Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm 11 chương, 86 điều với những nội dung cơ bản như sau:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Phạm vi điều chỉnh:trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên thiên nhiên; trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Đối tượng áp dụng: các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách Nhà nước, lao động trong khu vực Nhà nước; tài nguyên thiên nhiên và các công dân, tổ chức khác.

7 lĩnh vực cơ bản thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

1. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách Nhà nước [Chương II] bao gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước; mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước cho hoạt động của cơ quan, tổ chức; quản lý, sử dụng kinhphí chương trình, mục tiêu, chương trình quốc gia, kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Trong đầu tư các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước [Chương III] bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình; lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát thực hiện dự án đầu tư; thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình; lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát việc thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình; cấp, thanh toán, quyết toán vốn cho dự án; bố trí nguồn vốn thực hiện dự án; tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng.

3. Trong quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước và công trình phúc lợi công cộng [Chương IV] dựa trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; theo đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Công trình phúc lợi công cộng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích. Nếu việc quản lý, sử dụng gây lãng phí thì phải bồi thường và xử lý kỷ luật.

4. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên [Chương V] bao gồm các hoạt động: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác. Bên cạnh đó, Luật còn quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng tài nguyên và các nguồn năng lượng có thể tái tạo được.

5. Trong đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước [Chương VI]. Việc đào tạo nguồn lực lao động; tuyển dụng; bố trí sử dụng cán bộ công chức, viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu và khối lượng công việc. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải chấp hành kỷ luật lao động có hiệu quả, không sử dụng vào việc riêng.

6. Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp [Chương VII]. Đối với công ty Nhà nước, việc quản lý, sử dụng vốn và các quỹ; sử dụng đất, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản đất; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định, vật tư và các tài sản khác; quản lý, sử dụng các khoản chi phí đều phải tiết kiệm.

7. Trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân [Chương VIII]. Nhà nước khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng nhà ở, mua sắm phương tiện, thiết bị dùng cho đời sống sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày và trong việc cưới, tang, lễ hội hoặc các hoạt động văn hóa khác.

Các nội dung khác:

Ngoài ra Luật còn quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc cụ thể hóa, xây dựng và hướng dẫn Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;  quy định việc khiếu nại, tố cáo đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn hành vi gây lãng phí ngân sách, lao động, thời gian lao động Nhà nước và tài nguyên thiên nhiên; quy định việc bồi thường thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra; các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ...

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ CÒN TỒN TẠI MỘT SỐ HẠN CHẾ

13/09/2022 06:58

Một trong những hạn chế được Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” chỉ ra trong quá trình giám sát là cơ chế, chính sách liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn,...

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” của Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn

Đến nay, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” đã cơ bản hoàn thành các Chương trình, Kế hoạch giám sát đề ra. Thông qua việc tổng hợp, đánh giá/phân tích thông tin, số liệu cũng như kết quả giám sát chi tiết thực tế tại các bộ, ngành và địa phương, bức tranh tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021 đã được nhận diện rõ nét bao gồm cả những kết quả tích cực đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

Xác định rõ 7 trọng tâm, 5 trọng điểm trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát đã tập trung giám sát các nội dung lớn, quan trọng để xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, qua đó yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ưu tiên xử lý đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hiệu lực.

Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao quát ở phạm vi rất rộng, liên quan đến việc ban hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn;Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, ban hành chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chưa được khắc phục triệt để; Chưa kịp thời tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa cá văn bản của Đảng, Quốc hội và các Chiến lược ngành; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn một số nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, khó khăn trong quá trình thực hiện;…

Theo ông Bùi Đức Thụ, đại biểu Quốc hội khóa XIII, thành viên Đoàn giám sát, những tồn tại, thách thức còn nhiều, trong đó có bất cập về cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chưa phù hợp; có cả vướng mắc do công tác quản lý điều hành, tổ chức thực hiện. Vì vậy, hoạt động giám sát chuyên đề này không chỉ vì mục tiêu nêu bất cập, tồn tại, mà còn là cơ hội để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp hoàn thiện thể chế, hiệu quả hơn.

“Những tiêu chí đo lường đánh giá thực hành tiết kiệm chống lãng phí vẫn chưa thực sự hiệu quả. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành đã lâu, chưa được sửa đổi, bổ sung, văn bản hướng dẫn ít,…” đại biểu Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cũng đưa ra nhận định, nếu vẫn còn tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư như hiện nay thì lãng phí là điều trông thấy trước. Việc chậm trễ ban hành nghị định quy định chi tiết ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành luật, đây là vấn đề đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhắc rất nhiều lần.

Tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp còn tồn tại

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng cho rằng, tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước còn tồn tại.

Theo Báo cáo Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, trong giai đoạn 2016 -2020 đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 27.374 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt bất cập cơ chế, chính sách đối với nhiều lĩnh vực được kiểm toán như: Đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý tiền lương, biên chế; quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA; cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học, bệnh viện công lập;…

Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội

Trực tiếp tham gia Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nêu thực tế việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức rất thấp, lạc hậu, nhiều năm chưa được sửa đổi, bổ sung; việc áp dụng các định mức, tiêu chuẩn chưa phát huy được tính dẫn dắt, phần lớn các định mức, tiêu chuẩn căn cứ vào ngắn hạn chưa căn cứ vào tính dài hạn, có định mức mới ban hành đã lạc hậu; đại biểu đề nghị cần xây dựng chiến lược về tiêu chuẩn hóa quốc gia về vấn đề này.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 chưa bảo đảm đồng bộ

Qua giám sát, Đoàn giám sát chuyên đề cũng đưa ra nhận định, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 chưa bảo đảm đồng bộ với một số Luật liên quan như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các tài nguyê [Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước; Tài nguyên Internet; Phổ tần số vô tuyến điện;…]. Đồng thời, hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng các tài nguyên chưa được quy định cụ thể để làm tiêu chí đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, một số đạo luật không đi vào cuộc sống hoặc chậm triển khai thực hiện, gây ách tắc ảnh hưởng lớn đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: Luật Quy hoạch, Luật đầu tư theo phương thức công tư; Luật Đất đai,…

Ngoài ra, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hàng năm và 5 năm, Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các bộ, ngành, địa phương ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua giám sát giai đoạn 2016-2021 các Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và của bộ, ngành, địa phương hàng năm và 5 năm đều ban hành chậm theo quy định tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 8/4/2014 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thậm chí một số bộ, ngành, địa phương không ban hànhchương trình theo quy định. Việc ban hành chương trình còn mang tính hình thức; mục tiêu, nhiệm vụ quy định tại các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa xác định được chỉ tiêu để đo lường đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo Chương trình làm việc Phiên họp 15, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần hai về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Những nội dung và đề xuất, kiến nghị, giải pháp tại dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề sẽ được Ủy ban Thường vụ xem xét thấu đáo làm cơ sở, tiền đề quan trọng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới./.

Lê Anh

Video liên quan

Chủ Đề