Ca sĩ hoài trung đóng là ai?

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn Ban Hợp Ca Thăng Long trong Tân Nhạc Việt Nam.

Ban Hợp Ca Thăng Long được xem là ban hợp ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn trước năm 1975, gắn liền với phòng trà Đêm Màu Hồng, trình bày những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Duy.

Các thành viên của Ban Hợp Ca Thăng Long:

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc.

[1] – NS Phạm Đình Chương, sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng Nhạc Tiền Chiến và là một tên tuổi lớn của Tân Nhạc Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phạm Đình Phụng sinh được hai người con trai: Phạm Đình Sỹ & Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, ca sĩ Mai Hương là ái nữ của ông bà. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tức ca sĩ Hoài Bắc. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.

Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, nhưng phần nhiều những nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng”, “Hò Leo Núi”… có không khí hùng kháng, tươi trẻ.

Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập Ban Hợp Ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: “Khúc Giao Duyên”, “Thằng Cuội”, “Được Mùa”, “Tiếng Dân Chài”… Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: “Xóm Dêm”, “Đợi Chờ”, “Ly Rượu Mừng”, Đón Xuân”…

Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: “Đêm Cuối Cùng”, “Thuở Ban Đầu”, “Người Đi Qua Đời Tôi”, “Nửa Hồn Thương Đau”.

Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: “Đôi Mắt Người Sơn Tây [thơ Quang Dũng], Mộng Dưới Hoa [thơ Đinh Hùng], Nửa Hồn Thương Đau” [thơ Thanh Tâm Tuyền], “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” [thơ Du Tử Lê]… Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca bất hủ “Hội Trùng Dương” viết về ba con sông Việt Nam: Sông Hồng, Sông Hương và Sông Cửu Long.

Sau 1975 NS Phạm Đình Chương định cư tại California, Hoa Kỳ. Ông mất 22 tháng 8 năm 1991 tại California. Theo một số tài liệu khác ghi ông mất năm 1993.

Phạm Đình Chương và Tác Phẩm:

• Anh Đi Chiến Dịch [1962] • Bài Ca Tuổi Trẻ [1950] • Bài Ngợi Ca Tình Yêu • Bên Trời Phiêu Lãng [1980] • Buồn Đêm Mưa • Chia Tay Ngày Hè [1954] • Cho Một Thành Phố Mất Tên [1980] • Dạ Tâm Khúc • Đất Lành [1956] • Đêm Cuối Cùng • Đêm Màu Hồng • Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn [1981] • Đến Trường • Định Mệnh Buồn • Đôi Mắt Người Sơn Tây • Đón Xuân [1953] • Đợi Chờ [1952] • Được Mùa [1953] • Hạt Bụi Nào Bay Qua [1981] • Heo May Tình Cũ • Hò Leo Núi [1952] • Hội trùng dương [1954] • Khi Cuộc Tình Đã Chết • Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển [1980] • Khúc Giao Duyên • Kiếp Cuội Già [1949] • Lá Thư Mùa Xuân [1958] • Lá Thư Người Chiến Sĩ [1956] • Ly Rượu Mừng [1952] • Mắt Buồn • Màu Kỷ Niệm • Mỗi Độ Xuân Về [1957] • Mộng Dưới Hoa [1957] • Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội • Mười Thương [1951] • Người Đi Qua Đời Tôi • Nhớ Bạn Tri Âm • Nửa Hồn Thương Đau • Quê Hương Là Người Đó [1981] • Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng [1946] • Sáng Rừng [1951] • Ta Ở Trời Tây [1982] • Thằng Cuội • Thuở Ban Đầu • Tiếng Dân Chài [1954] • Trăng Mường Luông • Trăng Rừng [1946] • Xóm Đêm

• Xuân Tha Hương [1956]

Trong môi trường âm nhạc thời bấy giờ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã gặp và kết hôn với Khánh Ngọc – một ca sĩ và là diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Khánh Ngọc có biệt danh “ngọn núi lửa” bởi thể hình nóng bỏng khêu gợi của cô từng khiến các đấng mày râu say mê, săn đón. Nhiều bạn bè thân quen của NS Phạm Đình Chương thường kháo nhau ông là người may mắn đã chiếm được trái tim của “ngọn núi lửa” Khánh Ngọc.

Nhưng sau khi hai người có với nhau một con trai 4 tuổi năm 1956, Khánh Ngọc ngoại tình với chồng [NS Phạm Duy] của chị chồng [Ca sĩ Thái Hằng] rồi bị chồng bắt được quả tang tại Nhà Bè. Xì-căng-đan loạn luân “Ăn chè Nhà Bè” này từng làm chấn động Sài Gòn một thời gian dài do toàn bộ hệ thống thông tin báo chí khai thác triệt để vì các nhân vật chính trong cuộc đều là thành viên trong một gia đình nghệ sĩ danh tiếng bậc nhất được nhiều người ngưởng mộ thời ấy. Đầu tiên là “Nhật báo Sài Gòn Mới” của bà Bút Trà với những hình ảnh “thời sự” của những nhân vật trong cuộc.

Sau đó NS Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc ly hôn. Vợ chồng NS Phạm Duy & ca sĩ Thái Hằng tái hợp cho đến cuối đời. Riêng ca sĩ/diễn viên Khánh Ngọc năm 1961 sang Mỹ để học thêm về ngành điện ảnh và gặp một du học sinh Việt Nam, hai người kết hôn và có 3 người con. Hiện gia đình cô định cư ở bang California, Mỹ. Theo một số nguồn tin, những năm tháng cuối đời, niềm ân hận vì chuyện “ăn chè Nhà Bè” ngày xưa thường ám ảnh cô. Nhất là những khi nghe bài “Nửa Hồn Thương Đau” của NS Phạm Đình Chương cô đều khóc cho những lỗi lầm của cô ngày trước. [theo Nguồn Tin Ngắn online]

Cuộc hôn nhân tan vở của NS Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc chính là nguồn cảm xúc cho ông sáng tác các bài hát vượt thời gian bất hủ của ông: “Nửa Hồn Thương Đau”, “Người Đi Qua Đời Tôi”…

Thái Thanh cùng Hoài Trung [trái] và Hoài Bắc trong ban Hợp ca Thăng Long.

[2] – Ca sĩ Hoài Trung sinh ngày 20/07/1920 tại Bạch Mai, Hà Nội. Ông và Hoài Bắc [Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh, là những giọng ca chính của “Ban Hợp Ca Thăng Long” vang tiếng lẫy lừng mà không một người Việt nào không nghe qua ít nhất một lần những ca khúc nổi tiếng trở thành kinh điển của họ. Như trong bài “Ngựa Phi Đường Xa” thanh âm tiếng ngựa hí rộn rịp rất thật của ông đã để lại một ấn tượng không bao giờ quên trong lòng khán thính giả.

Sau một thời gian dài lâm bệnh, ông qua đời tại West Covina, California, USA vào ngày 27-07-2002. Hưởng thọ 83 tuổi.

Ca sĩ Thái Hằng và Thái Thanh.

[3] – Ca sĩ Thái Hằng [1927-1999], tên thật là Phạm Thị Quang Thái, sinh tại Hà Nội. Bà xuất thân trong một gia đình âm nhạc, cha của bà là ông Phạm Đình Phụng.

Nữ danh ca thời tiền chiến Thái Hằng là vợ của nhạc sĩ Phạm Duy và là thân mẫu của các ca sĩ Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường. Tên tuổi nữ danh ca Thái Hằng gắn bó với Phạm Duy và ban hợp ca Thăng Long thành một gia đình nghệ sĩ hàng đầu đã có những đóng góp lớn lao cho âm nhạc Việt Nam. Thái Hằng bắt đầu sự nghiệp ca hát trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trong những năm ấy, bà cùng các anh em là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Thái Thanh… theo các đoàn văn công đi khắp các chiến khu. Năm 1947, ca sĩ Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy. Sau này bà còn hát trên các đài phát thanh Sài Gòn và tham gia Ban Hoa Xuân hát trường ca Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam.

Tiểu sử Thái Hằng

Ngày 12-9-1946, tức là ngày toàn quốc kháng chiến, gia đình ông bà Phạm đình Phụng tản cư ra Sơn Tây. Tại đây người con gái đầu lòng của ông bà bị trúng đạn tử thương. Ông bà đưa các con chạy xuống vùng xuôi, mở một quán phở đặt tên là Thăng Long. Tại quán Thăng Long, các văn nghệ sĩ kháng chiến thường dừng chân, ăn phở và nghe nhạc. Từ đó cái tên Ban Hợp Ca Thăng Long ra đời. Phạm Thị Quang Thái tức Thái Hằng còn là cháu của nữ kịch sĩ Song Kim, được Thế Lữ[là chồng của bà Song Kim] có ý định cho vào hoạt động trong đoàn kịch Thế Lữ. Nhà thơ kiêm kịch tác gia này đặt cho cô Thái cái tên sân khấu là Thái Hằng.

Đầu năm 1949 anh chị em Thăng Long gia nhập các ban văn nghệ quân đội của liên khu IV. Quán Thăng Long dời về chợ Neo [Thanh Hóa]. Tại đây Thái Hằng kết hôn với Phạm Duy và hành trình âm nhạc của gia đình từ nay sinh nở thêm những tài năng mới, với Duy Quang là con đầu lòng sinh năm 1951, và các em Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo.

Cũng có tin tức cho rằng, Thái Hằng đã bắt đầu sự nghiệp ca nhạc và sân khấu trong thời gian gặp và kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy năm 1948 tại Thanh Hóa, Khu Tư trong thời kháng chiến. Bà nổi tiếng cùng với ban hợp ca Thăng Long, với các anh em là nữ ca sĩ Thái Thanh, ca sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc và nhạc sĩ Phạm Duỵ Ban Thăng Long đã trình diễn trên các đài phát thanh và sân khấu khắp ba miền Việt Nam từ thập niên 1950.

Thái Hằng cũng được thính giả đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn do cố thi sĩ Đinh Hùng phụ trách. Bà cũng thường song ca cùng ca sĩ Thái Thanh. Bên cạnh việc sinh hoạt trong lãnh vực ca hát cùng anh chị em và chồng là nhạc sĩ Phạm Duy, suốt nhiều thập niên trước năm 1975, Thái Hằng còn là giọng ngâm thơ và nữ diễn viên được yêu mến trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Cho đến nay giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam còn nhớ giọng ca của bà qua những bản Tiếng Sáo Thiên Thai, Tình Hoài Hương, Tình Ca, v.v. của Phạm Duy. Thái Hằng, ngoài địa vị một người mẹ hiền, một người vợ thảo, nuôi nấng 8 người con, bà còn là một giọng ca không thể thiếu được trong Ban Hợp Ca Thăng Long.

Cùng với nhạc sĩ Phạm Duy, ban hợp ca cùng với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc, đã góp phần dựng lên một thời, thời cực thịnh của âm nhạc Việt Nam. Từ đầu thập niên 1970, khi các con đã lớn, bà ngưng hoạt động trình diễn. Sau khi qua Mỹ năm 1975 gia đình bà đã trở lại sân khấu, cùng Phạm Duy, Thái Hiền và Thái Thảo đi lưu diễn, mang lại niềm an ủi và hy vọng đến cho người Việt Nam tị nạn khắp thế giới đến năm 1978, khi các con trai từ Việt Nam qua Mỹ thì bà cũng ngưng hoạt động âm nhạc.

Vào mùng 1 Tết Âm lịch năm 1999, nhạc sĩ Phạm Duy thấy bà ho mãi không dứt nên gia đình liền đưa bà đi bệnh viện và phát hiện bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà sống được thêm 7 tháng thì qua đời vào thứ Bảy, 14/8/1999 tại nhà riêng, thị trấn Midway City, miền Nam tiểu bang California, hưởng thọ 73 tuổi.

Chợ Neo, 1949 – Phạm Duy, TháiHằng, một tháng sau ngày cưới.

[4] – Nhạc sĩ Phạm Duy. Sau khi sinh con đầu lòng Duy Quang, ông đưa gia đình di cư vào Nam, sinh sống tại Sài Gòn. Cuối năm 1951, bị một số nhạc sĩ ghen tị tố cáo là có quan hệ với Việt Minh, ông cùng với Lê Thương và Trần Văn Trạch bị bắt giam ở khám Catinat, Sài Gòn trong 120 ngày. Năm 1953, ông qua Pháp học dự thính hai năm về âm nhạc, tại đây ông quen với Trần Văn Khê, người sau này trở thành giáo sư. Hai năm sau, ông về Việt Nam thì đất nước đã chia cắt sau hiệp định Genève. Từ đó ông ở miền Nam tiếp tục sáng tác và biểu diễn trong Ban Hợp Ca Thăng Long cùng với Thái Thanh, Hoài Nam, Hoài Bắc, Hoài Trung tại phòng trà Đêm Màu Hồng.

Năm 1956, xảy ra vụ ngoại tình giữa ông và người vợ [ca sĩ Khánh Ngọc] của em vợ [nhạc sĩ Phạm Đình Chương], vụ việc trở thành một đề tài gây xôn xao trên các báo chí Sài Gòn và cả Hà Nội. Đây là một “mối tình cấm”, “cả gan” luôn làm ông “buồn rầu khi phải nhắc lại” vì đã làm buồn lòng người vợ, người em vợ, và vì biết rằng “những đổ vỡ kia không thể hàn gắn được”. Sau vụ tai tiếng trên, ông không còn hợp tác với “Ban Hợp Ca Thăng Long” kể từ đó.

Danh ca Thái Thanh-“Tiếng Hát Vượt Thời Gian”.

[5] – Ca sĩ Thái Thanh: Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 13-14 tuổi. Bà sở hữu một giọng hát cũng như lối hát đặc biệt, mang tính chất opera nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của Chầu văn, quan họ, chèo là những bộ môn nghệ thuật được bà tự rèn luyện, học tập từ thuở nhỏ tại quê hương miền Bắc. Do lúc đó Việt Nam chưa có trường âm nhạc, bà tự học nhạc bằng cách đặt mua các sách luyện thanh bằng tiếng Pháp từ Pháp. Giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao, nên thể loại nhạc bà hát cũng rất đa dạng, phong phú.

Thời kỳ đầu, bà đi hát theo chị là ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy. Đến năm 1951, bà chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh cho giống người chị Thái Hằng.

Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây bà tiếp tục đi hát với các chủ đề về quê hương và tình cảm đôi lứa. Giọng hát của bà tỏ ra rất thích hợp với các loại nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội, cho tới các bản trường ca đều được bà để lại một dấu ấn lớn. Bên cạnh đó, bà cũng là ca sĩ hát thành công rất nhiều ca khúc tiền chiến xưa, hay nhạc tình đương thời của các nhạc sĩ trẻ hơn.

Bà thật sự nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm Màu Hồng.

Danh ca Thái Thanh.

Năm 1985, Thái Thanh sang Hoa Kỳ định cư cùng với gia đình. Tại đây bà tiếp tục đi diễn, thâu âm, tham gia những đêm nhạc lớn cho mình. Bà là khách mời danh dự của nhiều đêm nhạc hội lớn của Paris By Night. Bà cũng được mời thu thanh trên nhiều CD của trung tâm Diễm Xưa. Tại quận Cam, bà cùng với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi từng mở ra một lớp dạy hát, đào tạo ra một số ca sĩ trẻ.

Dưới đây mình có các bài:

– Nghệ Thuật Của Ban Hợp Ca Thăng Long – Những tiếng hát một thuở: Thái Hằng là chị, em là Thái Thanh

– Bi kịch và lòng nhân ái trong ca từ Phạm Đình Chương

Cùng với 13 clips tổng hợp nghệ thuật “Ban Hợp Ca Thăng Long” để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

[Theo Wikipedia]

Nghệ Thuật Của Ban Hợp Ca Thăng Long

[Biên soạn: Phan Anh Dũng]

Vài chi tiết về ban hợp ca Thăng Long [Trích trong Hồi ký Phạm Duy [tập 3]]

… Ở chung với Phạm Xuân Thái trong ít ngày rồi chúng tôi dọn nhà bằng xe thổ mộ vào Thị Nghè. Đó là một căn phố nhỏ ở ngay cạnh chợ, chỉ có hai phòng nhỏ mà chứa đủ tám người lớn và một con nít. Sau những năm chịu gian khổ của tản cư và kháng chiến, gia đình Bắc Kỳ di cư này sống những ngày ổn định đầu tiên nơi cận đô êm ả.

Chiều chiều vợ chồng tôi đẩy xe con nít đưa bé Quang đi dạo chơi trong Sở Thú. Để sinh sống trong cuộc đời đã đổi mới, chúng tôi tới hát tại Đài phát thanh Pháp-Á [RADIO FRANCE ASIE], phòng thu thanh đặt ở Boulevard de La Somme [đường Hàm Nghi] gần chợ Bến Thành. Mấy anh em họ Phạm thành lập một ban hợp ca lấy tên là ban THĂNG LONG [tên này đã được dùng làm bảng hiệu cho quán phở gia đình ở Chợ Đại, Chợ Neo trước đây]. Rồi cũng trong tâm trạng lưu luyến dĩ vãng rất gần, Phạm Đình Viêm lấy tên là Hoài Trung [nhớ Khu 4 chăng ?], Phạm Đình Chương lấy tên là Hoài Bắc [1]. Cô em út trong gia đình, Băng Thanh đổi tên là Thái Thanh để đi đôi với tên chị Thái Hằng.

thêm Khánh Ngọc.

Phạm Duy và Ban Thăng Long.

Hát tại Đài Pháp-Á, chúng tôi thành công ngay. So với các ca sĩ hay các ban nhạc khác, lối hát nhiều bè của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn. Chúng tôi còn có một nhạc mục phong phú hơn những người cùng nghề. Những bài hát như Về Đồng Quê, Về Miền Trung v. v… phản ảnh thời đại một cách sắc nét. Dân chúng vẫn có cảm tình với kháng chiến nên chúng tôi càng được hoan nghênh khi hát những bài đó. Lẽ dĩ nhiên, vì người Pháp còn đang chiếm đóng Saigon, lời ca phải sửa đổi ít nhiều. Sau này, những bài đó được in ra và hát lên với lời ca của nguyên bản…

… Các nữ ca sĩ lúc trước đều dùng tên đầu là Ngọc [Ngọc Trâm, Ngọc Hà, Ngọc Thanh], bây giờ, để cũng giống như Minh Trang, Minh Diệu, các cô mang tên là Minh Tần [em Minh Diệu], Minh Nguyệt [vợ Trần Văn Lý], Minh Hoan [vợ Vũ Huyến]… Sau đợt các nữ ca sĩ ”Ngọc” và ”Minh” này là đợt Mộc Lan, Châu Hà, Linh Sơn, Ánh Tuyết… tất cả đều đóng góp vào việc phát triển mạnh mẽ của Tân Nhạc. Ban Thăng Long với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng lại càng làm cho Tân Nhạc ở Saigon trong đầu thập niên 50 thêm phần rực rỡ.

Đệm đàn cho ban Thăng Long tại Đài Pháp-Á, ngoài Út thổi saxo, Nghiêm đánh contrebasse là người Việt, còn có thêm nhạc sĩ người Pháp như Méritan đánh piano, Barthélémy thổi trombone, Niflis [lấy tên Việt là Nghị Lực] kéo violon. Thu Hồ, Lê Thương cũng có những chương trình Tân Nhạc riêng. Trong ban Lê Thương có những nhạc sĩ về sau trở thành nhân vật lớn như Lê Minh Đảo [Tư Lệnh Sư Đoàn 18] đánh đàn banjo và Nguyễn Văn Minh [Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô] đánh đàn guitare. Thứ Trưởng Kinh Tế sau này của miền Nam Nguyễn Chánh Lý cũng là một nhạc sĩ của ban Thu Hồ.

Với một số ca sĩ và bài bản khá nhiều, Đài Pháp-Á mở ra mục nhạc yêu cầu. Mục này giúp cho Đài đánh giá từng bản nhạc, từng ban nhạc hay từng ca nhạc sĩ và khiến cho Tân Nhạc không chỉ thịnh hành tại Saigon mà còn bung đi khắp nơi trong nước. Bài Về Miền Trung là bài được yêu cầu nhiều nhất trong hai năm 1951-52. Bài này phổ thông đến độ mỗi khi xe lửa sắp sửa rời ga Saigon ra Huế thì dân chúng được nghe phát thanh bài Về Miền Trung qua các loa lớn. Ông xếp ga Saigon hẳn phải là người rất yêu nhạc.

Ngoài việc giúp cho tiếng tăm của nghệ sĩ đi vào quần chúng rất nhanh và rất xa, đài Pháp-Á còn tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ để đào tạo ca sĩ trẻ. Người giật giải nhất trong buổi tuyển lựa đầu đầu tiên là Tùng Lâm. Rồi tới Bích Thủy và thần đồng Quốc Thắng. Các ca sĩ Hùng Cường và Vân Hùng cũng xuất thân từ những buổi tuyển lựa tài tử này. Ca nhạc sĩ cộng tác với Đài Pháp-Á được trả tiền thù lao rất hậu hĩnh : 100 đồng bạc Đông Dương cho mỗi ca sĩ trong mỗi chương trình. Mỗi tuần lễ hát ba lần, vị chi tiền lương cho mỗi người trong một tháng là 1.200 đồng. Đó là món tiền khá lớn vào thời buổi mà giá một bao gạo 100 kilô là 80 đồng.

Cũng như các ban nhạc khác, ban Thăng Long còn có thêm một nguồn lợi tức qua việc thu thanh đĩa hát. Sau Thế Chiến Hai, ngành đĩa hát trên thế giới đã tiến bộ hơn xưa. Ngay từ khi chúng tôi còn ở vùng kháng chiến, tại những nơi bị người Pháp chiếm đóng, họ cho nhập cảng những máy hát dùng loại đĩa microsillon, chạy với tốc độ 33 hay 45 tours một phút, thay thế cho máy hát cũ chạy với loại đĩa 78 tours.

Tân Nhạc ở Saigon lúc này đã có đất sống. Trước kia, các hãng sản xuất đĩa hát chỉ thu thanh cổ nhạc, nay khởi sự thu thanh tân nhạc. Có ba hãng đĩa là LÊ VĂN TÀI [sau đổi tên là VIỆT NAM], ORIA và ASIA tranh nhau mời chúng tôi hát. Việc phổ biến âm nhạc qua những máy móc tối tân sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa với những máy chơi băng [tape recorder] mà quân đội Mỹ đem theo súng đạn vào Việt Nam khoảng giữa thập niên 60 với hai loại băng lớn [reel-to-reel] và băng nhỏ [cassette]. Vào năm 1951 này, tôi mua được một máy ghi âm bằng giây thép, tiền thân của máy chơi băng. Dù vợ khuyên phải hà tiện nhưng tôi không tiếc tiền để thoả mãn sự tò mò về cái mới lạ trong nghề. Máy wire-recorder do Mỹ mới chế tạo dùng một cuộn giây thép để ghi lại âm thanh. Mười năm sau, người ta mới sáng chế ra thứ băng nhựa để giữ tiếng.

Khi tôi viết những dòng này thì trên thế giới, qua hình thức compact disc, kỹ thuật thu thanh và nghe nhạc bằng tia laser đã đạt tới mức cao nhất. Âm thanh trong compact disc được nghe bằng ánh sáng cho nên rất trong trẻo vì không còn có những tạp âm gây nên bởi cái kim trên đĩa hát hay bởi sự cọ sát của băng nhạc khi đi qua đầu máy. Đã có may mắn sinh ra trong thời phôi thai của kỹ thuật thu thanh, ghi lại tiếng hát và bài nhạc của mình vào điã hát 78 tours và 45 tours, tôi còn có vinh dự là người nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên thu thanh tác phẩm vào compact disc tại Hoa Kỳ trong năm 1987.

Quay về với năm 1951, ban Thăng Long được các hãng đĩa trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Tôi cũng được mời hát vào dĩa microsillon 45 tours những bài Buồn Tàn Thu, Gánh Lúa… và còn giữ được kỷ niệm đó cho tới bây giờ. Tôi cũng được hãng dĩa trả tiền tác giả rất sòng phẳng. Ngoài ra, tôi có thêm tiền tác quyền của các nhà ấn hành bản nhạc như THẾ GIỚI ở Hà Nội, TINH HOA ở Huế, SỐNG CHUNG và Á CHÂU ở Saigon. Lúc đó các học sinh rất thích làm collection những bản nhạc được in ra với khổ to như sách học trò hoặc với khổ nhỏ bằng nửa bàn tay, có tranh vẽ loè loẹt kiểu hoa hoè hoa sói, có thêm ảnh tác giả và ca sĩ trẻ măng, đẹp đẽ. Nghề ấn hành bản nhạc càng ngày càng khuếch trương với sự thành lập của cái tôi gọi là chợ trời âm nhạc. Các nhà xuất bản AN PHÚ, MINH PHÁT trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ rồi ấn hành bản nhạc và bày bán trên quầy đặt tại vỉa hè, không cần cửa hàng to lớn. Tân Nhạc, vào thời này, mang tính chất bình dân, người khó tính gọi là nhạc vỉa hè, nhạc máy nước, người thức thời gọi là nhạc thời trang [!], nhạc thương phẩm. Sau một thời gian ổn định cuộc sống và phát triển nghề nghiệp [từ đài phát thanh qua hãng đĩa], với kinh nghiệm đi hát với gánh cải lương trước đây, tôi tạo ra lối hát phụ diễn chiếu bóng. Có thêm sự cộng tác của Lê Thương, Trần Văn Trạch. Tại vài rạp cinéma, trước khi chiếu phim chính, chúng tôi ra mắt khán giả bằng mục attractions sur scène với chương trình tạp lục gồm vài tiết mục nho nhỏ như đơn ca, hợp ca, ca hài hước…

Về phần nhạc mục [répertoire] ban THĂNG LONG đã có một số bài rất ăn khách do tôi soạn từ trước như Nương Chiều, Gánh Lúa hay mới soạn như Tình Ca, Tình Hoài Hương… Ngoài ra những bài như Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, Đợi Anh Về của Văn Chung, Được Mùa, Tiếng Dân Chài của Phạm Đình Chương cũng được hát trước màn ảnh. Chúng tôi khai trương lối phụ diễn chiếu bóng này tại rạp Nam Việt đường Chaigneau, Chợ Cũ. Và thành công ngay. Rạp Văn Cầm Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và rạp Thanh Bình ở khu Chợ Thái Bình tuần tự mời chúng tôi tới trình diễn. Trước kia, khán giả tới nghe tôi hát nhạc cải cách trong gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU phải ngồi chung với những người chỉ thích nghe Hát Cải Lương. Bây giờ khán giả hoàn toàn là người thích Tân Nhạc và vì sự thẩm âm của dân có Tây học này Tân Nhạc phải có những bài mang nhạc tính Âu Tây. Tôi vốn chủ trương dân nhạc thì từ nay trở đi, loại dân ca của tôi cần được cải tiến.

Phạm Ðình Chương, tài năng âm nhạc lớn [Du Tử Lê]

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của loài người, về phương diện nhân chủng học, là phát hiện về yếu tố di truyền [danh từ khoa học gọi là “genetics.”]

“Genetics” không chỉ giải mã cho chúng ta, sự truyền giống, bệnh hoạn mà còn giải thích được phần nào về những thiên tài của nhân loại. Nhất là trong lãnh vực nghệ thuật, văn học.

Trường hợp Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương nói riêng, các anh, chị, em của ông nói chung, là điển hình cụ thể cho những yếu tố di truyền vừa kể.

Là con trai út của cụ ông Phạm Ðình Phụng và người vợ thứ hai, cụ bà Ðinh Thị Ngọ, nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. [1] Cụ ông vốn nổi tiếng hào hoa với nhiều ngón đàn. Trong khi cụ bà lại là người có giọng hát và, tài ngâm thơ.

Theo phần tiểu sử chi tiết nơi trang đầu của tập nhạc “Mười bài ngợi ca tình yêu,” tuyển tập nhạc Phạm Ðình Chương, xuất bản ở Saigon đầu thập niên [19]70 thì, họ Phạm được học nhạc rất sớm. Khi ông mới 13 tuổi. Năm năm sau, ở tuổi 18, ông đã sáng tác nhạc. Ông nổi tiếng ngay, với sáng tác đầu tay: Ca khúc “Ra đi khi trời vừa sáng.” [2]

Sau đó, ca khúc “Ðược Mùa” của họ Phạm cũng đã được trao một giải thưởng âm nhạc lớn, khi ông chưa bước vào tuổi 19.

Phải đặt người trẻ tuổi mang tên Phạm Ðình Chương vào những năm giữa thập niên [19]40, khi nền tân nhạc của chúng ta bị chiếm lĩnh bởi các tên tuổi rực rỡ như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Hoàng Quý, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Ðoàn Chuẩn & Từ Linh, v.v… với những tình khúc lãng mạn, như những đỉnh điểm chói gắt nhất của ngọn triều hâm mộ, ta mới cảm nhận được hết, tài năng, bản lãnh của họ Phạm, khi ông đánh ra đường kiếm khác.

Ðó là một Phạm Ðình Chương trẻ trung, phơi phới với những ca khúc rộn rã, vui tươi. Lấp lánh tiếng cười. Óng ả hy vọng. Một Phạm Ðình Chương thiếu niên, tự tách lìa mình khỏi những tàng cây rậm rạp. Ông toàn thành cho mình, ngay tự bước khởi hành thứ nhất, một lộ trình riêng, lẻ.

Theo tôi, ý thức mở đường, đi một mình, với chiếc bóng [đôi khi đìu hiu, lẻ bạn] của họ Phạm, đã là định mệnh khơi nguồn, xuyên suốt cuộc đời người nhạc sĩ tài danh này.

Nhìn lại quá trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương từ ngày ông được sinh ra, tới ngày từ trần [22 tháng 8 năm 1991, tại miền Nam California, Hoa Kỳ], với khoảng trên sáu mươi ca khúc, đủ loại, như những viên kim cương âm nhạc, bất hoại; hầu hết đã được thời gian thực chứng; người ta mới thấy rõ hơn, chiều kích lớn lao dường nào của ông.

Nếu tính phần trăm số lượng ca khúc trở thành bất tử của ông, từ sáng tác đầu tay, tới sáng tác sau cùng, tỷ lệ đó, không dưới tám mươi phần trăm tổng số sáng tác.

Ðể đối chiếu, chúng ta có thể liên tưởng tới một số nhạc sĩ cùng thời với ông – Những người có số lượng sáng tác nhiều lần hơn ông. Con số có thể lên tới vài trăm, thậm chí cả ngàn. Nhưng tỷ lệ ca khúc vượt được ngưỡng cửa giai đoạn, một thời, thường chỉ ở mức ba, bốn mươi phần trăm mà thôi.

Sự lớn lao hay tính cách “ngoại khổ” của tài năng Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương, theo tôi, cũng không giới hạn trong lãnh vực sáng tác ca khúc. Ông còn là người có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật ca diễn của nền tân nhạc Việt, từ sông lạch đơn ca, chảy ra đại dương hợp ca nhiều giọng. Ðó là sự thành công lớn lao, vang dội của ban Hợp Ca Thăng Long.

Ở lãnh vực này, ban Hợp Ca Thăng Long, do Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương điều hợp, còn là một mở đường tốt đẹp cho những tam ca, tứ ca, ngũ ca… sau đó nữa.

Nhiều người vẫn nhớ, trước linh cữu cố nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương, tại một tang môn quán ở thành phố Westminster, Nam California, khi được ban tổ chức tang lễ mời nói vài lời tiễn biệt tác giả “Mười bài ngợi ca tình yêu,” nhạc sĩ Phạm Duy nhấn mạnh:

“…Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương mới đích thực là linh hồn của ban Hợp Ca Thăng Long, từ buổi đầu tới phút cuối…”

Những người nghiên cứu về cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương cho biết, họ không ngạc nhiên về tính đa dạng của tài năng họ Phạm. Theo những người này thì, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương không chỉ hấp thụ được tinh hoa văn học, nghệ thuật từ chiếc nôi nghìn năm văn vật Hà Nội mà, ông con được thừa hưởng thổ ngơi Hà Ðông, vùng đất nổi tiếng về tơ tầm, vải lụa của quê cha và, Sơn Tây, đất văn học của quê mẹ.

Lại nữa, ngay từ năm 1945, khi mới 16 tuổi, ông đã gia nhập đoàn văn nghệ kháng chiến, lưu động thuộc liên khu 3 và liên khu 4. Ông đem tiếng hát cùng nhân dáng nghệ sĩ của mình đi cùng khắp các dải đất thuộc hai liên khu này…

Ở tất cả những nơi đi qua, với tâm hồn và trái tim như những tờ giấy chậm, ông thẩm thấu được hơi thở cá biệt của từng vùng đất qua ca dao, điệu hò… Tất cả những ở lại trong thời thanh, thiếu niên kia, đã là một thứ vốn quý cho sáng tác sau này của ông.

Họ Phạm kể, năm 1951, ông cùng đại gia đình, rời kháng chiến trở về Hà Nội. Gần như ngay sau đó, gia đình ông đã vào hết Saigon.

Tại Saigon, vùng đất mới, với nghệ danh Hoài Bắc, ông đã cùng với một người anh là ca sĩ Hoài Trung, chị là ca sĩ Thái Hằng và, em gái là ca sĩ Thái Thanh, thành lập Ban Hợp Ca Thăng Long.

Sinh thời, họ Phạm cho biết, ông chọn lại hai chữ “Thăng Long” để nhớ thời gian gia đình ông tản cư khỏi Hà Nội, tại địa điểm là Chợ Ðại, vùng Việt Bắc, gia đình ông mở một quán nhỏ lấy tên là quán “Thăng Long,” nơi dừng chân của hầu hết văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến.

Tác giả “Ra đi khi trời vừa sáng” cho biết thêm, năm 1949, khi chiến tranh lan tràn tới vùng Chợ Ðại, gia đình ông phải di chuyển về liên khu 4, do ông tướng nổi tiếng quý trọng văn nghệ sĩ là Tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh. Chính tại vùng trấn nhậm của Tướng Nguyễn Sơn, đám cưới người chị lớn của ông, ca sĩ Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra, do sự tác hợp và, chủ trì của ông tướng văn nghệ này.

Quán Thăng Long không còn nữa, từ đó. Nhưng hai chữ “Thăng Long” đã trở thành một tên gọi, một biểu tượng đẹp đẽ, được coi là gắn liền với thời đầu trong sáng, ý nghĩa nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, [3] một “quái kiệt” của miền Nam, người từng có thời gian đi hát chung với Ban Hợp Ca Thăng Long từ Nam ra Bắc thì, khi Ban Hợp Ca Thăng Long ra đời tại Saigon, ban này đã như một cơn lốc lớn rung chuyển tận gốc nhiều sân khấu miền Nam.

Trong một cuộc xuất hiện ở quận hạt Orange County, giữa thập niên [19]80, hát cho một quán café văn nghệ ở đường số 5th, Santa Ana, họ Trần kể:

“Mỗi xuất hiện của họ [Ban Hợp Ca Thăng Long,] khi ấy là một ‘cơn nóng sốt’ đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng… như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được…”

Nghệ sĩ Trần Văn Trạch cũng cho biết, ông vẫn nhớ sự phối hợp rất bắt mắt, duyên dáng, sinh động của Hợp Ca Thăng Long khi họ trình diễn những bài ca như “Ngựa Phi Ðường Xa,” “Sáng Rừng,” “Tiếng Dân Chài,” “Ðược Mùa,” “Ô Mê Ly” Hay “Hò Leo Núi” v.v…

“Nhất là cái tài giả tiếng ngựa hí của ca sĩ Hoài Trung thì bà con không thể nào không mê mẩn được. Chưa kể sau đó, Ban Hợp Ca Thăng Long còn có thêm tiếng hát và tài diễn của nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của nhạc sĩ Hoài Bắc nữa…”

Trước những thành công vang dội như thế, kể từ năm 1952, Ban Thăng Long đã được mời đi trình diễn khắp nơi. Lần trình diễn đầu tiên, nhưng cũng là sau cùng của Thăng Long ở giữa thủ đô Hà Nội, nơi sinh trưởng của tài hoa âm nhạc Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương là năm 1954. Có mặt cùng với Thăng Long là “quái kiệt” Trần Văn Trạch của ban Dân Nam, thời bấy giờ.

Tôi viết, đó là cũng buổi diễn cuối cùng của Hợp Ca Thăng Long trên đất… Thăng Long, vì sau đó, Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt. Và Thăng Long, đã sớm biến thành một Thăng Long khác!

[Du Tử Lê]

Chú thích:

[1]: Người vợ đầu của cụ Phạm Ðình Phụng sinh được hai người con là Phạm Ðình Sỹ và Phạm Ðình Viêm. Nghệ sĩ Phạm Ðình Sỹ có vợ là kịch sĩ Kiều Hạnh là thân phụ của nữ ca sĩ Mai Hương, hiện cư ngụ tại miền Nam California. Riêng ông Phạm Ðình Viêm tức ca sĩ Hoài Trung [1920-2002], giọng ca nam của Ban Hợp Ca Thăng Long. Ca sĩ Hoài Trung có tài giả tiếng ngựa hí, đánh lưỡi, giả tiếng vó ngựa qua ca khúc “Ngựa phi đường xa” của Lê Yên, cùng nhiều “side effect” nhân tạo khác. Ngoài giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm của mình, những tài riêng vừa kể của Hoài Trung, đã phần nào góp thêm sự thành công cho Ban Thăng Long.

[2]: Tuyển tập “Mười bài ngợi ca tình yêu” do nhà Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản tại Saigon, với tựa của cố nhà văn Mai Thảo, nhà Hiện Ðại tổng phát hành. Không phải do phòng trà “Ðêm mầu hồng” của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương ấn hành, như một vài tài liệu đã phổ biến.

Những tiếng hát một thuở: Thái Hằng là chị, em là Thái Thanh

[Nguyên Minh – Thể thao & Văn hóa Cuối tuần]

Gần đây có thông tin nữ danh ca Thái Thanh mắc căn bệnh Alzheimer [một chứng mất trí phổ biến] và tình trạng sức khỏe đang ngày một yếu đi. Ở tuổi gần 80, dù đang chạy đua với quỹ thời gian mỗi lúc một cạn dần nhưng những ảnh hưởng từ giọng hát của bà còn rất lớn, Thái Thanh vẫn luôn được xem là một trong những diva hàng đầu của tân nhạc Việt Nam.

Hai nàng Kiều ở phố Neo

Thái Hằng, Thái Thanh là con gái của ông bà Phạm Đình Phụng. Thái Hằng [nghệ danh được nhà thơ Thế Lữ đặt] là con gái đầu lòng, tên thật là Phạm Thị Quang Thái. Còn Thái Thanh là con gái út trong nhà, tên thật là Phạm Băng Thanh. Việc anh chị em Thái Hằng đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi không phải là một điều lạ vì bởi song thân của họ là hai người rất sành nhạc cổ: thân phụ là một nghệ sĩ chơi đàn nguyệt có tiếng tăm, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh, đàn tỳ bà, hát ả đào nổi tiếng ở đất Bắc. Bởi vậy dường như máu văn nghệ, mà cụ thể là máu âm nhạc hầu như đã có sẵn trong huyết quản của tất cả anh em Thái Hằng.

Thái Hằng và Thái Thanh.

Năm 1949 gia đình ông bà Phạm Đình Phụng tản cư về khu chợ Neo [Thanh Hóa] lúc bấy giờ thuộc Liên khu IV. Tại đây, gia đình ông đã mở tiệm phở Thăng Long và chỗ này nhanh chóng trở thành chỗ tụ họp đông đảo của các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thời đó, nhất là khi tiệm phở lại có bóng dáng mấy cô Kiều là hai chị em mà sau này sẽ nổi tiếng dưới hai tên hiệu Thái Hằng và Thái Thanh. Tại đây, nhạc sĩ Canh Thân làm những bài như Cô hàng cà phê và nhạc sĩ Phạm Duy, lúc bấy giờ đang còn là một ca sĩ nổi tiếng, thường qua lại ve vãn cô chủ tiệm Thái Hằng, người có đôi mắt buồn muôn thuở.

Cũng từ đây ban Hợp ca Thăng Long ra đời với thành phần phần ban đầu gồm: Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung [tức Phạm Đình Viêm], Hoài Bắc [Phạm Đình Chương], sau đó có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Sau này, khi vào miền Nam, đây là ban hợp ca được xem là nổi tiếng nhất với trụ cột là tiếng hát Thái Hằng – Thái Thanh. Cần phải nói thêm rằng ở miền Nam trước đó, ngoài ban Hợp ca Thăng Long thì nổi nhất là tam ca Ngọc Lê Hà [Hoàng Lê và Khánh Ngọc là hai chị em ruột]. Sau họ còn có thêm đôi song ca Tâm Vấn và Thịnh Thái. Nhưng dưới ánh đèn sân khấu, không ai sáng hơn Thái Hằng – Thái Thanh, những tiết mục của họ đều là những tiết mục ăn khách nhất, nhiều người đánh giá tiếng hát của hai chị em nhà họ Phạm là song phẩm, Thái Hằng kiều diễm, đoan trang còn Thái Thanh sắc sảo duyên dáng, chưa kể kỹ thuật thanh nhạc gần như là vô song và diễn ý tình bản nhạc trên sân khấu lại vô cùng quyến rũ.

Giọng hát của Thái Hằng gợi nên hình ảnh của một bà hoàng, còn giọng hát Thái Thanh lại gợi hình ảnh một quý phi. Và trên hết, tiếng hát của họ thực sự là những tiếng hát vượt thời gian.

Ban Hợp ca Thăng Long chuyên hát những ca khúc vui tươi: Ngựa phi đường xa [Lê Yên], Sáng rừng, Hò leo núi [Phạm Đình Chương]… với cách hòa thanh khi ấy như một làn gió tiên phong, mở đường cho phong cách hát nhiều bè, hát đuổi cho nhiều ban hợp ca sau này trên sân khấu ca nhạc. Hoài Bắc – Phạm Đình Chương còn là người viết nhiều ca khúc bất hủ: trường ca Hội trùng dương, Ly rượu mừng…

Họ cũng là ban hợp ca trình bày ca khúc sử thi đồ sộ Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương với lối trình bày rất lạ thời ấy: xen trên nền nhạc, giọng diễn ngâm của Thái Hằng, Thái Thanh đưaChinh phụ ngâm khúc vào, biến trường ca bi tráng của Lê Thương trở nên gần với thể loại nhạc kịch. Hai chị em Thái Hằng – Thái Thanh còn được thính giả Đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách cũng như những bản song ca mà giờ này nhiều người vẫn còn nhớ đến.

Tuy vậy đến đầu thập niên 1970 thì Thái Hằng và Phạm Duy tách khỏi Hợp ca Thăng Long và lúc này ban hợp ca cũng tan rã, các nghệ sĩ trong nhóm đi theo những hướng riêng trên con đường âm nhạc của mình.

Thái Hằng – Tiếng hát thùy dương

Giọng hát của Thái Hằng từng được một nhà văn miền Nam mô tả: “Dẻo mềm như nhánh thùy dương, dù có bị gió lay động nhưng nó không lả lơi đùa cợt cùng gió như loại nhược lan, lệ liễu, cỏ bồng cỏ bồ” và quan trọng hơn là “ánh sáng trong giọng hát của chị là ánh trăng mát mẻ dịu hiền chứ không phải là ánh sáng bình minh rực rỡ huy hoàng trong giọng hát Thái Thanh”.

Thái Hằng được nhớ rất nhiều qua những ca khúc như Gánh lúa, Bà mẹ quê, Tình hoài hương hay Về miền Trung, Tiếng hát Thiên Thai, Dòng sông xanh [lời Việt của Phạm Duy]… Giọng hát của bà được đánh giá đạt đến mức điêu luyện hiếm có, chưa ai vượt qua được.
Suốt nhiều thập niên trước năm 1975, Thái Hằng còn là giọng ngâm thơ được yêu mến trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài phát thanh Sài Gòn. Cho đến nay giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam còn nhớ giọng ca của bà qua những bản Tiếng sáo thiên thai, Tình hoài hương, Tình ca… của Phạm Duy.

Thái Thanh cùng Hoài Trung [trái] và Hoài Bắc trong ban Hợp ca Thăng Long.

Ngoài vai trò một người mẹ của 8 người con, bà còn là người vợ mà nhạc sĩ Phạm Duy vô cùng kính trọng. Trong suốt nửa thế kỷ hôn nhân với Phạm Duy, dù vẫn biết ông là người đào hoa bậc nhất bà vẫn chưa bao giờ có một lời nói nặng nào. Nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi bà là vị thần hộ mệnh của mình, ông viết: “Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo”…

Ca sĩ Thái Hằng không được nhắc đến nhiều bằng cô em Thái Thanh nhưng vẫn luôn nhận được sự kính trọng bằng giọng hát phi thường của mình. Sau năm 1975 bà vẫn đi hát nhưng chỉ là để giữ giọng phụ cho hai cô con gái là Thái Hiền và Thái Thảo hát chính. Và khi ca sĩ Duy Quang định cư hẳn ở Mỹ thì Thái Hằng hoàn toàn lui vào hậu trường và không bao giờ đi hát nữa.

Bà mất năm 1999 vì ung thư phổi. Thời gian đó, khi hay tin vợ mắc nan y, nhạc sĩ Phạm Duy đã bỏ tất cả mọi dự án âm nhạc để ở bên cạnh bà những ngày cuối đời. Ông nói rằng trong suốt cuộc hôn nhân này ông luôn chịu ơn bà và cho dù cuộc đời ông nhiều trắc trở nhưng tình nghĩa vợ chồng chưa bao giờ sóng gió, ông chưa bao giờ vắng nhà qua đêm và Thái Hằng chưa hề phải xa chồng, dù chỉ một ngày.
Thái Thanh – Tiếng hát trên trời

Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”. Quả thực trong gia đình họ Phạm, Thái Thanh là nữ danh ca có tiếng tăm và để lại nhiều ảnh hưởng nhất, bà được xem là diva số một của làng nhạc Sài Gòn thời ấy.

Tên tuổi Thái Thanh lẫy lừng trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình, từ hãng đĩa nổi tiếng cho đến các phòng trà tiếng tăm ở Sài Gòn. Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975 có lẽ không ai chính xác bằng người trong giới, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thời ấy, Lệ Thu. Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời báo chí rằng: “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục”. Được xem là đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.

Những gì thuộc về Thái Thanh rất khó bị lặp lại bởi những ca khúc mà bà ngân lên, kể cả những bài đã từng có người hát trước đó, như thể bà khoác lên cho chúng một chiếc áo mới, một cuộc đời mới. Nhiều người vẫn không thể thích ai khác ngoài Thái Thanh qua những ca khúc như Chuyện tình buồn, Kỷ vật cho em, Ngày xưa Hoàng Thị, Đêm màu hồng, Ru ta ngậm ngùi hay những sáng tác của Phạm Đình Chương và đặc biệt, là những nhạc phẩm của Phạm Duy. Ngay từ những ngày đầu tiên cất tiếng hát [khoảng 13, 14 tuổi] trong vùng hậu phương của thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm Duy. Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn [khoảng giữa năm 1950] cùng gia đình, Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung – Nam – Bắc qua những sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này.

Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”. Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất tại Sài Gòn trước đây.

Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956 và cuộc hôn nhân này tồn tại trong 9 năm, trong khoảng thời gian ấy bà sinh được 5 người con. Sau khi sinh con, Thái Thanh vẫn tiếp tục ca hát và ngày càng trở thành một đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam. Bà giữ cho mình một nhịp độ hoạt động rất quy tắc, như một vận động viên điền kinh, bền bỉ và dai sức. Bà luôn có trách nhiệm và rất coi trọng nghề nghiệp. Chính vì lẽ đó mà suốt một thời gian bà không cho phép con mình đến với nghiệp hát vì bà sợ đi trên con đường này phải trả giá và kiên trung ghê gớm. Phải đến khi qua Mỹ bà mới cho phép ái nữ Ý Lan, khi đã gần 30 tuổi, được đi trên con đường âm nhạc giống mình.

Thái Thanh sang Mỹ năm 1985 và năm 1995 bà đi hát lại, ở tuổi 61. Tuy vậy, đến năm 2002 thì bà quyết định kết thúc sự nghiệp. Đây đó cũng vài lần Thái Thanh đi hát nhưng chỉ mang tính chất giao lưu còn thì bà gần như không còn hoạt động âm nhạc nữa. Trong suốt sự nghiệp của mình, Thái Thanh gần như là ca sĩ có số lượng đĩa hát đồ sộ [với rất nhiều hãng đĩa lớn nhỏ] và số ca khúc mà bà thể hiện cũng đã hơn 500 bài và trong đó rất nhiều bài vẫn còn được yêu mến. Những cuốn băng cối Thái Thanh luôn là gạch đầu dòng đầu tiên của những người mê sưu tầm đồ cổ.

Bi kịch và lòng nhân ái trong ca từ Phạm Đình Chương

[Du Tử Lê]

Tôi vẫn nghĩ, đời sống mỗi cá nhân giống như một căn nhà, được xây bằng bằng những viên gạch bất toàn.

Bất toàn tinh thần hay bất toàn thể chất? Bất toàn ở giai đoạn đầu đời, trung niên hay cuối đời? Bất toàn với những cuộc tình, những ước mơ không đạt được…? Tất cả, với tôi đều là bất toàn, một trong những yếu tính mà, làm người dường không ai tránh được!

Riêng với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một trong những bức tường ngôi nhà đời sống cá nhân của ông, không được hình thành bằng những viên gạch bất toàn! Oan nghiệt thay, nó được xây dựng bằng những viên gạch thảm kịch trớ trêu. Định mệnh. Thứ định mệnh tai quái thường dành cho những bậc tài hoa. Như thể đó là tổng số tiền lời tính trên phân lời quá cao mà, cá nhân đó mặc nhiên phải trả cho phần tư hữu mang tên tài hoa hơn người của họ.

Tôi dùng hai chữ “mặc nhiên” bởi tôi cho rằng, họ Phạm không hề muốn “vay,” càng không có chủ tâm chiếm hữu một sản nghiệp tinh thần đồ sộ, mang tên âm nhạc!

Tôi vẫn nghĩ, Phạm Đình Chương đến với âm nhạc, tự nhiên như sự có mặt của ông trong cuộc đời này.

Ở tuổi mười tám tuổi, với lồng ngực thanh niên, náo nức nhựa sống, khi ông hối hả ghi xuống những dòng nhạc đầu tiên của ca khúc “Ra đi khi trời vừa sáng” – – Cũng như ở tuổi mới chớm ngoài sáu mươi, khi ông mệt mỏi, buồn bã đứng lên – – Đặt cây bút xuống – – Lặng lẽ rời khỏi chiếc dương cầm của mình đặt ở phòng khách, ngôi nhà chung cư đường số 23rd, Westmninster – – Lúc ông mỉm cười chia tay nốt nhạc cuối cùng của ca khúc “Quê hương là người đó”[4] – – Để từ đó, nó bắt đầu sự sống trên đôi chân chính nó – – Trước, sau tôi không nghĩ, ông tự nguyện ký giấy vay bất cứ một khoản tiền lớn, nhỏ nào với định mệnh.

Nhưng, định mệnh vẫn tìm ông, để đòi. Nhưng, cay nghiệt vẫn tìm ông để phô diễn tính đố kỵ muôn đời của nó. Đó là những ngày tháng cuối thập niên [19]50.

Đó là một chia tay bất ngờ, không thể oan trái hơn, giữa ông và nữ ca sĩ Khánh Ngọc.

Thảm kịch với sức chấn động và, dư chấn dội lại dài lâu từ dư luận, thân, tâm, đã dập tắt mọi tiếng cười. Khóa chặt mọi nẻo đường dẫn tới tiếng hát.

“Thăng Long”’ bị chôn sống sau địa chấn.

Nhà văn Mai Thảo kể, rời bỏ đầu tiên khỏi “bản doanh” đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả “Bà mẹ Thăng Long” [thân mẫu nhạc sĩ Phạm Đình Chương], dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.

Đó là thời gian họ Phạm sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.

Vẫn theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một “tay chơi” một “star,” thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Đình Chương đã lột xác thành kẻ khác.

Ông thay đổi hoàn toàn. Từ sự không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.

Mai Thảo, tác giả tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc,” một truyện dài viết về gia đình Thăng Long, nói:

“Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng…Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười…”

Trái với một vài bài viết cho rằng ngay sau đó, họ Phạm đã sáng tác một số ca khúc như “Nửa hồn thương đau” hay “Người đi qua đời tôi,” “Khi cuộc tình đã chết”… Như một phản ứng tức khắc với phần số.

Sự thực dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài. Nó như một dấu lặng [bất thường] trong âm nhạc!

Nếu tính từ 1960 tới 1966 thì đó là thời gian họ Phạm viết được một số ca khúc, đến nay vẫn còn được nhiều người yêu thích, như “Mộng dưới hoa” [thơ Đinh Hùng], “Buồn đêm mưa” [thơ Huy Cận]; “Mầu kỷ niệm” [ý thơ Nguyên Sa,]; “Mắt buồn” [thơ Lưu Trọng Lư] hay “Mưa Saigon mưa Hà Nội” [viết chung với Hoàng Anh Tuấn], “Xóm đêm” [nhạc và lời Phạm Đình Chương…

Sau đấy, ở hai năm kế tiếp là hai ca khúc, họ Phạm phổ hai đoạn thơ trong một bài thơ dài, nhan đề “Bài ngợi ca tình yêu” của Thanh Tâm Tuyền. Hai đoạn thơ trở thành ca khúc đó, là “Bài ngợi ca tình yêu” và “Đêm mầu hồng.” Ông bị chú:

“Vừa viết xong [ca khúc “Đêm mầu hồng”] thì anh em mời cộng tác mở một phòng trà ca nhạc trên đường Tự Do Saigon. Bèn lấy tên bài ca đặt thành phòng trà này.” Đó là năm 1968. [05]

Còn những ca khúc như “Người đi qua đời tôi” [thơ Trần dạ Từ] và “Khi cuộc tình đã chết” [Thơ Du Tử Lê] đều được họ Phạm soạn thành ca khúc năm 1969. Và, một năm sau, tức năm 1970, mới là “Nửa hồn thương đau,” [Nhạc và lời của Phạm Đình Chương.]

Trong tuyển tập “Mộng Dưới Hoa,” trang 14, tác giả ghi:

“Viết xong [Nửa hồn thương đau] năm 1970, tại Đêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của anh Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân Trời Tím do công ty này sản xuất. Đoạn cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Đá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến.” [06]

Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà “Nửa hồn thương đau” lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương cho biết:

“Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim chi phim “Chân trời tím,” Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho ‘Nửa hồn thương đau’ không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần “coda” tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết sao cho hợp với nội dung bản nhạc…Nghĩ thời hạn “nộp bài” còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Đêm mầu hồng’ đòi nợ! Bảo, mọi chuyện đã sẵn sàng. Ê kíp quay đã ‘bấm máy’. Chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi, tối đa, hai ngày! Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao, khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi, lại có bài ‘Lệ đá xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa hồn thương đau,’ thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là… ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cai ‘coda’ đó. Và, tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến…”

Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của họ Phạm, kể từ cuối thập niên [19]50 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán… Mà trái lại.

Như khi ông phổ nhạc bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư – – Với tựa mới là “Mắt buồn” thì, ca từ “nặng” nhất trong ca khúc này, cũng chỉ là “Đôi mắt em lặng buồn / nhìn nhau mà lệ ứa / một ngày một cách xa / một ngày một cách xa…” Hoặc tin tưởng [hy vọng] một cuộc sống bớt “đìu hiu” trong những ngày “sống thêm,” như: “Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm / ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm / mong sao cho duyên nghèo mai nắng reo thềm / đẹp kiếp sống thêm / màn đêm tịch liêu / xa nghe ai thoáng ru câu mến trìu / nghe không gian tiếng yêu thương nhiều / hứa cho đời thôi đìu hiu.” [Trích “Xóm đêm.”]

Ngay với ca khúc tựa đề “Người đi qua đời tôi” thì họ Phạm cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: “Em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em?”

Hoặc ca khúc có nhan đề khá “dữ dằn” là “Khi cuộc tình đã chết” thì họ Phạm cũng chỉ chọn những câu thơ “nặng nề” nhất là: “Khi cuộc tình đã chết / còn mắt nào cho nguôi / đời đã đành chia đôi…” Phản ảnh tinh thần chấp nhận, không than oán. Không trách cứ.

Ngay ca khúc “Nửa hồn thương đau” được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và, đề quyết rằng, họ Phạm viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông thì, “đỉnh điểm” của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình- với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh: “Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau / ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau / hay ta còn hẹn nhau kiếp nào? / Anh ở đâu? / Em ở đâu?” [Lời hoàn toàn của Phạm Đình Chương.]

Tuyệt nhiên, người ta không thể tìm thấy trong ca từ của ông, những gào thét kiểu “Giết người đi! Giết người đi!/Giết người trong mộng đã bội thề /Giết người đi! Giết người đi!/Giết người quên tình nghĩa phu thê…” như ca khúc “giết người trong mộng,” thơ Hàn Mặc Tử, nhạc Phạm Duy.

Những ca từ nêu trên, đã cho thấy, đã phản ảnh trung thực tính nhân ái, lòng bao dung, độ lượng của họ Phạm.

Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa.

Chú thích:

[4] “Quê hương là người đó,” thơ Du Tử Lê. Xem thêm tuyển tập “Mộng Dưới Hoa – 20 bài thơ phổ của Phạm Đình Chương,” do Vincent & Company ấn hành tại California, USA, 1990. Tới ngày mất, người ta thấy trên nắp chiếc dương cầm của họ Phạm, một số sáng tác ở dạng dang dở.

[5] Sđd., trang 18

[6] Sđd.

* Quê Hương Là Người Đó – Thơ: Du Tử Lê – Nhạc: Phạm Đình Chương – Ca Sĩ: Vũ Khanh

oOo

Ban Hợp Ca Thăng Long – Đoàn Lữ Nhạc – Thu Âm Trước 1975:

Ngựa Phi Đường Xa – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Ô Mê Ly – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Xóm Đêm – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Ban Hợp Ca Thăng Long hát “Trường Ca Hội Trùng Dương”, Hòa âm Y Vân:

Ban Hợp Ca Thăng Long hát trọn bộ ba bài Hương Quê của Phạm Duy: Em Bé Quê, Vợ Chồng Quê, và Bà Mẹ Quê:

Giã Từ Đêm Mưa – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Những Bước Chân Âm Thầm – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Sáng Rừng – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Thúc Quân – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Gió Mùa Xuân Tới – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Xuân Nghệ Sĩ Hành Khúc – Ban Hợp Ca Thăng Long:

Ban Hợp Ca Thăng Long – Ly Rượu Mừng – Thu Âm Trước 1975:

Video liên quan

Chủ Đề