Làm thế nào để bảo vệ nguồn nước ngầm

TN&MTNgày nước thế giới năm 2022 có chủ đề là Nước ngầm. Chủ đề này nhằm thu hút đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong việc hoạch định chính sách và phát triển bền vững. Nhân sự kiện này, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.

Ảnh minh họa

Phóng viên: Xin ông cho biết, hiện trạng nguồn nước ngầm ở nước ta hiện nay như thế nào?

TS. Triệu Đức Huy: Tại Việt Nam, nước ngầm càng ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH. Theo điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia, tổng tài nguyên dự báo NDĐ của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm [250,7 triệu m3/ngày], trong đó, nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm [189,3 triệu m3/ngày]. Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm [9,9 triệu m3/ngày], còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm [61,2 triệu m3/ngày].

Với nguồn nước phong phú như vậy, tỉ lệ sử dụng nước ngầm tương đối lớn. Theo thống kê, lượng NDĐ được khai thác để cấp nước cho đô thị hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lượng nước cấp. Phần lớn các đô thị sử dụng nguồn NDĐ đều có công suất khai thác nhỏ, từ 5.000 - 15.000 m3/ngày đến từ 20.000 - 40.000 m3/ngày. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có tổng công suất khai thác lớn hơn [TP. Hà Nội đang khai thác khoảng 1,3 triệu m3/ngày, TP. Hồ Chí Minh khoảng 600 nghìn m3/ngày]. Các vùng hiện đang khai thác NDĐ nhiều nhất là Đồng bằng Bắc bộ, Đồng bằng Nam bộ và Nam Trung bộ - Tây Nguyên, đây là các vùng tập trung dân cư và kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, khoảng 62% người dân nông thôn được cấp nước sạch, hầu hết nguồn cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là NDĐ.

Tuy nhiên, nước ngầm đang chịu những sức ép lớn về suy giảm mực nước/cạn kiệt tầng chứa nước; gia tăng ô nhiễm, nhiễm mặn các tầng chứa nước và sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình. Việc khai thác quá mức NDĐ mà không có sự kiểm soát chặt sẽ gây ra một số tác động như: Làm thấp mực NDĐ do việc khai thác nước ngầm tràn lan, không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước ngầm tại khu vực cạn kiệt dần và làm thấp mực nước ngầm; ảnh hưởng tới công trình khai thác nước ngầm. Cụ thể, khi một công trình khai thác nước ngầm đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp, do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình, đồng thời khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.

So với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn, nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thẩm thấu lớn, làm cho nước mặt thấm xuống nhiều cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Bên cạnh đó, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước, làm ô nhiễm NDĐ. Cùng với đó, quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thủy lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm,… Theo đó, khi NDĐ đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài, tốn kém.

Phóng viên: Dự báo tài nguyên nước ở Việt Nam năm 2022 có cải thiện hơn so với những năm trước đây không, thưa ông?

TS. Triệu Đức Huy: Biến đổi khí hậu gia tăng đang gây ra những tác động sâu sắc đến TNN. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, có khả năng tác động mạnh lên TNN và làm cho những vấn đề vốn rất nghiêm trọng nêu trên đây càng nghiêm trọng hơn, nhiều vấn đề về TNN hiện chỉ tiềm ẩn ở dạng các nguy cơ thì có thể trở thành hiện thực. Năm 2022, do các yếu tố khí hậu gây ra với thời tiết cực đoan, tình trạng hạn hán, thiếu nước cũng sẽ diễn ra ở nhiều nơi và hoạt động khai thác NDĐ gia tăng ở các khu đô thị, trung tâm như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long.

Phóng viên: Những vấn đề cần cảnh báo về việc khai thác nước ngầm ở nước ta là gì, thưa ông?

TS. Triệu Đức Huy: Một trong những tác động lớn nhất do khai thác nước ngầm ở nước ta hiện nay là vấn đề cạn kiệt NDĐ và gia tăng ô nhiễm NDĐ, nguy cơ xâm nhập mặn và sụt lún nền đất. Các vấn đề trên đã và đang xảy ra, đặc biệt ở nhiều đô thị có hoạt động khai thác nước ngầm lớn như ở: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu,… Việc khai thác nước ngầm ở nhiều nơi chưa hợp lý cả về vị trí, bố trí các công trình cũng như mật độ khai thác, lưu lượng khai thác đã làm mực nước một số nơi suy giảm dẫn đến cạn kiệt NDĐ và mực nước hiện nay ở một số tầng chứa nước khai thác đang bị hạ thấp liên tục theo thời gian. Điển hình như khu vực Hà Nội, mực nước ở các tầng chứa nước khai thác chính tốc độ hạ thấp ghi nhận 0,4 mm/năm, TP. Hồ Chí Minh khoảng 0,6 mm/năm, Cà Mau khoảng 1 m/năm. Bên cạnh đó, chất lượng nước ngầm cũng được Trung tâm giám sát thường xuyên bằng mạng lưới quan trắc cố định cũng như các số liệu quan trắc từ các mạng địa phương và kết quả phân tích giám sát cho thấy chất lượng nước ngầm ở một số khu vực đã phát hiện ra nhiều vấn đề như nhiễm bẩn NDĐ ở nhiều khu đô thị như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn,… Vấn đề nhiễm mặn NDĐ ở khu vực như: Hải Phòng; Vinh [Nghệ An]; Đồng Hới [Quảng Bình]; Đồng bằng sông Cửu Long; TP. Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Theo ông, cần phải thực hiện những giải pháp cấp bách nào để bảo vệ nguồn nước ngầm?

TS. Triệu Đức Huy: Theo tôi, cần có các giải pháp đồng bộ từ trung ương tới địa phương, tiến hành song song các giải pháp về quản lý và giải pháp về kỹ thuật để quản lý, bảo vệ bền vững nguồn NDĐ.

Giải pháp quản lý: Hoàn thành chính sách pháp luật, chiến lược về TNN; chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn; đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát và bảo vệ TNN, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia; ứng dụng khoa học - công nghệ và các nguồn lực hợp tác quốc tế trong công điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Giải pháp kỹ thuật: Xây dựng quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch TNN lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch TNN của tỉnh, thành phố; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng TNN; tiếp tục và đẩy mạnh về công tác điều tra, tìm kiếm và đánh giá TNN; xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo và dự báo TNN; nghiên cứu đề xuất các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ TNN trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tùng Thư [thực hiện]

Thứ sáu, 18/03/2022 15:03

TMO - Việc khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức ở TP.HCM đang dẫn đến hàng loạt hệ quả xấu cho hạ tầng, môi trường, sức khỏe. Điều này, buộc thành phố cần có những giải pháp hiệu quả để có thể quản lý, kiểm soát được nguồn tài nguyên quý giá này.

Hiện nay, tại TP.HCM, ngay cả những khu vực đã có đường ống cấp nước, người dân vẫn dùng nước ngầm để sinh hoạt, thậm chí để ăn, uống. Nhiều gia đình không lấy mẫu xét nghiệm nên không biết chất lượng nước giếng khoan. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. 

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật [HCDC] TP.HCM cho biết: Năm 2021, HCDC kiểm nghiệm 160 mẫu nước giếng khoan nhưng chỉ có ba mẫu đạt các chỉ tiêu hóa lý, tương đương 1,88%. Trong đó, mẫu không đạt đa phần ở các quận 12, Bình Tân, Tân Bình, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn. 

Nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM vẫn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hàng ngày 

Đơn vị này cũng thông tin thêm: Trước đây, Bộ Y tế có hai bảng quy chuẩn đánh giá, một cho nước dùng để ăn uống và một cho nước dùng để sinh hoạt, trong đó có nước ngầm với các chỉ tiêu đối với nước sinh hoạt thấp hơn. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành thống nhất một quy chuẩn quốc gia về đánh giá chất lượng nước sinh hoạt, gồm 99 chỉ tiêu. Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn mới này thì 100% mẫu sẽ không đạt.

Hiện chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá nước giếng khoan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng dựa vào các chỉ tiêu về độ pH, sắt, amoni, vi sinh, kim loại nặng… có thể xác định được rằng, việc sử dụng nước giếng khoan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, người dân ở các khu vực đã được cung cấp nước máy thì nên ưu tiên sử dụng nước máy.

Không chỉ lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây ra nhiều hậu quả xấu về môi trường, như ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây sụt lún nền đất. Theo các nghiên cứu của Trường đại học Bách khoa TP.HCM , việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm xâm nhập mặn ở H. Bình Chánh, Nhà Bè và gây ô nhiễm ở khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình… Ở một số nơi của quận Tân Bình, ô nhiễm chì, nhôm trong nguồn nước đã lên đến 8mg/lít, cao gấp 40 lần hàm lượng cho phép [0,2mg/lít].

Để bảo vệ nguồn nước ngầm, từ năm 2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1242 về kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất đến năm 2025. Tuy vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý. Hiện nay, có hai nhóm đối tượng sử dụng nước ngầm, gồm doanh nghiệp và người dân. 

Để tiến tới mục tiêu chấm dứt khai thác nước ngầm các nhà máy nước trên địa bàn thành phố phải đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân 

Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có kế hoạch giảm khai thác nước ngầm hàng năm, mức giảm dựa vào điều kiện thực tế chứ không phải ý muốn chủ quan của doanh nghiệp. Như hiện nay, ở huyện Bình Chánh, do nguồn nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên phải giảm từ từ chứ không thể cắt ngay. Qua rà soát, kiểm tra, sở cấp phép theo hướng giảm dần lưu lượng khai thác, thời hạn cấp phép tối đa hai năm, sau đó sẽ xem xét lại.

Với người dân, việc quản lý nước ngầm chủ yếu là bằng tuyên truyền, vận động. Hàng năm, sở phối hợp với địa phương rà soát danh sách hộ dân đã có nước máy thì vận động bỏ giếng khoan. Theo khảo sát, sản lượng khai thác nước ngầm của hộ dân đến nay đã giảm được 81%. Sở đã lập kế hoạch hỗ trợ các hộ dân trám lấp giếng khoan với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, đã trình UBND thành phố.

Giải pháp được các chuyên gia cho là hiệu quả trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như sức khỏe của các hộ dân là phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân, vì còn nhiều người suy nghĩ “dùng nước giếng để tiết kiệm được phần nào hay phần đó”.

Nếu cho người dân hiểu rõ về chất lượng nước ngầm, hậu quả, nhiều người sẽ chọn dùng nước sạch, hoặc ngành tài nguyên - môi trường nghiên cứu tăng mức phí sử dụng nước ngầm thì dân sẽ cân nhắc lợi ích, chọn dùng nước máy. Nhiều trường hợp sử dụng nước ngầm để chăn nuôi, tưới tiêu, nếu chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn họ tận dụng nước mưa thì họ sẽ làm, vừa được việc cho mình, vừa giảm ngập nước. 

Thế Quyền

Video liên quan

Chủ Đề