Làm theo năng lực hưởng theo lao động là gì

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Ngày Đăng: 17/12/2017 21:33 Lượt xem: 1695

Thông qua nghiên cứu sự phát triển của xã hội, C.Mác và Ăngghen đã luận giải sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người là một quá trình lịch sử tự nhiên, và xã hội loài người đã trải qua nhiều “trạng thái xã hội” (hay chính là “hình thái kinh tế - xã hội”) khác nhau. Và khẳng định chủ nghĩa tư bản không phải là trạng thái xã hội tại vĩnh viễn mà nó tất yếu sẽ được thay thế bằng một xã hội mới cao hơn, tốt đẹp hơn. Đến năm 1875, Mác phát triển thêm và khẳng định: Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản phải trải qua một thời kỳ quá độ. Đó là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội trước đến xã hội sau. Tương ứng với thời kỳ đó là một thời kỳ quá độ chính trị, nhà nước không thể làm khác hơn là chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản. 

Ở đây, xã hội mới ra đời chưa thể có đầy đủ ngay lập tức những đặc trưng kinh tế - xã hội, mà phải trải qua một quá trình xây dựng từng bước, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn bị đến hoàn bị, tùy theo điều kiện phát triển của lực lượng sản xuất và bản thân người lao động. Xây dựng thành công giai đoạn cao, Mác dự đoán khái quát rằng: “Trong một giai đoạn cao hơn của xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi mà sự phụ thuộc có tính chất nô dịch con người vào sự phân công lao động của họ không còn nữa và cùng với nó, sự đối lập giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng không còn nữa; khi mà lao động trở thành không những là một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó còn là một nhu cầu bậc nhất của đời sống; khi mà cùng với sự phát triển toàn diện của cá nhân, sức sản xuất của họ ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào, chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên mình lá cờ: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!” .

Kế thừa quan điểm của Mác, Lênin cho rằng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” chính là: “Khi người ta đã rất quen tôn trọng những quy tắc cơ bản của đời sống chung trong xã hội, và năng suất lao động của người ta đã lên cao đến mức người ta sẽ tự nguyện làm hết năng lực” . Nói chung, đặc trưng của giai đoạn này là: lực lượng sản xuất phát triển cao, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất phải thực sự được xác lập, con người phát triển toàn diện, lao động là một nhu cầu của cuộc sống, phân phối “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Vận dụng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong quá trình đổi mới Đảng ta đã từng bước xác định rõ hơn những chặng đường mà dân tộc phải trải qua trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V trên cơ sở tổng kết quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước năm 1975 và trên phạm vi cả nước sau năm 1975, đã khẳng định rằng nước ta mới chỉ bước vào chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lâu dài. Trong Báo cáo chính trị của Đại hội V nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu đúng và cụ thể hóa đường lối chung và đường lối kinh tế, căn cứ vào đường lối để vạch ra chiến lược kinh tế- xã hội, những kế hoạch phát triển, những chủ trương, chính sách và biện pháp lớn cho cả nước, cũng như cho từng ngành, từng lĩnh vực, sát với những điều kiện lịch sử cụ thế của đất nước, với những yêu cầu và khả năng của nhân dân ta cho từng chặng đường, ...Về kinh tế, kết hợp phát triển, sắp xếp lại, cải tạo kinh tế, đặc biệt là tập trung sức phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp bước một bước lên sản xuất lớn XHCN trong một cơ cấu công, nông nghiệp hợp lý, kết hợp ngay từ đầu nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng, ...” .

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã nhận định: Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở nhận định đúng đắn những quan điểm cơ bản của tình hình cách mạng nước ta, Đảng đã kịp thời quyết định thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đề ra đường lối chung và đường lối kinh tế cho cả thời kỳ quá độ. Nhưng việc đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất nước đã có nhiều thiếu sót. Đó chính là do đặc điểm quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì vậy chúng ta  chưa có tiền đề về cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội do chủ nghĩa tư bản tạo ra. Đối với những nước đã qua chế độ tư bản hoặc chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở mức trung bình cũng không thể thiết lập ngay lập tức chế độ công hữu trong toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, với xuất phát điểm thấp Việt Nam không thể nhanh chóng xây dựng chế độ công hữu mà phải trải qua một thời kỳ lịch sử lâu dài, thực hiện các hình thức quá độ gián tiếp. Từ đó, thông qua mỗi bước đi, mỗi hình thức quá độ để tạo điều kiện cho nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển. Chính vì không nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt của phương thức sản xuất mà trước đây chúng ta đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí trong thiết lập chế độ công hữu.

Trước thực trạng đó, Đại hội VI (tháng 12 năm 1986) - Đại hội đổi mới, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo phương thức “phát triển rút ngắn” của cách mạng Việt Nam đã được Đảng chính thức khẳng định với việc sử dụng cụm từ “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Khi đó, với nhận định rằng, ngày nay, chúng ta đã có những điều kiện để hiểu biết đầy đủ hơn về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đảng đã khẳng định: Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua thời kỳ quá độ là một tất yếu khách quan, và độ dài của thời kỳ đó phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước. Thời kỳ quá độ ở Việt Nam, “do tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đương nhiên phải lâu dài và rất khó khăn” . Đó là cả một thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Nội dung cơ bản của đường lối cách mạng đó đã được Đảng xác định là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng (cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá), thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa” . Và chỉ rõ: nhiệm vụ chủ yếu của chặng đường đầu tiên là xây dựng những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết để triển khai CNH – HĐH trên quy mô lớn.

Nội dung cơ bản của đường lối cách mạng đó đã được Đảng cụ thể hoá hơn tại Đại hội VII (tháng 6 năm 1991). Đảng đã tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo phương thức “phát triển rút ngắn”. Rằng, “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa  xã hội”- đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.

Với khẳng định đó, Đảng đã chỉ rõ, quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo phương thức “phát triển rút ngắn” đòi hỏi chúng ta “phải tiếp tục nâng cao ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng vật chất và trí tuệ của dân tộc đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tìm tòi bước đi, hình thức và biện pháp thích hợp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” nhằm mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hoá phù hợp, làm cho Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu của chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh chặng sau” .

Từ Đại hội VIII của Đảng năm 1996, đất nước ta đã chuyển sang chặng đường mới đẩy mạnh CNH - HĐH, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Trong chặng đường hiện nay còn phải tiếp tục hoàn thành một số nhiệm vụ của chặng đường trước.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (Bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội IX đã khẳng định rõ: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn đân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta rở thành một nước công nghiệp hiện đại theo hướng CNH, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Sau hơn 30 năm đổi mới vị thế của Việt Nam đã khác, chúng ta đã thoát khỏi nhóm các nước nghèo, ngày càng có vị trí quan trọng trên trường quốc tế. Điều đó đặt ra những thuận lợi và thách thức mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Ðường lối kinh tế với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã giúp chúng ta chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp thời chiến sang một nền kinh tế thời bình, kế hoạch hóa trên cơ sở phát huy các thành phần kinh tế xã hội, giải phóng sức lao động, tạo điều kiện cho sức sản xuất phát triển... Nhưng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa có mô hình sẵn, chưa phải một đường lối kinh tế đầy đủ, một định hướng rõ ràng để chỉ đạo nền kinh tế phát triển. Do đó, Đảng ta khẳng định rõ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chính là: “Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người là nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên” . Đại hội XII của Đảng tiếp tục phát triển nhận thức lý luận và cụ thể hóa trong những quyết sách và định hướng quan trọng, bảo đảm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, phát triển đất nước nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa và chỉ rõ: “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử” .

Thạc sĩ Trần phương Linh

                      Giảng viên khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh