Kế tên 3 hành động bạn có thể làm để góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Chương trình COP 26 của Truyền hình QHVN, từ những câu chuyện thực tế, với những phân tích, bình luận có sự tham gia các chuyên gia, nhà nghiên cứu và ĐBQH để cùng đưa ra các giải pháp thực tiễn, biến cam kết thành những hành động quyết liệt nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ đề của COP 26 hôm nay là vấn đề giảm thải phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi.

Xin kính chào quý vị và các bạn! từ hôm nay 12/3, COP 26 – Chương trình chuyên biệt đầu tiên về chống biến đổi khí hậu của Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ lên sóng vào lúc 21h00 thứ 7 hàng tuần. Như chúng ta đã biết, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thuận quốc tế cùng hành động để đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, các cấp các ngành của Việt nam đều đang rốt ráo vào cuộc. Ngay từ sau khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã tích cực để thể chế hóa các quy định của pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vừa qua, Quốc hội đã sửa đổi và thông qua rất nhiều luật quan trọng để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh...Chính phủ Việt Nam cũng đã có hành động cụ thể để khẳng định quyết tâm đối với các cam kết tại COP26...Người dân và doanh nghiệp cùng với nhận thức và hành động của mình đang chung tay để chống biến đổi khí hậu…

Chương trình COP 26 của Truyền hình QHVN, từ những câu chuyện thực tế, với những phân tích, bình luận có sự tham gia các chuyên gia, nhà nghiên cứu và ĐBQH để cùng đưa ra các giải pháp thực tiễn, biến cam kết thành những hành động quyết liệt nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ đề của COP 26 hôm nay là vấn đề giảm thải phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi. 

Thưa quý vị, ngành chăn nuôi - một trong những ngành phát thải lượng metan lớn nhất - thủ phạm hàng đầu khiến Trái đất bị hâm nóng đã, đang và sẽ phải làm gì? 

Chị ĐỖ THỊ HÀ - Thôn Xuân Lôi, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên: “Đi ngủ phải đeo khẩu trang vì mùi cám khê, mùi phân lợn.”

Ông NGUYỄN VĂN HOÀN - Thôn 3, xã Nâm N’Jang, tỉnh Đắc Nông: “Đứng đây tấm 10 phút  thôi là đã thấy đau đầu không thể chịu được”

Ông Y THIỆN - Thôn Xứ Biểu, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên: "Phải làm sao để bớt cái mùi để bà con đi làm về nghỉ ngơi ăn uống cho nó khỏe”

Hàng năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường:- 73 triệu tấn chất thải rắn- 25-30 triệu khối chất thải lỏng

- Nhưng chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường

Do chưa có phương án xử lý chất thải hợp lý nên nhiều năm nay trang trại này luôn bốc ra mùi hôi thôi khiến cuộc sống của 24 hộ gia đình sống xung quanh bị đảo lộn.

Bà LÊ THỊ NHẪN - Xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông: “Từ khi có trại heo đến giờ gia đình tôi bị ảnh hưởng rất lớn, vì mùi hôi thối gọi công nhân không ai chịu tới làm.”

Ông NGUYỄN DUY HIỂN - Trưởng phòng TNMT huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông: “Qua những lần làm việc với chủ trang trại thì ông ấy cũng thừa nhận nhưng thiếu sót gây ra trong quá trình kinh doanh gây ảnh hưởng đến hộ dân xung quanh, cũng đã cam kết là sẽ khắc phục nhưng việc khắc phục diễn ra rất hạn chế.”

Còn với trang trại này, dù đã đầu tư làm hồ xử lý nước thải nhưng vẫn không đủ chứa, dẫn tới nước thải bị rò rỉ ra ngoài khi trời mưa gây ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ có vậy, mùi hôi bốc ra hàng ngày đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của rất nhiều hộ quanh đó.

Ông LÊ VĂN SANG - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Bông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên: “Xã đã có biên bản, cũng đã làm việc nhắc nhở nhưng thực trạng ảnh hưởng từ phân của trang trại không giảm.”

Nguồn chất thải vượt quá khả năng chịu tải của tự nhiên đã gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước đến mức báo động, gây sức ép tới môi trường, đe dọa tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

PGS.TS TRƯƠNG MẠNH TIẾN - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: “Chăn nuôi sản sinh ra những khí gây hiệu ứng nhà kính như Co2 rồi metan hết sức nguy hiểm cộng với thế giới, với sự phát thải như thế này sẽ tác động trực tiếp khiến cho nước biển dâng, nhiệt độ trái đất cũng sẽ tăng cao lên.”

Ông TĂNG THẾ CƯỜNG - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Việc phát triển chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi bò trâu, tức là những loại ăn cỏ thì có lượng phát thải rất lớn và phát thải khí metan là nhiều nhất. Có thể nói lượng phát thải khí metan của ngành trồng trọt và chăn nuôi chiếm tới 40,5%...”

Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi. Vậy với tổng khối chất thải khoảng 73 triệu tấn sẽ phát thải vào không khí hơn 17,5 triệu tấn CO2.

Nếu hơn 17,5 triệu tấn CO2 phát thải vào không khí mỗi năm, thì tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi tới môi trường lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế-xã hội của nước ta, đây quả là một thách thức không nhỏ khi Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và trước hết là cam kết cắt giảm 30% khí mêtan trước năm 2030.

1. Thực trạng chung về vấn đề chất thải trong chăn nuôi ở VN sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc Việt Nam tham gia COP26 thưa Thứ trưởng?

2. Chúng ta đang có những chế tài xử lý đối với việc vi phạm xử lý chất thải trong chăn nuôi cụ thể như thế nào? Những chế tài đã thực sự phù hợp chưa thưa ông?

3. Thưa ông, ngoài giải pháp trên, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đang triển khai những giải pháp nào khác để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường? 

Thưa quý vị, để giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, sử dụng hệ thống khí sinh học trong quản lí chất thải và ủ phân thành phân bón hữu cơ là hai lựa chọn hàng đầu được ưu tiên trong chăn nuôi để thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính hiện nay.

Theo nghiên cứu, các loài động vật nhai lại như trâu, bò, cừu, chiếm đến 80%  tổng lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi. Nhận thức rõ điều này, ngoài việc nghiên cứu để nâng cao chất lượng giống bò, những năm qua, trung tâm sản xuất tinh bò chất lượng cao xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội luôn chú trọng vào việc tìm các phương pháp xử lý chất thải hiệu quả. Mô hình đệm lót sinh học là phương pháp hữu hiệu nhất được trung tâm sử dụng vài năm nay. Lớp men sinh học có kèm theo mùn cưa, trấu, có tác dụng phân huỷ phân và nước thải từ chuồng trại, giúp không phát tán mùi hôi và ô nhiễm ra môi trường.

Ông VŨ VĂN HẢI - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội: “Trước đây, chúng tôi sử dụng nhiều biện pháp, nhưng mà cho đến Đệm lót sinh học thì tôi thấy là biện pháp hữu hiệu nhất. Việc đầu tiên là giảm thiểu lực lượng lao động và công việc lao động cho công nhân. Rồi tiết kiệm điện nước, thứ 2 trong quá trình sử dụng thấy không còn mùi, chứ trước đây mùi trong chuồng rất khó chịu,cái đó tôi thấy là rất là tốt cho môi trường, ruồi muỗi là cũng không còn..”

Đặc biệt, khi chất thải được ủ thành phân hữu cơ lại được tái sử dụng để thay thế cho phân bón hoá học, phục vụ bón lót cho cây cỏ voi, cây ngô – là nguồn thức ăn chính cho bò. Phần còn lại sẽ bán ra thị trường giúp gia tăng kinh tế. Khi sử dụng nguồn phân hữu cơ đã mang lại nguồn lợi kép đó là cải thiện chất lượng đất, tiếp tục giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất cây trồng.

Ông LÊ VĂN CHIẾN - Giám đốc Trung tâm Sản xuất tinh bò chất lượng cao, Công ty CP Giống gia súc Hà Nội: “Toàn bộ chất thải, sau khi dùng men vi sinh để làm chất độn sinh học, sau đó 2-3 tháng chúng ta đem ra đồng bãi, bón lót cho cỏ voi, cỏ ghile và cây ngô, thì ta không phải dùng phân đạm, phân lân. Khi bón thì giúp cho cây trồng phát triển rất là tốt, đất sẽ không bị chua, giảm chi phí tiết kiệm rất nhiều... ”

Bên cạnh việc sử dụng phương pháp xử lý chất thải, việc điều chỉnh chế độ ăn của bò nhằm làm giảm khí mêtan trong quá trình lên men của dạ cỏ, giảm tác động tiêu cực đến môi trường cũng là yếu tố rất quan trọng. Ngành chăn nuôi hiện nay cũng đang rất tích cực nghiên cứu về vấn đề này.

Qua thực tế ghi nhận tại các địa phương, việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp cũng đem lại hiệu quả tối ưu trong xử lý chất thải chăn nuôi. Là tỉnh thuần nông, với ngành chăn nuôi phát triển mạnh, Hải Dương hiện có nhiều cơ sở chăn nuôi lớn có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. Với quy mô đàn lợn hơn 7000 con, trong hệ thống chuồng trại rộng 5,4 ha, cơ sở này đã áp dụng nhiều phương pháp như: sử dụng máy tách ép phân, ủ phân bằng men vi sinh, xây dựng hệ thống hầm biogas, xử lý nước thải bằng công nghệ mới...trong một quy trình khép kín. Đầu tiên là sử dụng máy tách ép phân, để tách phân thải thành dạng lỏng và dạng rắn. Phần chất rắn sẽ được tiếp tục ủ men để trở thành phân hữu cơ, còn chất lỏng được xả vào hầm biogas và đưa qua hệ thống máy năng lượng cơ học lượng tử để lọc, tách các tạp chất trong nước thải để cho ra nguồn nước tại hệ thống các hồ điều hoà ít tác động tới môi trường nhất. 

Ông NGUYỄN ĐẮC VIÊM - Giám đốc Công ty CP Giống và thiết bị chăn nuôi Hưng Huy, tỉnh Hải Dương: “Muốn kinh tế bền vững, thì chúng tôi cũng xác định vấn đề môi trường phải được đảm bảo. Chúng tôi cũng tích cực đầu tư hệ thống xử lý chất thải, từ máy tách phân, đến ủ men sinh học hay hệ thống hầm biogas và xử lý nước thải...Nguồn kinh phí thì chúng tôi cũng phải bỏ ra ít nhất 1/10 chi phí xây dựng cơ bản để xử lý chất thải...Điều này thì cũng giúp cho vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi một cách hiệu quả nhất...”

Ông VŨ VĂN HOẠT - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hải Dương: “Trước đây ở Hải Dương chăn nuôi mang tính chất hộ gia đình, và các hộ thường thải trực tiếp ra môi trường, nhưng hiện nay chúng tôi cũng tập trung và phát triển nhiều trang trại quy mô lớn thì chất thải chăn nuôi đang ủ và thậm chí là ép và xử lý triệt để vừa tiêu diệt mầm bệnh, phục vụ cho trồng trọt tốt. Mặt khác các tiến bộ mới mà các trang trại đầu tư vào cho hiệu quả rất tốt đối với môi trường, đối với nước thải ra rất đảm bảo, như ta thấy yếu tố mùi cũng không còn...”

Ngoài đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, các trang trại lớn tại Hải Dương hiện cũng đang sử dụng men vi sinh cho vào khẩu phần ăn của đàn lợn để hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá, giảm thiểu lượng khí metan. 

Thưa quý vị, là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Do đó, để đạt được mục tiêu NET ZERO – tức là phát thải ròng bằng 0, ngành nông nghiệp toàn cầu cần phải thay đổi chiến lược phát triển, chuyển đổi mô hình sản xuất, hướng tới phát triển xanh và bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu.

KHÍ THẢI TỪ NÔNG NGHIỆP - NHỮNG CON SỐ ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương thực Liên hợp quốc (FAO), lượng khí thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng gần gấp đôi trong vòng 50 năm qua và có thể tăng thêm 30% vào năm 2050. Nông nghiệp chiếm 23% lượng phát thải khí nhà kính do con người tạo ra dưới dạng oxit nitơ từ đất, phân bón và phân chuồng, cũng như khí mê-tan từ chăn nuôi và trồng trọt. Riêng khí mê-tan từ chăn nuôi chiếm 14,5% lượng khí nhà kính

THẾ GIỚI CAM KẾT HÀNH ĐỘNG

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Scotland , hơn 100 quốc gia đã ký Cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu, đặt ra mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane vào năm 2030 so với mức năm 2020. 

CAM KẾT CỦA VIỆT NAM

Cũng tại Hội nghị này, lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm khí mê-tan. 

Để thực hiện cam kết tại COP26,  đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát các nỗ lực đóng góp giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, bảo đảm mục tiêu thực hiện cam kết, trong đó có giảm khí methane trong nông nghiệp đến năm 2030; 

Rà soát các dự án trao đổi tín chỉ carbon từ rừng theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng tín chỉ thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm quyền lợi và khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển rừng; 

Chủ trì triển khai Ý định thư và các sáng kiến đã tham gia tại COP26 thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp từ nay đến năm 2030 phải xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, đóng góp vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON

Như vậy để có thể hiện thực hóa những cam kết tại Cop26, một trong những việc quan trọng Việt Nam cần phải làm ngay đó là đẩy mạnh việc xây dựng Thị trường Tín chỉ Carbon và đưa vào vận hành trong thực tiễn. Bởi việc phát triển thị trường các-bon nội địa không chỉ giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà còn tận dụng được các cơ hội tài chính để phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu bảo vệ mội trường.

Theo Điều 17 của Nghị định thư Kyoto, thị trường các-bon được hiểu là việc cho phép các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn/ít hơn mục tiêu cam kết. Do đó, trên thế giới đã xuất hiện một loại hàng hóa mới, được tạo ra dưới dạng tín chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính qui đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên thường gọi đơn giản là mua bán, trao đổi các-bon. Việc mua bán này hình thành nên thị trường các-bon. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế cho phát triển thị trường các-bon tự nguyện. 

Ông TĂNG THẾ CƯỜNG - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước chia ra 02 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến năm 2027: (1) Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; (2) Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; (3) Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; (4) Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025, dự kiến cho một số lĩnh vực có các doanh nghiệp gây phát thải lớn như lĩnh vực thép, xi măng, nhiệt điện; (5) Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon. Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028.”

Cũng theo ông Tăng Thế Cường, trong giai đoạn đầu vận hành thị trường các-bon các doanh nghiệp chăn nuôi, trồng trọt chưa phải thực hiện trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch được phân bổ.  Tuy nhiên dự kiến các cơ sở chăn nuôi bò có số lượng đầu con từ 500 trở lên; cơ sở chăn nuôi lợn có số lượng đầu con xuất chuồng hằng năm từ 12.000 trở lên sẽ được bổ sung vào danh mục các cơ phải thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

TƯƠNG LAI CỦA NĂNG LƯỢNG

Cùng với việc xây dựng thị trường carbon, phát triển năng lượng tái tạo được coi là vũ khí hữu hiệu chống biến đổi khí hậu. Đối với ngành chăn nuôi, năng lượng tái tạo từ khí thải của phân chuồng, rác, nước thải... không chỉ giúp giảm lượng khí nhà kính thoát ra khí quyển mà còn góp phần tăng thu nhập cho nông dân, cho các trang trại chăn nuôi và cơ sở xử lý chất thải. 

Công nghệ khí sinh học (biogas) được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý chất thải chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi lợn với qui mô đàn trên 20 con/ trại nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và tận dụng khí sinh học như một nguồn nhiên liệu đốt chính trong gia đình. Việc chuyển hóa phân lợn thành khí đốt không chỉ có tác dụng giảm đáng kể ô nhiễm môi trường nông thôn, mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Ðun nấu bằng khí sinh học nhanh, không khói, bụi, giảm các bệnh về phổi và mắt cho người dân. 

Ông NGUYỄN VĂN LUẬN - Xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương: “Quan điểm của tôi khi xây dựng trang trại phải có một điểm xử lý chất thải  bằng biogas là rất tốt, sẽ có một nguồn để đun nấu như trang trại của tôi thì một năm nếu tiết kiệm cũng được 5 -7 triệu. Nếu mùa măng có khi luộc măng mấy xoong thì có một ngày mất khoảng 1 bình gas là mất khoảng hơn 300.000. Mà khi chất thải ra là rất sạch sẽ cho môi trường, giữ được môi trường rất trong lành, tránh được ô nhiễm cho không khí và nước.”

Hiện nay, sử dụng năng lượng từ hầm biogas để vận hành máy phát điện cũng là mô hình hiệu quả đang được áp dụng tại nhiều trang trại chăn nuôi lớn ở nước ta. Khi nguồn gas sử dụng không hết, cơ sở chăn nuôi này đã tận dụng chạy máy phát điện phục vụ cho việc thắp sáng trang trại và sưởi ấm cho đàn lợn trong mùa lạnh. Giải pháp này vừa tiết kiệm được chi phí cho chăn nuôi, vừa giúp cho trang trại chăn nuôi không phải đốt bỏ khí gas dư thừa, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường không khí.

Ông NGUYỄN ĐẮC VIÊM - Giám đốc Công ty CP Giống và thiết bị chăn nuôi Hưng Huy, tỉnh Hải Dương: “Với phân ủ mục thì mình bán trực tiếp cho trang trại họ chăn nuôi và trồng trọt. Khí thì mình tiết kiệm được vài ba chục triệu tiền điện cũng như sưởi ấm, tái sử dụng cấp điện cho 3 khu trại lợn, thì tôi dùng khí biogas để phát điện”

Một lợi ích khác nữa khi áp dụng máy phát điện khí sinh học cũng được ghi nhận là chủ trang trại không phải mua máy phát điện dự phòng lên đến hàng trăm triệu mà có khi một năm chỉ dùng vài ba lần. 

Thưa quý vị, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vẫn hiện hữu, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sẽ là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước ta phát triển bền vững. Đặc biệt giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người

Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm, kết hợp ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành những giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Những năm qua, nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn như: vườn ao chuồng biogas, vườn ao chuồng rừng, hay vườn ao hồ …đã được nhiều nông hộ và trang trại chăn nuôi triển khai hiệu quả.  

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Luận ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương rộng trên 2 ha. Từ khi đầu tư xây dựng mô hình vườn ao chuồng biogas, hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Luận đã có sự thay đổi rõ rệt. Hiệu quả nhìn thấy rõ nhất là môi trường sống đã được cải thiện. Nuôi 20 lợn nái, mỗi năm xuất ra ngoài thị trường hơn 200 con lợn thịt, thế nhưng gia đình ông Luận và các hộ xung quanh không phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc của phân chuồng. Giải pháp xây dựng hầm biogas kết hợp với vườn – ao – chuồng đã giúp gia đình ông giải quyết tốt vấn đề chất thải chăn nuôi. 

Với chăn nuôi truyền thống, bà con sẽ xử lý chất thải từ động vật bằng cách xả trực tiếp xuống ao, ra đồng ruộng, kênh mương hoặc làm phân bón trực tiếp cho cây. Đó chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Với mô hình tuần hoàn này, tất cả chất thải chăn nuôi lợn đã được xử lý trong hầm biogas, tránh được ô nhiễm nguồn nước ngầm một cách hiệu quả. Biogas tuy không mang lại thu nhập kinh tế trực tiếp nhưng nó lại tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho gia đình ông Luận (như tiết kiệm thức ăn cho cá và khí đốt cho gia đình).

Ông NGUYỄN VĂN LUẬN - Xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương: “Chất thải rửa chuồng thì gia đình làm biogas cho chất thải xuống để lấy gas đun nấu trong sinh hoạt. Nước thải ra thì qua 3 bể, thì bể thứ 3 gia đình cho xuống ao, lấy màu cho cá ăn. Gia đình có một ao sản xuất cá thương phẩm và một ao giống, ao 1mẫu 2. Thu nhập cá 10 tấn/1 năm thì cũng được 20-30 triệu…”

Chất thải của lợn còn được ông Luân xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ cho trồng trọt, trả lại độ phì cho đất, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất.

Ông NGUYỄN VĂN LUẬN - Xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương: "Gia đình trồng 50 hốc măng/ 1 vụ thu được hơn 20 tấn bán trung bình 15k/1kg – 30triệu. Khi phân được qua ủ, khi mình vun cho cây măng, cây măng ăn vào sạch, không hoá chất, không ảnh hưởng đến sức khoẻ
Mô hình chăn nuôi tuần hoàn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 500 – 600 triệu/1 năm cho gia đình Luân. Hơn thế nó còn góp phần giữ gìn môi trường nông thôn trong lành, xanh, sạch."

Ông LÊ VĂN DUẨN - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương: “Sự cản thiện về môi trường nông thôn như thế nào khi triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn” 

Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn đã làm giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn thực sự đã mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường nói chung và cho hộ chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên việc phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn ở nước ta vẫn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao, do chăn nuôi nhỏ lẻ. Để đẩy mạnh hình thức chăn nuôi này chắc chắn phải có những giải pháp căn cơ và thực chất. 

1/ Xin ông cho biết thêm những lợi ích về kinh tế và môi trường khi phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn đã mang lại?

2/Hiện nay có những khó khăn gì trong việc triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi thưa ông?

3/ Để khuyến khích, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp, nhằm bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trong nông nghiệp thì chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách gì thưa ông?

Thưa quý vị, theo số liệu thống kê, một nửa lượng khí thải nhà kính do chăn nuôi tạo ra trên toàn cầu là từ gia súc như trâu, bò thải ra. Trung bình, một con bò thịt có thể thải ra 20kg khí metan mỗi năm từ quá trình lên men của dạ cỏ. Việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng các công nghệ mới được đánh giá là giải pháp hữu ích nhằm giảm khí thải mê-tan và sản xuất năng lượng sạch. Vậy công nghệ đó là gì, các nhà khoa học Na Uy sẽ mang đến cho chúng ta câu trả lời.  

Mới đây, một công ty công nghệ của Na Uy đã tìm ra cách nhằm ngăn phát thải khí mê-tan trong chăn nuôi bò, bằng cách sử dụng tia sét nhân tạo. Công nghệ này có tên là N2, hiện đang thử nghiệm ở một số trang trại trên khắp châu Âu. 

Tại một trang trại ở Anh, 200 con bò sữa đang cung cấp “nguyên liệu thô” đó là phân. Phân sau khi được thu gom, sẽ được chuyển qua máy N2, đặt trong thùng vận chuyển có kích thước tiêu chuẩn. Nitơ từ không khí và dòng điện plasma 50kw giúp loại bỏ cả khí thải mêtan và amoniac.

Ông CHRIS PUTTICK - Giám đốc phát triển kinh doanh, ứng dụng công nghệ N2: “Về bản chất, chúng tôi dùng tia sét để đánh tan chất thải gia súc và loại bỏ các khí thải độc hại như mêtan và amoniac. Khi chúng tôi thêm nitơ từ không khí vào phân, nó sẽ thay đổi môi trường để ngăn chặn quá trình sản sinh metan về cơ bản. Vì vậy, nó ngăn chặn sự phân hủy của các vi khuẩn mêtan sau đó giải phóng ra không khí.”

Chất thu được từ chiếc máy là một chất lỏng màu nâu không mùi, được gọi NEO - một loại phân bón hữu cơ giàu nitơ. Loại phân bón này có hàm lượng nitơ cao gấp đôi so với phân đạm thông thường; một trong những loại phân bón được sử dụng phổ biến nhất để thúc đẩy sản xuất ngô, cải dầu và các loại cây trồng khác.

Ông CHRIS PUTTICK - Giám đốc phát triển kinh doanh, ứng dụng công nghệ N2: "Với chiếc máy này, chúng tôi đang tạo ra plasma, về cơ bản giống như tia sét vậy. Chúng tôi tạo ra plasma trong phần này của máy và ép nó đi qua chất thải, ở giai đoạn thứ hai của quá trình, đó là quá trình hấp thụ. Và đó là nơi chúng tôi loại bỏ cả khí thải mêtan và amoniac.'

Các cuộc thử nghiệm độc lập cho thấy công nghệ N2 giúp giảm phát thải khí metan từ phân bò tới 99%, đồng thời giảm tới 95% lượng khí thải ammoniac – vốn được EU mô tả là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe. Mô hình thương mại của thiết bị này dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất đại trà vào tháng 6/2022.

ĐIỀU ĐÓ PHỤ THUỘC HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN

Thưa Quý vị! Mới đây, được sự ủng hộ và chỉ đạo của Chính quyền địa phương, một dự án được khởi xướng bởi mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cùng với một số tổ chức xã hội và người dân  đã cải tạo một bãi rác ở Bờ vở Sông Hồng thành một không gian xanh, sạch và đa chức năng, gợi ý một giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường, gắn kết con người với thiên nhiên, giúp cho người dân, đặc biệt ở khu vực thành phố, có thêm không gian công cộng tươi xanh, trong lành. 

Nếu chỉ nhìn vào khung cảnh này, chắc nhiều người không thể tưởng tượng được mới chỉ cách đây hơn 3 tháng, đây là địa điểm từng bị bỏ hoang, ô nhiễm môi trường, ngập ngụa rác thải, nước thải, bốc mùi khó chịu. Cây cối mọc dại um tùm, khiến nơi này khó tiếp cận và ai cũng ngần ngại bước đến

Ông NGUYỄN TIÊU QUỐC ĐẠT, Đồng sáng lập Think playgrounds: “Chúng tôi muốn cải tạo không gian này để Hà Nội đáng sống hơn. Nhưng làm thế nào? Thì sáng kiến của Think Playgrounds là dùng vườn rừng cộng đồng để kết nối người dân lại, hoạt động làm vườn thu hút nhóm các cụ, thủ lĩnh của cộng đồng … bên cạnh đó chúng tôi dùng sân chơi, để cho trẻ em. Hai nhóm tuổi được quan tâm, là người già và trẻ em, tạo nên sức hút…”

Dọn và vận chuyển 200 tấn rác khỏi khu dự án; Thiết kế và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; Thiết kế và lắp đặt sân chơi cho trẻ em; Thiết kế và triển khai khu vườn rừng cộng đồng; Hoàn thành 84 mét đường đi bộ dọc bờ tường và đường kết nối trong khu vườn rừng. Đó là các hạng mục quan trọng được hoàn thành chỉ trong 3 tháng của Dự án cải tạo bãi đất ô nhiễm do rác thải thành không gian công cộng đa chức năng ở khu vực Bờ vở sông Hồng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Dự án được khởi xướng bởi mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và được triển khai bởi bốn tổ chức Think Playgrounds, Keep Hanoi clean, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) và Doanh nghiệp xã hội ECUE.

Ông NGÔ NHƯ Ý, Tổ trưởng tổ 5, khu dân cư Bạch Đằng 1, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội: “Dự án có ý nghĩa rất lớn, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe. Thứ hai là tạo chỗ cho người già, trẻ em vui chơi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid này. Thứ ba, đem lại nét đẹp cho thành phố.… ”

Ông NGUYỄN VĂN VĨNH, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội: “Hôm nay, quy mô thí điểm làm ở khu này trước, sau đó nếu tốt, chúng ta sẽ làm toàn tuyến. Dự án này là xã hội hóa 100%, bằng vật chất, bằng sức lực của cả chúng ta và các tổ chức nữa …”

Tuy chỉ cải tạo một đoạn Bờ vở sông Hồng với chiều dài hơn 100 m, nhưng điều mà mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cùng các tổ chức muốn hướng đến là tạo một mô hình quản lý, bảo vệ, cải tạo môi trường với sự tham gia của cộng đồng để các cơ quan chức năng tham khảo, nhân rộng trên toàn thành phố.

Dự án đã gợi ý một giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường, gắn kết con người với thiên nhiên, giúp cho người dân thành phố có thêm không gian công cộng tươi xanh, trong lành.

 Vâng, những hình ảnh thật là đẹp và ý nghĩa! Thưa quý vị, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra theo như giới chuyên gia nhận định: có tốc độ nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử trái đất. Những cam kết và hành động mang tính lịch sử của tất cả chúng ta hôm nay sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau. Việt Nam cần phải tiếp tục có những hành động và giải pháp gì để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, tiến tới đạt được những cam kết đã thoả thuận tại COP 26? Đây sẽ là nội dung được chúng tôi tiếp tục bàn luận trong các số tiếp theo của chương trình COP26, phát sóng vào 21h00 thứ 7 hàng tuần. Đến đây Chương trình cop 26 ngày hôm nay xin được kết thúc. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn!