Câu hỏi về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

05/01/2018

Câu hỏi về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Câu hỏi:
Công ty tôi chuyên sản xuất cám ăn cho lợn, tại thị trường Thái Bình công ty tôi chiếm thị phần 35% trên thị trường liên quan. Có một doanh nghiệp đối thủ gửi văn bản lên cơ quan nhà nước tố cáo công ty tôi có hành lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Tôi muốn hỏi hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường như thế nào thì bị cấm?.

Trả lời:

Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thành. Chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Một doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lạm dụng vị trí này nhằm trục lợi hoặc gây khó khăn cho doanh nghiệp khác thì bị xử lý theo pháp luật.
Điều 13 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định:

Câu hỏi về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

(ảnh minh họa: hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm) “Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây: 1. Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; 2. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; 3. Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng; 4. Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh; 5. Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

6. Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới”

Trên đây là tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế là sự cạnh tranh khốc liệt để vươn lên các doanh nghiệp, luôn cố gắng giành sự quan tâm của khách hàng bằng việc chiếm ưu thế về thị phần trên thị trường liên quan. Sự phát triển đó cũng kéo theo những hành vi hạn chế cạnh tranh ngày càng gia tăng. Cạnh tranh là hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường và là nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển luôn tìm mọi cách để giành sự quan tâm của khách hàng với doanh nghiệp của mình bằng việc chiếm ưu thế về thị phần trên thị trường liên quan.

- Pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã có những quy định cụ thể điều chỉnh các hoạt động cạnh tranh trên thị trường, trong đó có các quy định kiểm soát vị trí độc quyền của doanh nghiệp; kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh năm 2018 đưa ra khái niệm chung về hành vi hạn chế cạnh tranh và đưa ra định nghĩa thế nào là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Theo đó, hành vi hạn chế cạnh tranh được hiểu là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm ba nhóm hành vi đó là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền.

- Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh (căn cứ vào Khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018). Còn tác động làm hạn chế cạnh tranh là những tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường.

- Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Cách xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được dựa trên các yếu tố quy định tại Điều 26 của Luật Cạnh tranh năm 2018 và Điều 12 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

- Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

Chế định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp đang có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền nhưng không chống lại vị trí của chúng trên thị trường. Vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền có thể được hình thành từ sự tích tụ trong quá trình cạnh tranh; từ những điều kiện tự nhiên của thị trường như: Yêu cầu về quy mô hiệu quả tối thiểu, sự dị biệt của sản phẩm, sự tồn tại của các rào cản gia nhập thị trường; hoặc sự bảo hộ của quyền lực nhà nước… Trong những trường hợp nói trên, vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường của doanh nghiệp là hợp pháp và đem lại cho doanh nghiệp khả năng chi phối các quan hệ trên thị trường đó. Nhưng pháp luật cạnh tranh chỉ loại bỏ hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để trục lợi hoặc để bóp méo cạnh tranh. Một khi doanh nghiệp có sức mạnh thị trường nhưng chưa có biểu hiện của sự lạm dụng thì chúng vẫn là chủ thể được pháp luật bảo vệ.

Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định rõ những hành vi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền bị nghiêm cấm thực hiện tại Điều 27 trong đó có 06 hành vi áp dụng cho cả trường hợp thống lĩnh và độc quyền và 02 hành vi chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Một hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường chỉ bị quy kết là lạm dụng để hạn chế cạnh tranh khi nó mang đầy đủ các dấu hiệu của hành vi nào đó đã được luật quy định là lạm dụng. Hành vi lạm dụng không chỉ là những thủ đoạn lợi dụng lợi thế do sức mạnh thị trường đem lại cho doanh nghiệp mà còn là nguyên nhân gây ra những hậu quả không tốt cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường hiện tại hoặc tương lai. Căn cứ vào các quy định liệt kê hành vi hạn chế cạnh tranh theo Điều 27 Luật Cạnh tranh, hành vi lạm dụng của doanh nghiệp là việc doanh nghiệp khai thác lợi thế do vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền đem lại nhằm mục đích bóc lột khách hàng hoặc nhằm ngăn cản, loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Mỗi hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền được pháp luật quy định làm cản trở, giảm và sai lệch cạnh tranh ở những mức độ với những cách thức khác nhau. Là một trong những nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh, doanh nghiệp thực hiện hành vi lạm dụng với mục đích duy trì, củng cố vị trí hiện có hoặc bóc lột khách hàng. Trong khái niệm về hành vi hạn chế cạnh tranh, Khoản 2 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 đã sử dụng hậu quả để mô tả về hành vi hạn chế cạnh tranh, theo đó, hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền luật không giải thích thế nào là gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, không đưa ra những căn cứ để xác định mức độ thiệt hại gây ra. Do hành vi vi phạm được liệt kê rất đa dạng bao gồm các hành vi về việc định giá bán, giá mua sản phẩm, hành vi hạn chế sản lượng sản xuất, phân phối, hạn chế thị trường; hành vi phân biệt đối xử; áp đặt các điều kiện thương mại bất hợp lí đối với khách hàng,… mỗi hành vi có đối tượng xâm hại khác nhau và mức độ gây thiệt hại có thể gây ra cũn không giống nhau, nên việc đưa ra tiêu chuẩn chung để làm căn cứ xác định hậu quả gây ra của mọi hành vi là không thể.

- Công ty A có vị trí thống lĩnh trên thị trường giày thể thao, ngày 11/11/2021 công ty A kết hợp với idol Hàn Quốc nổi tiếng cho ra mắt phiên bản giày giới hạn mang tên thương hiệu của công ty A và tên idol đó. Công ty A giới hạn số đôi giày bán ra trên thị trường trong khoảng thời gian nhất định, với giá thành không hề nhỏ. Khách hàng muốn mua đôi giày trên phải canh đúng thời gian bán ra thì mới mua được, nếu không mua được trong thời gian đó, mà vẫn muốn sở hữu chúng, khách hàng phải mua lại từ những người sở hữu trước đó với giá thành có thể gấp ba, bốn lần giá ban đầu.

- Doanh nghiệp B có vị trí thống lĩnh trên thị trường điện thoại thông minh, ra mắt sản phẩm mới tuy đã từng có doanh nghiệp M ra mắt cùng dòng sản phẩm này trên thị trường nhưng không thành công thu hút khách hàng nên đã ngừng cung cấp sau một thời gian; doanh nghiệp B ấn định giá sản phẩm cao gấp ba lần giá của phía M từng đưa ra nhưng với các tính năng được hoàn thiện hơn, người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua với giá thành đó. Giá mua, bán sản phẩm trên thị trường không được hình thành từ cạnh tranh mà do các doanh nghiệp thống lĩnh ấn định. Mức chênh lệch giữa giá được ấn định với giá cạnh tranh là khoản lợi ích độc quyền mà doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền có được. Vì vậy, bằng hành vi này doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền đã có được toàn bộ giá trị thặng dư tiêu dùng của thị trường, mà thực chất là phần giá trị lẽ ra được hưởng của người tiêu dùng nếu có cạnh tranh. Do đó, hành vi này được coi là hành vi điển hình mang tính chất bóc lột khách hàng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Hoàng Anh