Phim tư liệu Cách mạng Tháng 8

Điện ảnh cách mạng: Cuốn sách lịch sử sống động

Kỳ 2: Những thước phim cách mạng tháng 8 không thể nào quên

Điện ảnh 23/08/2019 10:39
Tweet
Phim tư liệu Cách mạng Tháng 8
Phim tư liệu Cách mạng Tháng 8
(LĐTĐ) Cách mạng tháng Tám năm 1945, một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc là đề tài thu hút nhiều nhà làm phim. Đã có biết bao nhiêu thước phim tài liệu, phim điện ảnh, kịch cho chúng ta những hình dung về những năm tháng ấy.
Phim tư liệu Cách mạng Tháng 8
Kỳ 1: Bám sát từng cuộc chiến đấu của dân tộc
Phim tư liệu Cách mạng Tháng 8
Cần lắm những tác phẩm về đề tài Cách mạng

Sao Tháng Tám được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại. Bộ phim của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc - Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977 - cũng là một trong những tác phẩm về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam. Sau hơn 40 năm, bộ phim vẫn thể hiện sức sống trường tồn cùng lịch sử.

Đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy như Sao Tháng Tám. Bộ phim giúp khán giả hiểu được cuộc sống lầm than của dân ta mà không trang viết nào tái hiện chân thực bằng. Bộ phim được quay ở thời điểm nước ta mới thống nhất vào năm 1975-1976 nên bối cảnh phim rất chân thực.

Phim tư liệu Cách mạng Tháng 8
Phim Sao Tháng 8

Lấy chất liệu từ hiện thực, đoàn làm phim đã tỏ ra cực kỳ trau chuốt, tỉ mỉ từng tạo hình, trang phục, bối cảnh. Từ những dáng người da bọc xương lay lắt trong cơn đói, khung cảnh một buổi chợ quê ảm đạm đến những bộ áo dài sang trọng và ngôi nhà xa hoa của các bà lớn, ông lớn...

Mỗi khuôn hình là những hình ảnh chân thực nhất và hơn cả là mang hơi thở thời đại nhất, bao quát nhất về thời điểm lịch sử đương thời, khiến bao trái tim phải thổn thức, trở thành một phần ký ức không bao giờ phai trong lòng mỗi người. Nhà quay phim đã tinh tế tạo nên những khuôn hình giàu sức gợi, khơi lên cảm xúc mãnh liệt cho người xem.

Mỗi nhân vật là biểu trưng cho một tầng lớp tham gia kháng chiến từ lôi kéo vận động quần chúng rải truyền đơn, huy động công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp đến trực tiếp liên lạc, chống lại việt gian. Từ người phụ nữ bụng mang dạ chửa như chị Nhu - một cán bộ Việt Minh cốt cán, những thanh niên trí thức như Kiên, người phụ nữ nông dân như cô Mến, đến những cụ già đói rách, cùng cực, những đứa trẻ ngây thơ đều tham gia cách mạng. Họ kiên cường chống chọi với những tên chỉ điểm như Kiều Trinh, gã mật thám cáo già như Công

Với diễn xuất tài tình của dàn diễn viên ghi dấu ấn điện ảnh cách mạng một thời, bộ phim đã khắc họa lại thời khắc căng thẳng trong cuộc đấu trí giữa những nhân vật đưa bộ phim đến tầm kinh điển có hơi hướng hành động của điện ảnh Việt Nam.

Có thể nói Sao Tháng Tám là bộ phim gây sức ảnh hưởng của thời đại, làm mãn nhãn người xem. Không hổ danh là phim về đề tài cách mạng, bộ phim đã phần nào khơi lại một thời của dân tộc những mảng màu đối lập của xã hội đương thời, đói nghèo, cái chết lầm than và sự căm phẫn, tức tối trước một xã hội đầy bất công của nước ta trong thời điểm đó.

Bộ phim đã thành công trong việc tạo ra những chi tiết, bối cảnh xã hội, sự mâu thuẫn trong những tình huống đẩy lên cao trào kháng chiến, sự đồng lòng đồng sức trong đồng bào, khẳng định một dân tộc độc lập, tự chủ.

Sao Tháng Tám đủ sức gợi và làm nên một chương lịch sử phim ảnh của thời đại, vang vọng mãi trong nền điện ảnh Việt Nam, một bước phát triển mạnh mẽ trong làng điện ảnh của nhà làm phim cùng những diễn viên trong bộ phim của ngày ấy, để đến nay trước sự phát triển vượt bậc của môn nghệ thuật thứ bảy khi nói đến đề tài cách mạng, Sao Tháng Tám vẫn là bộ phim không thể nào thay thế được.

Bộ phim thứ hai ghi dấu ấn là phim tài liệu Ngày Độc lập 2/9/1945 do NSND Phạm Kỳ Nam đạo diễn - ra đời năm 1975, đúng 30 năm sau ngày lễ thiêng liêng diễn ra trên Quảng trường Ba Đình, đánh dấu ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những thước phim đen trắng làm người xem xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài Diệt phát xít, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường... Ít ai biết rằng, chỉ trước đó một năm, vào năm 1974, trong một chuyến sang Pháp để thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mới được tiếp cận với những thước phim lần đầu tiên. Khi có được những thước phim tư liệu quý giá này, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã tổ chức biên tập, dựng lại, viết lời bình... để một thời gian ngắn sau, nó đến được với khán giả, giúp bao người Việt Nam được thấy, cảm nhận không khí oai hùng và không thể quên trong Ngày Độc lập.

Có lẽ, nhiều người vẫn còn nuối tiếc bởi những bộ phim về Cách mạng tháng Tám và ngày Lễ Độc lập 2/9 vẫn còn quá ít ỏi để có thể nói hết hào khí của dân tộc trong sự kiện trọng đại ấy. Bởi thế, gần đây hơn, điện ảnh hiện đại có những bộ phim như Nhà Tiên tri, hay Hồ Chí Minh - Bài ca tự do đã ra đời.

"Nhà Tiên tri" là bộ phim điện ảnh do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Cty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện, khởi chiếu trong tuần phim chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Bối cảnh phim diễn ra khoảng năm 1947-1951, khi Cách mạng rút lên căn cứ Việt Bắc. Người đóng vai chính - Bác Hồ - trong phim "Nhà Tiên tri" là NSND Bùi Bài Bình.Về tên phim "Nhà Tiên tri", tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm lý giải: Lúc này vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc trước sự vây ráp của chủ nghĩa thực dân. Khi đọc hai truyện ngắn Bác viết trong giai đoạn này, Việt Bắc anh dũng và Giấc ngủ 10 năm, tôi thấy Bác đã viết về ngày Hà Nội giải phóng.Và trong rất nhiều tác phẩm khác, Người như nhìn thấy được những bước đi của lịch sử, của tương lai, giống như một nhà tiên tri.

Là hành trình theo chân phóng viên đến châu Âu, châu Phi và châu Mỹ La tinh để tìm hiểu ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các dân tộc thuộc địa, phim tài liệu Hồ Chí Minh Bài ca tự do được xây dựng trên mạch cảm xúc là các bài hát quốc tế nổi tiếng hát về Người. Đó là những ca khúc mà tác giả hầu hết cũng là các chiến sĩ cách mạng yêu chuộng hòa bình của thế giới. Khán giả truyền hình được nghe những giai điệu quen thuộc của The ballad of Ho Chi Minh (tác giả: Ewan Maccoll), Quyền sống trong hòa bình (tác giả: Victore Hara) cùng nhiều ca khúc quốc tế khác được lấy cảm hứng từ tư tưởng tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài sức lan tỏa mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Bài ca tự do còn cho khán giả thấy được những tình cảm đặc biệt mà nhân dân quốc tế dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Sau này, một số phim về cách mạng như Hoài vũ trắng - đạo diễn Đào Duy Phúc cũng là bộ phim tâm lý, xã hội. Thông qua câu chuyện về một nữ biệt động gốc Hà Nội, hoạt động tại Huế - trong vùng địch tạm chiếm, bằng lòng dũng cảm và lòng nhân hậu đã cảm hóa một sỹ quan Ngụy. Bộ phim ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nữ chiến sỹ trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Hay bộ phim Chớp mắt cùng số phận - đạo diễn Lê Ngọc Linh kể về số phận của những người lính ra trận và những con người đang ở hậu phương. Những mất mát từ trong chiến tranh không làm xóa đi những phẩm chất của người lính, những người thương binh. Dù trong mọi hoàn cảnh, họ vẫn giữ vững những giá trị tốt đẹp. Thông qua câu chuyện phim, đạo diễn đã miêu tả chân dung người lính Cụ Hồ một cách ấn tượng và xúc động.

Bảo Thoa