Cách xếp lương khi trúng tuyển công chức

Tôi làm công tác tổ chức tại một Sở. Vừa qua, cơ quan tôi tuyển dụng vào công chức trường hợp của ông A có thời gian là viên chức tại đơn vị trực thuộc cơ quan tôi. Ông A có bằng trung cấp, tốt nghiệp đại học ngày 15/1/2019. Từ ngày 1/9/2009  đến ngày 31/5/2019, ông là viên chức, ngạch cán sự loại B, mã ngạch 01.004, bậc 6/12, hệ số 2,86.

Từ ngày 1/6/2019 đến ngày 30/9/2020, ông A là viên chức, chức danh nghề nghiệp kiểm lâm viên trung cấp [tương đương ngạch cán sự], mã ngạch 10.228, bậc 7/12, hệ số 3,06.

Ngày 1/10/2020, ông trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức, ngạch chuyên viên loại C, mã ngạch 01.003, được bố trí công việc đúng ngành, nghề đào tạo.

Ngày 30/3/2021, Sở Nội vụ trả lời về việc xếp lương của ông A. Theo đó, tại Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định:… Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức phải cử tham gia khóa bồi dưỡng quản lý Nhà nước để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch công chức trước khi bổ nhiệm.

Ông A đã qua lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, do đó, Sở Nội vụ thống nhất theo đề nghị của cơ quan tôi là bổ nhiệm ông A vào ngạch chuyên viên, mã ngạch 01.003, bậc 1/9, hệ số 2,34; được hưởng từ ngày 1/10/2020, thời gian nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 15/1/2020.

Lý do: Thời điểm tuyển dụng ông A là ngày 1/10/2020 nên căn cứ Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: “Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức theo quy định tại Nghị định này được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức [nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn] được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng.

Trường hợp ông A, được tuyển vào vị trí việc làm tại cơ quan tôi, do trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng là tốt nghiệp đại học nên thời gian công tác có đóng BHXH của ông A được tính từ lúc ông A tốt nghiệp đại học [ngày 15/1/2019]. Thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của ông A có trình độ đại học đến ngày 1/10/2020 là 1 năm 8 tháng, sau khi trừ thời gian tương ứng với thời gian tập sự ở ngạch chuyên viên là 12 tháng thì còn 8 tháng.

Tôi xin hỏi, Sở Nội vụ tỉnh trả lời như trên có đúng không?

Bộ Nội vụ trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP thì “Trường hợp người được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận vào làm công chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức [nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn] ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận”.

Việc xếp lương công chức tương ứng với trình độ đào tạo, vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

.

Cập nhật lúc: 05:11, 17/09/2021 [GMT+7]

Ông Nguyễn Thành Trung [Bình Phước] là có bằng Kỹ sư nông học năm 2015, bằng cử nhân Quản lý nhà nước năm 2020. Ông Trung trúng tuyển viên chức trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, có Quyết định ngày 17/12/2019, thuộc ngạch kỹ sư, mã ngạch v.05.02.07.

Thời gian nâng lương lần sau của ông Trung tính từ 1/1/2017 do có thời gian hợp đồng trong biên chế từ 1/1/2017 trước khi được tuyển dụng viên chức. Ông Trung đóng BHXH tự nguyện từ năm 2015 đến 2017, từ 1/1/2017 đóng BHXH bắt buộc liên tục đến nay.

Sau đó, ông Trung đăng ký thi và trúng tuyển công chức Văn phòng HĐND - UBND huyện, có quyết định ngày 15/7/2021, vị trí việc làm cơ quan tuyển dụng là chuyên viên tổng hợp phụ trách lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, chuyên môn tuyển dụng là kỹ sư nông học.

Ông Trung hỏi, với trường hợp của ông khi trúng tuyển công chức có được cộng dồn thời gian công tác để tính nâng lương trước đó không?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì: “trường hợp người được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận vào làm công chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức [nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn] ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận”.

Do đó, nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì thời gian công tác của ông Nguyễn Thành Trung sẽ được tính làm căn cứ để tiếp tục xếp lương, nâng lương theo quy định.

Việc xếp lương, xác định thời hạn nâng lương được thực hiện theo Thông tư số 79/2005/TT-BNV hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

[Theo Chinhphu.vn]

Đơn vị bà Phan Thị My Lan [Hà Nội] có một nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng tại bộ phận kế toán tài chính từ tháng 11/2017 theo hệ số lương đại học [2,34], đóng BHXH đầy đủ, đến tháng 11/2020 được xét nâng bậc lương lên 2,67.

Tháng 12/2020, nhân viên này trúng tuyển viên chức, ngạch kế toán tại đơn vị nhưng trong quyết định tuyển dụng ghi thời gian nâng bậc lương được tính từ tháng 11/2018. Bà Lan hỏi, quyết định về nâng bậc lương như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Lan hỏi như sau:

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động [tình trạng còn hiệu lực], thì đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên sau 3 năm [đủ 36 tháng] giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Thông tin bà Mỹ Lan cung cấp không ghi thời gian tập sự của nhân viên đã thực hiện trước hay sau thời điểm ký hợp đồng [tháng 11/2017], vì vậy có hai tình huống cần xem xét việc thực hiện nâng bậc lương từ bậc 1 lên  bậc 2 đối với trường hợp bà Mỹ Lan nêu có đúng quy định không.

Tình huống thứ nhất: Nếu nhân viên đã có thời gian tập sự 12 tháng theo quy định đối với vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học trước khi ký hợp đồng [tháng 11/2017], hoặc thuộc đối tượng được miễn thực hiện chế độ tập sự thì thời điểm xét nâng bậc lương thường xuyên là tháng 11/2020. Trường hợp này, đơn vị xét nâng lương từ bậc 1 [hệ số 2,34] lên bậc 2 hệ số  2,67 cho nhân viên vào tháng 11/2020 là đúng quy định.

Khi đăng ký dự tuyển viên chức, nếu trong hồ sơ dự tuyển, phiếu đăng ký dự tuyển viên chức, nhân viên này đã có bản sao quyết định nâng bậc lương từ bậc 1 lên bậc 2; bản sao Sổ BHXH chứng minh thời gian công tác, mức đóng BHXH bắt buộc; vị trí việc làm dự tuyển đúng với ngành, nghề đào tạo hoặc đúng chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm, thì khi trúng tuyển, được cơ quan quản lý viên chức xem xét xếp lương bậc 2; trường hợp quyết định tuyển dụng viên chức xếp lương bậc 2, thì thời gian nâng bậc lương lần sau được tính từ ngày nhân viên này được đơn vị nâng lương bậc 2 [tháng 11/2020].

Tình huống thứ hai: Nếu sau khi vào đơn vị làm việc [tháng 11/2017] nhân viên mới thực hiện chế độ tập sự thì thời gian tập sự không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương. Thời gian tính nâng bậc lương bắt đầu từ ngày kết thúc thời gian tập sự [tháng 11/2018]; thời điểm xét nâng lương lên bậc 2 là tháng 11/2021. Trường hợp này đơn vị xét nâng lương từ bậc 1 [hệ số 2,34] lên bậc 2 [hệ số 2,67] cho nhân viên vào tháng 11/2020 là không đúng, sớm hơn 1 năm so với quy định.

Căn cứ hồ sơ, phiếu đăng ký dự tuyển, kết quả trúng tuyển viên chức, tháng 12/2020, đơn vị ban hành Quyết định tuyển dụng vào viên chức đối với nhân viên nêu trên với chức danh Kế toán viên, không thực hiện chế độ tập sự, xếp lương bậc 1 [hệ số 2,34]; thời gian nâng bậc lương thường xuyên lần sau [lên bậc 2] tính từ tháng 11/2018, là phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức [có hiệu lực từ ngày 29/9/2020], và hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 26/12/2012 về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức [tình trạng còn hiệu lực]. Theo đó, đến tháng 11/2021 nhân viên này sẽ được xét nâng lương lên bậc 2 [hệ số 2,67].

Nguồn: Baochinhphu.vn

Từ khóa:

Video liên quan

Chủ Đề