sự ngạc nhiên, sự chuyển đổi cảm giác, trạng thái để thu hút người nghe tập trung hơn vào câu chuyện.

VD: Trong câu chuyện “Bông hoa cúc trắng”, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phát hiện và nhấn giọng vào các từ ngữ thể hiện sự lo lắng, hốt hoảng của cô bé khi đếm các cánh hoa [ Trời! Mẹ chỉ còn sống được hai mươi ngày nữa!]

BIỆN PHÁP 6: SỬ DỤNG CÁC YẾU TỐ PHI NGÔN NGỮ PHỤ TRỢ CHO LỜI KỂ:

Các yếu tố phi ngôn ngữ có nhiều. Trước tiên đó là nét mặt, cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ,…của người kể. Toàn bộ các yếu tố này sẽ tác động đến người nghe. Vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh sử dụng các yếu tố này khi kể chuyện. Ánh mắt tươi vui hay lo sợ, nét mặt rạng rỡ hay u buồn, rồi đến cái phất tay, một cái nhún vai,… đúng lúc sẽ phụ trợ có hiệu quả cho lời kể.

VD: Trong câu chuyện “Bông hoa cúc trắng” có đoạn:

“… Một lần, người mẹ chợt tỉnh, nói với con:

- Mẹ thấy trong người mệt lắm. Con mời thầy thuốc về đây cho mẹ.”

Trong đoạn này, khi nhập vai bà mẹ cần phải thể hiện nét mặt mệt mỏi của người ốm, nên thêm những tiếng ho vào giữa lời nói của bà mẹ: “ Mẹ thấy trong người mệt lắm.” [ôm ngực ho khụ khụ]. Sau khi nói: “ Con mời thầy thuốc về đây cho mẹ.” cần kèm theo động tác tay mệt mỏi, chậm rãi vuốt ngực, đầu hơi lắc lắc.

Chính việc kết hợp các yếu tố phi ngôn ngữ như vậy sẽ giúp cho việc thể hiện nhân vật tốt hơn và thu hút được sự chú ý của người nghe.

BIỆN PHÁP 7: SỬ DỤNG LINH HOẠT CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC:

Khi dạy Kể chuyện, giáo viên cần coi trọng phương pháp đặc trưng của môn Tiếng Việt là phương pháp dạy học theo tình huống để phát huy tính tích cực, chủ động trong hoạt động học tập của học sinh.Ngoài ra cần phối kết hợp nhiều phương pháp như phương pháp trực quan, phương pháp đàm thoại, thuyết trình, phương pháp luyện tập,…

VD: Trong câu chuyện “Sói và Sóc”

- Khi giới thiệu bài, giáo viên đã sử dụng phương pháp thuyết trình để dẫn dắt học sinh đến với câu chuyện [Một lần, Sóc đang mải chuyền cành thì bị rơi trúng vào người Sói và Sóc đã bị Sói bắt. Tình thế thật nguy hiểm. Liệu Sóc có thể thoát khỏi tình thế nguy hiểm đó không? Các em hãy theo dõi câu chuyện “Sói và Sóc”để tìm câu trả lời nhé!]

- Khi giáo viên kể chuyện: kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp trực quan [giáo viên dùng tranh minh hoạ khi kể lần 2 để học sinh dễ nhớ câu chuyện].

- Phần hướng dẫn học sinh tập kể từng đoạn truyện theo tranh: kết hợp cả 3 phương pháp trực quan, đàm thoại và luyện tập.

Để tiết học nhẹ nhàng và đạt hiệu quả thì giáo viên cần linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với từng bài và phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình.

BIỆN PHÁP 8: SỬ DỤNG ĐỒ DÙNG DẠY HỌC KẾT HỢP VỚI VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:

Với học sinh lớp 1, tranh ảnh minh hoạ có tác dụng kích thích trí tò mò và gây hứng thú cho các em. Trong giờ Kể chuyện cần có bộ tranh minh hoạ để học sinh dễ nhớ câu chuyện và có thể dựa vào tranh để tập kể lại từng đoạn của câu chuyện.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh có thể tường minh hơn:

Nắm được các nhân vật, các chi tiết chính và diễn biến của câu chuyện qua bộ tranh minh hoạ.

Trong khi kể chuyện, giáo viên có thể kết hợp hiệu ứng âm thanh.

Khi phân biệt giọng kể và lời các nhân vật, giáo viên dùng hiệu ứng ghi giọng kể và lời các nhân vật.

Những chỗ cần ngắt giọng để tạo sự hồi hộp, chờ đợi, giáo viên có thể dùng hiệu ứng gạch chéo.

Những từ ngữ cần nhấn giọng để thu hút sự chú ý của người nghe, giáo viên có thể dùng hiệu ứng gạch chân.

Chương III. THỰC NGHIỆM

Để khẳng định một số biện dạy phân môn Kể chuyện như đã nêu trên có hiệu quả, tôi đã tiến hành dạy tại hai lớp 1A5 và 1A6 với cùng một câu chuyện “Sói và Sóc”:

Lớp 1A5 dạy theo phương pháp truyền thống.

Lớp 1A6 dạy theo phương pháp đổi mới áp dụng các biện pháp đã được đúc rút qua quá trình dạy Kể chuyện của bản thân.

Sau khi đã dạy xong, tôi nhận thấy kết quả như sau:

Lớp

Số HS tham gia kể

Số học sinh kể

Có sự sáng tạo

Không sáng tạo

Phải gợi ý

1A5

17

5

8

4

1A6

17

15

2

0

Một số nhận xét rút ra sau khi dạy Kể chuyện tại 2 lớp như sau:

1. Qua tiết dạy tại lớp 1A5 :

Giáo viên đi đúng các bước của quy trình một tiết dạy Kể chuyện. Trình tự các bước lên lớp chặt chẽ, khoa học, về cơ bản phần nào đã thể hiện đặc trưng bộ môn. Hai việc làm cơ bản trong giờ Kể chuyện [GV kể chuyện và giúp HS tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện] đã được thể hiện rõ ràng. Giáo viên cũng đã chú trọng hướng dẫn học sinh kể từng đoạn câu chuyện theo tranh, hướng dẫn kể toàn bộ câu chuyện theo cách phân vai.

Song vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong giờ dạy đó là tiết học chưa lôi cuốn được học sinh. Giáo viên chỉ truyền thụ đủ nội dung bài theo các bước lên lớp chứ chưa tạo ra nhiều tình huống cho học sinh chú ý, chưa phát huy được khả năng khám phá, sáng tạo của học sinh. Học sinh chỉ thụ động nghe giáo viên kể chuyện và trả lời những câu hỏi mà giáo viên đưa ra. Các em chưa mạnh dạn khi kể lại từng đoạn câu chuyện theo tranh hoặc kể toàn bộ câu chuyện theo cách phân vai thì nhiều em lúng túng không biết kể.

2. Qua tiết dạy tại lớp 1A6 :

Giáo viên đã dạy đúng quy trình của tiết Kể chuyện và sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Các bước lên lớp được thể hiện rất rõ ràng và đều chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Giáo viên chỉ giữ vai trò là người tổ chức điều khiển quá trình học tập và để các em tự phát hiện, tự đánh giá, nhận xét cho nhau.

Chính vì vậy, không khí giờ học sôi nổi, học sinh hào hứng say mê học tập. Tiết dạy thực sự thành công đã soi sáng thêm lý luận dạy học theo hướng phát huy tính tích cực hoạt động của học sinh và làm cho giáo viên thêm tin tưởng ở tính khả thi của những biện pháp giúp dạy tốt phân môn Kể chuyện ở lớp 1.

* Sau đây, tôi xin trình bày hai giáo án đã thực hiện dạy tại lớp 1A5 và 1A6:

KẾ HOẠCH DẠY HỌC – LỚP 1A5

Phân môn: Kể chuyện

BÀI : SÓI VÀ SÓC

I. MỤC TIÊU

- HS ghi nhớ nội dung câu chuyện để dựa vào tranh minh hoạ và các câu hỏi của GV, kể lại được từng đoạn và toàn bộ câu chuyện.

- Phân biệt và thể hiện được lời của Sói, Sóc và lời người dẫn chuyện .

- HS hiểu được ý nghĩa câu chuyện: Nhờ có trí thông minh mà Sóc đã thoát khỏi tình thế nguy hiểm.

II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

- Tranh minh hoạ câu chuyện Sói và Sóc.

- Mũ Sói và Sóc.

III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC CHỦ YẾU

TG

Nội dung

Hoạt động của GV

Hoạt động của HS

ĐDDH

4’

I] BÀI CŨ:

Niềm vui bất ngờ

-GV cho 1 HS kể tóm tắt lại nội dung câu chuyện.

- Nêu ý nghĩa câu chuyện.

-GV nhận xét

-1 HS kể

-1 HS nêu

1’

3’

15’

II] BÀI MỚI :

1. Giới thiệu bài

2.GV kể chuyện

Sói và Sóc

3. Hướng dẫn HS tập kể từng đoạn theo tranh

*Mục tiêu: HS kể lại được từng đoạn truyện theo tranh

GV ghi đầu bài : Sói và Sóc

* GV kể toàn bộ câu chuyện lần 1.

* GV kể lần 2 kết hợp chỉ lên từng bức tranh để HS nhớ chi tiết của câu chuyện.

* Tranh 1: Tranh vẽ gì?

+ Chuyện gì xảy ra khi Sóc đang chuyền trên cành cây?

-> đưa nội dung

* Tranh 2: Tranh vẽ gì?

+Lão Sói định làm gì Sóc?

+ Sóc đã làm gì?

-> đưa nội dung

* Tranh 3: Tranh vẽ gì?

+ Sói yêu cầu Sóc làm gì?

+ Sóc nói với Sói như thé nào? -> đưa nội dung

-HS nhắc lại tên câu chuyện.

- HS nghe

- HS nghe

- HS trả lời

- 1HS kể

- HS trả lời

- 1HS kể

- HS trả lời.

- 1HS kể

Tranh

Tranh 1

Tranh 2

Tranh 3

12’

4. Hướng dẫn HS phân vai tập kể toàn chuyện .

*Mục tiêu: HS kể lại được toàn bộ câu truyện, sắm vai sinh động

* Tranh 4:

+ Được Sói thả ra, Sóc đã làm gì?

+ Sóc nói gì với Sói?

-> đưa nội dung

-Y/C tập kể theo nhóm 4

-Mời 1 nhóm lên kể

-Mời 2HS lên kể, mỗi em kể 2 tranh

-Mời 1HS lên kể 4 tranh

-Câu chuyện có những nhân vật nào?

-Ngoài lời của 2 nhân vật Sói và Sóc, còn có lời của ai?

-HD nêu lời của các nhân vật và người dẫn chuyện trong tranh kết hợp nêu giọng kể.

-Y/C kể chuyện phân vai theo nhóm 3.

-Mời 1 nhóm lên chỉ tranh và kể phân vai

-Mời 1 nhóm lên kể phân vai [không chỉ tranh]

-GV nhận xét

- HS trả lời.

- 1HS kể

- HS nhận xét bạn.

- Kể theo nhóm 4

-1 nhóm lên kể

- Nhận xét

- 2HS lên kể

- Nhận xét

- 1HS lên kể

- Nhận xét

- Sói và Sóc

-người dẫn chuyện

- HS nêu

- Kể chuyện phân vai theo nhóm 3.

- 1 nhóm lên chỉ tranh, kể phân vai

- 1 nhóm lên kể phân vai

Tranh 4

Mũ sói và sóc

3’

5. Tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện

*Mục tiêu: HS nắm được nội dung, ý nghĩa của câu truyện

-Sói và Sóc ai là người thông minh? Vì sao con biết?

-Các con học tập ai?

-Muốn thông minh các con phải làm gì?

- ... Nhờ thông minh Sóc đã thoát nạn.

- HS trả lời.

- HS trả lời.

2’

III] CỦNG CỐ, DẶN DÒ

+ GV dặn HS về nhà kể lại câu chuyện cho gia đình nghe.

+ Chuẩn bị chuyện sau: Dê con nghe lời mẹ.

KẾ HOẠCH DẠY HỌC – LỚP 1A6

Phân môn: Kể chuyện

BÀI : SÓI VÀ SÓC

I. MỤC TIÊU:

1. Kiến thức:

- HS ghi nhớ nội dung câu chuyện để dựa vào tranh minh hoạ và các câu hỏi của GV, kể lại được từng đoạn và toàn bộ câu chuyện.

- HS hiểu được ý nghĩa câu chuyện: Nhờ có trí thông minh mà Sóc đã thoát khỏi tình thế nguy hiểm.

2. Kĩ năng: HS phân biệt và thể hiện được lời của Sói, Sóc và lời người dẫn chuyện.

3. Thái độ: HS yêu quý Sóc vì Sóc thông minh, dũng cảm.

II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

- Giáo án điện tử.

- Mũ Sói và Sóc.

III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC CHỦ YẾU

TG

Nội dung

Hoạt động của GV

Hoạt động của HS

ĐDDH

4’

I] BÀI CŨ

“Niềm vui bất ngờ”

- GV cho 1 HS kể tóm tắt lại nội dung câu chuyện.

- Yêu cầu nêu ý nghĩa câu chuyện.

- GV nhận xét

-1 HS kể

-1 HS nêu

- HS nhận xét

1’

3’

15’

II] BÀI MỚI

1. Giới thiệu bài

2. GV kể chuyện

3. Hướng dẫn HS tập kể từng đoạn theo tranh

*Mục tiêu: HS kể lại được từng đoạn truyện theo tranh

* Nghỉ giải lao

- Hãy nêu những điều con biết về loài sói?

- Sóc là con vật như thế nào?

- Một lần, Sóc đang mải chuyền cành thì bị rơi trúng vào người Sói và Sóc đã bị Sói bắt. Tình thế thật nguy hiểm. Liệu Sóc có thể thoát khỏi tình thế nguy hiểm đó không? Các em hãy theo dõi câu chuyện “Sói và Sóc”để tìm câu trả lời nhé!

- GV ghi đầu bài : Sói và Sóc

* Lần 1: GV kể toàn bộ câu chuyện [không tranh]

* Lần 2: chiếu đoạn phim kể chuyện.

* Tranh 1:

+ Sói đang làm gì?

+ Chuyện gì xảy ra khi Sóc đang chuyền trên cành cây?

- GV: Dựa vào tranh và phần trả lời vừa rồi bạn nào lên kể nội dung bức tranh 1

- GV nhận xét

- Vậy khi Sóc rơi vào người Sói thì Sói định làm gì Sóc? Chúng mình cùng quan sát vào bức tranh thứ 2 nào.

* Tranh 2:

+ Tranh 2 vẽ gì?

+ Lão Sói định làm gì Sóc?

+ Sóc đã làm gì?

- Cho HS kể lại nội dung tranh 2

- GV nhận xét

- Khi Sóc xin Sói thả mình ra, vậy Sói có thả Sóc ra không chúng mình cùng đến với nội dung bức tranh số 3 nhé.

* Tranh 3:

+ Sói hỏi Sóc điều gì?

+ Sóc trả lời ra sao?

+ Lời Sóc khi trả lời Sói cần nói với giọng thế nào?

- Dựa vào nội dung vừa rồi, cô mời 1 bạn lên kể nội dung bức tranh 3.

- GV nhận xét

Với lời đề nghị của Sóc, Sói có thực hiện không? Và chuyện gì đã xảy ra? Mời các con đến với bức tranh 4.

* Tranh 4:

+ Được Sói thả ra, Sóc đã làm gì?

+ Sóc nói gì với Sói?

+ Lời Sóc khi thoát khỏi Sói cần thể hiện như thế nào?

+ Gọi 1 HS kể lại tranh 4

- GV nhận xét

-Cho HS hát

- HS trả lời

- HS trả lời

- HS nghe

- HS nhắc lại tên bài

- HS nghe

- HS nghe

- Sói đang nằm ngủ dưới gốc cây

- Sóc rơi trúng vào Sói

- 1HS kể tranh 1

- HS nhận xét

- Sói túm cổ Sóc

- Sói định ăn thịt Sóc

- Sóc van nài Sói thả mình ra.

- 1HS kể tranh 2

- HS nhận xét

- Vì sao bọn Sóc các ngươi cứ nhảy nhót vui đùa suốt ngày, còn ta lúc nào cũng thấy buồn bực?

- Thả tôi ra rồi tôi sẽ nói.

- mềm mỏng, nhẹ nhàng

- 1HS kể tranh 3

- HS nhận xét

- Sóc nhảy tót lên cành cây cao.

- Anh buồn vì anh độc ác. Sự độc ác thiêu đốt tim gan anh. Còn chúng tôi lúc nào cũng vui vẻ vì chúng tôi tốt bụng, không làm điều ác cho ai cả.

- ôn tồn và mạnh mẽ

- 1 HS kể.

- HS nhận xét bạn.

- HS hát

phim

Tranh 1

Tranh 2

Tranh 3

Tranh 4

- Vừa rồi chúng ta cùng tìm hiểu nội dung của 4 bức tranh. Bây giờ cô dành cho các con ít phút tập kể theo nhóm 4

- Mời 1 nhóm lên kể

- Mời 2HS lên kể [mỗi em kể 2 tranh]

- Bạn nào giỏi có thể kể 4 tranh?

- Vừa rồi các con đã kể lại được từng đoạn truyện theo tranh. Bây giờ chúng mình sẽ đóng vai các nhân vật để kể lại câu chuyện này nhé!

- tập kể theo nhóm 4

-1 nhóm lên kể

-Nhóm khác nhận xét

- 2HS lên kể

- HS nhận xét

- 1HS lên kể 4 tranh

- HS nhận xét

10’

4. Hướng dẫn HS phân vai tập kể toàn chuyện .

*Mục tiêu: HS kể lại được toàn bộ câu truyện, sắm vai sinh động

- Câu chuyện có những nhân vật nào?

- Ngoài lời của 2 nhân vật Sói và Sóc, còn có lời của ai?

- Lời dẫn chuyện cần đọc giọng thế nào?

- Lưu ý: nhấn giọng ở các chi tiết Sói định ăn thịt Sóc, Sóc van nài Sói

- Bây giờ các con phân vai để kể lại câu chuyện theo nhóm 3

-Mời 1 nhóm lên chỉ tranh và kể phân vai

-Y/C kể chuyện phân vai [không chỉ tranh]

- GV nhận xét

- Sói và Sóc

- người dẫn chuyện

- Giọng thong thả

-HS kể phân vai

-1 nhóm lên kể

-HS nhận xét

-1 nhóm lên kể

-HS nhận xét

Mũ sói, sóc

2’

5. Tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện

*Mục tiêu: HS nắm được nội dung , ý nghĩa của câu truyện

- Sói và Sóc ai là người thông minh? Điều gì chứng tỏ Sóc thông minh hơn?

- Nhờ đâu mà Sóc thoát nạn?

- Con rút ra được điều gì cho mình qua câu chuyện này?

- Đưa ý nghĩa câu chuyện

* Liên hệ: Trong cuộc sống luôn có những kẻ xấu mang nguy hiểm đến cho chúng ta. Các con nhớ cần phải bình tĩnh để tìm cách thoát khỏi những kẻ xấu nhé!

- Khi Sói hỏi, Sóc bảo sẽ trả lời nhưng Sói phải thả Sóc ra trước.

- Nhờ thông minh Sóc đã thoát nạn.

- Khi gặp nguy hiểm cần phải bình tĩnh để tìm cách thoát an toàn.

- HS đọc

1’

III] Củng cố, dặn dò

+ GV dặn HS về nhà kể lại câu chuyện cho gia đình nghe.

+ Chuẩn bị chuyện sau: Dê con nghe lời mẹ.

KẾT QUẢ

Mặc dù năm học 2018 - 2019 chưa kết thúc nhưng tôi nhận thấy đề tài: Một số biện pháp dạy tốt phân môn Kể chuyện cho học sinh lớp 1 ở trường tiểu học” đã thu được kết quả tốt đẹp.

PHẦN III: KẾT LUẬN

Phân môn Kể chuyện phát triển kĩ năng nói cho học sinh. Giờ Kể chuyện rèn cho học sinh kĩ năng nói trước đám đông dưới dạng độc thoại thành đoạn, bài theo phong cách nghệ thuật.

Cùng với sự rèn luyện các kĩ năng ngôn ngữ, tư duy của học sinh cũng được phát triển. Đặc biêt, sống trong thế giới các nhân vật, thâm nhập vào các tình tiết của truyện, tiếp xúc với nghệ thuật ngôn từ kể chuyện, tư duy hình tượng và cảm xúc thẩm mĩ của học sinh cũng được phát triển.

Khi nghe giáo viên kể chuyện, học sinh đã tiếp nhận tác phẩm văn học ở dạng lời nói có âm thanh. Khi học sinh kể chuyện là các em đang tái sản sinh hay sản sinh một tác phẩm nghệ thuật ở dạng lời nói.

Để phân môn Kể chuyện trở lên sôi nổi, hấp dẫn lôi cuốn học sinh trong học tập đòi hỏi ngư­ời giáo viên phải có sự đầu tư trí tuệ, thời gian, nỗ lực phấn đấu trong mọi điều kiện và hoàn cảnh.

Quận Hoàng Mai

In bài viết
Gửi mail

Các tin khác

  • Trường Tiểu học Trần Phú tổ chức đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025
  • Trường THCS Yên Sở đón đoàn công tác huyện đoàn - Hội đồng đội huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang về tham quan, học tập các mô hình
  • Trường Mầm non Hoa Mai: Tấm gương cô giáo Mầm non nhiệt tình, tâm huyết với nghề
  • Hết lòng vì nhân dân phục vụ
  • Công an quận Hoàng Mai tổ chức tập huấn pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ dân phố
  • Quận Hoàng Mai: Tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH kết hợp phát động phong trào học tập tấm gương dũng cảm của 03 liệt sỹ hy sinh trong vụ cháy xảy ra tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Video liên quan

Chủ Đề