Nội dung giáo dục môn Tiếng Việt ở các lớp bậc tiểu học

Phục vụ mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh phân tích: Việc chú trọng trang bị các kỹ năng nói trên để đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ của trẻ. Tầm quan trọng của mỗi kĩ năng được thể hiện từ cao nhất đến thấp hơn theo trình tự: Đọc - Viết - Nói - Nghe.

HS biết nói và nghe tự nhiên khi các em còn chưa đi học, hai kĩ năng này được tiếp tục phát triển ở những năm học trường mầm non. Nhưng chỉ khi đi học tiểu học, các em mới chính thức học đọc và học viết một cách có hệ thống. Do đó đọc, viết trong chương trình được tập trung dạy và học nhiều hơn nói và nghe.

Quá trình đi học ở cả bậc phổ thông nói chung là quá trình HS tiếp cận và hiểu tri thức, kinh nghiệm mang tính phổ thông của nhân loại. Để làm được điều này các em cần có một công cụ sắc bén đủ để tiếp cận kho tri thức kinh nghiệm khổng lồ ấy.

Công cụ đó chính là đọc. Hoạt động đọc hướng tới mục tiêu phát triển năng lực không chỉ là hoạt động đọc trơn, đọc thành tiếng để chuyển chữ viết thành âm thanh (đọc trơn thành tiếng còn gọi là đọc thông, kĩ thuật đọc).

Việc đọc trơn là kĩ năng trung gian. Việc đọc hiểu văn bản mới là kĩ năng mục đích, bởi mục đích của việc đọc là để hiểu, để tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm của người viết. Ngày nay, văn bản đọc không chỉ gồm có văn bản in mà còn bao gồm cả văn bản điện tử.

Hoạt động đọc do vậy không chỉ được hiểu là đọc sách báo in mà còn là đọc và xem các văn bản điện tử có cả chữ và hình ảnh. Chương trình sách giáo khoa môn Tiếng Việt mới chú trọng cả kĩ năng đọc trơn và kĩ năng đọc hiểu, chú trọng cả kĩ năng đọc hiểu văn bản in và đọc hiểu văn bản điện tử.

Sau đọc mới đến viết, là bởi lẽ, sau khi HS tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm, các em phải thể hiện mình đã hiểu tri thức, đã dùng được những kinh nghiệm của người đi trước.

Một trong những hình thức thể hiện quan trọng nhất là viết ra những điều các em biết thành văn bản. Do đó, viết văn bản thuộc nhiều kiểu loại khác nhau đáp ứng nhiều nhu cầu học tập và giao tiếp khác nhau là kĩ năng mục đích, là quan trọng hàng đầu trong việc học viết.

Kĩ năng viết chữ, viết chính tả là kĩ năng trung gian, nó cần được rèn luyện thành thạo ở những lớp đầu bậc tiểu học (lớp 1, 2, 3) để phục vụ cho việc viết văn bản với độ phức tạp ngày càng cao của HS.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng viết văn bản mới là đích của việc học viết; không nên tập trung quá nhiều sức lực của HS vào việc viết thật đẹp các chữ cái, các bài chính tả vì chúng chỉ là những kĩ năng trung gian có vai trò quan trọng nhất định ở mấy lớp đầu cấp.

Hơn nữa, ngay cả ở những lớp này, chương trình mới cũng đặt kĩ năng viết văn bản có vai trò quan trọng hàng đầu trong học viết.

Những  điểm khác biệt

Nói và nghe là hai kĩ năng có tầm quan trọng không cao như đọc và viết bởi lẽ trước khi vào bậc tiểu học, HS đã được học tập, rèn luyện hai kĩ năng này. Trong nghe, chương trình mới chú trọng đến kĩ năng nghe hiểu. Trong nói, chương trình mới chú trọng đến kĩ năng nói tương tác trong đối thoại, hội thoại.

Để HS nói được tự nhiên, không bị gò ép dẫn đến dễ rơi vào tình trạng bắt chước, nói do thuộc lòng điều đã viết ra, Chương trình mới chú trọng tạo các tình huống giao tiếp tự nhiên, gắn với đời sống thực của HS để các em có cơ hội rèn luyện kĩ năng nói và nghe.

Bên cạnh việc chú trọng trang bị các kỹ năng nói trên, nhìn một cách tổng thể hơn, có thể chỉ ra những điểm nổi trội khác biệt của Chương trình sách giáo khoa mới môn Tiếng Việt so với chương trình hiện hành, đó là:

Thứ nhất, chương trình xác định mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực và đã thể hiện khá toàn diện mục tiêu này qua nội dung học tập và các YCCĐ ở từng lớp.

Thứ 2, có sự liên thông, nhất quán ở cả 3 cấp học trong mục tiêu, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá kết quả giáo dục.

Thứ 3, chương trình có tính mở để cho địa phương và nhà trường thực hiện linh hoạt, phù hợp với đặc điểm vùng miền, đặc điểm của từng trường; đồng thời chương trình cũng tạo ra sự thống nhất cơ bản trong giáo dục tiếng Việt cho những nhóm HS đặc biệt.

Thứ 4, chương trình chú trọng phát triển cả năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học và chỉ ra con đường phát triển năng lực thẩm mĩ trong môn học là thông qua tiếp nhận văn bản văn học và tạo lập văn bản có tính thẩm mĩ trong nội dung và biểu đạt bằng ngôn từ.q

Nội dung giáo dục môn Tiếng Việt ở các lớp bậc tiểu học
Tiếng Việt là một trong những môn học quan trọng và cần thiết nhất ở bậc tiểu học. Bên cạnh việc học toán để phát triển tư duy logic cho con, việc học tiếng việt sẽ giúp các con hình và phát triển tư duy ngôn ngữ. Thông qua môn Tiếng Việt, các con sẽ được học cách giao tiếp, truyền đạt tư tưởng, cảm xúc của mình một cách chính xác và biểu cảm.

Ở bậc tiểu học, tầm quan trọng của môn Tiếng Việt được thể hiện rõ rệt qua 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Các lớp 1, 2, 3

Đối với trẻ học lớp 1, 2, 3, nội dung của môn Tiếng Việt tập trung hình thành những cơ sở ban đầu cho việc học đọc, học viết; định hướng cho việc học nghe, học nói dựa trên vốn Tiếng Việt mà trẻ đã có. Các bài học ở giai đoạn này chủ yếu là bài học thực hành, được thấm vào học sinh một cách tự nhiên qua các bài học thực tế. Ví dụ, học âm “e”, sau đó viết con chữ “e”. Những tri thức về âm – chữ cái, về tiếng (âm tiết) – chữ, về thanh điệu – dấu ghi thanh đều được học qua những bài dạy chữ. Những tri thức về câu trong đoạn hội thoại (câu hỏi, đáp và dấu câu) cũng không được dạy qua bài lý thuyết mà học sinh được hình dung cụ thể trong một văn bản cụ thể.

Ở giai đoạn này, trẻ sẽ nhận diện được và sử dụng được các đơn vị của Tiếng Việt, các quy tắc sử dụng Tiếng Việt trong lúc đọc, viết, nghe, nói. Vậy nên, việc học Tiếng Việt ở lứa tuổi này sẽ tạo nền tảng cho trẻ trong việc phát triển tư duy ngôn ngữ, biểu hiện qua việc trẻ đọc thông thạo và hiểu đúng ý nghĩa một văn bản ngắn; viết rõ ràng, đúng chính tả; nghe chủ động; nói chủ động, rành mạch.

Giai đoạn 2: Các lớp 4, 5

Về nội dung môn học, học sinh ở giai đoạn này đã được cung cấp những khái niện cơ bản về một số đơn vị ngôn ngữ và quy tắc sử dụng Tiếng Việt làm nền móng cho việc phát triển kỹ năng. Bên cạnh những bài học thực hành (ở giai đoạn trước), học sinh được học các bài về trí thức Tiếng Việt (từ vựng, ngữ pháp, văn bản, phong cách,…). Những bài học này cũng không phải là lý thuyết đơn thuần, được tiếp nhận hoàn toàn bằng con đường tư duy trừu tượng, mà chủ yếu vẫn bằng con đường nhận diện, phát hiện trên những ngữ liệu đã đọc, viết, nghe, nói; rồi sau đó mới khái quát thành những khái niệm.

Nội dung chương trình giai đoạn này nhằm phát triển các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói lên một mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn.

Ngoài ra, tầm quan trọng của Tiếng Việt ở bậc tiểu học còn hướng đến việc hình thành các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Nội dung kỹ năng sống được thể hiên ở tất cả các nội dung của môn học. Những kỹ năng đó chủ yếu là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng suy nghĩ sáng tạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng làm chủ bản thân,..Thông qua các kỹ năng này sẽ giúp trẻ nhận biết được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, biết tự nhìn nhận đánh giá đúng về bản thân để tự tin, tự trọng và không ngừng vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống. Tiếng Việt sẽ dạy trẻ biết cách giao tiếp, ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ với người thân, với cộng đồng và với môi trường tự nhiên, biết sống tích cực, chủ động trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.

Nói tóm lại, Tiếng Việt là môn học không thể thiếu trong hệ thống giáo dục của đất nước, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh ở bậc tiểu học – lứa tuổi đang trong giai đoạn hình thành về nhân cách và tư duy. Vì vậy, Tiếng Việt không những là “công cụ của tư duy” mà còn bước đệm để hình thành nhân cách của một đứa trẻ.

MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 1 THEO CTGDPT 2018

I. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ MÔN TIẾNG VIỆT CẤP TIỂU HỌC THEO CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018

1. Mục tiêu

a) Giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường xung quanh.

b) Giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản: đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn (chủ yếu là bài văn kể và tả); phát biểu rõ ràng; nghe hiểu ý kiến người nói.

Phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học.

2. Yêu cầu cần đạt

* Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

Góp phần hình thành, phát triển ở học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

* Yêu cầu về năng lực đặc thù

a) Năng lực ngôn ngữ

Đọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc.

Ở cấp tiểu học, yêu cầu về đọc gồm yêu cầu về kĩ thuật đọc và kĩ năng đọc hiểu. Đối với học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 2), chú trọng cả yêu cầu đọc đúng với tốc độ phù hợp và đọc hiểu nội dung đơn giản của văn bản. Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản.

Từ lớp 1 đến lớp 3, viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn văn ngắn; ở lớp 4 và lớp 5 bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản.

Viết được văn bản kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện do học sinh tưởng tượng; miêu tả những sự vật, hiện tượng quen thuộc; giới thiệu về những sự vật và hoạt động gần gũi với cuộc sống của học sinh. Viết đoạn văn nêu những cảm xúc, suy nghĩ của học sinh khi đọc một câu chuyện, bài thơ, khi chứng kiến một sự việc gợi cho học sinh nhiều cảm xúc; nêu ý kiến về một vấn đề đơn giản trong học tập và đời sống; viết một số kiểu văn bản như: bản tự thuật, tin nhắn, giấy mời, thời gian biểu, đơn từ,...; bước đầu biết viết theo quy trình; bài viết cần có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).

Trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; bước đầu biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách rõ ràng câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ, trao đổi những cảm xúc, thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề được nói đến; biết thuyết minh về một đối tượng hay quy trình đơn giản.

Nghe hiểu với thái độ phù hợp và nắm được nội dung cơ bản; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe.

b) Năng lực văn học

Phân biệt văn bản truyện và thơ (đoạn, bài văn xuôi và đoạn, bài văn vần); nhận biết được nội dung văn bản và thái độ, tình cảm của người viết; bước đầu hiểu được tác dụng của một số yếu tố hình thức của văn bản văn học (ngôn từ, nhân vật, cốt truyện, vần thơ, so sánh, nhân hoá). Biết liên tưởng, tưởng tượng và diễn đạt có tính văn học trong viết và nói.

Đối với học sinh lớp 1 và lớp 2: nhận biết được văn bản nói về ai, về cái gì; nhận biết được nhân vật trong các câu chuyện, vần trong thơ; nhận biết được truyện và thơ.

Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5: biết cách đọc diễn cảm văn bản văn học; kể lại, tóm tắt được nội dung chính của câu chuyện, bài thơ; nhận xét được các nhân vật, sự việc và thái độ, tình cảm của người viết trong văn bản; nhận biết được thời gian và địa điểm, một số kiểu vần thơ, nhịp thơ, từ ngữ, hình ảnh đẹp, độc đáo và tác dụng của các biện pháp tu từ nhân hoá, so sánh. Hiểu được ý nghĩa hoặc bài học rút ra từ văn bản. Viết được đoạn, bài văn kể chuyện, miêu tả thể hiện cảm xúc và khả năng liên tưởng, tưởng tượng.

3. Nội dung giáo dục

Nội dung dạy học được xác định dựa trên các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp, gồm: hoạt động đọc, viết, nói và nghe; kiến thức (tiếng Việt, văn học); ngữ liệu.

* So sánh nội dung Chương trình môn Tiếng Việt mới với Chương trình môn Tiếng Việt hiện hành

- Giống nhau:

+ Đều có mục tiêu giao tiếp bằng tiếng Việt - hình thành kĩ năng đọc, viết, nói, nghe lên vị trí ưu tiên; cung cấp những kiến thức sơ giản về tiếng Việt và xã hội, tự nhiên, con người…

+ Đều được xây dựng dựa trên quan điểm tận dụng những kinh nghiệm sử dụng tiếng Việt của học sinh; đề cao vai trò tự chủ, tự học của học sinh.

+ Việc lựa chọn ngữ liệu hướng đến đảm bảo dạy tiếng Việt thông qua hoạt động giao tiếp.

+ Đề cao nguyên tắc tích hợp.

- Khác biệt:

+ Chương trình hiện hành: Phát triển theo định hướng tiếp cận nội dung. Kiến thức là nguyên liệu đầu vào, đồng thời cũng là chuẩn đầu ra của chương trình.

+ Chương trình mới: Chú trọng phát triển kĩ năng thực hành, năng lực, khả năng giao tiếp…(tác động trực tiếp đến lựa chọn ngữ liệu; quy định chi tiết hơn các mức độ đọc, viết, nói và nghe; chú trọng phát triển tư duy phản biện).

4. Phương pháp giáo dục

4.1. Định hướng

- Dạy học tích hợp và phân hóa.

- Đa dạng hóa các hình thức tổ chức, phương pháp và phương tiện dạy học.

- Sử dụng các phương pháp phát huy tính chủ động của học sinh.

4.2. Vận dụng phương pháp dạy học phù hợp với các bài học khác nhau:

* Với các kiểu bài đặc thù:

- Phương pháp dạy đọc;

- Phương pháp dạy viết;

- Phương pháp dạy nói và nghe.

5. Đánh giá kết quả giáo dục

5.1. Mục tiêu đánh giá

Nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và những tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập môn học, để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

5.2. Căn cứ đánh giá

Là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học đã quy định trong chương trình.

5.3. Nội dung đánh giá

Giáo viên đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và sự tiến bộ của học sinh thông qua các hoạt động đọc, viết, nói, nghe.

5.4. Cách thức đánh giá

Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

II. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 1 CHƯƠNG TRÌNH 2018

1. Những nét mới

1.1. Kỹ thuật đọc, kĩ thuật viết

- Trong kĩ thuật đọc, có thêm yêu cầu bước đầu biết đọc thầm, nhận biết bìa sách, tên sách.

- Về tập viết, không chỉ yêu cầu học sinh tô đúng chữ cái viết hoa cỡ chữ lớn và cỡ chữ vừa như chương trình hiện hành mà còn yêu cầu học sinh biết viết chữ hoa.

- Chính tả: có thêm hình thức nghe - viết.

1.2. Đọc hiểu

- Chương trình 2006 chỉ chú trọng đọc hiểu nội dung văn bản; chương trình 2018 đưa ra các yêu cầu đọc hiểu nội dung và đọc hiểu hình thức văn bản. Chú ý đến các yếu tố ngoài văn bản, đưa ra yêu cầu đọc liên hệ, so sánh, kết nối.

- Ngoài văn bản văn học, chú trọng đọc văn bản thông tin.

- Về hình thức văn bản, chương trình chú ý đến văn bản đa phương thức.

1.3. Viết câu, đoạn văn ngắn

Đây là yêu cầu hoàn toàn mới của chương trình môn Tiếng Việt lớp 1. Ở lớp 1, mới bước đầu yêu cầu học sinh viết một vài câu thuộc kiểu văn bản kể chuyện có nội dung phù hợp với câu chuyện đã đọc, đã nghe.

1.4. Nói và nghe

Chú trọng sự tương tác qua lại, tính chủ động của học sinh khi nghe - nói. Đã chỉ dẫn và đặt ra yêu cầu về thái độ và một vài quy tắc nghe, nói.

2. Yêu cầu cần đạt và nội dung cụ thể

Yêu cầu cần đạt

Nội dung

ĐỌC

KĨ THUẬT ĐỌC

- Ngồi (hoặc đứng) thẳng lưng; sách, vở mở rộng trên mặt bàn (hoặc trên hai tay). Giữ khoảng cách giữa mắt với sách, vở khoảng 25cm.

- Đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng).

- Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn. Tốc độ đọc khoảng 40 - 60 tiếng trong 1 phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ.

- Bước đầu biết đọc thầm.

- Nhận biết được bìa sách và tên sách.

ĐỌC HIỂU

Văn bản văn học

Đọc hiểu nội dung

- Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản liên quan đến các chi tiết được thể hiện tường minh.

- Trả lời được các câu hỏi đơn giản về nội dung cơ bản của văn bản dựa vào gợi ý, hỗ trợ.

Đọc hiểu hình thức

- Nhận biết được hình dáng, hành động của nhân vật thể hiện qua một số từ ngữ trong câu chuyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

- Nhận biết được lời nhân vật trong truyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

Liên hệ, so sánh, kết nối

- Liên hệ được tranh minh hoạ với các chi tiết trong văn bản.

- Nêu được nhân vật yêu thích nhất và bước đầu biết giải thích vì sao.

Đọc mở rộng

- Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 10 văn bản văn học có thể loại và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

- Thuộc lòng 4 - 5 đoạn thơ hoặc bài thơ đã học, mỗi đoạn thơ, bài thơ có độ dài khoảng 30 - 40 chữ.

Văn bản thông tin

Đọc hiểu nội dung

- Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản về các chi tiết nổi bật trong văn bản.

- Trả lời được câu hỏi: “Văn bản này viết về điều gì?” với sự gợi ý, hỗ trợ.

Đọc hiểu hình thức

- Nhận biết được trình tự của các sự việc trong văn bản.

- Hiểu nghĩa của một số tín hiệu đơn giản, gần gũi với học sinh.

Đọc mở rộng

Trong 1 năm học, đọc tối thiểu 5 văn bản thông tin có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT

1.1. Âm, vần, thanh; chữ và dấu thanh

1.2. Quy tắc chính tả phân biệt: c và k, g và gh, ng và ngh

1.3. Quy tắc viết hoa: viết hoa chữ cái đầu câu, viết hoa tên riêng

2. Vốn từ theo chủ điểm: Từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm gần gũi

3. Công dụng của dấu chấm, dấu chấm hỏi: đánh dấu kết thúc câu

4.1. Từ xưng hô thông dụng khi giao tiếp ở nhà và ở trường

4.2. Một số nghi thức giao tiếp thông dụng ở nhà và ở trường: chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, xin phép

5. Thông tin bằng hình ảnh (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ)

KIẾN THỨC VĂN HỌC

1. Câu chuyện, bài thơ

2. Nhân vật trong truyện

NGỮ LIỆU

1.1. Văn bản văn học

- Cổ tích, ngụ ngôn, truyện ngắn, truyện tranh, đoạn văn miêu tả

- Đoạn thơ, bài thơ (gồm cả đồng dao) Độ dài của văn bản: truyện và đoạn văn miêu tả khoảng 90 - 130 chữ, thơ khoảng 50 - 70 chữ

1.2. Văn bản thông tin: giới thiệu những sự vật, sự việc gần gũi với học sinh

Độ dài của văn bản: khoảng 90 chữ

2. Gợi ý chọn văn bản: xem danh mục gợi ý

3. Các từ ngữ có ý nghĩa tích cực, phù hợp với học sinh lớp 1

VIẾT

KĨ THUẬT VIẾT

- Biết ngồi viết đúng tư thế: ngồi thẳng lưng; hai chân đặt vuông góc với mặt đất; một tay úp đặt lên góc vở, một tay cầm bút; không tì ngực vào mép bàn; khoảng cách giữa mắt và vở khoảng 25cm; cầm bút bằng ba ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa).

- Viết đúng chữ viết thường, chữ số (từ 0 đến 9); biết viết chữ hoa.

- Đặt dấu thanh đúng vị trí. Viết đúng quy tắc các tiếng mở đầu bằng các chữ c, k, g, gh, ng, ngh.

- Viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30 - 35 chữ theo các hình thức nhìn - viết (tập chép), nghe - viết. Tốc độ viết khoảng 30 - 35 chữ trong 15 phút.

VIẾT CÂU, ĐOẠN VĂN NGẮN

Quy trình viết

Bước đầu trả lời được những câu hỏi như: Viết về ai? Viết về cái gì, việc gì?

Thực hành viết

- Điền được phần thông tin còn trống, viết được câu trả lời, viết câu dưới tranh phù hợp với nội dung câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

- Điền được vào phần thông tin còn trống, viết câu nói về hình dáng hoặc hoạt động của nhân vật dưới tranh trong câu chuyện đã học dựa trên gợi ý.

- Điền được phần thông tin còn trống, viết câu trả lời hoặc viết lại câu đã nói để giới thiệu bản thân dựa trên gợi ý.

NÓI VÀ NGHE

Nói

- Nói rõ ràng, thành câu. Biết nhìn vào người nghe khi nói.

- Đặt được câu hỏi đơn giản và trả lời đúng vào nội dung câu hỏi.

- Nói và đáp lại được lời chào hỏi, xin phép, cảm ơn, xin lỗi, phù hợp với đối tượng người nghe.

- Biết giới thiệu ngắn về bản thân, gia đình, đồ vật yêu thích dựa trên gợi ý.

- Kể lại được một đoạn hoặc cả câu chuyện đơn giản đã đọc, xem hoặc nghe (dựa vào các tranh minh hoạ và lời gợi ý dưới tranh).

Nghe

- Có thói quen và thái độ chú ý nghe người khác nói (nhìn vào người nói, có tư thế nghe phù hợp). Đặt một vài câu hỏi để hỏi lại những điều chưa rõ.

- Nghe hiểu các thông báo, hướng dẫn, yêu cầu, nội quy trong lớp học.

- Nghe một câu chuyện và trả lời được các câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu?

Nói nghe tương tác

- Biết đưa tay xin phát biểu, chờ đến lượt được phát biểu.

- Biết trao đổi trong nhóm để chia sẻ những ý nghĩ và thông tin đơn giản

3. Phương pháp dạy học

a) Tuân thủ phương pháp và định hướng đổi mới phương pháp dạy học nói chung, dạy môn Tiếng Việt nói riêng.

b) Ở từng kiểu bài học, cần có những phương pháp đặc thù.

c) Kết hợp giữa làm mẫu  với học cá nhân và hoạt động nhóm.

d) Chú ý khuyến khích sự tương tác.

đ) Chú ý có hoạt động, câu hỏi riêng khi dạy học phân hóa.