Chỉ rõ biểu hiện của tiếng hát than thân của người phụ nữ

  • Câu hát than thân là dùng các sự vật, con vật gần gũi, nhỏ bé, đáng thương làm hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ, so sánh để diễn tả tâm trạng, thân phận con người.  

1. Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay

Ai làm cho bể kia đầy

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?

2. Thương thay thân phận con tằm

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

      Thương thay con kiến li ti

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.

     Thương thay hạc lánh đường mây

Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.

     Thương thay con quốc giữa trời

Dầu kêu ra máu có người nào nghe.

3. Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

Trong ca dao, người nông dân thời xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình. Em hãy sưu tầm một số bài ca dao đế chứng minh điều đó và giải thích vì sao?

Trả lời:

Bài ca dao về hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình: 

Con cò mà đi ăn đêm.

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...  

Ở đây, câu ca dao đề cập đến hình ảnh con cò. Nhưng bản chất nó chính là hình ảnh của người nông dân lao động trong hoàn cảnh éo le, cay đắng cuộc đời mình. Họ mong muốn được chết một cách trong sạch chứ không muốn sống nhục nhã. Con cò vì mưu sinh mà phải lặn lội mò cua bắt tép vào ban đêm, vì họ nghèo muốn kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình để tồn tại.  Người đọc cảm thấy vô cùng xúc động thể hiện một con cò chăm chỉ, thương yêu người thân gia đình mình. 

Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của cò được diễn tả như thế nào? Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn có nội dung nào khác?

Trả lời:

Bên cạnh việc sử dụng hình ảnh con cò để nói về cuộc đời con người thì bài ca dao còn sử dụng thêm nhiều biện pháp nghệ thuật khác.

Cụm từ “lận đận” cùng với thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” đã phác họa nên bức tranh đầy cơ cực và vất vả của cuộc đời con cò. Ngoài ra, bài thơ còn sử dụng biện pháp đối lập như nước non đối lập với một mình tạo nên cảnh lẻ loi, cô độc trong thế giới bao la. Hay bể kia đầy đối lập với ao kia cạn thể hiện sự éo le của cuộc đời, bể kia đã rộng lại còn đầy, còn chiếc ao kia nơi cò kiếm ăn hằng ngày đã bé lại còn cạn. Bởi vậy dù cho cò tần tảo, nhặt nhảnh, bươn chải, thân cò vẫn cứ gầy guộc mong manh.

Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn bài ca còn có nội dung tố cáo xã hội phong kiến bất công. Xã hội đó đã làm nên chuyện bể đầy, ao cạn làm cho thân cò thêm lận đận, thêm gầy mòn. Câu hỏi tu từ đã gián tiếp tố cáo xã hội phong kiến bất công đó.

Em hiểu cụm từ “thương thay” như thế nào? Hãy chỉ ra những ý nghĩa của sự lặp lại cụm từ này trong bài 2?

Trả lời:

Bài 2 là lời người lao động thương cho thân phận của những người khốn khổ và cũng là chính mình.

Trong bài, cụm từ “thương thay” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Việc cụm từ được nhiều lần lặp lại có ý nghĩa: mỗi lần là một lần thương một con vật, một cảnh ngộ. Bốn lần thương thay, bốn con vật, bốn cảnh ngộ khác nhau, nhưng lại cùng chung với thân phận người lao động; Tô đậm nỗi thương cảm, xót xa cho cuộc sống khổ sở nhiều bề của người lao động; Kết nối và mở ra những nỗi thương khác nhau, làm cho bài ca phát triển. thể hiện sự thương cảm, xót xa vô hạn. Thương thay là thương cho thân phận mình và cho người khác cùng cảnh ngộ.

Hãy phân tích những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2?

Trả lời:

Những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2:

  • Con tằm: Tằm hằng ngày phải ăn dâu, phải dệt tơ để tạo thành một ổ kén bao bọc nó. Nhưng khi những sợi tơ vàng của ô kén bị rút dần, rút dần đến khi hết thì con tằm cũng chết. Thông qua hình ảnh con tằm, bài ca dao đã thương thay cho thận phận con người lao động suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lực. 
  • Con kiến: Là con vật bé nhỏ, thân phận thấp hèn, dễ dàng bị kẻ khác dẫm nát bất cứ lúc nào. Người bé ăn chẳng bao nhiêu, nhưng suốt ngày vẫn phải chạy đôn chạy đáo để kiếm ăn. Với hình ảnh con kiến, bài ca dao muốn nói đến nỗi khổ của những thân phận nhỏ nhoi, suốt đời xuôi ngược vất vả làm lụng mà vẫn nghèo khó.
  • Con hạc: Nói đến chim hạc là nói đến loài chim bay mỏi cánh nhưng cũng không có nơi đứng. Nó cũng giống với những người suốt ngày phải phiêu bạt, lận đận và những cố gắng vô vọng của người lao động.
  • Con cuốc: Biểu thị cho sự oan trái, cho nỗi đau khổ của nhân dân lao động không được lẽ công bằng nào soi tỏ. Càng kêu máu càng chảy ra, càng tuyệt vọng. Đó cũng chính là thân phận thấp cổ bé họng có nỗi khổ đau oan trái không được lẽ công bằng nào soi tỏ.
Em hãy sưu tầm một số bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “thân em”. Những bài ca dao ấy thường nói về ai, về điều gì, và thường giống nhau như thế nào về nghệ thuật?

Trả lời: 

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày

Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa

Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

Thân em như miếng cau khô

Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày

Thân em như giếng giữa đàng

Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân

Các bài ca dao này thường nói về thân phận gian nan, vất vả, thiệt thòi của người phụ nữ trong xã hội xưa. Cụm từ “thân em” đế nói về những kiếp người, những thân phận nhỏ bé, cơ cực, cay đắng. Từ đó, khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc ở người đọc - Thường nói về thân phận tội nghiệp, nồi đau khổ cua nhửng số phận nhỏ bé bị lệ thuộc, không có quyền được quyết định cuộc sống của mình - họ là những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Về nghệ thuật, ngoài mô típ mở đầu bằng cụm từ thân em [gợi ra nỗi buồn thương], các câu ca dao này thường sử dụng các hình ảnh ví von so sánh [để nói lên những cảnh đời, những thân phận, những lo lắng khác nhau của người phụ nữ].

Bài 3 nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh so sánh ở bài này có gì đặc biệt? Qua đây em thấy cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến như thế nào?

Trả lời:

Bài 3 nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến "Thân em như trái bần trôi”. Trong ca dao Nam Bộ, hình ảnh trái bần cũng như mù u, sầu riêng thường gợi đến cuộc đời nghèo khổ, buồn đau,  đắng cay. Hình ảnh so sánh được miêu tả bổ sung bằng các chi tiết “gió dập”, ”sóng dồi” "biết tấp vào đâu”. Các chi tiết ấy gợi lên cuộc đời người phụ nữ quá nhỏ  bé, số phận họ thật là lênh đênh, chìm nổi trong sự mông mênh của xã hội xưa. Họ không mảy may có một quyền tự quyết nào về chính bần thân mình cả. Người phụ nữ là hiện thân của nỗi đau khổ ngày xưa.

Em hãy nêu những điểm chung về nội dung và nghệ thuật của ba bài ca dao?

Trả lời:

Những điểm chung về nội dung và nghệ thuật của ba bài ca dao:

Về nội dung:

  • Cả ba bài đều là những câu hát than thân của những con người trong xã hội xưa.
  • Mỗi bài lại có một nét riêng mang tính chất phản kháng.
  • Cả ba bài đều diễn tả cuộc đời, thân phận của nhân dân ta trong xã hội cũ

Về nghệ thuật:

  • Ba bài ca dao đều sử dụng thể thơ lục bát - một thể thơ truyền thống của dân tộc, có âm hưởng nhẹ nhàng mà tha thiết
  • Sử dụng các biện pháp ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, tượng trưng, phóng đại,điệp từ, điệp ngữ….
  • Sử dụng các cách nói: thân em, thân cò, con cò…
  • Sử dụng thành ngữ

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

- Người phụ nữ bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền lựac chọn hạnh phúc cho mình:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

- Ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác:

“Thân em như con cá rô thia

 Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu"

=> Câu ca dao nào cũng đầy ai oán, số phận nào cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm lũi, chua cay.

- Người con gái đi lấy chồng cuộc sống như khép lại, chỉ thấy một sự trói buộc đến phũ phàng, có khi bị đánh đập, bị đối xử tệ bạc.

“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra”

 => Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận chung

Bài mẫu

 Bài tham khảo số 1

      Kho tàng văn học dân gian Việt Nam luôn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Cùng với các thể loại khác, ra đời trong xã hội cũ, ca dao diễn tả tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước... không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa, ca dao còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt Nam, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội cũ.

      Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông được coi trọng, được quyền “năm thê bảy thiếp”, được nắm quyền hành trong xã hội, trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng. Họ phải làm lụng, vất vả cung phụng chồng con, một nắng hai sương mà cuộc đời thì tăm tối. Họ phải cất lên tiếng nói của lòng mình.

“Thân em như tấm lụa đào

 Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

       Tiếng nói đầy mặc cảm, cay đắng. Người phụ nữ ví mình như một tấm lụa được người ta bày bán giữa chợ. Thân phận họ cũng chỉ là vật giữa chợ đời bao người mua. Thân phận họ bé nhỏ và đáng thương quá đỗi. Hai từ “thân em” cất lên sao xót xa, tội nghiệp. Xã hội lúc bấy giờ đâu cho họ được tự do lựa chọn, ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác:

“Thân em như con cá rô thia

 Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu"

      Không một lối thoát nào mở ra trước mắt, họ cảm thấy cuộc đời chỉ là kiếp nô lệ, bốn phía lưới giăng. Hình ảnh “Tấm lụa đào”, hay “con cá rô thia” trong hai câu ca dao trên là hình ảnh so sánh nghệ thuật. Hình ảnh này cho ta liên tưởng tới sự tầm thường, bé nhỏ của thân phận người phụ nữ: tấm lụa thì đem ra đổi bán, con cá rô thia thì được vùng vẫy đây nhưng chỉ trong chiếc ao tù. Hình ảnh con cá rô thia cho ta nghĩ đến người phụ nữ trong sự bủa vây của truyền thống, tập tạc, quan niệm phong kiến bao đời hà khắc, đến hạnh phúc của mình cũng không được quyền quyết định:

“Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

 Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

 Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa

Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,

Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,

Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan”...

        Bao khát khao bị kìm hãm, hạnh phúc lứa đôi bị rào cản phong tục đè nén, họ ngẫm mình và cất lên tiếng than cay đắng.

“Thân em như miếng cau khô

 Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày”

      Câu ca dao nào cũng đầy ai oán, số phận nào cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm lũi, chua cay.

“Năm nay em đi làm dâu

Thân khác gì trâu mang theo ách

Năm nay em đi làm vợ

Thân mang cày, dây khiến không biết ai?

Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm.”

       Người con gái trong bài ca dao H’mông này đang than thân trách phận mình khi “xuất giá tòng phu’’. Họ lấy chồng, không phải vì hạnh phúc mà để làm một con vật lao động trong nhà chồng, một con vật suốt đời “theo ách” như trâu mang. Cuộc sống như khép lại trước mắt họ, chỉ thấy một sự trói buộc đến phũ phàng:

“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra”

     Có khi họ bị chồng đánh đập:

“Cái cò là cái cò quăm

Mày hay đánh vợ mày nằm với ai"

     Có khi bị chồng phụ bạc:

“Nhớ xưa anh bủng anh beo

Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh

Bây giờ anh mạnh anh lành

Anh tham duyên mới anh đành phụ tôi."

        Ở lĩnh vực nào người phụ nữ xưa cũng không được quyền hạnh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được tôn trọng... Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng lựa chọn. Đến cả sự tỏ bày tình yêu cũng vô cùng tội nghiệp.

“Thân em như củ ấu gai

 Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

Không tin bóc vỏ mà xem

Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi’’

      Ở câu than thân nào họ cũng ví mình thật tội nghiệp, nào là tấm lụa, nào là hạt mưa, nào là miếng cau khô, rồi củ ấu gai... thứ nào cũng nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hạt mưa thì chẳng biết rơi vào đâu, miếng cau thì tùy người chọn, còn củ ấu thì có vẻ đẹp bên trong mà không ai biết. Bài ca dao này là một sự giãi bày của người phụ nữ. Người phụ nữ muốn xã hội công nhận giá trị của mình, nhưng vẫn đầy tự ti: “Không tin bóc vỏ mà xem, ăn rồi mới biết là em ngọt bùi”. Một sự mời mọc ngập ngừng.

      Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Xem các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

Loigiaihay.com

Video liên quan

Chủ Đề