Trường đại học tây bắc ở đâu

Trường Đại học Tây Bắc (tiếng Anh: Tay Bac University) là trường đại học vùng đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng đồng thời nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ cho 7 tỉnh Tây Bắc và các tỉnh lân cận, góp phần triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi.

Giới thiệu chung

I. Lịch sử phát triển

1. Lịch sử trường Đại học Tây Bắc (Phần 1)

1.1. Vài nét khái quát về Tây Bắc trước 1954

1.1.1. Vị trí địa lí

Tây Bắc là cách gọi theo phương vị, chỉ vùng đất nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc lấy Thủ đô Hà Nội làm chuẩn.

Cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về địa giới của khu Tây Bắc, nhưng theo chúng tôi, Tây Bắc chủ yếu bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, một phần của Hoà Bình với diện tích hơn 46.000 km2, có 23 dân tộc anh em sinh sống: Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, Mường, Tày, Nùng, Dao, Lào, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, Mảng, La Hủ…

Phía Bắc của khu tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có đường biên giới dài 513 km; phía Tây tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Phong Sa Lỳ của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới dài 552 km; phía Đông, Đông Nam và Nam tiếp giáp các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hoà Bình.

1.1.2. Điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội

Tây Bắc có địa hình phức tạp, bị cắt xẻ bởi những dãy núi đá vôi trong dãy Hoàng Liên Sơn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và vòng cung Sông Mã chạy từ Đông sang Tây, tạo thành những đỉnh núi cao như Xà Phình (2.879 m), Pú Luông (2.985 m), Tả Giàng Phình (3.096 m), đặc biệt là đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m so với mực nước biển.

Tây Bắc có hai con sông lớn. Sông Mã bắt nguồn từ vùng núi cao của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chảy qua địa phận huyện Sông Mã, vòng qua Lào vào Thanh Hoá ra biển. Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Mường Lái (Lai Châu) qua Điện Biên, đến Sơn La hợp với suối Nậm Na ở phía Bắc và Nậm Mức ở phía Tây Nam, chảy qua địa phận tỉnh Hoà Bình hội nhập với sông Hồng. Ngoài ra, Tây Bắc còn có hàng nghìn sông, suối, ao, hồ lớn nhỏ.

Sự đan xen của những dãy núi đá với núi đất, cùng sự quanh co của các sông, suối lớn nhỏ đã tạo nên những phiêng bãi đất đai màu mỡ, phì nhiêu, nổi tiếng nhất là 4 cánh đồng, như câu ca của đồng bào Thái: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.

Trong lịch sử, đặc trưng kinh tế, xã hội của Tây Bắc là kinh tế nông nghiệp. Cuộc sống của cư dân chủ yếu dựa vào hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, cư dân Tây Bắc còn dựa vào khai thác lâm sản, săn bắn, hái lượm trong rừng, đánh bắt cá ở ven các sông, suối…, đúng như câu ca của người Thái:

“Cơm nước ở mặt đất

Thức ăn ở trong rừng”

Trong từng khu vực, do tác động của điều kiện tự nhiên, sự phong phú của cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của cư dân, nên mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có thế mạnh riêng của mình trong việc phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trên những địa bàn khác nhau. Điều này đã được khẳng định trong câu ngạn ngữ Thái:

“Xá ăn theo lửa

Thái ăn theo nước

Mông ăn theo sương mù”

Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế, xã hội đó đã tạo cho Tây Bắc có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong lịch sử, Tây Bắc được coi là vùng đất “Tam Mãnh” qua Lào vào Vân Nam và Hưng Hoá. Hiện nay, Tây Bắc có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quân sự và trong quan hệ giao lưu quốc tế.

1.1.3. Truyền thống lịch sử và văn hoá

Tây Bắc là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hoá. Những công cụ sản xuất thuộc thời kỳ đá mới tìm thấy ở Tuần Giáo (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La), cùng nhiều hiện vật bằng đồng như trống đồng, thạp đồng tìm thấy ở Sông Mã, Thuận Châu, Mai Sơn (Sơn La), Mường Tè (Lai Châu)… chứng tỏ Tây Bắc là địa bàn sinh sống lâu đời của cư dân Việt cổ và nằm trong phạm vi nền văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ của đất nước ta.

Với bề dày truyền thống văn hoá, các dân tộc Tây Bắc đã sáng tạo ra nền văn hoá, văn nghệ dân gian đa dạng phong phú đậm đà sắc thái bản địa, với truyện thơ nổi tiếng “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), sử thi “Táy pú xấc” (Bước đường chinh chiến của cha ông) cùng các lễ tết như lễ mừng thọ, mừng nhà mới, cơm mới... và nhiều phong tục, tập quán khác. Đặc biệt, việc sáng tạo ra chữ Thái cổ của dân tộc Thái là một kiệt tác đóng góp vào nền văn hoá, văn minh Đại Việt.

Cùng với bề dày truyền thống văn hoá, Tây Bắc còn là mảnh đất lịch sử. Các dân tộc Tây Bắc giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, lao động xây dựng đất nước.

Nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh (thế kỷ XV), ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất (thế kỷ XVIII), kiên trì bền bỉ chống giặc “Cờ Vàng” (tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc) giữ vững vùng biên ải được coi là “phên”, là “dậu” ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp (cuối thế kỷ XIX), các dân tộc Tây Bắc đã anh dũng kiên cường đứng trong hàng ngũ của đội quân “Thập Châu” dưới sự chỉ đạo của Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích, phối hợp với quân “Cờ Đen” của Lưu Vĩnh Phúc kéo về vây giặc ở Hà Nội, đưa đến những chiến thắng Cầu Giấy oanh liệt, lần thứ nhất vào năm 1873, lần thứ hai vào năm 1882.

Từ 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã góp phần to lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, tích cực cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) đi đến thắng lợi.

1.2. Tình hình Tây Bắc sau hoà bình lập lại (1954) và sự thành lập Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo

1.2.1. Tình hình Tây Bắc sau hoà bình lập lại

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), toàn bộ Tây Bắc được giải phóng. Đó là điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Bắc trong giai đoạn mới.

Do hậu quả sự thống trị, bóc lột tàn bạo của đế quốc phong kiến và sự tàn phá của chiến tranh, nên sau hoà bình lập lại, Tây Bắc chìm ngập trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu, hoang tàn và đổ nát. Đời sống của đồng bào các dân tộc đói, rách. Tàn dư của chế độ cũ cùng các hủ tục lạc hậu còn ảnh hưởng nặng nề trong đời sống của nhân dân.

Do có vị trí chiến lược quan trọng, sau hoà bình lập lại, các toán thổ phỉ, biệt kích thám báo cùng các phần tử tay sai phản động điên cuồng chống phá cơ quan Đảng, chính quyền ở Tây Bắc. Nhiều vụ “xưng Vua”, “đón Vua” đã diễn ra lộn xộn ở vùng biên giới.

Trong khi đó, chính quyền cơ sở còn rất non yếu, nhận thức của đồng bào các dân tộc thấp kém, thiếu cán bộ cốt cán, nhất là cán bộ người dân tộc ở cơ sở. Năm 1955, toàn Khu có 16 châu (huyện) thì 9 châu vẫn chưa thành lập được chi bộ Đảng. Trong tổng số 316 xã, chỉ có 39 xã thành lập được chi bộ Đảng cơ sở (chiếm gần 8%); số lượng đảng viên chỉ chiếm 0,08% dân số. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc chưa được hình thành. Cá biệt, ở một số địa phương vùng biên giới, chính quyền cơ sở non yếu đến mức không có khả năng tổ chức và lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống, ổn định xã hội.

Trước những khó khăn, phức tạp trên, Đảng, Chính phủ đã kịp thời có chủ trương đúng đắn, thực hiện “Cứu đói”, “Cứu rách”, tiễu trừ thổ phỉ và kiên quyết tiêu diệt các toán biệt kích thám báo, củng cố chính quyền cơ sở, giữ vững an ninh chính trị; mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ để nâng cao nhận thức trong đồng bào.

Ngày 29/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo và vận động đồng bào các dân tộc thực hiện. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230/SL thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo. Đến ngày 7/5/1955, Hội đồng Nhân dân Khu họp kỳ đầu tiên, công bố Sắc lệnh thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo. Mục đích của việc thành lập Khu Tự trị đã được Hồ Chủ tịch khẳng định:

“Mục đích lập Khu Tự trị Thái - Mèo là làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt…Nó sẽ luôn được sự giáo dục và lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác”.

Khu Tự trị Thái - Mèo bao gồm: hai tỉnh Sơn La, Lai Châu (cũ), hai huyện Văn Chấn, Than Uyên của tỉnh Yên Bái và huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai. Khu Tự trị là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, một đơn vị hành chính của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ 1962, Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Khu Tự trị Tây Bắc). Thời kỳ 1955 - 1962, Khu Tự trị không có cấp tỉnh, chỉ có cấp châu trực thuộc Khu. Từ 1963, các tỉnh được tái lập, đơn vị hành chính của Khu lúc này gồm có: khu, tỉnh, châu, xã. Về tổ chức Đảng, Trung ương quyết định chuyển Đảng bộ Khu Tây Bắc thành Đảng bộ Khu Tự trị Thái - Mèo. Các cơ quan của Khu đóng ở thị trấn Thuận Châu (Sơn La) - Thủ phủ của Khu Tự trị Thái - Mèo.

Từ 1954 đến 1960, sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của Tây Bắc đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của thời kì mới.

Nguyên nhân của những hạn chế đó là do nhận thức của đồng bào các dân tộc còn thấp; thiếu cán bộ cốt cán, nhất là cán bộ người dân tộc ở cơ sở; lực lượng giáo viên miền xuôi lên tăng cường cho Tây Bắc vừa ít về số lượng, lại khác biệt về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, bất đồng về ngôn ngữ.... Trong khi đó, Trường Sư phạm Miền núi Trung ương đặt ở Thủ đô Hà Nội, gây không ít khó khăn cho công tác đào tạo giáo viên tại chỗ.

Trong bối cảnh lịch sử đó, vấn đề bức thiết đặt ra lúc này là phải thành lập một trường sư phạm trên địa bàn Tây Bắc để làm nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

1.2.2. Sự thành lập Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Bắc trong thời kỳ mới, ngày 30/06/1960, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Nguyễn Văn Huyên đã kí Quyết định số 267/QĐ về việc thành lập Trường Sư phạm cấp II liên tỉnh, trong đó có Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo. Quyết định của Bộ Giáo dục đã nêu rõ:

“Điều 1. Nay thành lập các trường Sư phạm cấp II liên tỉnh với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để cung cấp cho nhu cầu phát triển nền giáo dục phổ thông trong toàn miền Bắc…Trường Sư phạm cấp II đặt ở Khu tự trị Thái - Mèo có nhiệm vụ thu nhận giáo sinh ở trong Khu tự trị…

Điều 2. Trường đặt tại địa phương nào thì do UBHC tỉnh, khu đó giúp Bộ quản lý về mọi mặt: trường sở, cán bộ, học sinh và chuyên môn. Riêng việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo và kế hoạch phân phối sau khi giáo sinh sau khi tốt nghiệp thì do Bộ phụ trách. Chi phí các trường đều do ngân sách của Bộ Giáo dục đài thọ.

Điều 3. Mỗi trường Sư phạm cấp II có một ban giám hiệu (một Hiệu trưởng và một Hiệu phó) phụ trách và ba bộ phận giúp việc: Giáo vụ - Tổ chức - Hành chính Quản trị...”.

Ngày 07/07/1960, Bộ Giáo dục tiếp tục ra Quyết định bổ sung số 272/QĐ về cơ chế quản lí Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo, cụ thể như sau:

“Điều 1. Nay thêm vào Điều 2 quyết định số 267/QĐ ngày 30/06/1960 thành lập các trường Sư phạm cấp II như sau:

Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo do ngân sách của Khu Tự trị đài thọ và do Khu quản lí mọi mặt…”

Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, khoảng giữa tháng 10 năm 1960, Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II đặt ở Khu Tự trị Thái - Mèo (thường gọi là Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo) được tổ chức tại sân vận động Khu Học xá Mường La với sự tham dự của đông đảo giáo viên, cán bộ Khu Học xá, nhân dân địa phương và đại biểu của Khu uỷ, Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo.

Sự ra đời của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo là sự kiện lịch sử trọng đại đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục ở Tây Bắc. Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo được thành lập không chỉ đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ cho các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dân tộc ít người ở địa phương, mà còn đặt nền móng cho một trường đại học đa ngành ở Tây Bắc về sau này.

1.3. Sự phát triển của Nhà trường thời kỳ 1960 - 1980

1.3.1. Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo những năm đầu mới thành lập và sự phát triển của Trường giai đoạn 1960 - 1965

Những năm đầu mới thành lập, tình hình Nhà trường khó khăn thiếu thốn về mọi mặt.

Khi công bố Quyết định thành lập, Trường chưa có giáo sinh và Hiệu trưởng. Cơ sở vật chất của Trường hầu như chưa có gì, mọi sinh hoạt của giáo viên và giáo sinh chung với Khu Học xá Mường La(*). Đội ngũ giáo viên, cán bộ của Trường khi đó còn rất ít. Đầu tiên chỉ có 8 thầy tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Bộ Giáo dục cử lên công tác tại Trường, đó là các thầy: Đỗ Mộng Bảo, Trần Kiều (giáo viên Toán); Hoàng Thiện Hùng, Lê Kỳ Huân (giáo viên Văn), Vũ Tự Hùng (giáo viên Hoá học), Trịnh Đình Toán (giáo viên Sinh), Chu Văn Phùng (giáo viên Lịch sử), Trần Phương Thịnh (giáo viên Địa lí).

Hai tháng sau, Bộ Giáo dục tăng cường thêm cho Trường thầy Đặng Thọ Nhân (giáo viên Vật lí). Trong thời gian này, Khu Học xá Mường La cử thầy Vũ Lưỡng sang Trường dạy thể dục.

Hai thầy Lê An (giáo viên cấp II ở Văn Chấn - Yên Bái) và Cao Thiệp (cán bộ miền Nam tập kết) được Khu cử đi học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, thầy Lê An về Trường dạy Tâm lí Giáo dục, thầy Cao Thiệp về dạy Chính trị.

............................

(*) Khu Học xá đóng tại bản Hìn châu Mường La nên thường gọi là Khu Học xá Mường La (nay là khu Nhà nghỉ Công đoàn thuộc phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La). Khu Học xá có: Trường Sơ cấp Sư phạm, Trường Trần Đăng Ninh hay còn gọi là Trường Thiếu nhi các dân tộc, Trường Bổ túc Thanh niên các dân tộc, Trường Phổ thông Lao động. Từ năm 1960 thêm Trường Sư phạm cấp II.

Như vậy, trong những ngày đầu thành lập, toàn Trường chỉ có 12 giáo viên, hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Đó chính là đội ngũ đầu tiên của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo. Người được giao phụ trách Trường lúc đó là thầy Đỗ Mộng Bảo.

Trên cơ sở đội ngũ giáo viên hiện có (12 người) của Trường, cuối năm 1960, Nhà trường thành lập hai tổ chuyên môn: Tổ Tự nhiên có 7 người do thầy Trần Kiều làm Tổ trưởng, Tổ Xã hội có 5 người do thầy Lê Kỳ Huân làm Tổ trưởng. Các giáo viên Nhạc, Hoạ, Thể dục và giáo viên những môn khác sau khi được bổ sung sinh hoạt ghép với hai tổ.

Ngoài 12 thầy kể trên, thời điểm này còn có hai giáo viên của Khu Học xá Mường La là thầy Vũ Gia Thuỵ (giáo viên Nhạc) và thầy Thọ (giáo viên Hoạ), sang dạy Nhạc và Hoạ cho Trường.

Để khai giảng được khóa học đầu tiên, hầu hết giáo viên của Trường phải về tận các bản, làng để chiêu sinh. Số giáo sinh này kết hợp cùng với những giáo viên cấp 1 và những người đã học sơ cấp ở Trường Sư phạm Miền núi Trung ương (Hà Nội) được Khu cử vào Trường học trung cấp, hệ 7+2. Năm học đầu tiên (1960 - 1961), toàn Trường có 152 giáo sinh, biên chế thành 05 lớp: 02 lớp Tự nhiên, 02 lớp Xã hội và 01 lớp cấp tốc. Riêng lớp cấp tốc (hay còn gọi là lớp vệ tinh, có khoảng 20 giáo sinh, dành cho con em các dân dân tộc ít người chưa tốt nghiệp cấp II) chỉ đào tạo các môn Tự nhiên.

Về tổ chức Đảng, Trường có 1 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khu Học xá. Bí thư Chi bộ đầu tiên là thầy Cao Thiệp (1960 - 1962), sau đó là thầy Mai Ngọc Nam (1962 - 1965). Về tổ chức đoàn thể, cả Trường có 01 Liên Chi đoàn trực thuộc Ban Chấp hành Đoàn Khu Học xá. Bí thư Liên Chi đoàn đầu tiên là thầy Lê An.

Năm 1961, Nhà trường mở thêm hệ Hàm thụ (đào tạo cả Tự nhiên và Xã hội) dành cho những giáo viên đã tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học về Trường học tập trung 2 kỳ. Phần lớn giáo viên tốt nghiệp đều trở thành cốt cán chuyên môn ở các trường phổ thông và phòng giáo dục huyện.

Do khó khăn thiếu thốn về tài liệu và cơ sở vật chất phục vụ dạy học nên hầu hết các bài giảng và đồ dùng dạy học, giáo viên đều phải tự biên soạn và thiết kế lấy.

Sau khi kết thúc năm học đầu tiên, cuối năm 1961, Khu Học xá chuyển địa điểm từ châu Mường La về thị trấn Thuận Châu(*) (lúc đó là Thủ phủ của Khu Tự trị Thái - Mèo). Sau đó, Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo được Khu cấp đất xây dựng Trường tại thị trấn Thuận Châu với diện tích mặt bằng quản lí là 15,16 ha.

Năm 1962, Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Khu Tự trị Tây Bắc. Để phù hợp với đơn vị hành chính mới của Khu, Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Tây Bắc (gọi tắt là Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc).

Từ khi chuyển về Thuận Châu, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc có bước phát triển mới. Ban Giám hiệu Nhà trường từng bước được kiện toàn, cơ cấu tổ chức của Trường tiếp tục được bổ sung, công tác đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất có nhiều chuyển biến tích cực.

Cuối năm 1961, thầy Lường Văn Cúc, Trưởng Ban Quản lí Khu Học xá Thuận Châu được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo; thầy Đỗ Mộng Bảo được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng. Ngay sau đó, thầy Lường Văn Cúc được Khu cử đi học tại Trường Bổ túc Văn hoá Trung ương (Hà Nội), thầy Đỗ Mộng Bảo với cương vị Phó Hiệu trưởng tiếp tục phụ trách Trường.

Năm học 1961 - 1962, thầy Đặng Phối được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Tháng 8/1963, Bộ Giáo dục bổ nhiệm thầy Phạm Viết Tâm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Năm 1964, thầy Lường Văn Cúc (Hiệu trưởng) hoàn thành chương trình học tập ở Trường Bổ túc Văn hoá Trung ương về quản lí Nhà trường.

........................

(*) Khi chuyển về Thuận Châu (Sơn La) Khu Học xá có 3 trường: Trường SP Cấp II, Hiệu trưởng là thầy Lường Văn Cúc, Trường Bổ túc Công - Nông, Hiệu trưởng là thầy Lò An Bình, Trường TN Dân tộc, Hiệu trưởng là thầy Lê Khánh Tể (CT Công đoàn Khu Học xá).

Cùng thời gian này, một số phòng, ban của Trường bắt đầu được hình thành. Phòng Giáo vụ do thầy Thọ (giáo viên dạy Hoạ) phụ trách; Phòng Tổ chức do ông Nguyễn Viết Thanh (cán bộ tổ chức của Khu) làm Trưởng phòng. Năm 1963, Phòng Quản trị Hành chính được thành lập.

Sau đó, đội ngũ giáo viên của Trường tăng lên nhanh chóng. Nhiều giáo viên tiếp tục được Bộ Giáo dục cử lên tăng cường cho Nhà trường, trong đó có cô Lí Bích Phương (người Hoa), giáo viên Toán về Trường năm 1961, là giáo viên nữ đầu tiên của Trường, thầy Hà Văn Nguyên (người Mường ở Yên Bái), giáo viên Tâm lí Giáo dục về Trường năm 1965, là giáo viên dân tộc thiểu số đầu tiên của Trường. Năm học 1964 - 1965, tổng số giáo viên, cán bộ của Trường là 67 người.

Hàng năm, Nhà trường cử cán bộ về các địa phương của Tây Bắc tiếp nhận hồ sơ và đón các giáo sinh về Trường học tập, rèn luyện. Số lượng giáo sinh là con em các dân tộc Tây Bắc tựu trường ngày một đông. Năm học 1963 - 1964, Trường có 347 giáo sinh, được biên chế thành 7 lớp, trong đó có 01 lớp “Đặc cách” (có khoảng 30 giáo sinh). Năm 1964, hai ban đào tạo Tự nhiên và Xã hội được hình thành, Trường bắt đầu mở hệ 7+3, gồm có 01 lớp Tự nhiên, 01 lớp Xã hội với tổng số khoảng 50 giáo sinh.

Về cơ sở vật chất, năm học đầu ở Thuận Châu (1961 - 1962), Trường có 1 nhà ăn tập thể phục vụ chung cho cả giáo viên, cán bộ và giáo sinh, 1 sân vận động để tổ chức các hoạt động chung, 3 dãy nhà tập thể của giáo viên, 7 lớp học và nhà ở của giáo sinh. Tất cả nhà ở, lớp học của Trường đều là nhà gianh tre, vách đất do thầy, trò tìm kiếm vật liệu tự làm lấy. Sau hơn 4 năm xây dựng, đến năm 1965, Trường đã có 09 dãy nhà xây lợp ngói và 12 nhà toóc xi lợp gianh. Riêng chỗ ở của giáo sinh vẫn còn nhà gianh tre, vách đất.

Tuy chưa khang trang, nhưng hệ thống cơ sở vật chất đó về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công tác, đào tạo cùng những sinh hoạt của cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Nhà trường mở rộng qui mô đào tạo.

Cùng với sự phát triển của Nhà trường, các tổ chức đoàn thể quần chúng: Công đoàn, Đoàn Thanh niên từng bước lớn mạnh. Đến năm 1965, Liên chi có 07 Chi đoàn với trên 300 đoàn viên; Công đoàn Nhà trường có gần 100 đoàn viên (cả giáo viên và cán bộ).

Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được coi là một trong những thế mạnh của Trường. Các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền của Trường tham gia các kỳ hội thao, hội diễn của tỉnh, Khu đều đạt giải. Tháng 10/1963, tỉnh Sơn La (mới tái lập) tổ chức Giải bóng đá Liên ngành, đội bóng đá nam của Trường tham gia thi đấu đạt Giải B.

Là một trường đóng ở địa phương miền núi Tây Bắc, nghèo nàn lạc hậu, xa Trung ương, giao thông liên lạc hết sức khó khăn..., nhưng sau 5 năm xây dựng, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc đã có sự vươn lên phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Đó là thành quả to lớn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nỗ lực cố gắng đầy tâm huyết của tập thể Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường. Có thể nói, trong những năm 1960 - 1965, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc là trung tâm đào tạo cán bộ cách mạng người dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Tây Bắc.

Trong số những giáo sinh tốt nghiệp của Trường, nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt trong các ban, ngành của các tỉnh Tây Bắc, trong đó có các đồng chí: Lò Tiến Thâm, Trần Quang Ân, Cầm Thị Chiêu, Lò Thị Hải Yến, Hoàng Kim Thông, Quàng Văn Binh, Trần Luyến, Trần Du Luyện...(*)

1.3.2. Sự phát triển của Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc giai đoạn 1965 - 1973

Từ cuối 1964, đế quốc Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi mặt hoạt động của miền Bắc nhanh chóng chuyển hướng “từ thời bình sang thời chiến” cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng.

.............................

(*) Ông Lò Tiến Thâm - nguyên PHT Trường Đại học Tây Bắc; ông Trần Quang Ân - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Sơn La; bà Cầm Thị Chiêu - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La, bà Lò Thị Hải Yến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Mầm non, ông Hoàng Kim Thông nguyên Trưởng khoa Toán - Lí, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, ông Quàng Văn Binh - nguyên Chủ tịch Điện Biên, ông Trần Luyến - nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Sơn La, ông Trần Du Luyện - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La.

Quán triệt chỉ thị của Trung ương về việc chuyển hướng hoạt động “từ thời bình sang thời chiến” và tiến hành sơ tán nhân dân về các vùng nông thôn tránh sự đánh phá của đế quốc Mĩ, tháng 2/1965, Khu uỷ ra Chỉ thị về việc sơ tán nhân dân và các cơ sở kinh tế, văn hoá ra khỏi các vị trí mà địch có thể đánh phá. Tiếp đó, Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc triệu tập cuộc họp để quán triệt Nghị quyết của Khu uỷ và phân chia địa điểm sơ tán cho các đơn vị. Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc được hướng dẫn sơ tán về một số xã của huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai và nếu chiến tranh ác liệt có thể sơ tán lên Tuần Giáo.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, thực hiện Nghị quyết của Khu ủy, từ tháng 5/1965, Chi bộ và Ban Giám hiệu Nhà trường đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, nhanh chóng đưa Trường về nơi sơ tán ở Nà Toong (Thuận Châu). Tháng 7/1965, giặc Mĩ đánh phá Sơn La ngày càng ác liệt, từ Nà Toong, Trường tiếp tục sơ tán vào Huổi Má, Hát Củ (Quỳnh Nhai). Năm 1966, khoa Xã hội chuyển sang Thẩm Hang; khoa Tự nhiên vẫn ở Hát Củ, đến tháng 10/1966 chuyển đến Liệp Muội (Thuận Châu). Theo kế hoạch, các đồng chí trong Ban Giám hiệu Nhà trường có trách nhiệm quán xuyến mọi mặt hoạt động của Trường ở nơi sơ tán. Từng đồng chí trong Ban Giám hiệu đã được tăng cường cho các đơn vị để chỉ đạo việc dựng lán trại, nhanh chóng ổn định nơi ăn, chốn ở, tiếp tục nhiệm vụ giảng dạy, học tập.

Từ năm 1967, chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ ngày càng trở nên ác liệt. Tỉnh Sơn La, trong đó có thị trấn Thuận Châu cũng bị chúng đánh phá nhiều lần. Cơ sở chính của Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc, nơi được coi là “Trung tâm đào tạo cán bộ cộng sản ở Tây Bắc” đã bị chúng san phẳng.

Trong thời kỳ sơ tán, để giữ bí mật, tránh sự đánh phá của giặc Mĩ, có lúc Trường đã đổi tên là “Hợp tác xã khai hoang Nậm Tè”, các lớp được gọi là các “Đội sản xuất”. Do phân tán đóng ở nhiều nơi nên địa chỉ liên hệ của Trường lúc này là Hợp tác xã khai hoang Nậm Tè (Mường Sại, Thuận Châu, Sơn La). Đến năm 1970, khi trở về Thuận Châu, Trường mới trở lại đúng tên gọi là Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc.

Là một trường sư phạm ở miền núi, lại mới được thành lập, khi sơ tán phải di chuyển đi nhiều nơi khác nhau, càng làm cho những khó khăn của Nhà trường thêm chồng chất. Có những lúc, lớp học phải chuyển vào trong các hang núi hoặc dựng lán trại ở đầu nguồn các khe suối. Cơ sở vật chất, nơi ăn chỗ ở của giáo viên, cán bộ và giáo sinh ở nơi sơ tán hết sức tạm bợ, thiếu thốn mọi bề. Trong khi đó, Sơn La bị địch đánh phá ác liệt, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống sinh hoạt trở nên khan hiếm. Có thời điểm, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm vào nơi sơ tán bị gián đoạn, cán bộ, giáo viên và giáo sinh đã tìm sắn, khoai và các loại rau rừng để ăn cho qua ngày.

Kiên trì trụ vững vào thời điểm thử thách gian truân nhất đó, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc đã có bước phát triển mới. Tháng 6/1967, Khu uỷ ra Quyết định thành lập Đảng bộ Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc, Bí thư Đảng uỷ là thầy Phạm Viết Tâm. Đảng bộ lúc này có 4 Chi bộ với 31 đảng viên.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, trong bom đạn chiến tranh, bộ máy tổ chức của Trường tiếp tục được kiện toàn. Năm 1967, ngoài hai khoa Tự nhiên và Xã hội, Trường thành lập thêm khoa Chính trị, Trưởng khoa là thầy Phạm Viết Tâm (khoa Chính trị chỉ đào tạo được 02 khoá, mỗi khoá có trên 50 giáo sinh, đến năm 1970 khi Trường chuyển về Thuận Châu thì kết thúc).

Công tác đào tạo của Nhà trường vẫn được duy trì và giữ vững. Trong hoàn cảnh đế quốc Mĩ tăng cường đánh phá miền Bắc và địa bàn tỉnh Sơn La hết sức ác liệt, khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, Nhà trường phải sơ tán ở nhiều nơi, nhưng năm học 1965 - 1966, Trường vẫn duy trì được 8 lớp với tổng số 206 giáo sinh. Năm học 1966 - 1967, cả Trường có 10 lớp theo học ở hai hệ 7+2 và 7+3, với gần 300 giáo sinh.

Có thể nói, những năm tháng sơ tán là thời kỳ gian truân nhất trong quá trình phát triển đi lên của Nhà trường, khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, từ viên phấn, cái bút, quyển vở đến tài liệu đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” vẫn được dấy lên sôi nổi, chất lượng đào tạo được giữ vững. Chính thời điểm này, nhiều thầy, cô giáo đã khắc phục mọi khó khăn thử thách, vươn lên đạt danh hiệu giáo viên dạy Giỏi, trở thành tấm gương mẫu mực về nghị lực vượt khó, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, lí tưởng nghề nghiệp cho giáo sinh noi theo. Điển hình nhất là các thầy: Lường Văn Cúc, Đỗ Mộng Bảo, Phạm Viết Tâm, Lê An, Phan Lạc Đĩnh, Bắc Việt, Cầm Quynh.... Nhiều cán bộ, công nhân viên phát huy tinh thần trách nhiệm, cần mẫn trong công việc, thương yêu giáo sinh như ruột thịt của mình. Nhiều giáo sinh đã khắc phục khó khăn gian khổ ngày đêm miệt mài học tập đạt danh hiệu tiến tiến, xuất sắc. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp, lên lớp luôn đạt từ 90 - 98%.

Từ năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân ta bước sang thời kỳ mới. Chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ tạm thời chấm dứt, miền Bắc trở lại thời kỳ hoà bình. Nhưng không vì thế mà nhiệm vụ chiến đấu bị buông lỏng, trái lại, nhân dân miền Bắc luôn đề cao cảnh giác, vì “Đế quốc Mĩ có thể quay trở lại đánh phá miền Bắc bất cứ lúc nào”.

Trên tinh thần đó, năm 1968, mọi mặt hoạt động của Nhà trường vẫn được duy trì ở nơi sơ tán. Chỉ có một số cán bộ hành chính, phục vụ về cơ sở ở Thuận Châu làm nhiệm vụ mua bán lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu cho giáo viên, cán bộ và giáo sinh. Đến tháng 4/1970, các đơn vị của Trường mới từ nơi sơ tán chuyển về thị trấn Thuận Châu tiếp tục nhiệm vụ đào tạo.

Năm 1971, hưởng ứng khẩu hiệu hành động của tỉnh Sơn La “Tiền tuyến cần người Sơn La có đủ, tiền tuyến cần của Sơn La sẵn sàng”, Nhà trường làm Lễ xuất quân cho thầy Nguyễn Thiện Tề (giáo viên Hoá học) và 21 giáo sinh lên đường nhập ngũ. Trong số này, giáo sinh Lường Xích Long (khoa Tự nhiên) sau đó đã hy sinh.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của giặc Mĩ chấm dứt chưa được bao lâu, ngày 06/04/1972, chúng tiếp tục quay trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Trong hoàn cảnh đó, quán triệt Chỉ thị của Trung ương và Khu uỷ, từ giữa năm 1972, thầy trò Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc tiến hành sơ tán lần hai. Khác với lần trước, phạm vi sơ tán lần này hẹp hơn, chủ yếu là các địa điểm: Nà Toong, Chiềng Ly, Liệp Muội, Mường Sại (Thuận Châu). Rút kinh nghiệm trong lần sơ tán thứ nhất, Nhà trường chỉ đạo sâu sát hơn; cơ sở vật chất được chuẩn bị chu đáo, nhanh gọn; việc dựng lán trại, tu sửa hầm hào được phân công cụ thể cho từng đơn vị phòng, ban, khoa và đến từng lớp; vấn đề tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và công tác cảnh giới được đặc biệt coi trọng. Nhờ vậy, mọi hoạt động của Trường ở nơi sơ tán nhanh chóng được ổn định, hoạt động dạy học được duy trì đều đặn.

Từ năm 1972, ngoài hệ đào tạo 7+3 vẫn được duy trì, Nhà trường bắt đầu mở hệ đào tạo 10+3 (khoá đầu có 02 lớp, 32 giáo sinh, trong đó lớp Văn - Sử có 18 giáo sinh, lớp Toán - Lí có 14 giáo sinh; đến 1973, có thêm 01 lớp Sinh - Hoá, 01 lớp Sinh - Địa) và mở hệ Dự bị 7+2 dành cho con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa vào học chương trình cấp III (02 năm) sau đó chuyển lên học Hệ 10+3. Khoá Dự bị đầu tiên của Trường có 02 lớp: 01 lớp Tự nhiên, 01 lớp Xã hội với tổng số gần 100 học sinh.

Trong hoàn cảnh phải đi sơ tán, chiến tranh ác liệt, Trường phân tán đóng ở nhiều nơi, nhưng chất lượng đào tạo và nề nếp chuyên môn vẫn được đặc biệt coi trọng. Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ giáo sinh tốt nghiệp luôn đạt từ 95% trở lên.

Công tác đoàn thể, nhất là hoạt động của Đoàn thanh niên luôn được duy trì đều đặn. Phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước được dấy lên sôi nổi và đi vào chiều sâu. Năm 1971, Nhà trường chỉ đạo Công đoàn, Đoàn thanh niên triển khai các phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước và tiến hành trồng cây (cây lát, cây đen, cây long não) trong khuôn viên của Trường. Mỗi khoá giáo sinh tốt nghiệp ra trường đều được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo tổ chức lễ phát động phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, động viên tuổi trẻ tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì để góp phần vào công cuộc chống Mĩ, cứu nước của dân tộc.

1.3.3. Sự phát triển của Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc giai đoạn 1973 - 1980

Năm 1972, nhân dân ta giành được thắng lợi to lớn trên cả hai miền Nam -Bắc, buộc đế quốc Mĩ và tay sai phải kí kết Hiệp định Pari (27/01/1973).

Trong điều kiện, hoàn cảnh mới của cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Pari, thực hiện Chỉ thị của Khu uỷ và Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện từ nơi sơ tán trở về địa điểm cũ.

Để chuẩn bị cho công tác di chuyển các đơn vị sơ tán về thị trấn Thuận Châu, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường cử đoàn cán bộ do các thầy Phí Văn Thinh, Phan Lạc Đĩnh dẫn đầu về trước. Do nhà cửa, lớp học, đường xá lâu ngày không sử dụng, lại bị chiến tranh tàn phá nên mọi cơ sở vật chất hầu như phải làm lại từ đầu. Đoàn cán bộ của Trường đã tập trung tu sửa lại nhà cửa, lớp học, đường xá và một số công trình công cộng như nhà ăn tập thể, trạm xá… để đón các đơn vị từ nơi sơ tán trở về. Đến tháng 7/1973, các đơn vị của Trường chuyển hết về thị trấn Thuận Châu. Do có sự chuẩn bị trước nên nơi ăn, chốn ở của trên 1000 con người, cả giáo viên, cán bộ và giáo sinh nhanh chóng được ổn định; khó khăn thiếu thốn từng bước được khắc phục.

Cùng với những biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, Nhà trường cũng đôn đốc các đơn vị chấn chỉnh đội ngũ, kiểm tra lại toàn bộ các trang thiết bị, tài liệu, đồ dùng dạy học để sớm có kế hoạch mua sắm bổ sung, kịp thời bước vào năm học mới. Để nhanh chóng đưa Nhà trường phát triển đi lên, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ, mở rộng qui mô, loại hình đào tạo.

Từ năm học 1973 - 1974, Nhà trường tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục tăng cường thêm giáo viên cho Trường. Nhiều thầy, cô tốt nghiệp các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Việt Bắc được Bộ cử lên công tác ở Trường. Ban Giám hiệu cũng đề ra chủ trương giữ lại Trường những giáo sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt để bổ sung cán bộ cho các phòng, ban hoặc gửi đi đào tạo nâng cao trình độ. Nhờ vậy, đến năm 1975, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường tăng lên 157 người, trên 40% trong số đó có trình độ đại học và 10+3. Đây là lực lượng trọng yếu đưa Nhà trường phát triển đi lên.

Công tác đào tạo cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà trường đã tập trung mũi nhọn ưu tiên cho hệ đào tạo 10+3. Năm 1975, Trường có 7 lớp 10+3 thuộc các ngành: Văn - Sử, Toán - Lí, Sinh - Hoá, Sinh - Địa, Lí - Kỹ thuật Công nghiệp, với tổng số trên 300 giáo sinh. Trong thời gian này, số lượng học sinh các lớp Dự bị Tự nhiên và Xã hội cũng tăng lên nhanh chóng; lớp Dự bị Xã hội có khoá đông đến trên 70 học sinh.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, thời cơ giải phóng miền Nam đã xuất hiện. Thực hiện Kế hoạch giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, nhân dân ta thực hiện “Dốc sức mình chi viện cho tiền tuyến miền Nam” để đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đi đến thắng lợi.

Hòa cùng khí thế chung của dân tộc, thầy trò Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, Phụ nữ “Ba đảm đang”, “Dạy tốt - Học tốt”. đặc biệt, phong trào tòng quân tình nguyện, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ được đông đảo cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường hưởng ứng. Trong những năm chống Mĩ, cứu nước đã có 71 giáo sinh và giáo viên Nhà trường lên đường nhập ngũ góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đi đến thắng lợi.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi, đất nước được độc lập thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tháng 11/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 245 về bỏ Khu, hợp Tỉnh. Đến năm 1976, Khu Tự trị Tây Bắc giải thể sau hơn 20 năm tồn tại và phát triển. Từ năm 1976, Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục quản lí và tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II cho các tỉnh Tây Bắc.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của Nhà trường, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục, bộ máy lãnh đạo Trường nhanh chóng được kiện toàn.

Năm 1977, đồng chí Cầm Quynh được bổ nhiệm Hiệu trưởng Nhà trường; Ban Giám hiệu lúc này gồm có: đồng chí Cầm Quynh - Hiệu trưởng, đồng chí Hoàng Siêng - Phó Hiệu trưởng, đồng chí Phạm Viết Tâm - Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ.

Cùng với việc kiện toàn Ban Giám hiệu, các đơn vị phòng, ban, khoa cũng được củng cố, tăng cường.

Từ 1978 đến 1980, ngoài 02 khoa Tự nhiên và Xã hội, Nhà trường thành lập mới khoa Đào tạo Cơ sở (hay còn gọi là khoa Dự bị, ban đầu có 03 lớp) do thầy Nguyễn Thiện Tề làm Trưởng khoa.

Các phòng, ban của Trường gồm có: Phòng Tổ chức Chính trị, Phòng Giáo vụ, Phòng Quản trị Đời sống, Phòng Hành chính Tổng hợp, Tổ Tài vụ, Tổ Kiến thiết, Trạm xá. Các tổ chức đoàn thể có Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Trong bối cảnh chung của đất nước thời bao cấp (những năm 1975 - 1980), kinh tế, xã hội có nhiều biến động, thiên tai lũ lụt diễn ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc để lại hậu quả trầm trọng, đẩy đất nước ta lâm vào khủng hoảng, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Là một trường đóng trên địa bàn miền núi Tây Bắc, Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc cũng phải trải qua những năm tháng thử thách cam go. Đời sống của cán bộ, giáo viên và giáo sinh hết sức khó khăn. Hàng tuần, thầy và trò phải cùng nhau vào Cơ sở 2 của Nhà trường ở Chiềng Bôm (Thuận Châu) tăng gia lao động sản xuất. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, Nhà trường tham gia cùng với địa phương xây dựng phòng tuyến ở đèo Pha Đin.

Bằng ý chí, nỗ lực, quyết tâm, thầy, trò Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc đã từng bước vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa Nhà trường không ngừng vươn lên.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường tiếp tục tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ngoài những giáo viên ở xuôi lên, đội ngũ giáo viên Nhà trường còn được bổ sung thêm nhiều đồng chí đã tốt nghiệp sau đại học ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ năm học 1979 - 1980, Nhà trường có chủ trương cử một số học sinh hệ Dự bị 7+2 dự thi vào các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhằm tạo nguồn cán bộ giảng dạy cho Trường về sau này. Trong số 36 người được Nhà trường cử đi dự thi khoá đầu, có 12 người trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Đến 1980, tổng số giáo viên, cán bộ Nhà trường tăng lên 227 đồng chí, trong đó 76 đồng chí có trình độ đại học, 5 đồng chí có trình độ sau đại học và 1 đồng chí có trình độ lí luận cao cấp.

Công tác chuyên môn được đặc biệt coi trọng. Hàng năm, Trường tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi từ cấp Khoa đến cấp Trường. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã có từ thời chống Mĩ, tiếp tục được dấy lên sâu rộng trong toàn Trường.

Công tác đào tạo của Trường thời gian này cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài hệ 10+3 và hệ Dự bị (7+2) đã có từ trước, từ năm 1980, Trường bắt đầu tuyển hệ Cao đẳng Chính qui đầu tiên, có 05 lớp (300 giáo sinh), bao gồm: Văn, Toán, Sinh, Lí - Kỹ thuật Công nghiệp, Sử - Chính trị. Địa bàn tuyển sinh của Trường ngày càng được mở rộng; ngoài đối tượng con em các dân tộc ở Tây Bắc, thời kỳ này có nhiều học sinh ở các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Hà Tây... lên học. Năm học 1979 - 1980, Trường có 31 lớp với tổng số 1.110 giáo sinh, trong đó tỉ lệ giáo sinh là con em các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc chiếm khoảng 15%.

Với những thành tích đạt được, tháng 4/1980, Nhà trường được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba, Đoàn thanh niên được Trung ương Đoàn tặng cờ luân lưu “Đơn vị khá nhất khối các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp”. Công đoàn Nhà trường nhiều năm liền được Công đoàn ngành và Công đoàn tỉnh Sơn La tặng Bằng khen.

Năm 1980, đồng chí Cầm Quynh - Hiệu trưởng Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân cũng được Bộ Giáo dục, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen.

Tóm lại, 20 năm đầu tiên là thời kì Nhà trường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng bằng ý chí và nghị lực vượt khó, Trường đã không ngừng vươn lên, trưởng thành. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng lên. Công tác đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Các đoàn thể quần chúng ngày càng vững mạnh. Thành tựu rực rỡ nhất của Nhà trường trong 20 năm xây dựng và phát triển là đã đào tạo, bồi dưỡng được 2.271 giáo viên (thuộc các hệ 7+2, 7+3, 10+3 và Cao đẳng bồi dưỡng), trong đó có 490 giáo viên người dân tộc thiểu số. Đây là kết quả sự nỗ lực phấn đấu đầy tâm huyết của tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, cùng toàn thể cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường.

Thành tựu này thực sự đã góp phần tạo cơ sở nền tảng cho Nhà trường phát triển đi lên trong các giai đoạn sau.

2. Lịch sử trường Đại học Tây Bắc (Phần 2)

*Sự phát triển của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thời kỳ 1981 - 2000

2.1. Sự ra đời Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc

Sau 5 năm, kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi, nhân dân ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng phải trải qua không ít những khó khăn, thử thách. Từ năm 1981, thiên tai mất mùa diễn ra liên tiếp ở cả ba miền của đất nước, hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc vẫn chưa được khắc phục, tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và sự kìm hãm của cơ chế quan liêu bao cấp đã đẩy nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tăng nhanh, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Trong bối cảnh chung đó, Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc vốn là một trường miền núi xa xôi, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn khó khăn, lạc hậu, do đó việc duy trì hoạt động và phát triển của Nhà trường là một thách thức to lớn. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn thử thách, được sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu cùng toàn thể giáo viên, cán bộ Nhà trường đã cố gắng duy trì hoạt động phát triển Nhà trường cả về số lượng, chất lượng, cũng như quy mô và loại hình đào tạo.

Đến năm 1981, đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ hành chính và phục vụ cũng được bổ sung đông đảo, nâng tổng số cán bộ, giáo viên, cán bộ Nhà trường lên 252 người.

Các tổ chức đoàn thể quần chúng: Công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng đẩy mạnh các mặt hoạt động phục vụ tích cực nhiệm vụ đào tạo của Trường.

Trong thời gian này, Nhà trường phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng mở rộng quan hệ kết nghĩa với các địa phương nơi Trường đóng như thị trấn Thuận Châu, xã Chiềng Ly, xã Thôm Mòn, xã Tông Lệnh, xã Chiềng Bôm (nơi xây dựng Cơ sở 2 của Trường). Để góp phần củng cố mối quan hệ với các địa phương, hàng năm vào mùa gặt, Nhà trường cử các đoàn giáo viên, giáo sinh đi lao động giúp dân, ngày hè thường tổ chức đi dạy bổ túc văn hoá hoặc xoá mù. Ngoài ra, Nhà trường còn cử các đội văn nghệ xung kích đi biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào địa phương và bộ đội biên phòng đóng nơi biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Trước sự lớn mạnh của Nhà trường về tất cả các mặt và nhu cầu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên cấp II có trình độ cao đẳng sư phạm của địa phương, từ năm 1980, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề xuất với Bộ Giáo dục nâng cấp Trường thành Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Ngày 06 tháng 04 năm 1981, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 146/CP, nâng cấp Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc thành Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Những điều cơ bản quy định trong Quyết định của Chính phủ như sau:

“Điều 1. Công nhận Trường Sư phạm cấp II 10+3 Tây Bắc là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc và giao cho Bộ Giáo dục quản lí.

Điều 2. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cấp II có trình độ cao đẳng sư phạm phục vụ cho nhu cầu phát triển của hai tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Điều 3. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thuộc hệ thống giáo dục Đại học và Cao đẳng được hưởng các chính sách chế độ mà Nhà nước đã quy định cho các trường Đại học và Cao đẳng.

Điều 4. Phụ trách Trường do một Hiệu trưởng, giúp việc Hiệu trưởng có một số Phó Hiệu trưởng…”

Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc được công nhận là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc không chỉ là sự thay đổi thuần tuý về tên gọi mà còn là sự khẳng định bước phát triển mạnh mẽ về chất của Nhà trường. Từ đây, Nhà trường đã đào tạo đội ngũ giáo viên cấp II có trình độ chuẩn quốc gia - cao đẳng sư phạm, cho các tỉnh Tây Bắc. Đây là kết quả của quá trình phấn đấu xây dựng không mệt mỏi của các thế hệ giáo viên, cán bộ, giáo sinh đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa Nhà trường không ngừng phát triển đi lên. Việc công nhận Nhà trường là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc cũng thể hiện sự quan tâm của Trung ương mà trực tiếp là Bộ Giáo dục đối với sự nghiệp giáo dục ở miền Tây Bắc của Tổ quốc, nơi mà sự nghiệp giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhu cầu về giáo dục luôn đặt ra bức thiết.

2.2. Sự phát triển của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thời kỳ 1981 - 2000

2.2.1. Giai đoạn 1981 - 1990

Đầu những năm 80, kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, tác động của khủng hoảng ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước ta.

Trong bối cảnh chung đó, là một trường đóng trên địa bàn vùng núi, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách mà lớn nhất là khó khăn về cơ sở vật chất.

Hệ thống nhà ở của cả thầy và trò, lớp học, đường sá và các tiện nghi phục vụ cho giảng dạy, học tập, sinh hoạt còn rất tạm bợ. Cơ sở vật chất không đủ đáp ứng với nhiệm vụ chính trị mà Nhà trường phải gánh vác. Việc giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày gặp vô vàn khó khăn. Có những thời điểm, bếp ăn tập thể giáo viên và giáo sinh chỉ vay đủ gạo để nấu cháo, thậm chí có ngày phải đặt bánh sắn ở cửa hàng ăn uống Thuận Châu cho cán bộ, giáo viên và giáo sinh ăn thay cơm. Việc các gia đình giáo viên, cán bộ đi xếp sổ mua gạo từ 1- 2 giờ sáng là chuyện thường xuyên. Việc thực hiện chế độ Giá - Lương - Tiền, bù giá vào lương và đổi tiền đã gây ra những xáo trộn lớn. Đồng tiền lạm phát đến chóng mặt làm cho đời sống giáo viên, cán bộ, giáo sinh lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nhiều gia đình cán bộ giáo viên phải tính kế sinh nhai bằng một số nghề phụ như làm vườn, nuôi lợn hoặc các nghề phụ khác.

Trong bối cảnh lịch sử đó, vượt qua mọi khó khăn thử thách, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc vẫn trụ vững và phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ giáo viên Nhà trường đã nỗ lực, cố gắng thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị trung tâm là đào tạo đội ngũ giáo viên cấp II cho các tỉnh Tây Bắc. Chính vào thời điểm khó khăn nhất, chất lượng đào tạo của Trường ngày càng được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp của giáo sinh hàng năm đều đạt từ 95 % trở lên.

Năm 1982 kết thúc khóa đào tạo giáo viên 10+3 cuối cùng, Nhà trường từ đó chỉ đào tạo hệ cao đẳng chính quy, cao đẳng bồi dưỡng và Dự bị cao đẳng 7+2. Kết thúc năm học 1982 - 1983, Nhà trường đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên của hệ cao đẳng sư phạm chính quy.

Trên thực tế, ở các vùng sâu, vùng xa của Tây Bắc, do thiếu giáo viên, nên tình trạng giáo viên phải dạy “kê” nhiều môn học, kể cả những môn không được học là chuyện phổ biến. Do đó, từ 1984, Nhà trường chuyển sang đào tạo ban rộng: Văn - Sử - Giáo dục công dân, Toán - Lí, Sinh - Hóa, Sinh - Địa. Sự điều chỉnh sang đào tạo ban rộng có ý nghĩa to lớn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp giáo dục ở các địa phương Tây Bắc.

Từ năm học 1986 - 1987, Nhà trường bắt đầu mở các lớp Dự bị 1 năm để đáp ứng nguồn đào tạo, vì thời điểm này thí sinh dự thi vào Trường ít, thường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Ngoài việc đào tạo giáo viên cho hai tỉnh Sơn La, Lai Châu, trong khoá học 1984 - 1987, Nhà trường còn làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho Nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, đã có 14 sinh viên hệ cao đẳng chính quy tốt nghiệp trở về nước công tác.

Về công tác đào tạo đội ngũ, từ đầu những năm 1980, số lượng giáo viên của Trường tăng lên nhanh chóng. Nhiều thầy, cô tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Vinh... tiếp tục được Bộ Giáo dục điều lên tăng cường cho Nhà trường.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ giáo viên của Trường không ổn định, số cán bộ giảng dạy hàng năm chuyển vùng rất lớn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải ổn định đội ngũ cán bộ giảng dạy mới có thể củng cố được đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo. Trước yêu cầu đó Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã có tầm nhìn chiến lược về công tác quản lí cán bộ và đào tạo đội ngũ.

Trong những năm 1983 - 1985, ngoài việc tiếp tục cử các học sinh Dự bị dự thi vào các trường đại học, hàng năm, Nhà trường còn chọn 20 - 30 sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm gửi đi học chuyên tu ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Quản lí Giáo dục. Sau khi tốt nghiệp, số sinh viên này trở về Trường công tác, bổ sung một số lượng đáng kể vào đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường.

Cùng với công tác đào tạo, công tác xây dựng cơ sở vật chất của Trường thời gian này cũng được các cấp lãnh đạo quản lí quan tâm, xúc tiến đầu tư trong khả năng cho phép của Nhà trường. Khu nhà làm việc của Ban Giám hiệu và một số phòng, ban, khoa đã được xây dựng khang trang hơn, mặc dù qui mô xây dựng còn rất khiêm tốn. Toàn bộ khu nhà ở của sinh viên và khu lớp học đã được xây cấp 4, chấm dứt tình trạng nhà tranh, vách đất kéo dài hàng chục năm.

Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của Trường vẫn được tiến hành thường xuyên. Các loại hoá chất cho phòng thí nghiệm thực hành của khoa Sinh - Hoá, Toán - Lý, cùng nhiều thiết bị phục vụ giảng dạy cho các bộ môn ngày càng được tăng cường. Riêng Thư viện của Trường hàng năm đã được mua sắm thêm hàng trăm đầu sách, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, cán bộ và giáo sinh. Một số nhà ở khu vực gia đình đã được Nhà trường hỗ trợ xây dựng; nhiều gia đình không tự lo được nhà ở đã được Nhà trường hỗ trợ vật liệu, cấp cho vật liệu thanh lý để làm nhà.

Để ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong giai đoạn mới, tháng 10/1988, Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc tiến hành Đại hội nhiệm kỳ XV. Trên tinh thần dân chủ công khai, nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đã chỉ rõ những tồn tại, yếu kém của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ công tác và dành nhiều thời gian để bàn về vấn đề đổi mới Nhà trường một cách toàn diện. Những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành được Đại hội phân tích cụ thể, chính xác. Đại hội đã bầu lại đồng chí Nguyễn Thiện Tề làm Bí thư Đảng uỷ, hai đồng chí Quàng Văn Tịch, Nguyễn Thị Mai Suối làm Phó Bí thư Đảng uỷ, hai đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Ngọc Luân làm Uỷ viên Thường vụ và 6 đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng uỷ. Tuy nhiên, do nhiều lí do khác nhau, các đồng chí trong Ban Giám hiệu và một số cán bộ chủ chốt của Nhà trường không nằm trong Ban Chấp hành Đảng bộ. Vì thế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu gặp không ít khó khăn.

Trên tinh thần đổi mới, bầu không khí chính trị trong Trường trở nên sôi động, xu hướng dân chủ công khai được mở rộng trong cán bộ, giáo viên và sinh viên, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong cán bộ đảng viên và quần chúng được đặc biệt coi trọng. Công tác quản lý, điều hành được chấn chỉnh theo hướng quy củ, minh bạch hơn.

Ngay sau khi được kiện toàn, Đảng uỷ đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn đổi mới phương thức hoạt động và công tác, nhằm hỗ trợ thật tốt cho công tác đào tạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà trường.

Những nỗ lực cố gắng của Trường đã được các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền của Trung ương và địa phương tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1982, Đoàn trường đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng cờ “Đơn vị thi đua khá nhất” khối các trường đại học và cao đẳng. Năm 1983, Nhà trường được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen về công tác xây dựng cơ bản. Năm học 1984 - 1985, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen là “Đơn vị thi đua khá nhất” trong khối các trường chuyên nghiệp và dạy nghề. Từ 1985 đến 1990, Công đoàn Trường liên tục được Công đoàn tỉnh Sơn La tặng Bằng khen là Công đoàn cơ sở vững mạnh.

2.2.2. Giai đoạn 1991 - 2000

Năm 1991, trước những biến động của tình hình chính trị quốc tế, đặc biệt là sự tan rã và sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động tiêu cực không nhỏ đối với nước ta. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thành quả bước đầu của công cuộc đổi mới đã tạo ra những cơ hội mới, do vậy, Đảng, Chính phủ quan tâm hơn đối với sự nghiệp giáo dục, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, tăng lương cho giáo viên, cán bộ, làm công tác giáo dục bằng nhiều phương thức.

Tuy vậy, Nhà trường lại phải đối mặt với một sự thật hết sức nghiệt ngã đó là sinh mệnh của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc đã nhiều lần được đặt lên “bàn cân” của Bộ Giáo dục. Đầu năm 1991, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để thành lập Trường Đại học Tây Bắc, đóng tại thị xã Hoà Bình.

Năm 1993, Đảng bộ Nhà trường tiến hành Đại hội nhiệm kỳ XVI và đã dành nhiều thời gian thảo luận về đổi mới Nhà trường, củng cố công tác quản lý, lãnh đạo, tăng cường khối đoàn kết thống nhất, xây dựng các phương án để Nhà trường tồn tại và phát triển; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu về giáo viên của hai tỉnh Sơn La, Lai Châu. Đại hội đã bầu đồng chí Hoàng Lãng làm Bí thư Đảng bộ.

Để duy trì sự tồn tại và phát triển, Nhà trường đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp có tính đột phá là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ. Từ năm 1993, Nhà trường tiến hành mở các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho giảng viên, cán bộ để chuẩn bị đi học cao học, nghiên cứu sinh; tìm cách mở rộng loại hình đào tạo để tăng qui mô sinh viên, tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tạo sự phát triển mới cho Trường.

Cũng trong thời gian này, Nhà trường liên tiếp cử giảng giảng viên đi đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lực lượng được đào tạo nâng cao trình độ chính là một điều kiện để tăng cường chất lượng đội ngũ, góp phần vào sự phát triển Nhà trường giai đoạn sau này.

Cuối 1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có chủ trương sáp nhập Trường với Trường Trung cấp Sư phạm Sơn La làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên Tiểu học, còn nhiệm vụ đào tạo giáo viên Trung học phổ thông và Trung học cơ sở cho các tỉnh Tây Bắc được giao cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Sự biến động của Nhà trường, cùng với khó khăn về đời sống đã trực tiếp tác động đến công tác đào tạo của Trường. Năm học 1994 - 1995, số lượng giáo viên, cán bộ cả Trường chỉ còn 154 người và dưới 300 giáo sinh. Nhiều cán bộ, giáo viên tiếp tục xin chuyển về xuôi hoặc về các tỉnh Sơn La, Lai Châu.

Năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương giao Trường cho tỉnh Sơn La quản lí để thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La.

Trước tình hình đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều biện pháp tích cực. Trước hết, Nhà trường đã mở Hội nghị với đại diện của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân nhân hai tỉnh Sơn La, Lai Châu bàn về phát triển Nhà trường vào ngày 20/11/1994. Sau đó, Nhà trường cử nhiều đoàn cán bộ đi làm việc với hai tỉnh Sơn La, Lai Châu để kiến nghị với Bộ Giáo dục và Chính phủ để duy trì sự tồn tại của Trường.

Từ năm 1993 đến năm 1995, Nhà trường liên tục mở các lớp ngoại ngữ cho giáo viên, trên 60 giáo viên đã có trình độ C Tiếng Anh. Một số cán bộ giảng dạy đã được Nhà trường cử đi học Tin học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; có trên 50 giáo viên, cán bộ đã được học Tin học ứng dụng trong công tác.

Năm 1996, Nhà trường bắt đầu mở hệ Cao đẳng Tiểu học. Năm 1997, Nhà trường mở thêm các ban học mới gồm: Văn - Công tác Đội, Sử - Địa, Toán - Tin… Ngoài loại hình đào tạo chính quy, Nhà trường còn mở thêm loại hình đào tạo theo địa chỉ.

Vùng tuyển sinh của Nhà trường ngày càng mở rộng, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương... Hàng năm số thí sinh dự thi vào Trường ngày một đông.

Do những nỗ lực của Nhà trường và để đảm bảo sự công bằng giữa các vùng miền trong cả nước, Chính phủ đã có chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Sau chuyến thăm và làm việc với các tỉnh khu vực Tây Bắc của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, ngày 07/05/1998, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 98/TB-VPCP về chủ trương của Chính phủ đối với tương lai của Nhà trường. Những nội dung cơ bản trong thông báo của Phó Thủ tướng như sau:

“...Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu ban hành quy chế đào tạo sau đại học phù hợp với điều kiện khó khăn của các tỉnh Tây Bắc và các vùng có nhiều dân tộc thiểu số; hoàn thiện đề án nâng cấp Trường Trung học Sư phạm Lai Châu thành Trường Cao đẳng Sư phạm Lai Châu và chuẩn bị điều kiện để chuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình lên đại học đa ngành.

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia xem xét xây dựng đề án hình thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ cho khu vực Tây Bắc, có thể đặt tại Sơn La. Trung tâm này sẽ gồm một đại học đa năng, trung tâm nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, địa chấn, nghiên cứu khoa học nông, lâm nghiệp”.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngày 06/12/1999, tại Công văn số 11545/KHTC, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tạo điều kiện giúp đỡ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc có thủ tục cấp đất tại địa điểm mới để lập quy hoạch xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thành Trường Đại học Tây Bắc.

Nỗ lực cố gắng mọi mặt để vượt qua khó khăn, thử thách, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc từng bước vươn lên phát triển nhanh chóng.

Từ năm 1991 đến năm 2000, Nhà trường đã đào tạo được trên 2000 giáo viên cấp II có trình độ Cao đẳng Sư phạm thuộc các hệ đào tạo chính qui tập trung, hệ bồi dưỡng, hệ bồi dưỡng đặc biệt để công nhận đặc cách. Những sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp ra công tác ở các địa phương đều có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều người đã trở thành giáo viên giỏi, cán bộ cốt cán ở các tỉnh Tây Bắc.

Công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ được Nhà trường quan tâm đặc biệt. Đến năm 1999, số cán bộ giảng dạy có trình độ Thạc sĩ chiếm gần 40%. Việc bồi dưỡng ngoại ngữ và tin học cho cán bộ, giáo viên cũng được Nhà trường coi trọng.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất, sau hơn 10 năm Nhà trường không được cấp kinh phí xây dựng cơ bản nên hệ thống nhà ở, lớp học xuống cấp nghiêm trọng. Tuy vậy, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã có những nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất bằng cách sử dụng hợp lý nguồn kinh phí Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp để chống xuống cấp tu sửa nhà cửa, lớp học. Hàng năm, Nhà trường dành kinh phí khá lớn để mua sắm sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác dạy và học. Số đầu sách mua sắm trong thời gian này lên đến 2000 bản. Hàng tháng, Nhà trường tiếp nhận khoảng 40 đầu báo, tạp chí các loại. Ngoài cơ sở vật chất hiện có, trong thời gian này, Trường đã mua sắm và xây dựng được 2 phòng học ngoại ngữ, trang bị thêm các phòng thí nghiệm Hoá - Sinh, Vật Lý tương đối hiện đại. Đồng thời, Nhà trường cũng đã xây dựng và sửa chữa được 24 phòng học, khu kí túc xá đủ chỗ cho hơn 600 sinh viên. Năm 1999, Nhà trường đã dành nguồn kinh phí Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp làm được gần 500 m đường bê tông.

Các tổ chức đoàn thể quần chúng của Trường là Công đoàn và Đoàn Thanh niên thời gian này đã có nhiều cố gắng, góp phần vào việc củng cố và phát triển Nhà trường về mọi mặt.

Phong trào văn hoá, văn nghệ thể thao của Trường vẫn được duy trì và đó là một trong những thế mạnh của Trường. Hàng năm, Nhà trường tổ chức đều đặn các kỳ hội thao, hội diễn văn nghệ với không khí sôi nổi, chất lượng cao. Trường tham gia thường xuyên “Ngày hội Văn hoá - Thể thao” của tỉnh Sơn La do các trường luân phiên tổ chức. Tháng 10 năm 1998, Nhà trường đang cai tổ chức “Ngày hội Văn hoá - Thể thao” của tỉnh Sơn La với qui mô hoành tráng, nội dung và hình thức phong phú.

Những cố gắng vươn lên của Nhà trường về mọi mặt đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể ghi nhận và tặng nhiều danh hiệu cao quí.

Năm 1998, đồng chí Hoàng Lãng - Bí thư Đảng uỷ, Quyền Hiệu trưởng Nhà trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

Năm 1999, Nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; đồng chí Quyền Hiệu trưởng Hoàng Lãng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.

Năm 2000, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ “Đơn vị tiên tiến xuất sắc”, Công đoàn Trường được Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ năm học 1999 - 2000, Đảng bộ Nhà trường liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh

Tóm lại, 20 năm xây dựng và phát triển (1981 - 2000) là chặng đường đầy gian nan thử thách, song với bề dày truyền thống, với ý chí quyết tâm và trí tuệ tập thể, Nhà trường vẫn tìm ra giải pháp hiệu quả, có tính chất quyết định bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển đi lên của Trường. Thành tựu lớn nhất trong công tác đào tạo của Nhà trường thời kỳ này là đã đào tạo, bồi dưỡng được 4.219 giáo viên có trình độ 10+3 và cao đẳng sư phạm cho sự nghiệp giáo dục các tỉnh Tây Bắc. Với những thành tựu của Nhà trường đạt được trong thời kỳ này đã góp phần tạo cơ sở, nền tảng để Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc vươn lên trở thành trường đại học đa ngành ở khu vực Tây Bắc.

3. Lịch sử trường Đại học Tây Bắc (Phần 3)

3.1. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương và sự thành lập Trường Đại học Tây Bắc

Bước vào thế kỷ XXI, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là sự bùng nổ của thông tin đã mang đến cho các dân tộc nhiều vận hội để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng, trong quá trình hội nhập, các dân tộc cũng phải đối mặt với không ít những hiểm hoạ và thách thức. Hoà nhập nhưng không bị hoà tan là mục tiêu của các nước đang phát triển như nước ta.

Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Tây Bắc đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại được cải thiện đáng kể; nền kinh tế đang từng bước có sự chuyển dịch từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ cấu kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện. Các lĩnh vực văn hoá giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, đến năm 2000, Tây Bắc vẫn là địa phương nghèo nhất của cả nước. Cơ sở hạ tầng tuy đã được cải thiện nhưng sự giao lưu trao đổi giữa các địa phương trong vùng và giữa Tây Bắc với các tỉnh miền xuôi vẫn hết sức khó khăn. Tính đến năm 2000, cả khu Tây Bắc mới có 3 cơ sở sản xuất có vốn đầu tư của nước ngoài nhưng vẫn chưa được đưa vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất trong cả nước, toàn khu mới chỉ đạt khoảng 142 USD/người/năm, trong đó Sơn La 127 USD/người, Lai Châu 145 USD/người... Nếu so sánh GDP bình quân đầu người của Tây Bắc với GDP bình quân đầu người của cả nước thì mới chỉ bằng trên 1/3; so với một số nước trong khu vực như Thái Lan chưa bằng 1/10, và GDP của Malaixia gần gấp 20 lần GDP bình quân đầu người của Tây Bắc (Năm 1998, GDP của Thái Lan là 1600 USD/người, Malaixia là 3400 USD/ người, Việt Nam là 370 USD/người). Nhiều địa phương của Tây Bắc như Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Mường La (Sơn La), Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tủa Chùa (Lai Châu), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên dưới 100 USD/ người/năm.

BẢNG THỐNG KÊ TỶ LỆ HỘ NGHÈO CÁC KHU VỰC TRONG CẢ NƯỚC

Khu vực Năm 1993 (%) Năm 1998 (%)
Tây Bắc 81,0 73,4
Tây Nguyên 70,0 52,4
ĐB sông Cửu Long 47,1 36,9
Đông Bắc 86,1 62,0
ĐB Sông Hồng 62,1 29,3
DH Bắc Trung bộ 74,5 48,1
DH Nam Trung bộ 47,2 34,5

(Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê)

Tây Bắc còn là địa phương có trình độ dân trí thấp nhất cả nước. Tính đến năm 2000, ở Tây Bắc vẫn còn 1/3 số xã chưa được phủ sóng truyền hình. Tuy là địa phương đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, nhưng tỷ lệ tái mù ở Tây Bắc còn cao. Đến năm 2000, hai tỉnh Sơn La, Lai Châu mới có 11.259 người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học (năm 1999 Sơn La, Lai Châu có 10.000 người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học). Tỷ lệ bình quân số cán bộ có trình độ cao (đại học trở lên) chỉ có khoảng trên 50 người 1 vạn dân.

Trong khi đó, giáo dục, đào tạo của Tây Bắc còn nhiều bất cập và yếu kém. Theo số liệu thống kê năm 2000, ở Tây Bắc còn trên 50% số trường học là gianh tre, nứa lá. Trang thiết bị, đồ dùng phục vụ quá trình giảng dạy và học tập thiếu thốn. Năng lực chuyên môn của giáo viên không đều chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách giáo dục. Số đông đội ngũ giáo viên cắm bản, xoá mù được đào tạo theo kiểu “cấp tốc” trước đây, đến nay vẫn chưa được đào tạo lại. Đến năm 2000, Sơn La, Lai Châu có Trường Cao Đẳng Sư phạm Tây Bắc, 08 trường trung cấpchuyên nghiệp của tỉnh. Tổng số học sinh, sinh viên các trường trung học chuyên nghiệp và cao đẳng trong vùng là 6.388 người.

Số lượng các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ở Sơn La, Lai Châu được thể hiện trong bảng dưới đây:

STT Tên trường Số HSSV Giáo viên, giảng viên Ghi chú.
1 Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc 1.807 120
2 Trường Trung học Sư phạm Sơn La 1.500 112 350 BD
3 Trường Trung học Sư phạm Lai Châu 1.200 78 228 BD
4 Trường TH Nông – Lâm Sơn La 493 32
5 Trường TH Y Tế Sơn La 508 27
6 Trường TH VHNT Sơn La 0 7 60BD
7 Trường Dạy nghề Sơn La 400 61
8 Trường TH Kinh tế Lai Châu 291 24 160BD
9 Trường TH Y tế Lai Châu 189 16

Trên bình diện toàn khu vực, sự phân bố giáo dục, trường lớp, ngành nghề so với miền xuôi và giữa các địa phương trong vùng còn nhiều bất cập. Trong đó bất cập lớn nhất không chỉ là sự mất cân đối giữa các ngành nghề trong vùng, giữa các địa bàn với nhau và giữa các cấp học trong ngành giáo dục mà còn là nguồn nhân lực có trình độ cao ở Tây Bắc thuộc các lĩnh vực kinh tế, nông lâm, y-dược chủ yếu được đào tạo ở miền xuôi hoặc được tăng cường từ miền xuôi lên không phải được đào tạo tại chỗ ở Tây Bắc.

Thực trạng trên cho thấy, bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khó khăn lớn nhất của các tỉnh Tây Bắc là thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao. Vì thế, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ cao, có kỹ thuật nghề nghiệp vững vàng để tham gia vào quá trình lao động, thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Tây Bắc trở nên vô cùng cấp bách.

Trong bối cảnh lịch sử đó, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ cao (đại học) cho các tỉnh Tây Bắc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ngày 23/03/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, một số điều cơ bản trong Quyết định như sau:

“Điều 1. Thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Điều 2. Trường Đại học Tây Bắc có nhiệm vụ:

1.Đào tạo nhân lực có trình độ Đại học và Cao đẳng.

2.Bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công chức.

3.Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.

Điều 3. Trường Đại học Tây Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trụ sở của trường đặt tại tỉnh Sơn La; Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng”.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/05/2001, Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc được tổ chức tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (thị trấn Thuận Châu - Sơn La) trước sự chứng kiến của đông đảo đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đại biểu Ban Dân tộc Trung ương, Ban Dân tộc Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại biểu của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Tây Bắc.

3.2. Sự phát triển của Trường Đại học Tây Bắc từ 2001 đến nay

3.2.1. Về công tác tổ chức

Sau gần một tháng kể từ khi công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Tây Bắc, ngày 12/06/2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 3345/QĐ-BGD&ĐT-TCCB bổ nhiệm đồng chí Đặng Quang Việt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc.

Cũng trong thời gian này, để ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ Thuận Châu, Đảng bộ Nhà trường tiến hành Đại hội Nhiệm kỳ XIX (2001 - 2005). Đại hội đã bầu đồng chí Đặng Quang Việt làm Bí thư Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Văn Bao làm Phó Bí thư Đảng bộ, cùng 7 Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng uỷ.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, hệ thống tổ chức Đảng trong Trường từng bước được kiện toàn. Ngoài các chi bộ được thành lập từ trước (Toán - Lí, Sinh -Hoá, Ngữ văn, Tổ chức - Tài vụ, Đào tạo, Hành chính Tổng hợp, Chi bộ Môn chung), Đảng uỷ ra quyết định thành lập mới Chi bộ khoa Sử - Địa (2002), Chi bộ khoa Tiểu học - Mầm non (2003). Tháng 12/2003, Đảng bộ Nhà trường trở thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Tỉnh uỷ Sơn La.

Ban Giám hiệu giai đoạn 2001 - 2007 gồm có: Hiệu trưởng là đồng chí Đặng Quang Việt, hai Phó Hiệu trưởng là đồng chí Lò Tiến Thâm và đồng chí Nguyễn Văn Bao.

Tháng 9/2005, Đảng bộ tiến hành Đại hội nhiệm kỳ XX (2005 - 2010), đồng chí Đặng Quang Việt được bầu lại làm Bí thư Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Văn Bao được bầu lại làm Phó bí thư Thường trực, cùng 3 đồng chí trong Ban Thường vụ và 10 Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ. Nhiệm kỳ XX, Đảng uỷ cũng ra Quyết định thành lập mới Chi bộ khoa Nông - Lâm - Kinh tế (2006), Chi bộ khoa Ngoại ngữ (2008), Chi bộ khoa Lí luận Chính trị (2009), Chi bộ khoa Kinh tế (2009).

Ban Giám hiệu giai đoạn 2007 - 2012 gồm có: Hiệu trưởng đồng chí Đặng Quang Việt (bổ nhiệm lại), hai Phó Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Bao (bổ nhiệm lại) và đồng chí Đinh Thanh Tâm (Quyết định số 7854/QĐ - BGD&ĐT ngày 12/12/2007).

Tháng 6 năm 2010, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc tiến hành Đại hội nhiệm kỳ XXI (2010 - 2015), đồng chí Đặng Quang Việt tiếp tục được bầu lại làm Bí thư Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Văn Bao tiếp tục được bầu lại làm Phó Bí thư Thường trực, cùng 3 Uỷ viên Ban Thường vụ và 14 Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng uỷ. Đến tháng 6/2010, toàn Đảng bộ có 14 chi bộ: Toán - Lí - Tin, Sinh - Hoá, Ngữ văn, Tổ chức - Tài vụ, Đào tạo - Quản lí Khoa học, Hành chính Tổng hợp, Môn chung, Sử - Địa, Nông - Lâm, Tiểu học - Mầm non, Ngoại ngữ, Lí luận Chính trị, Kinh tế, Công tác Chính trị và Quản lí người học. Tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 351 người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường được đặc biệt coi trọng.

Để thực hiện Quyết định số 2905/QĐ/BGD&ĐT ngày 11/05/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển, Trường Đại học Tây Bắc đã tích cực làm việc với các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Ngoại Ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội... mời giáo viên lên thỉnh giảng cho các lớp đại học và Thạc sĩ tại Trường. Từ 2001 đến 2010, Nhà trường đã mời được 145 lượt Giáo sư, 228 lượt Phó Giáo sư, 364 lượt Tiến sĩ lên tham gia giảng dạy và báo cáo chuyên đề khoa học, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên của Trường và nâng cao chất lượng đào tạo hệ đại học. Mười năm qua, Nhà trường đã liên kết với các trường đại học khác mở được 18 lớp Thạc sĩ thuộc các ngành: Toán, Ngữ văn, Giáo dục Chính trị, Kinh tế, Công nghệ Thông tin, Anh văn, Lịch sử, Địa lí, Lâm nghiệp, Nông nghiệp, Giáo dục Thể chất, Tâm lí Giáo dục.

Ngoài ra, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giảng viên, từ 2001 đến 2010, Nhà trường đã cử được 7 đoàn cán bộ, giáo viên đi thăm quan học tập kinh nghiệm về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Mĩ, Canađa, Singapo, Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Dilân, Úc.

Kết quả, đến tháng 8/2010, Trường có 372 cán bộ, giảng viên (giảng viên là 270, cán bộ 94), trong đó có 1 PGS.Tiến sĩ, 11 Tiến sĩ, 30 Nghiên cứu sinh, 147 Thạc sĩ.

Cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáng viên Trường Đại học Tây Bắc tính đến 08/2010 được thể hiện trong bảng dưới đây:

Đơn vị T.Số PGS Tiến sĩ Thạc sĩ CN Tr.độ khác Ghi chú
Ban giám hiệu 3 1 2
Phòng Tổ chức Cán bộ 4 1 2 1
Phòng Hành chính Tổng hợp 23 2 4 17
Phòng Đào tạo 23 1 8 12 2
Phòng QLKH & QHQT 3 2 1
Phòng Công tác Chính trị 5 2 3
Văn phòng Đảng uỷ 2 2
Văn phòng Công đoàn 1 1
Văn phòng Đoàn trường 2 2
Trang Website 2 2
Dự án 1 1
Trạm xá 2 2
Phòng Tài vụ 7 6 1
Ban Nội trú 10 1 2 7
Khoa Toán - Lí -Tin 48 3 0 5
Khoa Ngữ văn 24 1 2 1
Khoa Sử - Địa 31 2 7 2
Khoa Sinh - Hoá 35 1 5 9
Khoa Ngoại ngữ 19 2 7
Khoa Lý luận Chính trị 18 1 7
Khoa Kinh tế 18 2 16
Khoa Nông - Lâm 56 1 0 33 12
Khoa Tiểu học Mầm non 22 1 7 14
Bộ môn Tâm lý Giáo dục 11 1 5 5
Khoa Thể dục Thể thao 21 1 20
Tổng cộng 391 1 11 150 87 42

(Nguồn: Số liệu tại Phòng Tổ chức Cán bộ trường, tính đến tháng 08/2010)

Bộ máy tổ chức của Trường Đại học Tây Bắc, bao gồm:

1. Ban Giám hiệu gồm có: Hiệu trưởng và hai Phó Hiệu trưởng.

2. Phòng chức năng gồm có: Phòng Quản lí Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Công tác Chính trị, Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tài vụ, Trạm xá, Ban Quản lí Khu Nội trú.

3. Đơn vị chuyên môn gồm có: khoa Toán - Lí - Tin (2002), khoa Ngữ văn (2002), khoa Sinh - Hoá (2002), khoa Sử - Địa (2002), khoa Tiểu học - Mầm non (2003), khoa Nông - Lâm - Kinh tế (2006), khoa Ngoại Ngữ (2008), khoa Lí luận Chính trị (2009), khoa Kinh tế (2009), khoa Thể dục Thể thao (2010), Bộ môn Tâm lí Giáo dục.

Ngoài các đơn vị trên, bộ máy tổ chức của Trường còn có: Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ (2006), Ban Chỉ đạo Dự án xây dựng Trường (2006), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ (2009).

3.2.2. Về công tác đào tạo

Trong điều kiện của một trường đại học vừa mới được thành lập, cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị phục vụ quá trình dạy học thiếu thốn, đội ngũ giảng viên vừa thiếu lại vừa yếu, cốt cán chuyên môn không nhiều, chưa có kinh nghiệm đào tạo đại học… trong khi đó, trọng trách của Trường Đại học Tây Bắc trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh Tây Bắc lại hết sức nặng nề.

Ngay từ đầu, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã xác định công tác đào tạo là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà trường, vì thế trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững và không ngừng mở rộng qui mô, loại hình đào tạo.

Năm học 2001 - 2002, Trường có 12 lớp Cao đẳng chính quy, 02 lớp Đại học chính quy (khoá đầu tiên) với 64 sinh viên (1 lớp Đại học Sư phạm Ngữ văn, 1 lớp Đại học Sư phạm Toán), 02 lớp Dự bị.

Từ 2002 đến 2004, ngoài những lớp và ngành học đã có, Trường mở thêm các lớp mới: Đại học Sư phạm Lịch sử, Đại học Sư phạm Sinh, Đại học Sư phạm Tiểu học, Đại học Sư phạm Mầm non, Đại học Sư phạm Vật lí, Đại học Sư phạm Hoá học, Đại học Sư phạm Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Địa lí.

Từ năm học 2003 - 2004, để đáp ứng nhu cầu củng cố đội ngũ, nâng cao trình độ cho cán bộ giảng viên, Nhà trường đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường liên kết với Đại học Sư phạm Hà Nội mở 3 lớp Thạc sĩ tại Trường: 1 lớp Thạc sĩ Ngữ Văn, 1 lớp Thạc sĩ Toán và 1 lớp Thạc sĩ Quản lí. Trong thời gian này, Nhà trường còn mở thêm một số ngành học ngoài sư phạm như: Nông học, Lâm sinh, Kế toán.

Năm học 2005 - 2006, Nhà trường đã mở được 15 ngành đào tạo đại học, trong đó có 5 ngành ngoài Sư phạm; 5 ngành đào tạo cao đẳng, trong đó có 1 ngành ngoài Sư phạm. Tổng số sinh viên của Trường là 5.225, trong đó, tỷ lệ học sinh là con em các dân tộc thiểu số chiếm gần 30%. Riêng năm học 2005 - 2006, số sinh viên thuộc thành phần các dân tộc thiểu số trúng tuyển vào Trường chiếm 34,8%.

Năm học 2009 - 2010, Trường có 29 ngành đào tạo Đại học (tính cả 4 ngành liên thông từ trung cấp lên đại học), tróng đó có 8 ngành ngoài Sư phạm. Nhà trường cũng đã liên kết với một số trường đại học: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, mở được 18 lớp Thạc sĩ thuộc các ngành: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Hoá học, Chính trị, Vật lí, Khoa học máy tính, Giáo dục Thể chất, Nông học, Lâm sinh, Kinh tế. Đến năm học 2009 - 2010, tổng số sinh viên toàn Trường là 11.582, trong đó hệ Chính quy có 6.967 sinh viên, được biên chế thành 109 lớp. Tỉ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm gần 40%. Địa bàn tuyển sinh được mở rộng bao gồm các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, chất lượng đầu vào ngày càng được nâng cao.

Công tác tạo nguồn thông qua hệ Dự bị đại học cho ngành Nông học, Lâm sinh được coi trọng

Với những cố gắng trên, chất lượng đào tạo của Nhà trường cũng không ngừng được nâng cao. Hàng năm, tỷ lệ sinh viên được xét tiếp tục tiến độ học tập luôn đạt từ 95% trở lên. Công tác kiến, thực tập của các lớp Đại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm 100% được đánh giá xếp loại khá trở lên, trong đó, có trên 80% đạt loại giỏi. Kết quả tốt nghiệp của sinh viên luôn đạt từ 95 - 98%, trong đó có 30% đạt loại Khá và Giỏi.

THỐNG KÊ MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO TỪ 2001 ĐẾN 2010

STT Năm học bắt đầu được tuyển sinh Đào tạo trình độ đại học Đào tạo trình độ cao đẳng
1 2001-2002 SP Toán SP Hoá - Sinh
2 2001-2002 SP Ngữ Văn SP Toán - Tin
3 2002-2003 SP Lịch sử
4 2002-2003 SP Sinh học
5 2003-2004 GD Tiểu học Tiếng Anh
6 2003-2004 GD Mầm non Tin học
7 2003-2004 Nông học
8 2003-2004 Lâm sinh
9 2004-2005 SP Vật lý Sinh - Thể dục
10 2004-2005 SP Địa lý Văn - GDCD
11 2004-2005 SP Hoá học
12 2004-2005 SP Tin học
13 2004-2005 SP Tiếng Anh
14 2004-2005 Kế toán
15 2005-2006 GD Chính trị Giáo dục thể chất
16 2005-2006 Chăn nuôi
17 2006-2007 SP Toán - Lý GD Mầm non
18 2006-2007 SP Văn - GDCD SP Tiếng Anh
19 2006-2007 SP Sử - Địa
20 2006-2007 SP Sinh - Hoá
21 2009-2010 Kế toán (liên thông TC lên ĐH) SP Nhạc-Công tác đội
22 2009-2010 KH cây trồng (liên thông TC lên ĐH)
23 2009-2010 GD Tiểu học (liên thông TC lên ĐH)
24 2009-2010 GD Mầm non (liên thông TC lên ĐH)
25 2009-2010 Công nghệ thông tin
26 2009-2010 Bảo vệ thực vật
27 2009-2010 Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường
28 2009-2010 Quản trị Kinh doanh Quản trị kinh doanh
29 2010-2011 GD Thể chất
TỔNG HỢP Từ 2001 đến 2010 Mở được 29 ngành đại học (tính cả 4 ngành liên thông từ TC lên ĐH), trong đó có 8 ngành ngoài SP Mở được 11 ngành đào tạo trình độ cao đẳng (có 3 ngành ngoài SP)
Từ 2005 đến 2010 Mở được 15 ngành đại học (tính cả 4 ngành liên thông từ TC lên ĐH), trong đó có 5 ngành ngoài SP. Mở được 5 ngành đào tạo trình độ cao đẳng (có 1 ngành ngoài SP)

QUY MÔ SINH VIÊN NHÀ TRƯỜNG NĂM HỌC 2009 - 2010

1. Quy mô, số lượng các lớp chính quy phân theo ngành và trình độ đào tạo:

a. Trình độ đại học:

Ngành Tổng số sinh viên Tổng số sinh viên phân theo năm đào tạo
Năm thứ nhất Năm thứ hai Năm thứ ba Năm thứ tư Năm thứ năm
5872 1693 1446 1499 1234
1. SP Toán 397 123 94 104 76
2. SP Vật lý 282 79 68 75 60
3. SP Tin 163 48 55 70 38
4. CNTT 212
5. QTKD 179 36
6. SP Hóa học 270 68 69 74 59
7. SP Sinh học 316 71 87 90 68
8. Lâm sinh 277 30 96 91 60
9. QLTN rừng và MT 58 58 0 0 0
10. Nông học 329 62 104 91 72
11. Kế toán 408 129 80 103 96
12. Ngữ văn 372 128 90 70 84
13. SP Lịch sử 335 97 71 80 87
14. SP Địa lý 386 97 98 94 97
15. GD Chính trị 311 103 80 67 61
16. SP Tiếng Anh 313 62 54 80 117
17. GD Tiểu học 289 94 75 60 60
18. GD Mầm non 269 88 59 50 72
19. SP Sinh - Hóa 212 48 47 117 0
20. SP Sử - Địa 229 83 87 59 0
21. SP Toán - Lý 262 83 65 54 60
22. SP Văn - GDCD 310 106 67 70 67

b. Các ngành đào tạo trình độ cao đẳng

Ngành Tổng số sinh viên chia theo năm đào tạo
Tổng số Năm thứ 1 Năm thứ 2 Năm thứ 3
1095 426 371 298
1. Ngành SP Toán - Tin 118 0 67 51
2. Ngành SP Toán - Lý 65 65 0 0
3. Ngành GD Thể chất 144 48 52 44
4. Ngành SP Sử - Địa 224 73 79 72
5. Ngành SP Văn - GDCD 63 63 0 0
6. Ngành SP Tiếng Anh 117 0 64 53
7. Ngành SP Sinh - Hóa 56 0 56 0
8. Ngành SP Hoá - Sinh 88 45 0 43
9. Ngành GD Mầm non 129 41 53 35
10. Ngành Tin học 63 63 0 0
11. Ngành Tiếng Anh 28 28 0 0

2. Quy mô, số lượng các lớp phi chính quy phân theo ngành và trình độ đào tạo:

a. Đào tạo theo hình thức VLVH (Tại chức cũ)

Ngành Tổng số sinh viên Tổng số sinh viên chia theo năm đào tạo
Năm thứ 1 Năm thứ 2 Năm thứ 3
I-Đại học 2.066 706 659 701
1. Ngành SP Tin 50 0 50 0
2. Ngành Lâm sinh 38 38 0 0
3. Ngành Kế toán 1074 615 376 83
4. Ngành GD Tiểu học 546 53 151 342
5. Ngành GD Mầm non 358 0 82 276

b. Đào tạo theo hình thức liên thông từ cao đẳng lên đại học:

Ngành Tổng số sinh viên Tổng số sinh viên chia theo năm đào tạo
Năm thứ 1 Năm thứ 2
I- Đại học 1549 1034 515
1.Ngành SP Toán học 291 138 153
2.Ngành SP Ngữ văn 170 89 81
3.Ngành SP Sinh học 178 75 103
4.Ngành SP Lịch sử 104 74 30
5.Ngành SP Địa lý 82 33 49
6.Ngành Tin học 53 53 0
7.Ngành SP Hoá học 109 39 70
8.Ngành SP Tiếng Anh 13 13 0
9. Ngành GD Tiểu học 257 228 29
10.Ngành GD Mầm non 292 292 0

3. Học sinh Dự bị và Cử tuyển

Năm học Tổng số học sinh Học sinh Dự bị (A,B)
Thi tuyển Cử tuyển
2009 - 2010 146 98 48

(Nguồn: Số liệu của Phòng Đào tạo tính đến tháng 6/2010)

Mỗi năm có từ 1400 đến 1800 (chiếm 96 - 98%) sinh viên thuộc các ngành Sư phạm, Công nghệ Thông tin, Kinh tế, Nông - Lâm tốt nghiệp ra trường. Trong đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi chiếm từ 0,2 đến 1%.

3.2.3. Về hoạt động nghiên cứu khoa học

Để xứng đáng là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu Tây Bắc và định hướng cho công tác đào tạo của Nhà trường, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu khoa học. Hàng năm, Nhà trường dành nguồn kinh phí nằm trong ngân sách nhà nước cho mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học luôn đạt từ 500 đến 700 triệu đồng. Những năm 2003, 2004 nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học đạt trên 1 tỷ đồng.

Từ năm 2001 đến 2010, Trường đã triển khai thực hiện được 10 đề tài cấp Tỉnh; 26 đề tài cấp Bộ; 282 đề tài cấp Trường của cán bộ, giảng viên và 697 đề tài của sinh viên, trong đó có 21 đề tài đạt giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm, bản tin khoa học và công nghệ của Trường được xuất bản đều đặn, đến nay đã xuất bản được 15 số bản tin khoa học; cán bộ giảng viên trong Trường đã đăng được 45 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, 11 bài báo quốc tế.

Cùng với việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, Nhà trường cũng đã tập trung chỉ đạo cán bộ giảng dạy xây dựng và đưa vào sử dụng 184 bộ ngân hàng dữ liệu đề thi thuộc các bộ môn. Kết quả nghiệm thu, đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học của giáo viên, sinh viên luôn đạt 100% loại khá trở lên, trong đó có trên 50% đề tài được xếp loại xuất sắc.

Các đề tài nghiên cứu khoa học đã tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy học; nghiên cứu năng lực học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Tây Bắc; nghiên cứu về lịch sử, địa lí địa phương; bảo tồn nguồn gien quí hiếm của một số cây trồng, vật nuôi tại địa phương... Ngân sách dành chi cho nghiên cứu khoa học hàng năm đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng (cả các đề tài cấp Tỉnh).

Từ năm 2001 đến 2010, Nhà trường đã tiến hành triển khai được 05 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trong nước và tài trợ quốc tế: Dự án PHE do quỹ Ford tài trợ góp phần tạo nguồn cho công tác tuyển sinh của Trường (2003), Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu cho phòng thí nghiệm Hoá phân tích” và Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu cho phòng thí nghiệm Hoá Hữu cơ” của Trường Đại học Tây Bắc” và Dự án “Giáo dục đại học 2” do quỹ TRIG tài trợ. Năm 2010, Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Chính phủ Nhật Bản (JICA) tài trợ cho Nhà trường Dự án “Nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho cán bộ giảng viên Trường Đại học Tây Bắc” trị giá 2,4 triệu USD. Cán bộ giảng viên Nhà trường đã thực hiện 11 dự án chuyển giao công nghệ cho các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.

Cùng với những hoạt động trên, từ 2001 đến 2010, Nhà trường đã tổ chức được 15 hội thảo về: “Chiến lược phát triển của Trường Đại học Tây Bắc đến 2010 và tầm nhìn đến 2020”, “Đánh giá thực trạng và nhu cầu nguồn nhân lực các tỉnh Tây Bắc” phục vụ cho công tác đào tạo, xây dựng “Quy chế chi tiêu nội bộ”, “Qui chế học vụ”, “Quy chế dân chủ cơ sở”, “Qui chế tổ chức hoạt động của Trường Đại học Tây Bắc”, xây dựng “Ngân hàng dữ liệu đề thi”, ... Hàng năm, Nhà trường cử hàng trăm lượt cán bộ giáo viên tham dự các lớp tập huấn về đào tạo theo học chế tín chỉ, đổi mới phương pháp giảng dạy ở đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các học viện, trung tâm nghiên cứu tổ chức.

3.2.4. Về công tác xây dựng cơ sở vật chất

Sau khi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La đồng ý cấp đất (1999), Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, Trường Đại học Tây Bắc đã từng bước hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trường Đại học Tây Bắc.

Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Trường lập Dự án đầu tư xây dựng cụm công trình Nhà điều hành và nhà học khối các khoa sư phạm, với tổng số vốn đầu tư trên 76 tỷ đồng. Ngày 22/06/2002, Nhà trường đã long trọng khởi công cụm công trình đầu tiên tại Phường Quyết Tâm, Thị xã Sơn La trước sự tham dự đông đảo của các cán bộ lão thành cách mạng ở Sơn La, đại biểu của các Bộ, Ngành của Trung ương và địa phương, đại biểu của Uỷ ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân các tỉnh Tây Bắc, các cơ quan thông tấn báo chí của Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Sơn La, Báo Sơn La, cùng đông đảo giáo viên, cán bộ, sinh viên của Trường.

Sau đó, tại văn bản số 216/CP-KH ngày 23/03/2004, Chính phủ đã thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Tây Bắc và cho phép Trường tiếp tục triển khai thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng cụm công trình nói trên.

Trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi của Trường và ý kiến của các Bộ, của tỉnh Sơn La, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1335/VPCP-KG cho phép đầu tư Dự án khả thi xây dựng Trường Đại học Tây Bắc.

Tiếp đó, ngày 27/04/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng hoàn thiện Trường Đại học Tây Bắc với số vốn trên 627 tỷ đồng. Dự án này đã được Chính phủ bổ sung vào danh mục dự án nhóm A.

Như vậy, sau 3 năm chuẩn bị, triển khai, Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng hoàn thiện Trường Đại học Tây Bắc đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư của 2 dự án là 703.686.338.000 đồng.

Từ năm 2005, Thư viện Nhà trường có 4.511đầu sách, 100.498 cuốn sách các loại; 56 đầu báo, tạp chí chính trị xã hội và chuyên ngành; 250 dàn máy vi tính đã được nối mạng LAN… Ngoài các phòng học cũ, trong thời gian này, Nhà trường còn xây dựng thêm được hàng chục phòng học cấp 4, mua sắm và xây dựng mới được 2 phòng học ngoại ngữ, 2 phòng học tin học. Các phòng thí nghiệm của bộ môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lâm sinh được trang bị mới nhiều đồ dùng hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu bức thiết về nơi ăn chỗ ở cho giáo viên thỉnh giảng, năm 2003, Nhà trường đã dành kinh phí xây dựng mới khu nhà khách 12 phòng, tiện nghi được trang bị đầy đủ.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường tại cơ sở mới ở Thị xã Sơn La, ngày 14/01/2005, Nhà trường đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh uỷ Sơn La mở Hội nghị bàn về xây dựng và phát triển Trường Đại học Tây Bắc tại Thị xã Sơn La, thành phần: Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Trường Đại học Tây Bắc, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Bắc và các trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ giúp đỡ Nhà trường. Nhờ vậy, tiến độ xây dựng Trường ở cơ sở mới tại Thị xã Sơn La được đẩy nhanh; khu Nhà Điều hành, kí túc xá đã hoàn thiện và được bàn giao công trình đúng thời hạn.

Ngày 8/12/2007, khu Nhà Điều hành 7 tầng cùng với cụm giảng đường, gồm 3 nhà 5 tầng đã hoàn thành và được đưa vào nghiệm thu. Sau đó, ngày 23/04/2007, Đảng uỷ - Ban Giám hiệu Nhà trường đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơn La và gửi Công văn số 212 ngày 11/06/2007 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc di chuyển Nhà trường về Thị xã Sơn La. Được sự nhất trí của Bộ, sự tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã quyết định chuyển Trường về Thị xã Sơn La.

Ngày 26/08/2007, đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở Sơn La thắng lợi, Nhà trường tổ chức Lễ khánh thành khu Nhà Điều hành ở cơ sở mới.

Từ năm 2007, cơ sở vật chất của Trường gồm 2 cơ sở: ở Thuận Châu có 10,322 ha; tại Thị xã Sơn La diện tích mặt bằng của Nhà trường đã giải phóng được là 23 ha. Hệ thống lớp học, nơi làm việc của Ban Giám hiệu và các đơn vị phòng, ban, khoa, trung tâm đã khang trang hơn và ngày càng được củng cố tăng cường. Hiện nay, cơ sở vật chất của Trường tại Thành phố Sơn La đã bao gồm toà Nhà Điều hành 7 tầng và 3 giảng đường 5 tầng; 5 kí túc xá sinh viên có sức chứa 2.500 sinh viên đã được đưa vào sử dụng.

Để đáp ứng yêu cầu bức thiết về nơi ăn chỗ ở cho giáo viên, cán bộ, Nhà trường đã tiến hành phân đất đợt 1 cho 50 hộ gia đình.

Song song với công tác xây dựng cơ sở vật chất ở cơ sở mới tại Thành phố Sơn La, Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc củng cố cơ sở vật chất tại Thuận Châu. Hệ thống đường xá, tường rào, lớp học và nơi làm việc của khoa Nông - Lâm cũng thường xuyên được duy tu sửa chữa. Bộ phận thư viện, các phòng đọc, phòng học tiếng và nơi làm việc của cán bộ giáo viên cũng đã được kết nối hệ thống internet.

Có thể nói, từ một ngôi trường sau 47 năm tồn tại phát triển ở thị trấn Thuận Châu, cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, nơi làm việc của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu cùng các phòng, ban, khoa, cũng như nơi ăn, chỗ ở của giáo viên, cán bộ và sinh viên còn hết sức tạm bợ, đến nay, Nhà trường đã có một cơ sở khang trang sạch đẹp với những tiện nghi hiện đại ngang tầm một trường đại học có tính chất Vùng. Đây là điều kiện thuận lợi căn bản để Nhà trường từng bước vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong giai đoạn mới.

3.3. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng

Để phục vụ tốt cho công tác đào tạo trong giai đoạn mới, các tổ chức đoàn thể trong Trường như Công đoàn, Đoàn thanh niên đã đẩy mạnh các hoạt động, thực hiện tốt chức trách của mình và đã đạt được nhiều thành tích góp phần đáng kể vào sự phát triển Nhà trường về mọi mặt.

Từ 2001 đến 2010, Công đoàn Nhà trường liên tục được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu là Công đoàn cơ sở vững mạnh, Đơn vị tiên tiến xuất sắc trong khối các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ 2001 đến 2010 cũng liên tục được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen là đơn vị thi đua khá nhất khối các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Từ 2005 đến 2010, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nhà trường liên tục được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng cờ Luân lưu Đơn vị có thành tích xuất sắc trong khối các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Phong trào văn hoá văn nghệ, thể thao của Trường có nhiều khởi sắc. Hàng năm, Nhà trường tổ chức đều đặn các kỳ hội thao, hội diễn văn nghệ với không khí sôi nổi, chất lượng. Trường tham gia thường xuyên “Ngày Hội văn hóa thể thao” của Tỉnh. Các chương trình của Trường tham gia luôn được đánh giá có quy mô hoành tráng, chất lượng. Tháng 9/2004, đội văn nghệ Nhà trường tham dự “Hội thi tiếng hát Học sinh, Sinh viên Toàn quốc” tại Thủ đô Hà Nội đã đạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Tháng 12/2004, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nhà trường cử đội văn nghệ đi dự “Hội thi Tiếng hát Lực lượng vũ trang tỉnh Sơn La” và đã giành 2 giải A, 3 giải B… Năm 2001, Nhà trường cử đoàn vận động viên tham dự Giải thể thao tại Nha Trang và đã đạt 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Năm 2004, Nhà trường tiếp tục cử đoàn vận động viên tham dự giải Việt dã Báo Tiền Phong tại Sơn La và đã giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng. Năm 2005, Nhà trường cử đoàn vận động viên tham dự Giải Điền kinh học sinh, sinh viên Toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả giành 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng.

Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của những cá nhân và tập thể Nhà trường đã được các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể ghi nhận và tặng những danh hiệu cao quý.

Năm 2002, đồng chí Đặng Quang Việt - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

Năm 2005, đồng chí Đặng Quang Việt - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cùng với những phần thưởng cao quí trên, còn có 31 đồng chí được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Huy chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”.

Từ 2005 đến 2010, Nhà trường liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc; Chính phủ tặng cờ “Dẫn đầu khối các trường Đại học, Cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo” (năm 2006 - 2007); Chính phủ tặng Bằng khen cho 06 tập thể và cá nhân; 37 đồng chí đã được tặng Bằng khen của Thủ thướng Chính phủ, Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 69 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 52 Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La; 27 Bằng khen của Tỉnh uỷ Sơn La, 04 Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 2006, đồng chí Nguyễn Văn Bao - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

Năm 2008, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

Năm 2010, Trường Đại học Tây Bắc được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba.

Tóm lại, trong gần 10 năm xây dựng phát triển, Trường Đại học Tây Bắc đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, từng bước phát triển đi lên và đạt được những thành tựu rực rỡ về tất cả các mặt. Một trong những thành tựu rực rỡ nhất của Nhà trường đạt được thời gian qua là đã xây dựng được đội ngũ giáo viên cán bộ hùng hậu nhất trong lịch sử 50 năm của Nhà trường. Hiện nay, Trường có 1 Phó Giáo sư, 3 Nhà giáo Ưu tú, 11 Tiến sĩ và 145 Thạc sĩ và 30 nghiên cứu sinh; Nhà trường đã đào tạo được 14.307 sinh viên thuộc các ngành Sư phạm, Nông lâm, Kinh tế, Khoa học máy tính. Hầu hết những Cử nhân tốt nghiệp dưới mái Trường Đại học Tây Bắc ra trường đều có việc làm, được xã hội thừa nhận, đánh giá cao; trong số những sinh viên tốt nghiệp, nhiều em đã trở thành giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và có không ít sinh viên đã thi đỗ vào các lớp Thạc sĩ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia. Có thể nói, đây là thành quả rực rỡ mừng Đại lễ 50 năm thành lập Trường Đại học Tây Bắc.

II. Sứ mạng - Mục tiêu

1.1. Sứ mạng của Trường Đại học Tây Bắc

Là trường đại học đa ngành, đa cấp đào tạo, phối hợp với các nhà sử dụng nhân lực, các nhà nghiên cứu và cộng đồng các dân tộc Tây Bắc nhằm bảo đảm Trường là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kĩ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc.

1.2. Tầm nhìn Trường Đại học Tây Bắc năm 2030

Trường Đại học Tây Bắc là trung tâm đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu ở vùng Tây Bắc, ngang tầm với các trường đại học có uy tín trong nước, mở rộng và hợp tác với một số trường đại học trong nước và quốc tế.

1.3. Triết lí giáo dục đào tạo

Vững lí thuyết, giỏi thực hành, nhanh vào thực tiễn.

1.4. Hệ thống các giá trị cơ bản

1.4.1.  Lấy người học làm trung tâm

- Giúp người học thực hiện làm chủ quá trình đào tạo, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

- Chú trọng tới những hoạt động đem lại lợi ích cho người học. Giúp người học hiểu rõ mục tiêu đào tạo và các yêu cầu đánh giá kiểm tra. Giúp họ nắm được các chế độ chính sách xã hội mà Nhà trường đem lại cho họ.

- Giúp người học không ngừng nâng cao thành tích học tập, rèn luyện để trở thành những người lao động có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng với môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

1.4.2. Tôn trọng bản sắc văn hóa độc đáo của người học

- Khuyến khích sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa của các dân tộc.

- Hướng các hoạt động của Nhà trường vào việc phục vụ lợi ích học tập tu dưỡng của mỗi người học.

- Tổ chức các hoạt động đào tạo, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, giải trí nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

- Kiên quyết phê phán và không cho phép việc phân biệt đối xử đối với người học.

1.4.3. Gắn quá trình đào tạo với thực tiễn

- Đào tạo người học phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất theo hướng: học đi đôi với hành; lí luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

- Tạo điều kiện để người học hoà nhập sâu vào cuộc sống sôi động của đất nước và của vùng Tây Bắc.

- Chất lượng đầu ra, chuẩn nghề nghiệp của các ngành đào tạo được công bố công khai và được thực hiện hiệu quả trong quá trình đào tạo.

1.4.4. Cung cấp cho người học những chương trình đào tạo tốt nhất

- Đảm bảo có khối lượng chương trình đào tạo phong phú, nhiều trình độ, đa giai đoạn, để người học có điều kiện lựa chọn học tập, cập nhật kiến thức, chuyển đổi nghề nghiệp trong môi trường kinh tế phát triển năng động.

- Chương trình đảm bảo cơ bản, khoa học, mềm dẻo, liên thông giữa các trình độ, luôn được cập nhật, hiện đại hóa, gắn với thực tiễn cuộc sống đất nước và vùng Tây Bắc.

1.4.5. Xây dựng khối đoàn kết  trong Trường

- Phát huy truyền thống 54 năm, tiếp tục xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong Trường.

- Tổ chức các hoạt động thích hợp để người học gần gũi, hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống.

III. Đội ngũ cán bộ

Hiện tại, đội ngũ Nhà trường có 548 cán bộ, viên chức, lao động, trong đó có 01 Phó Giáo sư, 36 Tiến sĩ, 288 Thạc sĩ; 94 cá nhân đang làm nghiên cứu sinh. Số lượng giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên chiếm 86%.

Nguồn: http://www.utb.edu.vn/index.php

Ban Giám hiệu

1. Hiệu trưởng: NGƯT. TS. Đinh Thanh Tâm

2. Phó Hiệu trưởng: TS. Đoàn Đức Lân

3. Phó Hiệu trưởng: NGƯT. TS. Nguyễn Triệu Sơn

Phòng ban

1. Phòng Đào tạo Đại học

2. Phòng Đào tạo Sau đại học

3. Phòng KHCN và Hợp tác quốc tế

4. Phòng Công tác chính trị và Quản lý người học

5. Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục

6. Phòng Hành chính - Tổng hợp

7. Phòng Kế toán - Tài chính

8. Phòng Quản trị Cơ sở vật chất

9. Phòng Tổ chức cán bộ

10. Ban Quản lý Khu nội trú

11. Trạm Y tế

Nguồn: http://www.utb.edu.vn/

Các Khoa và Bộ môn trực thuộc

Hiện nay, trường Đại học Tây Bắc có 10 khoa và 01 bộ môn trực thuộc:

1. Khoa Ngữ văn

2. Khoa Sinh - Hóa

3. Khoa Sử - Địa

4. Khoa Tiểu học - Mầm non

5. Khoa Toán - Lý - Tin

6. Khoa Kinh tế

7. Khoa Ngoại ngữ

8. Khoa Lý luận Chính trị

9. Khoa Thể dục - Thể thao

10. Khoa Nông lâm

11. Bộ môn Tâm lý - Giáo dục

Nguồn: http://www.utb.edu.vn/

Trung tâm

1. Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ

2. Trung tâm Thông tin - Thư viện

3. Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao Công nghệ

4. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Bắc

5. Trung tâm Đào tạo và dịch vụ Kinh tế

6. Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh sinh viên Tây Bắc

Nguồn: http://www.utb.edu.vn/

Trường trực thuộc

1. Trường TH, THCS & THPT Chu Văn An (http://cva.utb.edu.vn/)

Các cựu Hiệu trưởng

STT Họ và tên Học hàm, học vị Chuyên ngành Nhiệm kì
1 Lường Văn Cúc 1961 - 1969
2 Phạm Viết Tâm 1969 - 1972
3 Đỗ Mộng Bảo 1972 - 1977
4 Cầm Quynh 1977 - 1996
5 Hoàng Lãng 1996 - 2001
6 Đặng Quang Việt PGS. TS. 2001 - 2012
7 Nguyễn Văn Bao TS. Văn học 2012 - 2017
8 Đinh Thanh Tâm TS. Vật lí 2017 - nay