To lớn hiền lành có phải Tính từ không

HIỀN LÀNH

---

I. SUY NIỆM  LỜI CHÚA.

          Chúng ta đọc : Mt 11, 28-30 và 1Pr 3,8-9.

          Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta không cảm thấy vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, tù bản thân đến gia đình và xã hội ?

          Thường tình khi gặp gian nan thử thách buồn phiền, con người hay tìm giải sầu cách tự nhiên trong men rượu, cà phê, thuốc lá, hay tệ hơn nữa trong xì ke ma túy. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu là tìm đến bạn hữu chân tình để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.

          Lời Chúa trong bài Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta được yên ủi vô cùng. Chúa giới thiệu cho chúng ta một phương thế siêu nhiên để vượt qua những thử thách buồn phiền, để được an bình vui tươi trong tâm hồn, đó là đến với Chúa :”Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”(Mt 11,28).

          Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “gánh” chỉ luật lệ và “mang lấy ách”nghĩa là học với ai. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy học với Ngài và đón nhận luật của Ngài.

          - Đến với Chúa để học cách sống của Ngài.

          - Đến với Chúa để sống như Ngài giảng dạy.

          - Đến với Chúa để đón nhận tình thương của Chúa : vì Ngài là nguồn an ủi.

          Chúa Giêsu phán bảo ta :”Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Câu này có nghĩa là hãy học với Chúa. Đây là kiểu nói bóng các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (Hc 51,31; Is 55, 1). Chúng ta sẽ học nới úa Giêsu những gì ? Chúng ta sẽ học được nơi Ngài đức tính hiền lành và khiêm nhương. Nghĩa là Bất bạo động, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới giữa mọi người đặc biệt là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, kỳ thị và bị đàn áp. Đồng thời hãy giữ luật của Ngài vì luật của Ngài là luật yêu thương. Bởi thế, ai mang lấy ách của Ngài và học với Ngài thì tâm hồn người đó sẽ gặp được bình an.

II. NGƯỜI ĐỜI VỚI SỰ HIỀN LÀNH.

          Trong đời sống hằng ngày, người có quyền bính dễ xử dụng tính nóng nảy của mình đối với người khác, có khi lại còn giận cá băm thớt. Hành động theo tính nóng nảy có phải là phản ứng của người quân tử không ? Người ta đã từng nói :”No mất ngon, giận mất khôn”. Cho nên, để luôn luôn tự cảnh giác, ông Nguyễn đình Giản, thời Lê mạt, đã viết vào một mảnh giấy, dán lên chỗ ngồi giải trí, câu sau đây :

                             TẢO CẤP TẮC BẠI SỰ” : Nóng tính thì hỏng việc.

          Hơn nữa ông để sẵn một bình nước, mỗi khi gặp một điều trái ý, thấy trong mình lửa giận bốc lên, ông liền cầm uống từ từ, từng hớp nhỏ, cho đến khi lấy lại được hòa khí trong tâm hồn mới thôi.

          Ông Tô đông Pha nói :”Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt là phải có khí tiết hơn người. Nhưng, nhân tình có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ Đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ có hòai bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.

          Nhận xét những cái ở đời , ta thấy biết bao cái mềm thì còn tồn tại mà cái cứng rắn thì mất. Cái đòn gánh không bao giờ cứng mà mềm mới dễ gánh và không bị gẫy. Cái lò xo có sức chịu đựng được sự dồn ép mà không gẫy, khi hết sựï dồn ép thì lại giãn ra như thường. Văn Vương Trung nói:”Lửa bốc lên  cao, nước chảy xuống thác, thế mà bao giờ lửa cũng thua nước”. Người ta sợ lửa hơn là sợ nước, thế mà chết cháy ít, chết đuối vẫn nhiều. Nước mát, lửa nóng, thế mà lửa vẫn sợ nước vì người ta đã lấy nước  trị lửa trong các đám cháy.

          Trong Tám mối phúc thật, chúng ta đọc thấy :”Ai hiền lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy”. Đất nói đây là lòng người.

          Chiếm được lòng con người là cái khó  và khó hơn hết, có thể chinh phục chiếm được đất đai, tiền của, địa vị, song chiếm được lòng con người ta, khiến họ yêu mến, kính phục, tận tình, là điều khó. Các cuộc cách mạng liên miên ở nhiều nơi, và những hận thù, cãi cọ, kiện tụng, kêu trách, là dấu chưa chinh phục và làm chủ được lòng người. Hòang đế Napoléon đã chiếm được nhiều đất đai, đã thắng những trận oanh liệt, nhưng một nhà viết sử nói:”Có lẽ trên đời, không có ai bị nhiều người ghét như Napoléon”.

          Không đánh đông dẹp bắc, không tuyên truyền rầm rộ, chẳng đổ của ra lấy lòng, không nịnh nọt a dua, người hiền lành chinh phục lòng người cách dễ dàng : ai cũng mến, thích lui tới, bè bạn.  Ta chẳng thấy là gì ? Cha mẹ hiền lành con cái yêu mến, thầy hiền làm học sinh thích thụ nghiệp, mẹ chồng hiền lành con gái thích làm dâu, chủ hiền lành đầy tớ thích giúp việc, người hiền lành có lắm bạn bè. Sự hiền lành như mật ngọt thu hút lôi cuốn, như nam châm kéo mạnh. Chống tàn bạo, vũ khí, thông minh, thế lực, không ai chống kẻ hiền lành.

                                      Truyện : Phải sống dễ thương.

          Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khỏang đầu thế kỷ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm đối với bất cứ một sự xúc phạm vô tình nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi  vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.

          Lần kia, khi ông đang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên,vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì  sợ hãi.  Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai ngừơi đàn ông đáng thương  vừa lắc mạnh, vừa thét lên:”Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, người có biết điều đó không”?

          Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình… Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người. Ngài mời gọi con người… Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử (Lẽ sống, tr 258).

          Trong đời sống gia đình, vợ chồng hãy theo gương Chúa Giêsu và sống dịu hiền khiêm nhường, nhất là người chồng. Tính tình người chồng bao giờ cũng nóng nảy, cần phải kìm hãm, thay vào đó cần phải ăn nói nhẹ nhàng chứ không dám nói là “dịu dàng”, chính những lời nói nhẹ nhàng đó sẽ thấm nhập vào lòng vợ và sẽ khiến vợ phải yêu mình, chứ không thể dùng bạo lực hoặc mánh khóe mà làm cho vợ yêu mình được.

          Khi chọn người chồng, bao giờ người vợ cũng nhằm tránh người chồng vũ phu mà muốn chọn cho mình một người chồng dịu hiền, biết thương vợ thương con, biết ăn nói dễ thương. Ước vọng này của các cô gái sắp lấy chồng đã được gói ghém trong câu ca dao được truyền tụng từ ngày xưa :

                                      Chẳng tham ruộng cà ao sâu,

                                      Tham vì anh tú rậm râu mà hiền.

          Mạnh Tử cũng khẳng định rằng : Trời cũng yêu thương và phù hộ, gia ân cho những người hiền lành :

”Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”

Đạo trời không riêng một ai, luôn gia ân cho kẻ hiền lành.

          Thánh Phanxicô Salêsiô là một con người nóng nảy như “Năm Lửa”, sau một thời gian dài luyện tập, đã trở nên một vị Giám mục hiền lành, chính sự hiền lành của Ngài đã lôi kéo được nhiều người lạc giáo trở về với Giáo hội, chính ngài đã nói lên cái kinh nghiệm của mình :”Tất cả đều được chinh phục bởi dịu hiền, chứ không phải bạo lực”.

          Người đời xưa nay vẫn ca tụng người hiền lành, ví người hiền lành như hoa chi hoa lan, tỏa hương thơm ra để mọi người chung quanh cũng được thơm lây :

                                      Người hiền khác thể chi lan

                                      Gần hơi cho lắm lại càng thơm lây.

                                                    (Ca dao)

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt