Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài Tương tư

Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao tập 2

I – BÀI TẬP

      1. Xác định nhân vật trữ tình của bài thơ và nội dung cảm xúc được nhân vật trữ tình bày tỏ.

      2. Tìm hiểu [nhận diện, miêu tả] các cung bậc và diễn biến của nỗi tương tư trong lòng chàng trai thôn Đoài được thể hiện qua bài thơ.

      3. Phân tích lời trách móc khá đặc biệt của chàng trai thôn Đoài đối với cô gái thôn Đông ở đoạn thơ từ dòng 5 đến dòng 12.

      4. Nêu bật sự tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ của tác giả ở hai câu thơ : “Ngày qua ngày lại qua ngày – Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.

      5. Với Tương tư, Nguyễn Bính đã khéo tạo ra một không gian nghệ thuật thích hợp để mối tình quê được phô diễn, bộc lộ tự nhiên, trọn vẹn. Hãy chứng minh.

      6. Sự xuất hiện của hệ thống hình ảnh cặp đôi trong bài thơ có những điểm gì đáng chú ý ? Hãy cho biết cái hay của lối cấu trúc song hành ở bốn dòng cuối.

      7. Tìm hiểu dấu ấn của nền văn hoá truyền thống ở cách nhìn đời, cách cảm thụ thiên nhiên và phô bày cảm xúc trong bài thơ.

      8. Đọc Tương tư, người ta thấy giọng “quê mùa” không hề lám phai nhạt bản chất “rất thơ mới” của thi phẩm. Cho biết ý kiến của anh [chị] về nhận định trên.

II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

      1. Nhân vật trữ tình của bài thơ là một chàng trai quê thôn Đoài. Đây là nhân vật trữ tình nhập vai, không trùng với tác giả nhưng không hoàn toàn đối lập, cách biệt, xa lạ với tác giả. Nội dung cảm xúc được nhân vật trữ tình bày tỏ trong bài là nỗi tương tư, nỗi nhớ nhung, nỗi khao khát yêu đương với các sắc thái đa dạng và phức tạp của nó.

      2. Những cung bậc của nỗi tương tư mà chàng trai thôn Đoài đã trải qua : nhớ – tự phân tích nỗi nhớ – tráeh móc, ngờ vực, băn khoăn – ngậm ngùi thương mình, mong được chia sẻ – đợi chờ phấp phỏng và khao khát gặp gỡ, sum vầy.

      3. Trong quan hộ yêu đương, sự trách móc nhau vẫn thường xảy ra. Ở đây, lời trách của chàng trai rất thiếu cơ sở : chuyện của hai thôn vốn thuộc lĩnh vực hành chính, làm sao có thể đồng nhất với chuyện tình yêu vốn thuộc lĩnh vực của trái tim được. Giữa chúng chẳng có mối liên hộ tất yếu nào. Thêm vào đó, không sang không phải là chuyện của khoảng cách địa lí mà là chuyện của khoảng cách tình cảm. Vin vào đó để bắt bẻ quả không tránh khỏi sự hồ đồ. Tuy nhiên, kẻ đang yêu có bao giờ hiểu được điều đó. Lí lẽ của một trái tim yêu quả thật khác thường và cũng thật đáng cảm thông !

      4. Hai câu thơ “Ngày qua ngày lại qua ngày – Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” cho thấy rất rõ sự tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Hai từ ngày, qua được lặp đi lặp lại đầy biến hoá đã diễn tả rất hay một thực tế không hề biến hoá : hết qua rồi lại qua, tất cả vẫn không có gì khác ngoài cái ngày vô vị ấy ! Từ lại được cài vào rất nghệ thuật cũng góp phần biểu đạt sâu sắc thêm cảm giác này ở nhân vật trữ tình. Trong câu thơ sau, âm điệu của từ nhuộm cũng như hiện tượng đảo vị trí từ vừa xác nhận dấu ấn rõ rệt của thời gian in trên cây lá, vừa khắc hoạ thật tài tình tâm trạng nặng nề của kẻ tương tư không làm sao tránh được sự nhắc nhở thường xuyên của thời gian.

      5. Trong bài thơ, Nguyễn Bính đã tạo dựng được một không gian nghệ thuật riêng phù hợp với mối tình chân quê mà ông nói tới. Ta thấy bao trùm ở đây hình ảnh của thôn Đoài, thôn Đông với mái đình, giàn trầu, hàng cau liên phòng cùng những cây lá đổi màu theo bước mùa đi,… Nhờ nó, người đọc mới có được ấn tượng đặc biệt đến vậy về nỗi mong nhớ mơ hồ xa xôi, cách tính đếm thời gian theo dấu ấn của mùa trên cây cỏ, chút ỡm ờ trong cách biểu đạt cảm xúc của chàng trai. Không gian làng quê lúc này không tồn tại như một bối cảnh thuần tuý mà tự nó cũng toát lên, cũng hàm chứa một “nội dung” sâu xa.

      6. Có một hệ thống hình ảnh cặp đôi tồn tại trong bài thơ : thôn Đoài – thôn Đông, bến – đò, hoa khuê các — bướm giang hồ, cưu – giậu [trầu]. Hệ thống hình ảnh này thật giàu màu sắc dân gian, biểu đạt rất hay khát vọng lứa đôi của các đối tượng được giả định là bình dân. về hình ảnh trầu – cau, ai cũng biết nó gắn liền với chuyện kết duyên, chuyện cưới hỏi. Đây là hình ảnh cặp đôi được nhắc sau cùng, thể hiện đúng mạch “đi tới” của tình cảm tương tư và quy luật phát triển của tình yêu ở người dân quê : tình yêu tất gắn với hôn nhân. Bốn câu cuối của bài thơ được tổ chức thành các vế song song. Hai câu trên muốn nói : tiền đề của sự giao kết đã ngầm chứa sẵn trong thực tế khách quan. Nếu cau hày trầu chỉ trơ trọi một mình thì chúng sẽ mất hết giá trị. Theo áp lực nghĩa của hai câu đó, dù bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi lửng lơ, ta vẫn đọc ra được “lời đáp” trong mong chờ và tin tưởng : cau thôn Đoài không nhớ, không làm bạn với trầu không thôn Đông thì còn nhớ, còn làm bạn với cái gì, với ai được nữa !   

       7. Dấu ấn của nền văn hoá truyền thống khá đậm trong bài thơ :

       − Nhân vật trữ tình tự nhìn thấy mình như một bộ phận của thiên nhiên, vũ trụ và hiểu rõ mối tương quan hoà hợp giữa các đối tượng, sự vật.

       − Tuy có băn khoăn, nghi ngờ, chàng trai vẫn không thôi hi vọng ; đằng sau từ bao giờ đầy mơ hồ, khắc khoải là một niềm tin – cái niềm tin vẫn tiềm tàng trong những, con người sống cuộc đời bình dị đằng sau luỹ tre xanh.

      − Tình cảm tương tư đã được biểu hiện một cách ý nhị, kín đáo, khá phù hợp với văn hoá nói năng, ứng xử của người Việt xưa, v.v.

        8. Dù có giọng “quê mùa”, Tương tư vẫn là một bài thơ mới đích thực nội tâm con người, đặc biệt là cảm xúc yêu đương được mổ xẻ tường tận và miêu tả một cách tinh tế  xen vào giữa các câu có cách diễn đạt lấp lửng, kín đáo là một’ số câu dám gọi đích danh sự vật, tạo môi trường cho cái tôi cá nhân lộ ra ở bình diện thứ nhất,…

Xem thêm Luyên tập phân tích đề, lập dàn ý cho bài nghị luận văn học tại đây 

Related

Nguyễn Bính là một nhà thơ mới luôn tha thiết với những giá trị cổ xưa và tìm về với cội nguồn dân tộc để thổi vào những cung bậc cảm xúc của mình một hồn quê đậm đà, chân chất. Nếu như ở Huy Cận, chúng ta nhận thấy được sự ảnh hưởng của thể thơ lục bát cổ điển thì Nguyễn Bính lại là đại diện cho thể thơ lục bát dân gian mà bài thơ Tương tư là một minh chứng tiêu biểu. Với ngôn từ giản dị, hình ảnh mộc mạc, bài thơ Tương tư đã miêu tả tâm trạng của chàng trai quê với những cung bậc cảm xúc, những diễn biến tâm lý đa dạng nhưng cũng vô cùng chân thành và bình dị.

Tương tư là một cảm xúc, một căn bệnh khó tránh khỏi của những người đang yêu, đặc biệt là những buổi đầu, những khi chưa dám tỏ bày. Tương tư thường được hiểu là tâm trạng nhớ nhung, mong ngóng của đôi trai gái khi yêu, nhưng trong thực tế, diễn biến tâm trạng này chỉ xảy ra ở một phía mà cụ thể trong bài thơ này, đó là tâm trạng nhớ mong của chàng quê chất phác:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người.

Cũng như biết bao tâm hồn đã và đang tương tư khác, nỗi tương tư của chàng trai cũng được bắt đầu bằng sự mong nhớ. Nhưng tại sao ở đây lại là “thôn Đoài nhớ thôn Đông” mà không phải là ai đó nhớ một ai đó? Đơn giản bởi nỗi tương tư ấy đã thấm vào cả cảnh vật và lan toả khắp không gian, cũng như đại thi hào Nguyễn Du đã nhận xét: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Việc sử dụng hình ảnh hai thôn để diễn tả thay cho hai cá thể đang yêu của Nguyễn Bính quả thật rất tinh tế, nó có thể hiện được một cái gì đó đậm đà thắm thiết qua tiếng “nhớ” mà cũng có gì đó e ấp, thẹn thùng chưa dám nói ra. Thêm vào đó, điệp từ “một người” được ngăn cách bằng “chín nhớ mười mong” vừa như một nhịp cầu mà cũng vừa như tấm bình phong ngăn trở của mối tình đậm đà buổi sơ khai này vậy. Từ đó, Nguyễn Bính đi đến một kết luận, một sự đúc kết sâu sắc:

Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Đối với những ai đã, đang và mong muốn được dấn thân vào biển yêu thương ngọt ngào xen lẫn những khổ đau thì tương tư là căn bệnh không thể nào tránh khỏi. Nó làm cho những tâm hồn yêu đương phải mệt mỏi, dằn vặt nhưng cũng chính vì thế mà tình yêu trở nên nhiều màu sắc hơn.

Tâm trạng chàng trai quê không dừng lại ở sự nhớ mong mà từ sự nhớ mong đó, cảm xúc và diễn biến tâm lý của chàng trai được nâng lên một bậc khác đó là sự mong ngóng, đợi chờ, muốn nhìn thấy người mình yêu. Tâm trạng đó được bộc lộ rõ ràng qua bốn câu thơ tiếp theo:

Hai thôn chung lại một làng, Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Hai câu đầu như có một ý gì đó tự hỏi mà cũng có ý hờn trách nhẹ nhàng. Gần thế cơ mà, nhưng sao “bên ấy” chẳng sang chơi “bên này”, để cho bên này phải đợi mong mỏi mòn, phải “ra ngẩn vào ngơ”, phải tương tư khổ sở thế này, “Bên ấy” có biết cho “bên này” chăng? Sao cứ còn hờ hững mãi? “Ngày qua ngày lại qua ngày”, thời gian cứ thế trôi kéo theo sự nhớ mong dai dẳng trong tâm hồn của “bên này”. Lâu lắm rồi, chờ đợi đã bao ngày rồi, đến nỗi “lá xanh” kia cũng đã “nhuộm” vàng rồi “bên ấy” à! Đối với những tâm hồn đang yêu đương cháy bỏng thì một ngày hay thậm chí một giờ một khắc không gặp người mình yêu cũng dài như mấy năm vậy. Sự vận động của thời gian được tác giả miêu tả bằng điệp ngữ “qua ngày” cùng tự “lại” ở đây đã cụ thể hoá thời gian, diễn tả được bước đi chậm chạp, nặng nề của thời gian dưới cái nhìn của một tâm trạng nóng lòng chờ đợi. Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng hai sắc màu chủ đạo “xanh” và “vàng” cùng động từ “nhuộm” ở đây không chỉ diễn tả được sự vận động trong một quãng đường khá dài của thời gian mà còn cho thấy được tâm trạng héo mòn, khô úa vì đợi chờ của nhân vật trữ tình.

Một tâm trạng bồn chồn như ngồi trên đống lửa khi một ngày không có em, một ngày không được nhìn thấy em dù chỉ trong một tích tắc.

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Chỉ cách có “một đầu đình”, “có xa xôi mấy mà tình xa xôi”? Lúc bấy giờ, chúng ta có thể cảm nhận được mộ sự hờn trách nhẹ nhàng, cái lối hờn mát trách yêu của một tâm hồn nhớ mong cháy bỏng. Vì rằng đường xa khó khăn nên em không sang hay em không muốn sang. Phải chăng ở bên thôn Đông ấy em có tìm được một niềm vui nào đó to lớn hơn, tìm được một niềm vui nào đó to lớn hơn, tìm được một niềm hạnh phúc nào đó ấm áp hơn nên em đã quên mất một cây si, cây tương tư đang chờ em ở thôn Đoài mất rồi.

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho

Tâm trạng chàng trai lúc bấy giờ dường như có gì đó bối rối và hụt hẫng. Một ngày không gặp thì nhớ mong, hai ngày không gặp thì bồn chồn, lo lắng, ba ngày không gặp thì hờn giận, trách yêu, rồi nhiều nhiều ngày nữa không gặp thì nỗi tương tư giờ đây đã chuyển sang một cung bậc cảm xúc cao hơn, phức tạp hơn: đó là sự buồn bã, không ăn, không ngủ, biểu hiện của một tâm hồn bị nỗi nhớ mong dày vò, dằn vặt. Biết khi nào đây? Khi nào “bến mới gặp đò”, “hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau”. Đến đây, hệ thống những hình ảnh được Nguyễn Bính sử dụng đã ngày một đa dạng và phong phú hơn cũng như tâm trạng chàng trai đang diễn biến ngày càng phức tạp và đa cung bậc hơn. Điểm lại tâm trạng ấy, ta có thể thấy rõ ràng một sự tăng tiến trong cảm xúc của nhân vật trữ tình: từ nhớ mong đến chờ đợi, bồn chồn rồi đến hờn trách và tự vấn bản thân để từ đó nâng lên một bậc nữa trong cảm xúc. Cũng là sự mong muốn nhưng đã không còn chỉ là nỗi mong muốn được gặp nhau mà giờ đây, chàng trai muốn được gắn kết, được giao hoà và được kết tóc se duyên cùng người “bên ấy” ở “thôn Đông”.

Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Cách xưng hô của chàng trai ở đây cũng đã thay đổi, không còn là “thôn Đoài”, “thôn Đông” hay “bên ấy”, “bên này”, cũng không còn là “bến” – “đò” hay “hoa” – “bướm” mà đã trở thành “anh” và “em”. Điều đó thể hiện một khát khao gắn kết mãnh liệt, muốn cùng người mình yêu thương sống trọn đời trọn kiếp để tạo nên một cái kết có hậu và đẹp đẽ của mối duyên quê, tình yêu chất phác, đậm đà.

Suốt bài thơ, chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh đậm chất dân gian, đơn giản, mộc mạc mà có sức gợi tả, gợi cảm mạnh mẽ. Những hình ảnh ấy luôn song đôi với nhau: “thôn Đoài – thôn Đông”, “bến – đò”, “hoa – bướm”, “trầu – cau”,… và ngày càng tăng tiến trong việc thể hiện sự giao hoà, gắn kết với nhau phù hợp với việc miêu tả tâm trạng tương tư diễn biến phức tạp của chàng trai. Cũng qua những hình ảnh đó mà phong cách thơ của Nguyễn Bính cũng được bộc lộ và làm rõ, một phong cách thơ đậm “hồn quê” và thiết tha với những giá trị cổ truyền của dân tộc đang dần dần mai một lúc bấy giờ. Đọc Tương tư, chúng ta như đọc mộ bài ca dao dài vậy, cũng những hình ảnh quá đỗi bình dị và thân quen, cùng lối viết giản dị và mộc mạc, cũng thể lục bát dân gian cô đọng mà giàu sức gợi tả. Tất cả hoà quyện vào nhau tạo nên một hồn thơ, một phong cách thơ rất Nguyễn Bính.

Tương tư một bài thơ xuất sắc có sức phổ cập rất lớn trong nhân dân. Bằng nét chung rất riêng và cũng là nét riêng rất chung của ngòi bút Nguyễn Bính, bài thơ đã thể hiện một cách chân thực, bình dị diễn biến của một tâm trạng tương tư: nhớ mong, bồn chồn, hờn giận, trách móc và khát khao giao hoà gắn kết. Từ đó trở thành tinh hoa của văn học dân gian, thể hiện cái đẹp đẽ, đáng yêu của mối tình quê thắm thiết, bình dị.

Video liên quan

Chủ Đề