phân tích hình ảnh đăm săn trong lúc khiêu chiến” (lời nói, cách xưng hô, tư thế, thái độ)

Trước khi đọc:

Câu hỏi: Hãy nhớ lại một vài nhân vật lịch sử hoặc nhân vật văn học thường được mọi người gọi là anh hùng và cho biết do đâu mà họ được tôn xưng như thế?

Gợi ý trả lời: Trong lịch sử dân tộc có vị anh hùng vang danh có thể kể tên:

  • Anh hùng áo vải – Nguyễn Huệ là một hào trưởng yêu nước, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đánh tan quân xâm lược Xiêm, Thanh, chấm dứt chia căt Đàng trong, Đàng ngoài, thống nhất đất nước.
  • Anh hùng Núp (Đinh Núp)…là người con dân tộc Ba Na. Ông đã lãnh đạo nhân dân Ba Na Ê đê đứng lên bảo vệ buôn làng, chống thực dân Pháp. Ông tham gia Cách mạng, giành chính quyền tại địa phương. Tham gia chiến đấu tai chiến trường miền Nam, lập nhiều chiến công hiển hách..
  • Người được gọi là anh hùng là những người có đức, có tài, có ý chí và sống vì cộng đồng, dân tộc. Họ lập nên những chiến công hiển hách, đem đến cuộc sống tự, ấm no cho cộng đồng, dân tộc, đất nước.

Đọc văn bản

Câu 1: Lời văn ở đoạn này gần với truyện hay với kịch

Gợi ý trả lời:

Lời văn của đoạn 1 gàn với kịch hơn là truyện, bởi vì:

  • Kịch chú trọng vào lời thoại, xây dựng nhân vật thông qua lời thoại
  • Cả đoạn văn dày đặc lời thoại nhân vật kèm theo lời miêu tả hàng động của người kể.
  • Đoạn văn miêu tả xung đột giữa hai nhân vật tương tự như xung đột trong kịch

Câu 2: Lưu ý những hình ảnh được sử dụng để miêu tả Đăm Săn. Những hình ảnh đó có điểm gì độc đáo?

Gợi ý trả lời:

“Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh, một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô”, “chạy vun vút qua phía đông”, “vun vút qua phía tây”

“Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi… Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”

  • Nhận xét đặc điểm: Những hình ảnh miêu tả Đăm Săn đều giàu sức gợi hình thông qua phép so sánh về thiên nhiên “gió như bão, gió như lốc, cây cối chết rụi..” có khả năng phục dựng không gian núi rừng Tây Nguyên rộng lớn, hùng vĩ. Đồng thời cách nói phóng đại đã làm nổi bật hình tượng người anh hùng oai phong, mạnh mẽ.

Câu 3: Chú ý sự xuất hiện của cụm từ”Bà con xem..” và ý nghĩa, tác dụng của nó trong lời kể

Gợi ý trả lời: Đây là cách xưng hô mộc mạc, gần gũi khiến cho sợi dây nối kết giữa người viết, người kể và người đọc, người nghe thêm gần hơn. Đồng thời phù hợp với lối diễn xướng là kể chuyện trong không gian sinh hoạt văn hoá ở các buôn làng.

Câu 4: Cảnh tiệc tùng trong đoạn này được miêu tả qua lời của ai? Điều đó giúp ích gì trong việc thể hiện hình tượng nhân vật Đăm Săn?

Gợi ý trả lời:

Cảnh tiệc tùng trong đoạn này được miêu tả qua lời của người dân làng. Điều này khiến cho câu chuyện thêm khách quan, đặc biệt là cách xây dựng hình tượng Đăm Săn dựa trên cái nhìn, cách đánh giá của quần chúng yêu kính, ngưỡng mộ, tự hào về người tù trưởng anh hùng.

Câu 5: Việc miêu tả ngoại hình nhân vật Đăm Săn có gì khác thường và có tác dụng như thế nào?

Gợi ý trả lời:

“Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến..mắt lanh lợi như chim ghếch ăn hoa tre..Bắp chân to bằng xà ngang, bắp đùi to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực”…

Việc miêu tả ngoại hình Đăm Săn không hề giống miêu tả ngoại hình một con người bình thường. Cách miêu tả mang tính ước lệ, phóng đại khiến cho Đăm Săn trở nên lẫm liệt, có tầm vóc lớn lao gần giống với thần hơn là người.

Sau khi đọc

Câu 1: Tóm tắt các sự kiện chính trong văn bản trên.

Gợi ý trả lời:

  • Vợ của Đăm Săn là Hơ Nhị bị tù trưởng Mtao Mxây bắt nên chàng cùng dân làng đến nhà Mtao Mxây cứu vợ
  • Đăm Săn thách đấu với Mtao Mxây bằng những lời lẽ châm biếm. Ban đầu tên tù trường này còn nghênh ngang nhưng khi thấy quyết tâm chiến đấu của Đăm Săn hắn e dè, cảnh giác.
  • Cuộc chiến diễn ra, hai bên múa đao thể hiện sức mạnh của mình. Ăn được miếng trầu của Ho Nhị, Đăm Săn càng khoẻ khoắn hơn tuy nhiên vẫn không thể đâm thủng Mtao Mxây
  • Đến lúc Đăm Săn thấm mệt thì mộng thấy ông Trời chỉ cách dùng chài mòn ném vào vành tai của Mtao Mxây, Đăm Săn giành được thắng lợi.
  • Đăm Săn gọi dân làng của tù trưởng đã chết theo chàng về cùng với của cải.
  • Đăm Săn cùng dân làng mở tiệc ăn mừng chiến thắng.

Câu 2: Đăm Săn đã gặp khó khăn gì vào thời điểm cuối cuộc giao chiến với Mtao Mxây? Nhờ đâu mà chàng vượt qua được khó khăn ấy để giành chiến thắng?

Gợi ý trả lời:

Trong thời điểm cuối trận đấu với Mtao Mxây, Đăm Săn gặp phải khó khăn là đã dùng cây giáo thần nhằm đùi Mtao Mxây mà phóng tới, đâm vào chân cũng không thủng. Trong khi đó chàng đã thấm mệt vừa chạy vừa ngủ

Nhờ vào nằm mộng thấy ông Trời mách bảo lấy chài mòn mà ném vào vàng tai của Mtao Mxây, Đăm Săn làm theo và khiến cho tên tù trưởng kia bị đánh trúng điểm yếu nên thất bại.

  • Sự trợ giúp của ông Trời chính là sự trợ giúp của thần linh đối với một vị tù trưởng đem sức mạnh giúp ích cho cộng đồng. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, văn hoá thì đây còn thể hiện sức mạnh cộng đồng hỗ trợ người lãnh đạo anh hùng.

Câu 3: Đăm Săn và Mtao Mxây đều là những tù trưởng tài giỏi, nhưng văn bản trên đã cho thấy, người xứng đáng được xem là anh hùng của cộng đồng chỉ có thể là Đăm Săn. Hãy so sánh hai nhân vật để làm rõ điều đó.

Nhân vật

Vấn đề so sánh

Đăm Săn Mtao Mxây
Ngoại hình Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến..mắt lanh lợi như chim ghếch ăn hoa tre..Bắp chân to bằng xà ngang, bắp đùi to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực Trông hắn dữ tợn như một vị thần
Ngôn ngữ Hào sảng của một vị anh hùng chính nghĩa, khiêu chiến kẻ địch bằng lời nói đường hoàng, minh bạch, cứng rắn. Lời nói của kẻ ngạo mạn, đầy thách thức, khiêu khích nhưng cũng hèn nhát, lo sợ khi thua trận, vạn xin tha mạng như kẻ ham sống sợ chết.
Hành động +Mở đầu trận chiến Đăm Săn nhường cho Mtao Mxây múa đao trước. Đến lượt mình, Đăm Săn múa thản nhiên, bình thản và thể hiện mình tài giỏi

+Ăn miếng trầu của Hơ Nhị, Đăm Săn khoẻ mạnh lên và quyết chiến.

+Đăm Săn dũng mãnh đâm trúng kẻ địch, tuy nhiên không thể đâm thủng Mtao Mxây.

+ Được Trời mách nên ném chài vào tai của Mtao Mxây, Đăm Săn đã chiến thắng oanh liệt.

+ Mtao Mxây múa đao trước nhưng tỏ ra vụng về, kém cỏi không đúng với sự huênh hoang của hắn.

+ Hốt hoảng chạy bước thấp, bước cao. Chém Đăm Săn nhưng trượt, cầu cứu Hơ Nhị tiếp trầu.

+ Cuối trận đấu Mtao Mxây thất thế, chạy trốn, lăn ra đất và bị Đăm Săn cắt đầu bêu ngoài đường.

Nhận xét Đăn Săn chiến đấu vì mục đích ban đầu giành lại vợ cũng là bảo vệ danh dự, quyền lợi cho buôn làng.

Biểu tượng cho chính nghĩa, sức mạnh, lòng dũng cảm

Chiến đấu với mong muốn cướp vợ kẻ khác, chứng tỏ sức mạnh.

Biểu tượng cho cái ác, cái xấu những kẻ huênh hoang nhưng hèn nhát.

Câu 4: Trong sử thi, lời nói của nhân vật thường góp phần quan trọng trong việc thể hiện tính cách, vị thế xã hội của mình. Hãy chọn và phân tích một số lời thoại của Đăm Săn trong văn bản trên để làm rõ điều đó.

Gợi ý trả lời:
“Ơ diêng, ơ diêng, xuống đây! Ta thách ngươi đọ đao với ta đấy!”, “Xuống, diêng! Xuống, diêng! Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiên của nhà ngươi ta bổ đôi, ta sẽ lấy cái cầu thang của nhà người chẻ ra kéo lửa, ta hun cái nhà của ngươi cho mà xem!”

  • Đây là lời nó của một tù trưởng đầy dũng mãnh, bản lĩnh, làm chủ được tình thế, không hề nao núng trước kẻ địch.

“Sao ta lại đâm ngươi khi đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến cả con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đâm nữa là!”

  • Mượn cách nói đầy hình ảnh này Đăm Săn thể hiện mình là người khôn khéo, mỉa mai đối phương mà vẫn giữ được thái độ bình thản. Câu nói còn thể hiện Đăm Săn chính trực, không phải là kẻ đâm sau lưng người khác.

“Ơ các con, ơ các con, hãy đi lấy rượu bắt trâu. Rượu năm tré, trâu dâng một con để cúng thần, cáo tổ tiên…Hỡi anh em trong nhà, hỡi bà con trong làng, xin mời tất cả đến với ta”

  • Là người trọng ân nghĩa, thái độ sống thuỷ chung, biết ơn nguồn cội, phóng khoáng với mọi người, xứng đáng là một anh hùng được dân làng yêu kính.

Câu 5 Cho biết:

  1. Tác dụng của lối nói quá và cách ví von trong văn bản; nhận xét về ngôn ngữ sử thi.
  2. Cụm từ “bà con xem…” trong văn bản trên là lời của ai hướng đến ai? Theo bạn, việc sử dụng những cụm từ như thế trong văn bản sử thi có tác dụng gì?

Gợi ý trả lời:

  • Một số ví dụ điển hình trong lối nói quá của truyện:

“Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô”. “Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”, “chòi lẫm đổ lăn. Cây cối chết rụi”. “Khi chàng múa dưới thấp vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”.

  • Một số ví dụ điển hình trong cách ví von:

“Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô” khi nói về tài múa của Mtao Mxây

“Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như thốc” nói về tài năng múa của Đăm Săn.

  • Tác dụng của nói quá và ví von: Khắc hoạ hình tượng người anh hùng Đăm Săn có sức vóc hơn người, có tài năng vượt trội, sức khoẻ cường tráng, hành động dứt khoát, bản lĩnh xứng đáng là vị tù trưởng của buôn làng. Khi dùng lối nói ví von đối với Mtao Mxây, tác giả dân gian muốn châm biếm tên tù trưởng xấu xa, hèn nhát.
  • Ngôn ngữ sử thi: giản dị, hàm xúc, nhiều từ ngữ địa phương có khả năng tái hiện khung cảnh Tây Nguyên rộng lớn, hùng vĩ. Đồng thời có nhiều chỗ giàu nhạc điệu, vần , nhịp tăng sức biểu cảm.
  1. Cụm từ “bà con xem” thường là lời của già làng, người trong buôn làng, người đang kể câu chuyện hướng đến dân làng.

Tác dụng:

  • Gây sự chú ý đối với người nghe
  • Tạo không gian trò chuyện thân tình, kết nối giữa người kể và buôn làng
  • Tạo tính khách quan cho câu chuyện.

Câu 6: Cảnh tiệc tùng và hình ảnh Đăm Săn ở nửa sau của văn bản gợi cho bạn suy nghĩ gì về phong tục và không khí hội hè của người Ê-đê?

Gợi ý trả lời:

Những hình ảnh về cảnh tiệc tùng và Đăm Săn đoạn cuối: “Nhà Đăm Săn đông nghịt khách, tôi tớ chật ních cả nhà ngoài. Các khách từ trưởng đều từ phương xa đến”. “Chàng nằm trên võng, tóc thả trên sàn”. “Chàng mở tiệc ăn uống linh đình, thịt lợn thịt trâu ăn không ngớt”…”Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực”… “Đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa..ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm”…

  • Người Ê đê có phong tục thờ cúng tổ tiên, các vị thần theo đạo lý uống nước nhớ nguồn. Cuộc sống trọng tình nghĩa, ước mơ ấm no, hạnh phúc. Không khí hội hè diễn ra sôi nổi, thời gian dài trong sự tưng bừng, nô nức của tất cả mọi người từ già đến trẻ đều hoà hợp, chung vui.

Câu 7: Có người cho rằng văn bản Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây có đủ yếu tố của truyện, kịch và thơ. Cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên.

Gợi ý trả lời: Nhận định trên rất đúng, Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây có đủ yếu tố của truyện, kịch và thơ:

  • Yếu tố truyện: Văn bản xây dựng trên một tình huống truyện, có diễn biến, nhân vật, kết thúc câu chuyện
  • Yếu tố kịch: Văn bản chiếm khá nhiều lời thoại, trong lời thoại tính cách, suy nghĩ của nhân vật được bộc lộ, có nguyên nhân, khởi đầu kịch, cao trào và kết thúc kịch.
  • Yếu tố thơ: Ngôn ngữ kể chuyện linh hoạt, có những đoạn câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc nhịp nhàng có vần điệu: “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc”, đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối”.