Báo cáo thực trạng cơ giới hóa tại quảng ngãi

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 5,3%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2015, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 59%, lâm nghiệp chiếm 6% và thủy sản chiếm 35% trong cơ cấu kinh tế của ngành. Ước đến cuối năm 2017, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 58%, lâm nghiệp chiếm 6% và thủy sản chiếm 36%.

Tính đến hết tháng 3/2018, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm, thủy sản... với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.686 tỷ đồng. Các dự án đầu tư dàn trải tại các huyện, thành phố của tỉnh.

Đến nay, 26/54 dự án đã đi vào hoạt động. 29/54 dự án đang triển khai các hoạt động để sớm hoàn thành, đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm trung bình 15 lao động/1 dự án, thu nhập cho lao động khoảng 5 triệu đồng/người.

Trong số 54 doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đến nay có 2 dự án được hỗ trợ theo chính sách hiện hành với tổng vốn ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ là 12 tỷ đồng. 10 doanh nghiệp đang đề nghị ngân sách hỗ trợ theo quy định.

Thời gian qua, một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: Tỏi Lý Sơn, chè Minh Long, quế Trà Bồng - Tây Trà... đã thực hiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

3 doanh nghiệp thuộc chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ của tỉnh đã được hỗ trợ.

Bước đầu, các doanh nghiệp đã tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, hiện đại hóa sản xuất; hỗ trợ 1 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất tỏi đen từ tỏi Lý Sơn, công suất 250 kg/mẻ nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm tỏi Lý Sơn.

Hiện nay, 1 doanh nghiệp [Công ty Đường Quảng Ngãi] đang thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất mía ở tỉnh thông qua việc chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác được cơ giới hóa ở tất cả các khâu từ chăm sóc đến thu hoạch bằng máy và công nghệ dẫn hướng lái tự động thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng xây dựng mối quan hệ liên kết trong chuỗi sản xuất từ trồng trọt, tiêu thụ, chế biến nông sản để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh là 16.831 tỷ đồng, trong đó, dư nợ của doanh nghiệp tính đến thời điểm 31/3/2018 là 5.149 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi thuộc về điều kiện tự nhiên và con người của tỉnh thì sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là điều kiện quan trọng không kém.

Để góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách như:

Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh.

Quyết định số 1596/QĐ-UBND ngày 01/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về phê duyệt chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020.

Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ trong khu vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020 và chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020.

Đánh giá tình hình thực hiện cơ chế, chính sách, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Thời gian qua, với việc Chính phủ ban hành chính sách về khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và các quy định về tín dụng, đất đai... đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh rất chú trọng đến việc sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Một số doanh nghiệp đã được hỗ trợ từ vốn ngân sách để đầu tư nông nghiệp theo quy định hiện hành.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tại tỉnh đã được tỉnh quán triệt và thực hiện tương đối tốt trong từng cơ quan, ban, ngành của tỉnh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đầu tư, hỗ trợ đầu tư liên quan...

Công ty Đường Quảng Ngãi đang thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất mía ở tỉnh. Trong ảnh: Văn phòng Công ty Đường Quảng Ngãi. Nguồn ảnh: //qns.com.vn

Còn đó không ít khó khăn

Thực tế hiện nay cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung, mặc dù đã có những bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật song vẫn bộc lộ những hạn chế như quy mô sản xuất còn manh mún, phân tán...

Hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn; chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu thông tin thị trường... Các sản phẩm hàng hóa còn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán. Việc áp dụng công nghệ - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, chưa ứng dụng khoa học trong sản xuất nên chưa có giá trị gia tăng cao.

Đầu ra của sản phẩm tiêu thụ khó khăn vì các nguyên nhân: Mẫu mã chưa đa dạng, phong phú, giá thành sản phẩm còn cao... Khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ. Công tác quảng bá cho sản phẩm chưa nhiều do thiếu kinh phí. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu còn hạn chế… Sản xuất còn tự phát, lao động là nông dân địa phương chưa qua đào tạo…

Theo chính sách chung trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa huy động được sự tham gia phù hợp của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do chỉ giới hạn đối tượng là doanh nghiệp. Trong khi các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có thể gắn với rất nhiều hình thức như nhà đầu tư tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất, tổ nhóm, trang trại... nguồn kinh phí ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách thấp và chậm.

Bên cạnh đó, điều kiện được thụ hưởng chính sách của Nghị định 210/2013/NĐ-CP khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên doanh nghiệp khó tiếp cận với chính sách. Để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương... Trên thực tế, hầu hết các dự án rất khó đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên 2 lần. Doanh nghiệp phải sử dụng cả nguyên liệu của các địa phương khác và lao động tại địa phương chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chuyên môn, tay nghề để làm việc tại doanh nghiệp.

Về phía tỉnh Quảng Ngãi, đã ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 27/9/2016 để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thực hiện đầu tư tại tỉnh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đối tượng được mở rộng kể cả cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện đầu tư. Điều kiện để doanh nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được giảm ở mức độ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và bước đầu đã đạt được thành quả nhất định khi có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư, đặc biệt là năm 2017 với khoảng 12 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các chính sách về đất đai cũng là một rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp. Việc thực hiện quy trình thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất còn nhiều bất cập. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nộp tiền thay thế rừng sản xuất... còn quá nhiều bất cập, không thể giải quyết nhanh để nhà đầu tư thực hiện đâu tư.

Đồng thời, nhìn chung, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển nhiều về số lượng và chất lượng là do các chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh đối với các doanh nghiệp. Cụ thể: Đối với chính sách hỗ trợ đất đai, hiện nay chủ yếu là ưu đãi về các mức thuế, phí theo địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao mà thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung, phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ, thường xuyên thay đổi nên việc nhận hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất còn khó thực hiện...

Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất lớn, giải phóng mặt bằng khó. Cùng với đó, doanh nghiệp chưa mặn mà bởi các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao. Không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi diện tích sử dụng đất và không gian cách ly lớn...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, việc đầu tư vào nông nghiệp thực sự không dễ dàng vì cần nguồn vốn lớn trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp và tương đối rủi ro nên kén nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đây là hình thức đầu tư dài hạn, trong khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với các khoản vay có thời hạn ngắn, lãi suất biến động.

Chưa hết, khả năng hiểu biết về hội nhập của doanh nghiệp nông nghiệp cũng rất thấp như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương [TPP] được ký kết nhưng để đi vào thực tiễn trong các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp để xuất khẩu tại tỉnh là cả vấn đề cần đặt ra.

Ngoài ra, về hợp đồng nông nghiệp, hiện nay chưa có thể chế pháp lý tốt để bảo vệ quyền hợp đồng của nhà đầu tư và nông dân. Điều này dẫn tới tình trạng "bẻ kèo" giữa hai bên khi giá nông sản lên xuống thất thường.

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong phạm vi cấp tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu một số giải pháp như sau:

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, tạo sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao.

Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi các chính sách không còn phù hợp và phải có tính thực tiễn cao trong các lĩnh vực: Đất đai, tiếp cận tín dụng, thuế, chính sách hỗ trợ công nghệ... Các thủ tục nhận hỗ trợ của doanh nghiệp cần đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hình thức rút gọn, nhằm đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch đất cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dựa trên cân đối cung cầu, lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội và khả năng đầu tư, giữa thực trạng và dự báo tương lai, ưu tiên đặc biệt cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia. Đồng thời, thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang, đất không thực hiện đúng cam kết để giao lại đất dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, mua sắm chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia theo các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Nguồn hỗ trợ không chỉ từ ngân sách Trung ương, địa phương mà còn từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chủ Đề