Tiêu biểu cho nền văn học Pháp thế kỉ XIX XX là

Lịch sử văn học Pháp nửa cuối thế kỉ XIX từng miêu tả sự tự chủ của trường nghệ thuật như một sự cân bằng động giữa giá trị tượng trưng và giá trị kinh tế, trong đó báo chí như một thứ dung môi cho văn chương. Từ cặp nhị phân “thống trị và bị trị” trong trường văn học mà P.Bourdieu nêu lên, G.Sapiro chia thành bốn nhóm có những quan hệ tương tác tạo nên kết cấu trường văn học Pháp trong nửa đầu thế kỉ XX: cực thống trị tạm thời gắn với logic nhà nước nhấn mạnh ý thức và trách nhiệm lẫn luân lí, cực sản xuất đại trà với mối quan tâm tới công luận theo logic truyền thông, cực mĩ học ưu tiên các sản phẩm có số lượng ít hướng đến những giá trị tượng trưng và giữ khoảng cách với chính trị cũng như luân lí, cực tiền phong thường tạm thời bị “chèn ép” và có xu hướng gắn bó với các lực lượng chính trị đối lập. Việc phân biệt như thế không nhằm nói rằng chúng tồn tại biệt lập và được phân biệt rõ ràng trong hành xử cũng như trong các thiết chế, nhưng trong giai đoạn này thì sự phân biệt ấy hiện ra ở bốn đại diện: Viện Hàn lâm Pháp, Hội đồng Goncourt, tờ NRF, Ủy hội quốc gia các nhà văn (CNE).

Tiêu biểu cho nền văn học Pháp thế kỉ XIX XX là

1. Được thành lập vào thời tể tướng Richelieu (1635), Viện Hàn lâm Pháp là thiết chế trí thức luôn gắn chặt với “sự nổi lên của bản sắc quốc gia” và với chính quyền. Từ 1672 nhà vua trở thành người bảo trợ cho Viện Hàn lâm, nghĩa là tăng thêm uy tín cũng như ưu thế của viện này. “Việc thành lập này lần đầu tiên giải phóng các văn nhân khỏi kiếp môn khách, đánh dấu sự đi lên về hình thức của trường văn học đang trên đường thành tạo trong trường quyền lực. Nó chiếm vị trí vào một thời kì khi việc sáng tạo văn học bắt đầu thành khác biệt so với các hoạt động trí thức khác.”(1)

Vừa là mục đích của việc thành lập, rồi sau đó là kết quả từ quá trình tồn tại, và luôn là đối tượng tìm tòi kiến tạo của Viện Hàn lâm, “quốc túy Pháp” là một chủ đề được ưu tiên quan tâm từ phía các viện sĩ trong trường văn học Pháp nửa đầu thế kỉ XX. Bắt đầu từ thời Cổ điển, được khai triển một cách lí tính thời Khai sáng, tinh thần này trong trường văn học Pháp đầu thế kỉ XX gắn với việc đề cao trở lại chủ nghĩa cổ điển thông qua sự ngợi ca tính phổ quát của ngôn ngữ, văn hóa văn chương Pháp, tức là khoa học nhân văn. Các đại diện của Viện Hàn lâm đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa quốc gia như một sự biểu đạt rõ rệt của những giá trị Pháp chống lại chủ nghĩa lãng mạn, vốn được coi có gốc Đức, và lên án chủ nghĩa cá nhân. Trong bối cảnh từ thời Đệ tam Cộng hòa khi tri thức khoa học chiếm vị trí ưu thắng so với khoa học nhân văn, tiếng nói của Louis Pasteur hay Claude Bernard có sức ảnh hưởng đến trí thức hơn hẳn giới nhân văn. Cho nên những chủ đề về sự độc hại của tri thức trừu tượng sẽ được nhấn mạnh trong tiểu thuyết như Những kẻ mất gốc (Les Déracinés, 1897) của Maurice Barrès. Maurice đã nhấn mạnh đến việc cần phải xây dựng nền quân chủ như một thiết chế duy nhất có khả năng chống lại tinh thần cá nhân luận, chống lại sự suy đồi xã hội, chống lại sự duy lí khoa học khô cằn. Đó thực sự là một bước tiếp nối tinh thần chống lại cách mạng của Louis de Bonald, Joseph de Maistre. Điểm khác nhau là ở chỗ, theo Sapiro: “Bằng việc đồng nhất cuộc chiến này chống lại chủ nghĩa lãng mạn bảo vệ quốc túy nước Pháp, các nhà tân cổ điển gần gũi với Action française đưa vào trung tâm của bản thân cuộc đấu tranh ấy vấn đề luân lí quốc gia và vấn đề trách nhiệm xã hội của nhà văn.”(2) Những vấn đề mà trào lưu tân cổ điển cho rằng chủ nghĩa lãng mạn đã chối bỏ chính là thành tựu của nền văn minh Latin, có từ thời cổ đại cho tới Đại thế kỉ (XVII). Đó là việc làm chủ cảm xúc bằng lí tính, dùng phong cách để thể hiện ấn tượng và ý tưởng, sự hài hòa dựa trên sự phân tầng. Chủ nghĩa cá nhân và cảm xúc lãng mạn cảm tính, gắn với một đại diện tiêu biểu là Rousseau, bị tấn công mạnh mẽ, và trở thành một thử thách cho những cuộc tranh chấp cấu trúc nên trường văn học thời kì này.

2. Vào thập niên đầu của thế kỉ XX, hình thành một cực mới trong trường văn học Pháp, mà vai trò của nó vẫn tiếp tục cho tới tận ngày nay. Năm 1902, Hội đồng Goncourt ra đời và giải Goncourt đầu tiên được trao vào ngày 21/12/1903. Được thành lập theo mô hình của Viện Hàn lâm với mười thành viên có quy chế suốt đời, hội đồng hướng chủ yếu đến tiểu thuyết. Quy chế “nhà văn” được xác lập như là điều kiện tối cao, loại trừ mọi giá trị phi văn chương. Số niên kim trọn đời cho mỗi thành viên trong hội đồng là 6000 francs vàng, tương đương với lương một giáo sư đại học có thâm niên vào thời điểm những năm đầu thập niên 1910. Số tiền ban đầu cho giải thưởng tiểu thuyết lên tới 5.000 francs vàng. Mục đích là để “...giúp sự nở rộ tài năng, để kéo họ ra khỏi những khó khăn vật chất, để họ có thể lao động hiệu quả, vắn tắt là tạo điều kiện cho họ thực hiện công việc tạo nên một tác phẩm văn chương... Chúng tôi muốn giải phóng các thành viên hội đồng khỏi những sự vụ viên chức hay những công việc thấp kém của nhà báo.” Rõ ràng mục đích của việc trả niên kim như thế trùng khớp với trạng thái tự trị mà trường văn học Pháp đạt được vào nửa cuối thế kỉ XIX như lập luận của Bourdieu. Theo đó, anh em Goncourt khao khát giúp các nhà văn không còn bị vướng bận bởi những bức thiết cơm áo gạo tiền, để có thể trở nên độc lập trong sáng tạo.

Nhanh chóng, giải thưởng thường niên này trở thành một sự kiện truyền thông. Đó vừa là cái đích vừa là động lực cho sự tồn tại của nó, vì giờ đây việc trao giải đã biến những tác phẩm và tác giả của nó thành một thử thách kinh tế đối với ngành xuất bản, hay nói cách khác đã tự mình trở thành một bậc trong thiết chế đánh giá chính thức. Quả thực là một giải thưởng chỉ có thể trở nên có giá trị nếu nó nhận được sự quan tâm, thừa nhận của giới xuất bản, truyền thông và công chúng. Những biến đổi của thị trường văn hóa bao gồm chu trình xuất bản, quảng cáo, công chúng... đã tạo ra những khả thể cho một kết cấu trường văn học mới. Đó là việc những nhà xuất bản trẻ như Gallimard nhanh chóng tận dụng được giải Goncorut như một xuất phát điểm quan trọng về mặt thiết chế vinh danh, và tiếp đó là một sự kiện truyền thông hiện đại, để chiếm lĩnh thị trường văn hóa đang bùng nổ. Về mặt tài chính thì cho đến trước 1930, ngoài tiền thưởng 5.000 francs, số lượng phát hành một tác phẩm đoạt giải chỉ dừng ở 500 bản. Con số này cho thấy giải thưởng khi đó dường như hoàn toàn mang tính tượng trưng. Nhưng từ sau 1928, giá trị tượng trưng đó được chuyển hóa mạnh thành một giá trị thương mại. Số lượng phát hành mỗi cuốn sách được giải tăng vọt mang lại cho tác giả của nó không chỉ giá trị tượng trưng mà cả giá trị kinh tế đáng kể, với con số lên tới 100.000 bản. Như thế là từ một trò chơi truyền thông, giải thưởng Goncourt còn trở thành một thách thức kinh tế với giới xuất bản như nhận định của một thành viên giải, Arnand Salacrou (1958): “Giờ đây người đoạt giải nhận một sự đảm bảo cho số phát hành sẽ mang lại cho nhà xuất bản một doanh thu dao động từ 100.000.000 tới 200.000.000 triệu francs.” Chính báo chí sẽ tham gia vào việc biến nhà văn đó thành một ngôi sao trên trang nhất, và nhà văn “được đảm bảo hưởng một thành công bán sách lớn: từ 50.000 tới 100.000 bản hoặc hơn”. Cùng với vinh quang, đó còn là sự phong túc đi kèm. Sự phát triển của giải thưởng Goncourt đi theo nghịch lí ngược với mong muốn của người sáng lập giải và tuân theo logic của trường văn học. Đó là theo thời gian, trong khi người đoạt giải thăng tiến dần về mặt tài chính, kinh tế thì số niên kim của các thành viên giảm đi theo thời giá, dẫn tới việc “phần lớn các thành viên buộc phải kiếm sống bằng nghề báo chí”.

Cho đến nay, Goncourt vẫn cứ được chờ đợi nhất, bởi những giá trị kinh tế của xuất bản được lồng một cách khéo léo vào giá trị tượng trưng để gián tiếp duy trì một trạng thái tự chủ của trường văn học.

3. Được thành lập năm 1908 bởi một nhóm nhỏ yêu văn chương theo sáng kiến của Charles Louis-Philippe, với những gương mặt quan trọng như Jean Schlumberger, Henri Ghéon và Gide, từ 1911, tờ NRF có sự tham gia của Gaston Gallimard, nhà sáng lập một trong những nhà xuất bản danh giá bậc nhất của Pháp thế kỉ XX. NRF trở thành một biểu hiện tiêu biểu của cực sản xuất sáng tạo giới hạn trong trường văn học Pháp đầu thế kỉ, chỉ nhằm tới văn chương thuần túy. Ngay từ những số đầu tiên có thể thấy xuất hiện trên tờ báo những tên tuổi “nghệ thuật thuần túy” như Claudel, Saint-John Perse, Gide, Valéry... Kể từ đó, tờ báo đóng vai trò như một chuẩn mực của tính chất tự chủ trong trường văn học Pháp, vẫn được gọi là xu thế nghệ thuật vị nghệ thuật. Một trong những quy tắc vàng của tờ này là tách biệt giữa nghệ thuật và chính trị.

G.Sapiro giải thích sự khác biệt trong chiến lược lựa chọn giành vị thế và tạo vị thế của NRF trong trường văn học đương thời “bằng việc giữ khoảng cách với những lựa chọn mang tính kiến tạo từ trước - tượng trưng, tự nhiên chủ nghĩa, giáo điều chủ nghĩa (chủ nghĩa quốc gia và Cơ Đốc giáo) - và vượt qua những sự đối lập hiện hành - tính vô vị lợi với luân lí, sáng tạo với truyền thống, chủ nghĩa nhân văn với chủ nghĩa thực chứng”; cho nên nhờ đó mà “NRF đã mở ra một không gian các khả thể mới khiến cho cùng chung sống những sự trái ngược với điều kiện chúng có cùng điểm chung là thoát khỏi những thái độ, từ đó tờ tạp chí tự khẳng định nhờ đi ngược lại, hoặc là bằng việc đặt kề nhau chúng tự hủy lẫn nhau trong lòng tờ tạp chí”(3). Một mặt nó chấp nhận truyền thống, cái cổ điển; mặt khác theo gợi ý của Gide và Jacques Rivière nó cũng mở cửa cho chủ nghĩa dada và chủ nghĩa siêu thực đang gây tai tiếng vào những năm 1920.

4. Ủy hội văn chương Pháp (CNE) là một tổ chức quan trọng của trường văn học Pháp giai đoạn tạm chiếm. Có tiền thân là Mặt trận quốc gia các nhà văn, và trước đó là nhóm Đại học tự do, Ủy hội có mối liên hệ trực tiếp và gần gũi với Đảng Cộng sản Pháp. Người ta có thể liệt kê vắn tắt những tên tuổi quan trọng của trường văn học Pháp tham gia vào CNE như Sartre, P.Eluard, P.Valéry, G.Duhamel, Schlumberger, L.Aragon, E.Triolet, Laurent Daniel... Điều đặc biệt của thiết chế này là ở chỗ nó chỉ tập hợp các nhà văn, nhưng lại có mối quan tâm ngoài văn chương: tự chủ quốc gia, chứ không chỉ tự chủ văn chương. G.Sapiro tìm thấy ở thiết chế đó “ý nghĩa của sự lật đổ” đối với cả ba thiết chế từng tồn tại từ trước, dù không có những liên can trực tiếp. Viện Hàn lâm khai trừ viện sĩ Ch.Maurras vì người này bị coi là phản quốc, điều hầu như chưa có tiền lệ. Đối với Hội đồng Goncourt là việc lần đầu tiên trao giải cho một nữ văn sĩ, Elsa Triolet, nàng thơ của Aragon. Còn NRF dù có số lượng thành viên nòng cốt trong CNE vẫn bị đình bản gần mười năm vì bị coi là cộng tác với kẻ thù.

Sự hình thành thiết chế này có liên can trực tiếp từ tình trạng chiếm đóng của quân Đức, nhưng không thể không kể đến những bước chuẩn bị từ những năm 1930 từ phía những người Cộng sản Pháp. Thái độ cởi mở của Đảng Cộng sản Pháp dành cho trí thức và văn nghệ sĩ từ những năm 1930 trước hiểm họa phát xít làm dịch chuyển kết cấu trường văn học Pháp. Gide tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Những vấn đề văn chương được chính trị hóa mạnh mẽ: Hội quốc tế các nhà văn, tiền thân là hội nghị ở Hội Ái hữu (1935) dưới sự bảo trợ của Gide nhằm “bảo vệ văn hóa” giờ hướng tới xu thế cực tả, thậm chí là cộng sản chủ nghĩa; đối lập với nó là cánh hữu dựa vào “Hành động Pháp” chống lại “thập tự chinh cộng sản”. Không chỉ có sự tham gia của chủ nghĩa siêu thực với Aragon hay Breton, mà còn phải nhắc đến 20% số nhà văn được Sapiro thống kê là thành viên của AEAR (Hội các nhà văn và nghệ sĩ cách mạng) cũng như CVIA (Ủy ban báo động chống phát xít), vốn có sự hậu thuẫn từ phía Đảng Cộng sản Pháp. Từ 1930 tới 1934, tỉ lệ đạt từ 2.7% tới 5.4%. Tỉ lệ là đảng viên cộng sản tăng từ 3.2% (1932-1934) tới 5.9% (1934-1939). Trong khi đó ở phía cánh hữu, ảnh hưởng của “Hành động Pháp” tuy tăng lên ở phía Viện Hàn lâm nhưng lại sụt giảm ở giới trẻ.

Theo Sapiro, cho tới 1943, CNE khá tiêu biểu cho trường văn học thời Tạm chiếm như một kiểu “Viện Hàn lâm lộn trái” về mặt thế hệ, tức là chỉ 10% thành viên trên 50 tuổi, có tới 40% thành viên sinh ra sau 1906 và thụ hưởng nền giáo dục trong giai đoạn Thế chiến I. Các thành viên của Ủy hội xuất thân từ giai cấp thượng lưu ít hơn hẳn so với Viện Hàn lâm. Hơn một phần ba trong số thành viên đã có xuất bản phẩm đầu tay trong thập niên 1930, chỉ có khoảng 20% là chưa có xuất bản phẩm nào vào năm 1940. Tương tự, có tới một nửa số thành viên từng in ở Gallimard hay từng cộng tác với NRF, số khác (20%) xuất hiện ở những nhà xuất bản trẻ, và khá ít xuất hiện ở các nhà xuất bản “già” như Albin Michel hay Flammarion thuộc cực xuất bản đại trà, rất hiếm người từng cộng tác với những tạp chí hàn lâm hay tuần báo lớn. Trong khi ở phía ngược lại, hai phần ba số nhà văn cộng tác với chế độ Vichy là hơn 50 tuổi, và gần một nửa số đó trên 60 (tức là chiếm từ 14% đến 20% tổng số nhà văn, tùy theo việc có tính thêm hay không số nhà văn có thiện cảm với Kháng chiến). Một cuộc cách mạng trẻ hóa về thế hệ đã diễn ra qua sự nổi lên của CNE vào thời Tạm chiếm.

Những mối quan hệ chồng chéo trong CNE bị rạn nứt từ mùa thu 1943, trong đó một phần (không phải là tất cả, nhưng lại dễ thấy nhất) đến từ vai trò chính yếu của Đảng Cộng sản Pháp trong việc tạo lập nên Ủy hội. Một trong những ví dụ của sự rạn nứt liên can đến bài báo Sự quay trở lại của Gide” mà Aragon - người được P.Claudel lúc này gọi là “nhà thơ quốc gia” - viết trên Thơ Pháp (Lettres françaises, 11/1944) nhằm phản đối vị “giáo hoàng văn chương” giữa hai cuộc Thế chiến đang có ý định đến lại với CNE. Hàm ý nhắc lại tập bút kí nổi tiếng của Gide, Aragon dường như còn muốn khẳng định vị thế mới của mình - như “Victor Hugo trên đảo Guernesey” - trong cực nghệ thuật mới. Thế là tiếp tục diễn ra những tranh chấp nhằm tái kết cấu trường văn học Pháp sau khi chiến tranh sắp chấm dứt.

Có thể nói, trường văn học Pháp nửa đầu thế kỉ XX với những đặc trưng kể trên là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử văn học Pháp.

P.N.K

--------

1, 2, 3. Sapiro G. (1999), La Guerre des écrivains, Fayard, Paris, lần lượt các trang 251, 121 và 136.

Nguồn VNQĐ