Những yếu tố tạo nên hệ thống đánh giá văn hóa doanh nhân

Mục lục bài viết

  • 1. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
  • 2. Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp
  • 2.1 Cấp độ thứ nhất
  • 2.2 Cấp độ thứ hai
  • 2.3 Cấp độ thứ ba

1. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp

Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp, bởi bất kì một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, thông tin (nói chung được gọi là tri thức) thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được. Tầm quan trọng của nó được thể hiện cụ thể ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất là: Giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng một văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp đó.

Những yếu tố tạo nên hệ thống đánh giá văn hóa doanh nhân

>>Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, gọi:1900.6162

Thứ hai là: Góp phần tạo ra bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp khẳng định được tên tuổi của mình và để nhận biết được sự khác nhau giữa doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác.

Thứ ba là: Giúp doanh nghiệp tạo ra khả năng thích ứng cao. Có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận chính là chỉ có một văn hóa doanh nghiệp mạnh thì mới có khả năng thích ứng tốt với sự thay đổi liên tục từ môi trường bên ngoài.

Thứ tư là: Góp phần tạo nên giá trị tinh thần cho doanh nghiệp. Sống trong một môi trường văn hóa lành mạnh với sự quan tâm thỏa đáng của các cấp lãnh đạo sẽ làm cho nhân viên cảm thấy lạc quan và cống hiến hết mình cho mục tiêu của doanh nghiệp.

Thứ năm là: Là yếu tố tạo ra sức hút cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chính là hình ảnh về một doanh nghiệp và tạo ra đặc trưng để phân biệt với các doanh nghiệp khác.

Cuối cùng là: Văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng văn hóa doanh nghiệp là một tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, văn hóa doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp: giảm xung đột; điều phối và kiểm soát; tạo động lực làm việc; tạo lợi thế cạnh tranh.

2. Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp

Theo Edgar H. Schein, văn hóa doanh nghiệp có thể chia thành ba cấp độ khác nhau. Thuật ngữ “cấp độ” dùng để chỉ mức độ có thể cảm nhận được của các giá trị văn hóa doanh nghiệp hay nói cách khác là tính hữu hình của các giá trị văn hoá đó. Đây là cách tiếp cận độc đáo, đi từ hiện tượng đến bản chất của một nền văn hoá, giúp cho chúng ta hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc những bộ phận cấu thành của nền văn hoá đó.

2.1 Cấp độ thứ nhất

Những quá trình và cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp: Bao gồm tất cả những hiện tượng và sự vật mà một người có thể nhìn, nghe và cảm thấy khi tiếp xúc với một tổ chức có nền văn hoá như:

• Kiến trúc; Cách bài trí; Công nghệ; Sản phẩm

Cách bài trí đặc trưng, kiến trúc ấn tượng của doanh nghiệp thể hiện tư tưởng của người lãnh đạo, trình độ thẩm mỹ cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Đây cũng là cách để doanh nghiệp khẳng định uy thế trước đối thủ, khắc ghi hình ảnh của mình trong tâm trí khách hàng và đối tác. Kiến trúc thường tạo nên những ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và phương diện cách thức giao tiếp, phản ứng và thực hiện công việc. Các công trình kiến trúc cũng là một bộ phận hữu cơ quan trọng trong hệ thống các sản phẩm mà chủ thê doanh nghiệp tạo ra. Trong mỗi công trình kiến trúc đó đều chứa đựng giá trị lịch sử gắn liền với sự ra đời của chủ doanh nghiệp, các đơn vị và các thế hệ nhân viên

• Cơ cấu tổ chức, các phòng ban của doanh nghiệp

Cơ cấu tổ chức phòng ban trong mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Nó phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh cũng như đặc tính sản phẩm mà doanh nghiệp đó cung cấp. Việc tổ chức phòng ban hợp lý sẽ ảnh hưởng tích cực đến thái độ và tinh thần làm việc của nhân viên.

• Các văn bản quy định nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp

Tập hợp các văn bản này có thể là giấy tờ xác nhận quyền hoạt động kinh doanh, xác định lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghệp, cũng có thể là văn bản điều chỉnh hoạt động nội bộ trong doanh nghiệp, quy định chế độ khen thưởng hay xử phạt cũng như kỷ luật đối với nhân viên trong doanh nghiệp

• Lễ nghi và lễ hội hàng năm

Đây là những hoạt động truyền thống được tổ chức hàng năm, nhằm bồi đắp niềm tin và sự gắn bó với tổ chức cho nhân viên. Những hoạt động này sẽ làm tôn vinh các giá trị văn hóa doanh nghiệp của tổ chức. Các nhà quản lý thường sử dụng những lễ nghi và lễ hội như thế này là một cơ hội quan trọng cho việc giới thiệu, trau dồi những giá trị quan trọng, tạo cơ hội cao các nhân viên cùng chia sẻ các nhận thức về những sự kiện trọng đại hoặc để nêu gương và khen thưởng những tấm gương điển hình – đại biểu cho nhiềm tin và cách thức hành động cần tôn trọng Bảng 1.1 Bốn loại nghi lễ trong tổ chức và tác động tiềm năng của chúng

Loại hình Minh họa Tác động tiềm năng

Chuyển giao Khai mạc, giới thiệu thành viên mới, chức vụ mới, lễ ra mắt Tạo thuận lợi cho việc thâm nhập vào cương vị mới, vai trò mới

Củng cố Lễ trao thưởng Củng cố các nhân tố hình thành bản sắc và tôn thêm vị thế của thành viên

Nhắc nhở Sinh hoạt văn hóa, chuyên môn, khoa học Duy trì cơ cấu xã hội và làm tăng thêm năng lực tác nghiệp của tổ chức

Liên kết Lễ hội, liên hoan, tết Khôi phục và khích lệ chia sẻ tình cảm và sự thông cảm nhằm gắn bó các thành viên với nhau và với tổ chức

(Nguồn: Giáo trình “Đạo đức kinh doanh và VHDN” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân –NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

• Các biểu tượng, logo, khẩu hiệu, tài liệu quảng cáo của doanh nghiệp

Biểu tượng là một công cụ biểu thị đặc trưng của văn hóa kinh doanh, nó biểu thị niềm tin giá trị mà chủ thể kinh doanh muốn gửi gắm. Các công trình kiến trúc, lễ nghi, giai thoại truyền thuyết hay khẩu hiệu… đều chứa đựng những đặc trưng của biểu tượng, bới thông qua giá trị vật chất cụ thể, hữu hình thì các biểu trưng này đều muốn truyền đạt những giá trị, ý niệm, những ý nghĩ tiềm ẩn bên trong, xâu xa cho người tiếp nhận theo các cách thức khác nhau. Một hình thức khác của biểu tượng cũng có ý nghĩa quan trọng đó là logo. Nó thường có sức mạnh rất lớn vì chúng có thể diễn đạt được giá trị chủ đạo mà chủ doanh nghiệp muốn tạo ấn tượng, muốn truyền đạt hay lưu lại. Logo có tác dụng làm cho thương hiệu nổi bật và ấn tượng. Nó tạo ra sự nhận biết rất mạnh bằng thị giác và ghi nhớ lâu hơn. Khẩu hiệu là hình thức dễ nhập tâm, ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ. Không chỉ nhân viên mà các đối tác luôn nhắc tới khẩu hiệu công ty. Khẩu hiệu thường được sử dụng với các ngôn từ đơn giản nên hiểu được ý nghĩa tiềm ẩn của chúng, cần liên hệ với bản tuyên bố sự mệnh của chủ doanh nghiệp.

• Những câu chuyện và những huyền thoại về tổ chức

Những câu chuyện huyền thoại về doanh nghiệp được hình thành từ những sự kiện có thực được mọi thành viên trong tổ chức cùng chia sẻ và nhắc lại với các thành viên mới. Đó có thể là những câu chuyện kể về những nhân vật anh hùng như những hình mẫu lý tưởng về những chuẩn mực và giá trị chung hay những giai thoại do những sự kiện đã mang tính lịch sử và đã được thêu dệt thêm, hoặc là những huyền thoại chứa đựng những giá trị và niềm tin của chủ thể kinh doanh và không được chứng minh bằng thực tế. Các câu chuyện và các huyền thoại đó có tác dụng duy trì sức sống cho các giá trị ban đầu và giúp chúng thống nhất về nhận thức của tất cả cách thành viên, được lưu truyền qua các thế hệ thành viên bằng cách kể lại. Những huyền thoại đó giúp xây dựng niềm tin trong lòng các thành viên vào sức mạnh của doanh nghiệp

• Thái độ và cung cách ứng xử của các thành viên doanh nghiệp

Thái độ cung cách ứng xử là phản ứng của con người với sự tác động của người khác trong một tình huống nhất định. Thái độ và cung cách ứng xử của các thành viên trong tổ chức rất quan trọng, tạo môi trường làm việc tôn trọng nhau. Tuy nhiên, để đạt được sự thành công trong giao tiếp lại phụ thuộc rất lớn vào vốn sống và nếp giáo dục của gia đình. Điều này không phải ai cũng có. Thái độ, cung cách ứng xử tốt sẽ thiết lập và duy trì được các mối quan hệ, giúp cho tinh thần thoải mái, tạo được thiện cảm và sự tin cậy nơi mọi người. Khi thái độ và cung cách ứng xử của các thành viên trong tổ chức được mọi người hưởng ứng, lúc đó sẽ dễ đạt được những kết quả chắc chắn hơn, như dành được sự nâng đỡ, cộng tác, tạo thêm được những tín nhiệm mới.

Áp dụng cấu trúc văn hóa vừa nêu trên vào các doanh ngiệp sẽ thấy không có doanh nghiệp nào lại không có văn hóa của mình. Song điều khiến ta quan tâm là ở chỗ: Văn hóa doanh nghiệp là “luật” không thành văn quy định cách thức thực sự mà con người đối xử với nhau trong quá trình làm việc, cách thưc thực sự mà doanh nghiệp giải quyết công việc, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Văn hóa dianh nghiệp tạo dựng niềm tin nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược và nhiệm vụ cơ bản của tổ chức.

Muốn xây dựng và phát triển doanh nghiệp đòi hỏi các nhà quản trị bên trong tổ chức cần phải phổ biến và yêu cầu các thành viên chấp nhận nó. Đây là cấp độ văn hoá có thể nhận thấy ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên, nhất là với những yếu tố vật chất như: Kiến trúc, bài trí, đồng phục… Cấp độ văn hoá này có đặc điểm chung là chịu ảnh hưởng nhiều của tính chất công việc kinh doanh của công ty, quan điểm của người lãnh đạo…Tuy nhiên, cấp độ văn hoá này dễ thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa doanh nghiệp.

2.2 Cấp độ thứ hai

Những giá trị được tuyên bố (chiến lược, mục tiêu, triết lý kinh doanh): Doanh nghiệp nào cũng có những quy định, nguyên tắc, triết lý, chiến lược và mục tiêu riêng, là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn bộ nhân viên và thường được công bố rộng rãi ra toàn thể doanh nghiệp. Đây cũng chính là những giá trị được công bố, một bộ phận của nền văn hóa doanh nghiệp.

“Những giá trị tuyên bố” cũng có thể ví như lõi trong cùng của cây gỗ. Phải trồng cây gỗ nhiều năm mới có được lõi gỗ đó và nó là phần rắn nhất trông cây gỗ. Giá trị văn hóa của một tổ chức cũng vậy. Tạo dựng được giá trị phải mất nhiều năm và giá trị chỉ khẳng định được sự xác lập của nó thông qua việc thâm nhập, chuyển tải các biểu hiện của giá trị này vào các nhóm chuẩn mực và yếu tố hữu hình. Các công ty muốn đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội trong kinh doanh thì lãnh đạo công ty không những đưa ra được những tuyên bố công khai về những giá trị mà công ty phải hướng tới mà các giá trị này còn phải được nhóm lãnh đạo cao nhất cam kết thực hiện bằng việc gương mẫu và chuyền tải chúng thường xuyên, liên tục vào các hoạt động của công ty. Thực tế này sẽ tạo dựng niềm tin và hành vi noi theo cho nhân viên. Điều này cho thấy, giá trị khi được xác lập muốn xóa bỏ nó cũng không dễ trong ngày một ngày hai. Khi các giá trị được thừa nhận và phổ biến đến mức gần như không có sự thay đổi

2.3 Cấp độ thứ ba

Những quan niệm chung (niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và tình cảm có tính vô thức, mặc nhiên được công nhận trong doanh nghiệp). Các giá trị ngầm định là niềm tin, nhận thức, suy nghĩ, tình cảm có tính vô thức đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Chúng được hình thành sau quá trình hoạt động lâu dài, va chạm và xử lý nhiều tình huống thực tiễn, ăn sâu vào tâm lý của hầu hết các thành viên trong nền văn hoá đó và trở thành điều mặc nhiên được công nhận. Chúng định hướng cho cảm nhận, suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong các mối quan hệ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Chẳng hạn như “Sự cống hiến đối với công ty”, “ra quyết định tập thể” là giá trị văn hoá nền tảng trong các công ty truyền thống của Nhật Bản. “Trả lương theo năng lực” là quan niệm chung của các doanh nghiệp phương Tây còn “trả lương theo thâm niên” là quan niệm chung của các doanh nghiệp phương Đông. Và khi đã được hình thành, các quan niệm chung rất khó thay đổi.

Niềm tin là khái niệm đề cập đến việc mọi người cho rằng thế nào là đúng, thế nào là sai. Nó được hình thành một cách có ý thức, được xét đoán và rõ ràng. Xây dựng niềm tin trong doanh nghiệp đòi hỏi các nhà quản lý phải có trình độ kiến thức và kinh nghiệm. Trong thực tế khó tách rời được hai khái niệm niềm tin và giá trị bởi trong niềm tin luôn chứa đựng những giá trị. Giá trị còn được coi là những niềm tin vững chắc về cách thức hành động hoặc trạng thái nhất định. Niềm tin của người lãnh đạo dần được chuyển hoá thành niềm tin của tập thể thông qua những giá trị.

Chuẩn mực đạo đức là quan niệm của mỗi nhân viên về giá trị đạo đức. Đó là quan niệm về nhân, nghĩa, trí, tín về sự bình đẳng, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các yếu tố này thuộc văn hoá dân tộc, khi hành xử các yếu tố này được coi như yếu tố đương nhiên trong các mối quan hệ trong doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp cũng như trong xã hội luôn tồn tại các hành động tốt - xấu, vấn đề là doanh nghiệp sẽ thể chế hoá, xây dựng quan điểm chính thức như thế nào để xây dựng các chuẩn mực đạo đức chính thức cho doanh nghiệp mình.`

Thái độ là chất gắn kết niềm tin với chuẩn mực đạo đức thông qua tình cảm. Thái độ được định nghĩa là một thói quen tư duy theo kinh nghiệm để phản ứng theo một cách thức nhất quán mong muốn hoặc không mong muốn đối với sự vật, hiện tượng. Như vậy thái độ luôn cần đến những phán xét dựa trên cảm giác, tình cảm. Thái độ được định hình theo thời gian từ những phán xét và những khuôn mẫu điển hình thay vì từ những sự kiện cụ thể, thái độ của con người là tương đối ổn định và có những ảnh hưởng lâu dài đến động cơ của người lao động.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự- Công ty luật Minh Khuê