Cách pha trà quý tộc

Pha trà về cơ bản là dùng nước để chiết lấy chất cũng như hương vị của lá trà. Thế nhưng đã có nhiều cách pha trà đã được sáng tạo ra để phù hợp với văn hoá cũng như từng loại trà.

Và sau đây là 5 cách pha trà phổ biến nhất trên thế giới.

NHỮNG CÁCH PHA TRÀ PHỔ BIẾN

1. Cách pha trà Công Phu

Nếu bạn là người uống các loại trà Trung Quốc như trà Ô Long hay Phổ Nhĩ thì có lẽ bạn đã biết đến phong cách pha trà mang tên Công Phu này rồi.

Cách pha trà Công Phu là phong cách pha trà đặc trưng của phía Nam Trung Quốc. Kiểu pha trà này ra đời ở Triều Châu ở Quảng Đông. Sau lan dần sang Phúc Kiến và Đài Loan.

Có 3 lý do chính cho sự ra đời của cách pha trà Công Phu. Thứ nhất đến chính từ cái tên Công Phu. Có nghĩa là cách pha trà này mang hơi hướng võ học.Không chỉ các động tác võ, mà khí công lẫn triết lý võ học được áp dụng vào phong cách pha trà này.

Lý do thứ hai mà cách pha này ra đời đó chính tiết kiệm. Cách pha này ra dời vào giai đoạn nhà Thanh. Lúc này thì khi pha trà người ta thường dùng ấm to và cho nhiều trà. Trong khi đó thì Công Phu Trà dùng ấm nhỏ và sử dụng ít trà hơn.

Và lý do cuối cùng đó chính là cách pha này ra đời này để pha nham trà hay Ô Long núi đá. Đây là nhóm trà Ô Long rất nổi tiếng của vùng trà Vũ Di của Phúc Kiến.

Nham trà còn được gọi Công Phu Trà. Vì để làm nên nham trà đòi hỏi không chỉ kỹ năng, kinh nghiệm mà còn kiên nhẫn nữa. Giống như việc luyện võ vậy.

Chính vì vậy nên khi nham trà xuất hiên ở Châu Âu vào khoảng thế kỷ 17 thì loại trà được gọi là Kungfu Black Tea. Hay trà đen Công Phu. Và cách pha trà Công Phu được tin là ra đời để pha trà Công Phu hay nham trà.

Cũng giống như võ thì cách pha trà Công Phu cũng có một số hệ phái hay biến tấu khác nhau. Có 3 nhóm chính đó là: Triều Châu, Chiếu An và Đài Loan.

Cách pha trà Công Phu về cơ bản là sử dụng dụng ấm pha nhỏ, lượng trà ít và thời gian hãm ngắn. Ví dụ như uống nham trà thì mình dùng 5g trà cho ấm Tử Sa 60ml. Không hãm mấy nước đầu mà rót nước vào rồi rót trà ra ngay. Đến mấy nước cuối mới hãm trong vài giây.

Đây chính là cách pha của một người làm nham trà ở Vũ Di truyền lại. Mang phong cách Triều Châu. Với cách pha này thì nước trà rất sánh. Hương vị thì kẹo lại và khi uống vào thì bùng nổ hương vị trong miệng.

Ở Việt Nam thì mình thấy nhiều người áp dụng cách pha trà Công Phu kiểu Đài Loan. Có lẽ là do những người Đài Loan trồng trà Ô Long ở Bảo Lộc du nhập vào những năm 90s thế kỷ trước.

Cách pha Công Phu phong cách Đài Loan thì cầu kỳ và đòi hỏi nhiều trà cụ hơn 2 cách pha kia. Ngoài ấm và chén, thì còn có thêm tống, thuyền trà, ly ngửi.

Mặc dù Công Phu ra đời là để pha trà Ô Long. Nhưng hầu như bạn có thể dùng cách pha trà này để pha bất kỳ loại trà nào. Như trà xanh, bạch trà, hồng trà hay trà Phổ Nhĩ. Đặc biệt là nên dùng để pha trà cao cấp.

Xem thêm: Bạch Trà: Thông Tin & Đặt Mua

Còn về từng bước pha trà kiểu Công Phu thì viết ra rất dài và khó hiểu. Nếu bạn muốn học cách pha này thì nên học phong cách Đài Loan. Ở dưới là video cách pha trà Thái Nguyên theo phong cách Công Phu Đài Loan đã được tối giản.

Cách pha trà xanh Thái Nguyên kiểu Công Phu:

Công phu phong cách Triều Châu:

2. Cách pha trà kiểu Việt Nam [Phương Tây]

Cách pha trà kiểu Việt Nam quen thuộc của chúng ta rất đơn giản. Bạn chỉ cần dùng một ấm pha trà lớn và tách tà là đủ. Chứ không cầu kỳ với hàng tá trà cụ như Công Phu.

Không chỉ Việt Nam mà các nước phương Tây cũng có cùng kiểu pha trà như vậy. Lý do là khi người Châu Âu lần đầu đến Trung Quốc vào thời nhà Thanh thì cách pha này đang được ưa chuộng.

Không chỉ mang lá trà sang Châu Âu. Mà các thương gia còn mang theo ấm trà cũng như cách pha trà này về nước.

Chính sự ảnh hưởng này mà đến hiện nay thì cách pha này được xem là cách pha trà phổ biến nhất thế giới. Vì đa phần các nước đều sử dụng kiểu pha trà này.

Cách pha này cũng hợp hơn với gu trà của đại đa số người Việt. Đó là trà phải đậm đà. Lấy trà Thái Nguyên làm ví dụ. Thì ấm trà 500ml được dùng để pha 10g trà.

Trà Thái Nguyên hay được hãm lâu [4-5 phút] nên vị trà rất đậm đà. Nước trà sệt, uống vào thì tê tê đầu lưỡi. Vị trà thì đậm, nhưng sau khi nuốt thì hậu ngọt xuất hiện ngay. Như thế là đúng gu truyền thống.

Cách pha này còn thích hợp để pha các loại trà thảo mộc. Vì trà thảo mộc không qua chế biến như trà mà chỉ có công đoạn phơi khô. Thế nên cần hãm trong thời gian dài thì mới ra hết chất trà được.

3. Đun trên bếp

Đây cũng là một cách pha trà phổ biến khác của người Việt Nam. Nhất là khi dùng để nấu các loại lá tươi lấy nước để uống. Lá được cho vào ấm đun nước. Rồi nấu sôi trên bếp.

Đây còn có thể được xem là cách pha trà đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Nếu đọc về truyền thuyết về sự ra đời của trà thì bạn sẽ có nhắc tới cách pha này.

Truyện kể là trong khi Thần Nông đang đun nước thì lá của một chiếc cây gần đó vô tình rơi vào nồi nước của ông. Thần Nông nếm thử thì thấy nước không chỉ thơm ngon và cơ thể khoan khoái lạ kỳ.

Và loại lá đó chính là lá trà. Thần Nông hay tự mình nếm thử các loại cây thuốc để tìm hiểu dược tính. Thế nên ông luôn mang lá trà bên mình để mỗi khi bị trúng độc thì lôi ra dùng ngay để giải độc.

Qua câu chuyện này thì chúng ta có thể thấy lá trà tươi vốn dĩ được pha bằng cách đun trên bếp từ rất lâu rồi. Đến hiện nay thì nhiều người vẫn dùng cách này để pha lá trà xanh tươi.

Đun trên bếp là cách pha hợp nhất để pha lá trà tươi. Như lá trà xanh tươi vốn dĩ chưa qua chế biến nên lớp biểu bì rất dày. Chính vì vậy nên chúng ta cần phải vò nhẹ lá trà khi cho vào ấm đun. Và cần đun trong một thời gian 10-20 phút mới ra được hết chất trà.

Xem thêm: Trà Đen: 5 điều bạn nên biết về trà đen [hồng trà]

4. Trà đạo Nhật Bản

Trong trà đạo Nhật Bản thì loại trà được dùng đó là matcha hay bột trà xanh. Sử dụng trà bột hay mạt trà để pha thực chất là có từ rất lâu đời.

Trước khi kiểu pha lá trà bằng ấm được phổ biến thì người xưa pha trà bằng trà bột. Lá trà sau khi chế biến sẽ được đóng thành bánh như viên gạch. Mỗi khi pha thì người pha sẽ bẻ lấy một viên nhỏ. Nghiền thành bột rồi pha với nước để uống.

Cách pha này tồn tại ở Trung Quốc cho đến khi Chu Nguyên Chương lên làm vua vào thế kỷ 14. Do xuất thân là nông dân nên ông cấm mọi thứ xa xỉ. Trong đó có bánh trà được ưa chuộng bởi giới quý tộc.

Trong khi đó thì dân thường hay pha trà bằng cách hãm lá trà trong ấm. Nên Chu Nguyên Chương bắt mọi tầng lớp phải pha trà giống như dân thường.

Cây trà được đưa về Nhật Bản bởi nhà sư Eisai vào thế kỷ 12. Trước thời của Chu Nguyên Chương rất lâu. Thế nên nhà sư này không chỉ mang hạt giống trà mà còn cả cách pha trà bột về nước.

Và cách pha này vẫn còn giữ đến tận ngày nay. Đồng thời là một nét văn hoá đẹp của văn hoá tà Nhật Bản.

Do vốn được sử dụng bởi các nhà sư Thiền Tông. Nên bên trà đạo Nhật Bản là một kiểu nghi thức uống trà bao hàm những yếu tố thiền định.

Có nghĩa là bạn nên tập trung vào thực tại, vào chén trà đang uống. Thay vì suy nghĩ lo lắng về chuyện trong quá khứ, hay những thứ vô định trong tương lai.

Để áp dụng cách pha trà này thì bạn cần có 2 trà cụ, đó là: chén uống trà bột [chawan] và chổi khuấy [chasen]. Còn matcha thì nên dùng loại tốt từ Nhật Bản. Hay sử dụng bột trà xanh Thái Nguyên của Việt Nam.

Sau đó cho khoảng 1 muỗng cà phê matcha vào chén, thêm 150ml nước 80 độ C, rồi dùng chổi khuấy để khuấy trà đều tay theo phương thẳng đứng. Lưu ý là không để chạm vào đáy chén. Khuấy trong vòng 30s cho đến khi trà tạo thành lớp bọt dày thì có thể dùng được.

5. Pha trà trong tách

Pha trà thẳng trong tách trà là cách pha trà đơn giản và đỡ mất thời gian nhất. Thường thì trà túi lọc hay lá trà được cho thẳng bào một chiếc ly lớn. Sau đó cho nước sôi vào hãm một chút rồi thưởng thức.

Khác với những cách pha trà trên với đủ thứ trà cụ cùng với nhiều bước. Rồi áp dụng đủ triết lý từ võ học hay thiền. Thì cách pha trà kiểu này đúng là thật sự dân giã.

Lần đầu tiên mình được chứng kiến cách pha này là khi được dắt ra chợ trà lúc còn bé. Thường thì chợ trà ở Thái Nguyên chỉ họp mỗi tuần một ngày mà thôi. Nên việc mua bán thường diễn ra nhanh chóng và sôi nổi.

Những người quản lý chợ sẽ chuẩn bị sẵn những phích nước sôi và tách sứ. Thế là người mua trà buôn, chủ yếu là các cô các bác, sẽ lấy một ít từ người bán và pha ngay trong tách.

Xem thêm: Bảo Quản Trà: Không Nên Dùng Hũ Thuỷ Tinh

Nếu trà có chất lượng tốt thì cả người mua và người bán sẽ bắt đầu ngã giá. Một buổi sáng thì người mua có thể thử trà từ hàng chục người bán. Thế nên cách pha này là nhanh nhất. Thử xong rồi vứt bã để tiếp tục thử ngay trà khác.

Có một loại trà rất nổi tiếng tên là Long Tỉnh [Hàng Châu, TQ] cũng thường được pha theo cách truyền thống là pha trong ly thuỷ tinh.

Theo người làm trà Long Tỉnh giải thích thì ngày xưa ly thuỷ tinh rất đắt. Đắt hơn nhiều so với sứ. Nên ly thuỷ tinh thường được ưu tiên dùng để pha trà. Và nét văn hoá này vẫn còn giữ mãi đến tận bây giờ.

CÁCH PHA TRÀ NGON HƠN

Để pha trà ngon hơn thì việc bạn cần làm đầu tiên bạn cần làm đó chính là hỏi thông tin từ người bán. Nếu người bán là người trực tiếp làm ra loại trà đó thì càng tốt. Vì họ chính làn người nắm được chính xác được những yếu tố ảnh hưởng lên lá trà thành phẩm.

Nếu bạn chưa rành pha trà thì có thể hỏi trực tiếp người làm cách pha sao cho chuẩn nhất. Vì không ai hiểu trà băng chính người làm ra nó cả.

Người làm trà thật sự sẽ nắm rõ vụ mùa, điều kiện thời tiết và quy trình chế biến lá trà. Ví dụ như đối với trà xanh Thái Nguyên thì vụ mùa thu luôn đậm đà hơn hẳn so với các vụ còn lại trong năm.

Vì cây trà bắt dầu tích trữ dưỡng chất để nghỉ đông. Đòng thời tích tụ nhiều caffeine dể hạn chế côn trùng cắn phá. mà caffeine lại đắng nên trà sẽ đậm. Đồng thời uống sẽ tỉnh hơn.

Và mùa chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng lên lá trà. Thế nên chỉ người làm trà mới nắm rõ được. Nếu bạn cần đặt câu hỏi thì có thể nhắn cho mình hoặc bình luận thẳng bên dưới.

Điều thứ hai bạn cần làm đó chính là mua trà có chất lượng thật sự. Vì bạn cần biết là trà ngon sẽ rất dễ pha. Không có cách pha trà nào có thể cứu được trà dở cả.

Và thứ ba mới chính là chọn cách pha. Bạn chọn một cách pha nào hợp với mình nhất. Đơn giản thì cứ pha theo kiểu Việt Nam. Cầu kỳ hơn thì có thể pha kiểu Công Phu.

Nếu chưa quen thì bạn có thể đầu tư một số công cụ hỗ trợ. Như ấm đun nước có hiện nhiệt độ. Hay cân điện tử có bấm thời gian. Chúng ta có thể vừa cân trà, vừa bấm thời gian hãm trà bao lâu.

Về phần nước thì bạn không cần quá lo lắng. Vì minh đã thử nước ở nhiều thành phố lớn ở Việt Nam rồi. Nước máy của chúng ta có chất lượng khá ổn để pha trà. Nếu kỹ hơn thì bạn nên dùng máy lọc [không dùng máy RO]. Hay dùng nước suối đóng chai.

Để pha trà ngon thì luyện tập quan trọng hơn lý thuyết. Thế nên bạn cứ tập pha nhiều là dần sẽ thuần thục. Còn về phần kiến thức thì bạn có thể tham khảo những bài viết về trà khác của mình ở blog Danh Trà.

Video liên quan

Chủ Đề