Môi trường phát triển bền vững là gì

Những khái niệm cơ bản về môi trường và phát triển bền vững; một số vấn đề về môi trường thế giới

Thứ năm - 22/11/2007 00:09
I. Những khái niệm cơ bản về môi trường và phát triển bền vững:
1. Khái niệm về môi trường:


a. Môi trường là gì?


Tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005 quy định: Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.


b. Cấu trúc của môi trường tự nhiên:


Môi trường tự nhiên có 2 thành phần cơ bản: môi trường vật lý và môi trường trường sinh vật.


- Môi trường vật lý là thành phần vô sinh của môi trường tự nhiên, bao gồm đất, nước, không khí, nhiệt độ, nguyên tố hoá học


- Môi trường sinh vật là thành phần hữu sinh của môi trường tự nhiên, bao gồm động vật, thực vật, vi sinh vật, vi khuẩn


c. Những chức năng cơ bản của môi trường:


Môi trường có các chức năng cơ bản sau:


- Là không gian sống của con người và các loài sinh vật;


- Là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người;


- Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của mình;


- Là nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật trên trái đất;


- Là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.


d. Thành phần môi trường:


Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác.


2. Khái niệm về hoạt động bảo vệ môi trường:


a. Khái niệm:


Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.


b. Nguyên tắc về bảo vệ môi trường:


Theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì các nguyên tắc bảo vệ môi trường bao gồm:


1. Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước; bảo vệ môi trường quốc gia phải gắn với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu;


2. Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;


3. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường;


4. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn;


5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.


3. Khái niệm về phát triển bền vững:


* Năm 1987, Uỷ ban Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc đã đưa ra khái niệm phát triển bền vững: Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.


* Theo khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005: Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.


4. Khái niệm về ô nhiễm môi trường:


* Theo Tổ chức Y tế thế giới: Ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển sinh vật hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường.


* Theo khoản 6 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005: Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.


5. Một số khái niệm khác:


* Tiêu chuẩn môi trường là giới hạn cho phép của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, về hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định làm căn cứ để quản lý và bảo vệ môi trường.


* Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.

* Sự cố môi trường là tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường của tự nhiên gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.
* Chất gây ô nhiễm là chất hoặc yếu tố vật lý khi xuất hiện trong môi trường thì làm cho môi trường bị ô nhiễm.
* Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.


* Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác.


* Phế liệu là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất.


* Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững.


* Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.


* Hệ sinh thái là gì?


Hệ sinh thái là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó.


- Phân loại hệ sinh thái theo độ lớn gồm:


+ Hệ sinh thái nhỏ (ví dụ như bể nuôi cá);


+ Hệ sinh thái vừa (một thảm rừng, một hồ chứa nước);


+ Hệ sinh thái lớn (đại dương).


Tập hợp tất cả các hệ sinh thái trên bề mặt trái đất thành một hệ sinh thái khổng lồ và được gọi là sinh thái quyển (sinh quyển).


- Sinh vật trong hệ sinh thái được chia làm ba loại:


+ Sinh vật sản xuất: tảo hoặc thực vật;


+ Sinh vật tiêu thụ: các loại động vật ăn thực vật, ăn thịt...;


+ Sinh vật phân huỷ: các vi khuẩn, nấm phân hủy


* Đa dạng sinh học là gì?


Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.


Đa dạng sinh học được xem xét theo 3 mức độ: ở cấp loài; ở cấp quần thể; ở cấp quần xã.


* Hiệu ứng nhà kính kính:


Nhiệt độ bề mặt trái đất được tạo nên do sự cân bằng giữa năng lượng mặt trời đến bề mặt trái đất và năng lượng bức xạ của trái đất vào khoảng không gian giữa các hành tinh. Năng lượng mặt trời chủ yếu là các tia sóng ngắn dễ dàng xuyên qua cửa sổ khí quyển. Trong khi đó, bức xạ của trái đất với nhiệt độ bề mặt trung bình +16 oC là sóng dài có năng lượng thấp, dễ dàng bị khí quyển giữ lại. Các tác nhân gây ra sự hấp thụ bức xạ sóng dài trong khí quyển là khí CO2, bụi, hơi nước, khí mêtan, khí CFC v.v...


Kết quả của sự của sự trao đổi không cân bằng về năng lượng giữa trái đất với không gian xung quanh dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ của khí quyển trái đất. Hiện tượng này diễn ra theo cơ chế tương tự như nhà kính trồng cây và được gọi là Hiệu ứng nhà kính.


Sự gia tăng tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch của loài người đang làm cho nồng độ khí CO2 của khí quyển tăng lên. Khí CO2 và các khí nhà kính khác trong khí quyển trái đất gia tăng làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi, thì nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên khoảng 3oC. Các số liệu nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trái đất đã tăng 0,5oC trong khoảng thời gian từ 1885 đến 1940 do thay đổi của nồng độ CO2 trong khí quyển từ 0,027% đến 0,035%. Dự báo, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 1,5 - 4,5oC vào năm 2050.


II. Một số vấn đề về môi trường thế giới:


Hiện nay, loài người đang đứng trước những áp lực lớn mang tính toàn cầu. Đó là nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt, suy thoái; trong khi dân số trên thế giới ngày một gia tăng một cách nhanh chóng (mỗi năm thế giới có thêm gần 90 triệu người), quá trình biến đổi khí hậu (mà do chính con người là thủ phạm chính) đã gây ra các thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân trên toàn thế giới. ở đây, chúng tôi xin nêu ra một số thông tin cơ bản về môi trường mà nhân loại đang phải đối mặt.


1. Suy thoái đất ngày càng trầm trọng:


Trên thế giới đã có khoảng gần 2 tỷ ha đất đã bị thoái hoá trong vòng 50 năm trở lại đây, với 25 tỷ tấn đất bị rửa trôi, xói mòn hàng năm. Ước tính có gần 50% đất canh tác bị thoái hoá do khô hạn, xói mòn, phèn hoá, axít hoá, ô nhiễm do hoá chất, gần 1/3 diện tích đất trồng trọt trên thế giới bị bỏ hoang trong 40 năm qua. Suy thoái đất nông nghiệp làm thiệt hại 42 tỷ USD/năm. Việc phục hồi đất do xói mòn là quá trình chậm (qua 500 năm, lớp đất mặt được hình thành bằng các quá trình phong hoá tự nhiên chỉ được 2,5 cm). Diện tích đất canh tác trên đầu người ngày càng thấp, trong khi đó 30 năm nữa cần bổ sung 60% lượng lương thực.


2. Suy thoái đa dạng sinh học:


Rừng, các hệ sinh thái biển, các sinh cảnh tự nhiên đang bị phá huỷ (mỗi năm có khoảng 5% diện tích rừng nhiệt đới bị mất đi. Rừng Amazon mỗi năm bị phá khoảng 24.000 km2). Cho đến năm 1600 đã có khoảng 85 loài thú và 113 loài chim đã bị tuyệt chủng, tương ứng với 2,1% các loài thú và 1,3% các loài chim. Xu hướng và tốc độ tuyệt chủng tăng dần và tập trung vào khoảng 150 năm trở lại đây. Từ khoảng năm 1600-1700, tốc độ tuyệt chủng là 10 năm/1 loài, đến thời điểm từ năm 1850-2000, tốc độ trung bình là 1 năm/1 loài. 2/3 số bãi cá trên biển đang bị khai thác quá giới hạn tái sinh. Tốc độ suy giảm đa dạng sinh học ngày càng tăng. Dự tính trong 10 năm đầu thế kỷ 21 sẽ có 25.000 loài sẽ biến mất. Sự du nhập các loài ngoại lai vào hệ sinh thái bản địa làm phá huỷ hệ sinh thái ở nhiều vùng trên thế giới.


3. Ô nhiễm không khí và suy thoái nguồn nước:


* Ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng:


Việc thải vào khí quyển quá mức các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đã và đang làm trái đất nóng dần lên. Nhiệt độ tăng sẽ gây ra hiện tượng băng tan chảy ở các vùng cực, nước biển dâng lên sẽ phá huỷ các hệ sinh thái đất ngập nước và những vùng thấp, làm biến đổi khí hậu toàn cầu.


Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng về tần suất và cường độ của các thiên tai như bão lũ, hạn hán, động đất, sóng thần làm hàng triệu người chết. Băng tan ở Nam cực và Bắc cực do nhiệt độ trái đất tăng lên; dự báo vào khoảng năm 2070, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 2,5-4,50C, nước biển dâng cao 0,3-1 m. Tầng Ôzôn, tấm lá chắn bảo vệ cuộc sống của muôn loài, trong đó có loài người khỏi tác động xấu của tia cực tím có hại của mặt trời đã và đang bị phá hoại nghiêm trọng. Lỗ hổng Ôzôn đã đạt mức 27-28 triệu km2 (ở riêng Nam cực).


Số lượng thiên tai gia tăng đáng lo ngại: trong thế kỷ 20, thập kỷ 20 có 50 thiên tai lớn, thập kỷ 70 có 47 thiên tai lớn, thập kỷ 90 có 86 thiên tai lớn.


* Suy thoái nguồn nước:


Nhu cầu nước tăng 6 lần so với 70 năm qua. Do dân số gia tăng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu sẽ mất đi khoảng 1/3 nguồn nước sử dụng trong 20 năm tới; sẽ có khoảng 2/3 dân số thế giới thiếu nước sạch trong 25 năm tới. Hàng năm, có khoảng 3-5 triệu người chết vì các bệnh có liên quan đến nước.


4. Dân số và sức khoẻ:


Dân số thế giới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở các nước chậm phát triển. Dân số năm 1992 là 5,4 tỷ người, năm 2000 là 6,5 tỷ người và dự tính nếu không có các biện pháp hữu hiệu để hạn chế thì dân số loài người có thể lên đến 9-10 tỷ người vào năm 2050; trong 100 năm gần, đây cứ 40 năm dân số lại tăng lên gấp đôi.


Dân số tăng, diện tích đất ở, đất canh tác ngày càng bị thu hẹp làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Rác thải, nước thải, khói bụi gia tăng gây ô nhiễm môi trường

.
Có khoảng nửa tỷ người luôn trong tình trạng thiếu đói kinh niên. Những hành động ngày nay của chúng ta đang gây ra những hiểm họa to lớn không lường trước được cho tương lai của loài người.


Một công bố gần đây của tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 13 triệu người chết do môi trường ô nhiễm.

Tác giả bài viết: B.B.T