Thực trạng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hiện nay

Sáng 3/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội LHPN Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Thực trạng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hiện nay

Các đại biểu tham gia buổi hội thảo

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu và nhiều đồng chí cốt cán đã tham gia công tác Hội đã tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chất lượng hoạt động của Hội, về thực trạng hoạt động của Hội thời gian qua; tình hình kinh tế, xã hội của Thủ đô có liên quan đến phụ nữ và những vấn đề đặt ra với tổ chức Hội LHPN Thành phố Hà Nội trong thời gian qua; thực trạng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội LHPN Thành phố từ năm 2008 đến nay và đề xuất giải pháp thời gian tới…

Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, với nhiều thuận lợi song không ít khó khăn thách thức, Hội LHPN Hà Nội không ngừng tìm tòi, từng bước đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động theo hướng thiết thực hơn với phụ nữ, chăm lo cho phụ nữ, phát động triển khai phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm hướng vào thực hiện chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, quan tâm phụ nữ địa bàn xa trung tâm, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…

Tuy nhiên trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nhu cầu của các phụ nữ ngày càng cao và đa dạng, một số vấn đề xã hội bức xúc nổi lên và vấn đề của phụ nữ như mất việc làm, bạo lực gia đình, phụ nữ bị lạm dụng và bị xâm hại, một bộ phận phụ nữ chạy theo lối sống thực dụng sống thiếu trách nhiệm, vấn đề lao động nữ di cư… Việc đổi mới nội dung và phương thức tổ chức hoạt động của Hội chưa đáp ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, còn theo lối mòn, thiếu cái mới. Công tác tập hợp, phát huy tiềm năng của các tầng lớp phụ nữ còn hạn chế. Hoạt động phối hợp của Hội với chính quyền, các đoàn thể còn mang tính kỳ cuộc, một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa thực sự hiệu quả…

Nguồn: Hanoimoi

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, Nhà nước trong phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ nhất, Hội chủ động đề xuất xây dựng luật pháp, chính sách bảo vệ quyền của các nhóm phụ nữ, đảm bảo có yếu tố giới và góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Cấp Trung ương Hội đã tham mưu đề xuất thành công 3 đề án của Chính phủ bao gồm: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (gọi tắt là Đề án 938); Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939) và Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” (gọi tắt là Đề án 1893). Các đề án này đã tạo cơ chế để có nguồn lực cho các cấp Hội triển khai hoạt động, góp phần thúc đẩy năng lực của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong tình hình mới, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, công bằng xã hội.

Các tỉnh, thành Hội nhận thức tầm quan trọng của công tác tham mưu đề xuất chính sách, đã đề xuất xây dựng nhiều đề án có ý nghĩa thiết thực và chiến lược đối với sự phát triển của phụ nữ. Các chính sách, đề án, kế hoạch được đề xuất đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dựa trên chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, phù hợp với thực tế các vấn đề của phụ nữ trong điều kiện đặc thù của từng địa phương. Để đề xuất thành công chính sách cho phụ nữ, các cấp Hội đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên, phụ nữ để kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, nhu cầu của phụ nữ ở địa phương để tham mưu đề xuất những chính sách, đề án giải quyết các vấn đề của phụ nữ, góp phần xây dựng sự đồng thuận, ủng hộ cao của các tầng lớp phụ nữ.

Thứ hai, thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép trong quá trình thực thi và xây dựng pháp luật.

Cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Ủy ban của Quốc hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia giám sát các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước. Các cấp Hội đã tham gia Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014 - 2015); giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người; giám sát về công tác bầu cử; giám sát việc chính quyền các địa phương triển khai hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và hải sản chết theo các chính sách được Chính phủ và chính quyền các địa phương công bố; giám sát chuyên đề “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010 - 2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2017”; tình hình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; khảo sát tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; khảo sát tình hình thực hiện quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017. Năm 2020, để kịp thời nắm bắt tâm tư của hội viên, phụ nữ và nhân dân địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ), Trung ương Hội chủ trì đoàn kiểm tra việc giám sát thực hiện tại 3 tỉnh; tham gia 6 đoàn kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố.

Nội dung giám sát là những vấn đề quan trọng của đất nước, có liên quan mật thiết tới quyền lợi của nhân dân. Từ hoạt động giám sát chính sách đối với người có công của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo chương trình giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội đã phát hiện 541 trường hợp hưởng sai, đồng thời kiến nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương điều chỉnh kịp thời. Từ thực tiễn giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kiến nghị, được Quốc hội chấp thuận sửa Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với nữ cán bộ chuyên trách ở cơ sở từ 20 năm xuống 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Hội đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số và được Chính phủ phê duyệt ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ- CP với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/1 lần. Những điều chỉnh trên đã nhận được sự đồng thuận không chỉ của những người trực tiếp hưởng lợi mà còn được dư luận đồng tình, đánh giá cao sự ưu việt trong chính sách nhà nước đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Việc các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện các hoạt động giám sát đã góp phần phát hiện những bất cập trong triển khai thực hiện các chế độ chính sách quan trọng của đất nước để có điều chỉnh kịp thời.

Việc giám sát cá nhân là cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức đã được một số tỉnh triển khai thực hiện và có kết quả bước đầu. Có 23 tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên. Các hoạt động giám sát như vậy được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó tạo dựng lòng tin và sự đồng thuận trong nhân dân.

Thứ ba, thông qua việc góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, chính sách để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và bình đẳng giới trong các quy định pháp luật, các cấp Hội đã chủ động, kiên trì, kết hợp linh hoạt các hình thức phản biện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thực hiện phản biện xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước, của địa phương có ảnh hưởng, tác động đến phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới. Nhiều ý kiến góp ý, phản biện xã hội của các cấp Hội đã được tiếp thu, góp phần làm cho hệ thống chính sách về bình đẳng giới, chính sách dành cho phụ nữ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và được đánh giá là tiến bộ. Để đảm bảo luật pháp, chính sách vào cuộc sống và đáp ứng nhu cầu các tầng lớp phụ nữ, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai đưa luật vào cuộc sống, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tham vấn ý kiến chuyên gia, hội viên, phụ nữ; nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của các chính sách phục vụ hoạt động góp ý, phản biện xã hội các dự thảo văn bản. Xuất phát từ quyền lợi của phụ nữ, các ý kiến góp ý, phản biện xã hội của các cấp Hội ngày càng chất lượng hơn, có cơ sở khoa học, thuyết phục hơn, được ban soạn thảo tiếp thu, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Thứ tư, để phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, thể hiện quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với cơ quan cấp ủy, cơ quan nhà nước ở địa phương tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với hội viên, phụ nữ. Nhiều tỉnh, thành Hội trong cả nước đã tổ chức các cuộc đối thoại với các quy mô khác nhau, tập trung các nội dung liên quan đến công tác cán bộ, phụ nữ, bình đẳng giới, những vấn đề của phụ nữ tại địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu tổ chức 664 cuộc đối thoại1 trực tiếp giữa phụ nữ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau cuộc đối thoại, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổng hợp ý kiến đối thoại chuyển đến cơ quan có trách nhiệm thực hiện và đã chủ động giám sát thực hiện các chế độ, chính sách. Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân và các tầng lớp phụ nữ là hình thức phát huy dân chủ trong hoạt động của Đảng và chính quyền, phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động này giúp người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những khúc mắc của các tầng lớp nhân dân, qua đó kịp thời giải tỏa những khúc mắc, bức xúc trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Thứ năm, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm mục đích giúp cho người dân, các ngành, các cấp nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Hội đã ban hành Công văn số 257/CV-ĐĐ của Đảng đoàn về tăng cường công tác vận động phụ nữ gửi các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành và triển khai Kế hoạch số 341/KH-ĐCT tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự của đất nước; kịp thời thành lập 4 đoàn công tác đi nắm tình hình, tư tưởng, vận động chị em phụ nữ tại 10 tỉnh, thành, góp phần ổn định hình hình an ninh chính trị tại các địa phương.

Thứ sáu, để đảm bảo các chính sách khi được ban hành nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp phụ nữ, công tác nghiên cứu, rà soát chính sách có liên quan đến phụ nữ, thực hiện các nghiên cứu nhanh về các vấn đề thực tiễn của phụ nữ phục vụ nhiệm vụ phản biện, đề xuất chính sách có vai trò quan trọng. Trong thời gian qua, Trung ương Hội đã nghiên cứu các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ khu vực Tây Nam Bộ phục vụ sơ kết Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị; rà soát các nghiên cứu về các quy định liên quan đến xâm hại, quấy rối tình dục, bạo lực trên cơ sở giới, bình đẳng giới, quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ... Phát hiện từ các nghiên cứu là cơ sở góp phần giúp cấp Trung ương tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, đồng thời giúp cho công tác chỉ đạo trong hệ thống Hội có căn cứ và đảm bảo tính khoa học hơn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các đề tài khoa học là cách thức để các cấp Hội có thêm căn cứ, minh chứng khoa học trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội được đặc biệt quan tâm. Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp chiến lược phát triển tổ chức Hội Việt Nam giai đoạn 2022 - 2027, tầm nhìn 2035” đang được Trung ương Hội triển khai nhằm cung cấp căn cứ lý luận và thực tiễn, những giải pháp đột phá để phát triển tổ chức Hội phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Đây là đề tài quan trọng, chuẩn bị cho nhiệm kỳ hoạt động sắp tới của Hội với mong muốn các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ cũng như yêu cầu phát triển toàn diện của các tầng lớp phụ nữ và của công tác Hội trong tình hình mới.

Đầu năm 2020, trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, Trung ương Hội cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành khảo sát, đánh giá nhanh tác động của dịch bệnh đến hoạt động của các cấp Hội, tới các nhóm phụ nữ, đặc biệt các nhóm dễ bị ảnh hưởng và tổn thương bởi dịch bệnh, qua đó kịp thời điều chỉnh nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình chung và nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ, tạo được hiệu ứng tốt trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ.

Để góp phần xây dựng đồng thuận xã hội, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các nhiệm vụ chính trị - xã hội của tổ chức Hội phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội để phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ và xu thế chung của đất nước, của khu vực. Tổ chức nhiều diễn đàn, nhiều buổi sinh hoạt cho hội viên, phụ nữ đóng góp ý kiến với các hình thức đa dạng, phù hợp. Trong đó, tôn trọng vai trò định hướng của tổ chức Hội nhằm cung cấp thông tin đầy đủ giúp chị em phụ nữ nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu các vấn đề thiết thân liên quan đến phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới.

Ba là, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch; phối hợp trong tập hợp phản ánh, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, để tạo sự đồng bộ, hiệu ứng và hiệu quả của các hoạt động.

Bốn là, phát huy hiệu quả các chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo quyền lợi thiết thân của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tập trung giám sát các vấn đề phụ nữ quan tâm, phản biện xã hội đối với các lĩnh vực thiết yếu, nhất là các dự án luật, chương trình, đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới, những quy định lồng ghép giới trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tâm tư, phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, tạo sự đồng lòng, nhất trí trong thực hiện luật pháp, chính sách và các chủ trương lớn của đất nước.

Chú thích:

1. Theo Báo cáo số 460/BC-ĐCT ngày 31/12/2019 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “Về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII”.

Nguyễn Thanh Cầm

Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam