Ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.”

Đó là những lời tâm tình sâu sắc mà Nguyễn Khoa Điềm viết về Đất Nước, về nguồn cội, về nơi ông sinh ra và lớn lên. Không chỉ với nhà thơ mà biết bao thế hệ nhân dân Việt Nam đã lớn lên từ những lời ru điệu hò, những câu chuyện gắn với bà, với mẹ. Thứ văn chương gần gụi yêu thương ấy đã cùng ta trưởng thành theo năm tháng. Văn học dân gian luôn chắp cánh cho những kỉ niệm hồn nhiên, tươi đẹp nhất của mỗi người; nhưng ít ai biết rằng nó cũng chính là nguồn cội, là mầm ươm cho sự phát triển của nền Văn học viết sau này.

Văn học viết chịu ảnh hưởng của văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Giáo trình Văn học dân gian khi nhận xét về ảnh hưởng to lớn của văn học dân gian đối với văn học thành văn Việt Nam cũng đã từng nhận định:“ Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc Việt Nam. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa các thể loại văn học dân gian. Nhiều tác phẩm , nhiều hình tượng do văn học dân gian tạo nên là nguồn cảm hứng , là thi liệu , văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ , nhà văn lớn của dân tộc [Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du , Hồ Xuân Hương , Phan Bội Châu , Hồ Chí Minh,…] đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú” .

Quả thực nhân định nói trên đã thể hiện rõ mối quan hệ máu thịt gắn bó giữa văn học dân gian và văn học thành văn trong suốt tiến trình phát triển của nền văn học nước nhà. Văn học dân gian chính là nền tảng của văn học viết và có tác động lớn đến sự hình thành và phát triển, là nguồn cảm hứng dồi dào, tiếp thêm chất liệu và cảm hứng sáng tạo cho văn học viết.

VỀ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG

Văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn của mọi thời đại những quan niệm xã hội, đạo đức của nhân dân lao động, của các dân tộc. Ngoài ra, nó còn cung cấp những tri thức hữu ích về tự nhiên xã hội, góp phần quan trọng về sự hình thành nhân cách con người. Nó bảo tồn, phát huy những truyền thồng tốt đẹp của dân tộc như: truyền thống yêu nước, tinh thần hướng thiện, trọng nhân nghĩa, giàu tình thương,…

VỀ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

Văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn một kho tàng các truyền thống nghệ thuật dân tộc, từ ngôn ngữ đến các hình thức thơ ca, các phương pháp xây dựng nhân vật, hình ảnh, cách nói, các biện pháp tu từ, thể loại, chất liệu dân gian,…

Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ kế thừa và phát triển nét độc đáo ấy để đưa vào tác phẩm của mình như một chất liệu đặc biệt gắn với dân tộc Việt Nam. Nguyễn Du đã rất thành công trong việc sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc với tác phẩm “Truyện Kiều”. Ngoài, còn có một số tác phẩm văn học viết cũng được sử dụng thể thơ dân tộc này : “Lục Vân Tiên” [Nguyễn Đình Chiểu], “Lỡ bước sang ngang” [Nguyễn Bính],….

Các nhà thơ đã sử dụng rất linh hoạt chất liệu dân gian vào tác phẩm của mình như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,…

“Tay ai thì lại làm nuôi miệng

Làm biếng ngồi ăn lở núi non.”

[Nguyễn Trãi]

Gợi liên tưởng tới 2 câu tục ngữ : “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “Miệng ăn núi lở”.

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.”

[Mời trầu – Hồ Xuân Hương]

Gợi liên tưởng đến bài ca dao:

“Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân,

Nay anh học gần, mai anh học xa.

Anh lấy em từ thuở mười ba,

Đến năm mười tám em đà năm con…”

Trong dòng chảy miên viễn của nền văn học Việt Nam, chúng ta thấy rằng đó là sự tích hợp giữa hai dòng văn học: văn học dân gian và văn học viết. Phân biệt được hai dòng văn học này là vấn đề cơ bản của lịch sử văn học dân tộc. Bởi lẽ, nó không chỉ có hai phương thức sáng tác khác nhau, truyền miệng và thành văn, mà còn liên quan đến hai loại hình thức tác giả có vị trí xã hội, hoàn cảnh sinh sống, quan niệm nhân sinh, tư tưởng tình cảm, kể cả hoàn cảnh sáng tác, tâm thế sáng tác, động cơ sáng tác cũng khác nhau.

Sự giống nhau giữa văn học nhân gian và văn học viết

Giữa văn học dân gian và văn học viết chúng ta thấy có một số điểm giống nhau như:

  • Cả hai đều là sản phẩm của lao động trí óc, là sáng tạo của con người
  • Đều phản ánh bộ mặt xã hội, thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả
  • Chúng cùng sử dụng ngôn từ như phương tiện quan trọng nhất để sáng tạo hình tượng nghệ thuật, cùng thể hiện tư tưởng, quan niệm, thái độ, tình cảm của tác giả qua những hình tượng nghệ thuật đó.
  • Chúng cùng tác động đến thực tiễn, có tác dụng cải biến thực tiễn

Sự khác nhau giữa văn học dân gian và văn học viết

Sự khác nhau được thể hiện thông qua các đặc trưng của văn học viết và văn học nhân gian như lực lượng sáng tác, cách thức lưu truyền, hình thức tồn tại, vai trò, vị trí, nội dung phản ánh, lịch sử hình thành và phát triển,...

+ Lực lượng sáng tác

  • Là sáng tác tập thể, không có tác giả cụ thể
  • Là sáng tác của một hoặc một nhóm mang dấu ấn riêng

+ Cách thức lưu truyền

  • Truyền miệng từ đời này sang đời khác
  • Được lưu truyền dưới dạng chữ viết

+ Hình thức tồn tại

  • Gắn liền với các hoạt động lao động sản xuất hàng ngày, trong đời sống xã hội
  • Là một tác phẩm cố định dưới dạng chữ viết, mang tính độc lập của một cá nhân hoặc một nhóm

+ Vai trò, vị trí

  • Là nền tảng của văn học nước nhà
  • Là sự tiếp thu những cái mới, đồng thời kết hợp với cái hay, cái đẹp của văn học dân gian

+ Nội dung phản ánh

  • Do đặc trưng của văn học dân gian về lực lượng sáng tác, phương thức sáng tác nên nội dung của nó hướng đến đời sống dân dã. Đó là những vấn đề thiết thân, quen thuộc hằng ngày với nhân dân lao động, chẳng hạn qua thể loại ca dao - dân ca ta bắt gặp các chủ đề hết sức bình dị.
  • Thể hiện tâm tư, tình cảm, ước mơ mang nét riêng của tác giả

+ Lịch sử hình thành và phát triển

  • Văn học dân gian: Ra đời từ khi con người bắt đầu có tiếng nói, nhận thức
  • Văn học viết: Ra đời vào thế kỉ 10, chia làm 2 giai đoạn là văn học trung đại và văn học hiện đại

+ Cách phản ứng hiện thực:

  • Dùng lời ăn tiếng nói hàng ngày, dùng hình ảnh biểu tượng để phản ánh hiện thực....
  • Dùng ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật....

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết

Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc. Khi chưa có chữ viết, nền văn học dân tộc chỉ có văn học dân gian; khi có chữ viết nền văn học nầy bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết

Văn học viết chịu ảnh hưởng văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật.

Ví dụ: Truyền thuyết Thánh Gióng đã mở đầu cho dòng văn học yêu nước, chống xâm lược trong nền văn học dân tộc. Thể thơ lục bát, thể thơ được thi hào Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình, bắt nguồn từ bộ phận văn vần dân gian...

Văn học viết cũng có ảnh hưởng trở lại đối với văn học dân gian trên một số phương diện . Chẳng hạn , tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao [ những nhân vật trong Truyện Kiều , Lục Vân Tiên ...]

Mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học cũng như vai trò, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học thể hiện trọn vẹn hơn cả ở lĩnh vực sáng tác và ở bộ phận thơ văn quốc âm. Có thể nói, mảng truyện thơ Nôm khuyết danh là sự gặp gỡ của hai bộ phận văn học dân tộc.

Như vậy, trong quá trình phát triển, hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Văn học dân gian là nền tảng cho văn học viết tiếp thu. Trái lại, văn học viết có tác động trở lại làm văn học dân gian thêm phong phú, đa dạng.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về So sánh văn học dân gian và văn học viết [Đầy đủ] file Word, pdf hoàn toàn miễn phí!

Đánh giá bài viết

Video liên quan

Chủ Đề