Nữ hoàng cleopatra là ai

 (HNMO) - Cleopatra nổi tiếng là một trong những nhân vật tài năng và quyến rũ nhất của thế giới cổ đại. Trong hơn thập niên trị vì Ai Cập với tư cách là vị Pharaoh cuối cùng, Cleopatra đã trải qua những cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc với anh chị em ruột, chiến tranh với đế chế La Mã và những liên minh quân sự cũng như mối tình sâu đậm với Julius Caesar và Mark Antony. Nhiều chi tiết về cuộc đời Cleopatra vẫn còn là bí ẩn và rất mơ hồ. Hãy cùng khám phá 10 sự thật có thể sẽ khiến cho nhiều người phải bất ngờ về Nữ hoàng sông Nile huyền thoại.

1. Cleopatra không phải là người Ai Cập Tuy được sinh ra ở Ai Cập nhưng cội nguồn gia tộc của Cleopatra là người Macedonia Hy Lạp với tổ tiên là Ptolemy I Soter, một trong những tướng dưới quyền Alexander Đại Đế. Sau cái chết của Alexander vào năm 323 trước Công Nguyên, Ptolemy đã thiết lập chế độ cai trị của những người Hy Lạp ở Ai Cập, tồn tại gần 3 thế kỷ. Mặc dù không phải là người Ai Cập chính thống nhưng Cleopatra vẫn tiếp nhận nhiều phong tục cổ xưa của đất nước này và là thành viên đầu tiên trong gia tộc Ptolemy học tiếng Ai Cập.

2. Bà được sinh ra từ một gia đình cận huyết thống

Giống như bao Hoàng gia khác, các thành viên của triều đại Ptolemy thường kết hôn cận huyết thống để bảo tồn sự thuần khiết cho dòng tộc mình. Nhiều bậc tổ tiên của Cleopatra đã kết hôn với anh chị em trong gia đình và nhiều khả năng là đấng thân sinh ra bà cũng là anh chị em. Để tiếp nối phong tục này, Cleopatra cũng đã kết hôn với hai người em trai đương thì của mình, mỗi người trong số họ sau đó được biết đến như chồng trên danh nghĩa và đồng nhiếp chính của nữ hoàng vào những thời điểm khác nhau trong suốt thời gian bà trị vì.

3. Vẻ đẹp của Cleopatra không phải là đóng góp lớn nhất cho tên tuổi của bà

Người La Mã truyền tụng về Cleopatra như là một người phụ nữ lẳng lơ, đồi trụy, thường dùng nhan sắc của mình làm vũ khí chính trị, nhưng có lẽ bà nổi danh nhờ trí tuệ vượt trội của mình nhiều hơn là nhan sắc. Cleopatra biết hơn 12 ngôn ngữ, được học về toán học, triết, hùng biện và thiên văn học. Bà được dân gian Ai Cập mô tả như là một người trị vì “biết cách nâng tầm và trọng dụng giới học giả.” Cũng có những bằng chứng chỉ ra rằng vẻ ngoài của Cleopatra không tuyệt hảo như lời đồn đại. Những đồng xu với chân dung nữ hoàng cho thấy bà có nhiều nét đàn ông với cái mũi to và khoằm. Tuy nhiên, một số sử gia tranh cãi rằng Cleopatra đã cố tình miêu tả mình một cách nam tính như một biểu tượng của sức mạnh. Nhà văn cổ đại Plutarch cho rằng vẻ đẹp của Cleopatra “không hẳn không ai sánh bằng,” và rằng chính giọng nói như rót mật vào tai và “phong thái quyến rũ không cưỡng lại được” mới khiến bà trở nên hấp dẫn như vậy.

4. Bà có dính dáng đến cái chết của ba người anh chị em ruột

Thâu tóm quyền lực và mưu đồ ám sát cũng có thể được coi là truyền thống của gia tộc Ptolemy giống như kết hôn cận huyết thống. Điều này thì Cleopatra cùng những người anh chị em của bà hiểu rõ hơn ai hết. Người chồng đầu tiên của bà, Ptolemy thứ mười ba, đã đuổi Cleopatra ra khỏi Ai Cập sau khi vị nữ hoàng này cố tranh giành vương quyền, sau đó hai người đã có một cuộc nội chiến. Cleopatra giành lại thế thượng phong nhờ liên minh với Julius Ceasar. Ptolemy sau đó đã bị chết đuối dưới dòng sông Nile sau khi bại trận. Sau này, Cleopatra tái hôn với một người em khác là Ptolemy thứ mười bốn, nhưng để con trai lên làm đồng nhiếp chính, bà đã cho sát hại chồng mình. Năm 41 trước Công Nguyên, bà cũng đã cho xử tử nốt người chị đồng thời cũng là một đối thủ cho ngôi vị của mình, Arsinoe.

5. Bà rất biết cách lấy lòng người

Cleopatra tin rằng bản thân mình là một vị thánh sống và thường xuyên sử dụng tài diễn xuất thông minh của mình để ve vãn những đồng minh tiềm lực cũng như để củng cố địa vị thần thánh của mình. Một ví dụ nổi bật cho tài năng này của bà là vào năm 48 trước Công Nguyên, khi Julius Caesar đến Alexandria, đúng vào thời điểm mối thù hận giữa bà và người em Ptolemy thứ mười ba. Biết rằng việc bà gặp gỡ vị tướng La Mã sẽ bị lực lượng của Ptolemy cản trở, Cleopatra đã cho người bọc bà trong một chiếc thảm (có nguồn tin lại cho rằng bà được bọc trong một bao vải lanh) và bí mật chuyển đến chỗ Caesar. Vị này đã choáng váng trước hình ảnh một vị nữ hoàng trẻ đẹp và rồi hai người sau đó nhanh chóng trở thành đồng minh và người tình. Cleopatra sau đó cũng sử dụng chiêu bài này 7 năm sau đó khi gặp Mark Antony. Người ta nói rằng, khi được triệu hồi để gặp vị Chấp chánh tam đầu chế Lã Mã này tại Tartus, bà đã đến trên một chiếc bè bằng vàng được trang trí với cánh buồm màu tím, mái chèo bằng bạc. Bản thân bà thì được trang điểm để giống như vị thần sông Aphrodite, ngồi dưới chiếc mái mạ vàng trong khi nô tì đứng quanh cầm quạt cho bà và ăn mặc như thần tình yêu cupid. Antony - người cho rằng mình là hiện thân của vị thần Ai Cập Dionysus - ngay lập tức bị mê hoặc.

6. Bà đã sống tại Rome vào thời điểm Caesar bị ám sát

Cleopatra đã đến Rome cùng Julius Caesar vào đầu năm 46 trước Công Nguyên và sự hiện diện của bà đã vấp phải không ít phản đối. Caesar đã không ngần ngại công khai rằng bà là người tình của mình. Thậm chí  lúc đến Rome, Cleopatra còn đưa theo người con yêu quý của mình trên xe kéo. Khi Caesar cho dựng tượng Cleopatra mạ vàng tại ngôi đền của Venus Genetrix, rất nhiều người dân thành Rome đã phản đối. Vị nữ hoàng Ai Cập, sau cái chết của Caesar tại viện Nguyên Lão năm 44 trước Công Nguyên, đã bị buộc phải rời Rome, nhưng bà vẫn kịp để lại dấu ấn của mình tại thành phố này. Kiểu tóc đặc biệt cùng những đồ trang sức ngọc trai của bà đã trở thành phong cách thời trang tại đây và theo sử gia Joann Fletcher, “nhiều phụ nữ thành Rome đã bắt chước kiểu cách của Cleopatra đến nỗi mà tượng hình của họ thường xuyên bị nhầm với nguyên tác, Cleopatra".


7. Cleopatra cùng Mark Antony đã cho mở tửu quán riêng của mình

Mối tình huyền thoại của Cleopatra và vị tướng La Mã Mark Antony bắt đầu vào năm 41 trước Công Nguyên. Mối quan hệ của họ có một phần chính trị trong đó khi mà Cleopatra cần Antony để bảo về ngai vàng và sự độc lập của Ai Cập, trong khi đó, Antony cần với đến nguồn tài nguyên dồi dào tại Ai Cập. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra thì tình yêu giữa hai người cũng rất nổi bật. Sử sách có ghi chép lại rằng họ đã cùng nhau trải qua mùa đông năm 40-41 trước CN tại Ai Cập, sống một cuộc sống vinh hoa phú quý và thậm chí còn mở một hội quán để uống rượu với cái tên “Inimitable Livers”. Với lễ hội và tiệc rượu ngày đêm, thành viên của hội còn được tham gia vào các trò chơi và cuộc thi thố cầu kỳ. Một trong những hoạt động yêu thích của Antony và Cleopatra là cải trang và trêu ghẹo người dân thành Alexandria.


8. Bà từng chỉ huy một trận thủy chiến

Cleopatra và Antony về sau cũng cưới nhau và có ba người con, nhưng mối quan hệ của họ cũng thổi bùng một scandal tai tiếng tại Rome. Antony bị địch thủ của mình là Octavian tuyên truyền như một kẻ phản bội núp váy một người đàn bà mưu mô. Đến năm 32 trước Công nguyên, Octavian tuyên chiến với nữ hoàng Cleopatra. Cuộc chiến đi đến đỉnh điểm một năm sau đó với trận thủy chiến ở Actium. Bản thân Cleopatra tự mình lãnh đạo hơn 10 chiến thuyền Ai Cập sát cánh cùng hạm đội của Antony, nhưng họ không phải đối thủ so với sức mạnh của thủy quân Octavian. Trận chiến nhanh chóng ngã ngũ, Cleopatra và Antony bị buộc phải phá vỡ phòng tuyến quân La Mã để trở về Ai Cập.


9. Cái chết của Cleopatra có thể không phải vì rắn độc cắn

Cleopatra và Antony đã kết liễu cuộc đời mình vào năm 30 trước CN, sau khi bị quân đội của Octavian đánh đuổi đến Alexandria. Trong khi Antony được cho là đã tự đâm vào bụng mình thì cách mà Cleopatra tự sát vẫn còn nhiều nghi vấn. Dân gian kể rằng bà chết vì cho rắn độc - nhiều khả năng là rắn lục hoặc hổ mang Ai Cập - cắn vào tay mình. Nhưng nhà biên niên sử cổ đại Plutarch quả quyết rằng “không ai thực sự biết được điều gì đã xảy ra". Ông cho rằng Cleopatra cũng có thể đã uống độc dược cất giấu trong chiếc lược của mình, còn sử gia Strabo viết là nữ hoàng có lẽ đã dùng một loại thuốc mỡ chết người. Nhiều học giả ngày nay ngờ rằng bà đã sử dụng 1 chiếc kim tẩm một loại độc cực mạnh, có thể là nọc rắn hoặc tương tự vậy.


10. Bộ phim về bà được sản xuất năm 1963 là một trong những bộ phim tốn kém nhất lịch sử

Nổi tiếng nhất trong số những tác phẩm điện ảnh về Nữ hoàng sông Nile là bộ phim đình đám “Cleopatra” của Elizabeth Taylor năm 1963. Bộ phim bị phê bình là đầy rẫy những lỗi sản xuất, biên kịch và kinh phí sản xuất tăng từ 2 triệu USD lên thành 44 triệu USD. Trong đó, chỉ riêng trang phục của nữ diễn viên chính Elizabeth Taylor đã ngốn tới 200.000 USD. Đó là bộ phim tốn kém nhất vào thời điểm nó được công bố và dù cho đạt doanh thu cao, nó cũng khiến cho hãng phim gần như bị phá sản. Nếu như tính cả lạm phát thì “Cleopatra” ngày nay vẫn được coi là một trong những bộ phim tốn kém nhất lịch sử.

Trở thành Nữ hoàng quyền lực khi mới 17 tuổi

Cleopatra, tên đầy đủ là Cleopatra VII Philopator (69 TCN – 30 TCN), người Macedonia, là một Nữ hoàng của Ai Cập cổ đại. Bà là thành viên cuối cùng của triều đại Ptolemy (một triều đại của người Hy Lạp cai trị Ai Cập và các vùng lân cận từ năm 305 TCN đến 30 TCN). Vậy nên người ta mới nói rằng Cleopatra là Nữ hoàng Ai Cập nhưng lại... không phải là người Ai Cập.

Theo lịch sử Macedonia, Cleopatra là hậu duệ của triều đại Ptolemaic, được khai sinh bởi Ptolemy I, một tướng của Alexander Đại Đế. Sau khi Alexander Đại Đế chết vào năm 323 TCN, Ptolemy I lên nắm quyền và mở ra một triều đại cai trị nói tiếng Hy Lạp tồn tại gần 3 thế kỷ. Mặc dù không phải là người Ai Cập về mặt dân tộc, nhưng Cleopatra đã tiếp nhận nhiều phong tục cổ xưa của đất nước Ai Cập và là thành viên đầu tiên của dòng họ Ptolemaic học ngôn ngữ Ai Cập.

Sau khi Ptolemy XII băng hà, Cleopatra là người kế vị ngai vàng hợp pháp. Vì Ai Cập không chấp nhận để một người phụ nữ nắm giữ quyền lực tối cao, Cleopatra và người em trai là vua Ptolemy XIII kết hôn và lên ngôi với tư cách là những người đồng trị vì.

Không bao lâu sau, hai người xảy ra bất đồng quan điểm. Một cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ trên đất Ai Cập. Năm 49 trước Công nguyên, Ptolemy XIII lật đổ Cleopatra, buộc nữ hoàng phải chạy trốn sang Syria. Cleopatra đã dành một năm tại đây để tổ chức quân đội riêng và quay lại Ai Cập. 

Ngọc lục bảo - Viên đá hộ mệnh của Nữ hoàng Cleopatra. 

Đây cũng là thời khắc Hoàng đế La Mã - Caesar bước vào cuộc đời của vị nữ hoàng nổi tiếng bậc nhất lịch sử này. Caesar cũng đã đồng ý sẽ giúp Cleopatra lật đổ Ptolemy XIII để nàng trở thành người duy nhất nắm giữ quyền lực tối cao tại Ai Cập.

Ptolemy XIII tiếp tục dấy quân nổi dậy chống lại Cleopatra. Cuối cùng, đạo quân của pharaoh bị tiêu diệt, còn bản thân Ptolemy cũng bỏ mạng vì chết đuối. Cleopatra giành thắng lợi và lúc này, nàng đang mang cốt nhục của Caesar. Caesar đã sắp xếp để Cleopatra kết hôn với cậu em trai 12 tuổi của nàng là pharaoh Ptolemy XIV. Bề ngoài, cả hai đồng trị vì nhưng quyền lực thực chất tập trung vào tay Cleopatra.

Caesar và Cleopatra cũng tổ chức đám cưới bí mật theo nghi thức Ai Cập. Cuộc hôn nhân này vốn không được thừa nhận tại Rome vì Caesar là người đàn ông đã có vợ và Caesar cũng vi phạm pháp luật vì kết hôn với một phụ nữ ngoại quốc. Không bao lâu sau, Caesar lên đường trở lại Rome.

Chiếc ghế quyền lực của Cleopatra không hoàn toàn vững chắc, nàng buộc phải phụ thuộc vào đế chế La Mã. Một năm sau khi sinh Caesarion – con trai của Ceasar và Cleopatra – vị nữ hoàng đã đem con rời khỏi Ai Cập và cập bến thành Rome. Sau khi Caesar bị ám sát, Cleopatra thất bại trong việc đưa Ceasarion lên ngôi Hoàng đế La Mã, hai mẹ con liền quay về Ai Cập.

Năm 44 trước Công nguyên, Caesarion trở thành người đồng trị vì với mẹ mình là nữ hoàng Cleopatra, sau khi pharaon Ptolemy XIV qua đời. Cleopatra cai trị với tư cách Nữ vương trong giai đoạn năm 51 TCN tới khi qua đời ở tuổi 39 vào năm 30 TCN.

Nữ hoàng tài sắc vẹn toàn

Nữ hoàng Cleopatra có thể nói 9 thứ tiếng và cực kỳ thông minh. Bà còn có trong đầu một khối lượng kiến thức cực kỳ lớn từ thiên văn, địa lý cho tới lịch sử, được trao quyền và bộc lộ tài lãnh đạo từ rất sớm. Bà đã xây dựng một đội quân hùng hậu, một hạm đội các tàu chiến để đối đầu với đế chế La Mã, giúp cho Ai Cập hùng mạnh và giữ được hòa bình.

Ngoài trí thông minh và sắc đẹp, Cleopatra còn may mắn được sở hữu một giọng nói ngọt ngào, một câu chuyện dù tẻ nhạt đến đâu nhưng được kể bằng giọng “đáng yêu” của nữ hoàng cũng trở thành một câu chuyện đầy lôi cuốn. 

Trong cuốn sách về cuộc đời của Cleopatra, sử gia Plutarch viết: “Lời nói của Cleopatra chứa đựng một sức mê hoặc khó diễn tả. Tài ăn nói, tính cách của bà thể hiện qua từng hành động. Giọng nói của bà thật ngọt ngào...”.

Nhưng trên hết, bí quyết để Cleopatra giữ chân được những người tình có lẽ nằm chính ở “nghệ thuật yêu đương” vô cùng tinh tế. Đàn ông thời đó, đặc biệt là các vương tử, danh tướng và hoàng đế đều muốn được một lần “gần gũi” Cleopatra, để được tận hưởng cảm giác thăng hoa và sự “điêu luyện” của nữ hoàng trong lĩnh vực “yêu đương”.

Dù là người cổ đại nhưng Cleopatra đã biết sử dụng những bộ quần áo được cắt xén sao cho khoe được đường cong của phụ nữ khiến đàn ông không thể cưỡng lại được. Thêm vào đó, mùi hương cũng là thứ vũ khí sắc bén mà nữ hoàng dùng để trói buộc tâm trí của các chàng trai.

Nữ hoàng Cleopatra - Pharaoh cuối cùng của Ai Cập. 

Cleopatra từng được coi là nhà tinh chế nước hoa kỳ cựu khi sáng chế ra loại tinh dầu đặc biệt, tỏa ra hương thơm làm đàn ông mê đắm điên dại, mất hết lý trí và nghe theo mọi yêu cầu của bà. Ngoài ra, để tăng thêm độ quyến rũ, nữ hoàng Cleopatra còn dùng xạ hương để bôi vào lông mày, dùng nước hoa bôi vào môi kích thích khứu giác của mình và bạn tình.

Bên cạnh mùi hương thì lịch sử còn ghi lại, Nữ hoàng Cleopatra là một người phụ nữ rất mê những viên ngọc lục bảo Emarald và đặt niềm tin tuyệt đối vào loại ngọc này. Điển hình là bà đã dùng loại ngọc này để trang hoàng cho mọi thứ trong cung điện của mình, từ phòng ngủ cho đến bồn tắm, ngay cả trang sức bà cũng chỉ ưng ý khi nó được đính ngọc lục bảo.

Cleopatra dùng ngọc lục bảo như một vũ khí có thể quyến rũ và làm lóa mắt đàn ông, khiến họ say mê mình một cách vô điều kiện. Theo nhiều sử gia, Cleopatra luôn mang theo mình một viên đá Emerald, khi gặp được đối tượng ưng ý, bà sẽ đặt viên đá lên tim và ước nguyện thế là đối tượng sẽ hoàn toàn bị bà thu phục và nguyện dâng cho bà tất cả những gì bà muốn.

Giọng nói ngọt ngào, trí tuệ tinh thông cùng thân hình gợi cảm và mùi hương quyến rũ, Cleopatra đã sớm biết tổng hòa các bí quyết quyến rũ để đánh gục mọi trái tim của người đàn ông say mê sắc đẹp. Nhờ tài trí thông minh, bà đã biết sử dụng sắc đẹp để giúp người dân Ai Cập cổ có được cuộc sống ấm no, sung túc.

Theo lưu truyền của người La Mã, Cleopatra tự kết liễu cuộc đời mình bằng vết cắn chí mạng của một con rắn độc, hai người tì nữ đi theo bà cũng vì đây mà bỏ mạng. Con rắn này được giấu trong một chiếc giỏ được dâng lên bà. Có câu chuyện cho rằng bà đã để cho con rắn mào gà cắn chết vì tin rằng chết như thế sẽ đạt tới “bất tử”. Người Ai Cập rất sợ và tôn sùng rắn, chính cái vương miện mà Cleopatra đội và cây gậy vương quyền cũng có hình con rắn.

Nhiều người vẫn công nhận rằng những việc mà Cleopatra làm, dù đôi khi hơi tàn nhẫn, đều là vì đất nước của mình. Bà đã cố duy trì nền độc lập của Ai Cập trước bao nhiêu ý đồ xâm lăng của các đế chế hùng mạnh. Nhưng tiếc thay, giấc mơ đó cũng đã ra đi sau cái chết của bà.

Theo Phap luật bốn phương