Hỏi nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng xác định con đường cách mạng cơ bản của miền Nam là

Sau khi ký Hiệp định Genève năm 1954, quân và dân ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định. Trái lại, cả Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng thừng tuyên bố không bị ràng buộc bởi những điều khoản của Hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu những người cộng sản, cán bộ kháng chiến và người dân yêu nước sử dụng đấu tranh chính trị, đòi dân sinh, dân chủ, hoà bình. Tình hình này diễn ra trong một thời gian dài làm cho phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề.

Mặc dù năm 1956, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ đã viết “Đề cương cách mạng miền Nam” đề cập đến vấn đề bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang, song chúng ta vẫn chưa sử dụng hình thức đấu tranh vũ trang một cách mạng mẽ, thích hợp để đối phó với sự đàn áp, khủng bố tàn bạo của kẻ thù, nên cách mạng miền Nam vẫn tiếp tục bị tổn thất.

Trong hai năm 1957-1958, Đảng có tổ chức những cuộc họp bàn về vấn đề cách mạng miền Nam nhưng chủ trương, biện pháp đấu tranh vẫn chưa thay đổi. Tình hình cách mạng miền Nam trầm lắng, nhân dân miền Nam vẫn nghiêm túc chấp hành chủ trương đấu tranh của Đảng, không manh động. Vì thế, chỉ thị của Xứ uỷ Nam Bộ về tổ chức các lực lượng vũ trang theo hướng tinh giảm, và các tổ chức vũ trang chính quy hay địa phương quân đều phải nằm ở con số tối thiểu từ tiểu đoàn đến trung đoàn và vũ khí trang bị đều hạng nhẹ. Tin tức tình báo của chính quyền Sài Gòn thời kỳ này cho biết rằng “tại các phân khu thuộc Nam phần, Việt cộng có ra kế hoạch tổ chức và võ trang các đơn vị Việt cộng như sau:

Tổ chức: địa phương quân: chỉ được phép tổ  chức đến trung đội; chủ lực quân: chỉ được phép tổ chức đến tiểu đoàn;

Phân chia lực lượng: mỗi phân khu chỉ được thành lập một trung đội chủ lực; mỗi thị trấn chỉ được tổ chức đặc công quân, quân số từ 1 bán đội đến 2 tiểu đội, các đội xung kích đã tổ chức từ trước phải giải tán để gia nhập vào địa phương quân; mỗi tỉnh chỉ được thành lập nhiều trung đội địa phương, nhưng tổng số không quá một tiểu đoàn; mỗi xã chỉ được thành lập từ 1 bán đội đến 1 trung đội, tuỳ theo sự cần dùng của xã.

Võ trang: địa phương quân: trang bị vũ khí hạng nhẹ; chủ lực quân: trang bị vũ khí hạng nhẹ đến hạng trung; đặc công quân (hoạt động trên các thị trấn) trang bị các loại vũ khí bộc phá”[i].

Nhận được những kiến nghị khẩn thiết của các tổ chức Đảng và của cán bộ, đồng bào, chiến sĩ miền Nam yêu cầu phải nhanh chóng thay đổi hình thức đấu tranh, trên cơ sở xem xét thực tế tình hình, Bộ Chính trị đã cử ra một tổ tập trung nghiên cứu, đề xuất chủ trương, hình thức và phương pháp đấu tranh mới cho cách mạng miền Nam để đưa phong trào cách mạng thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, phát triển đi lên.

Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15, đã xác “định con đường phát triển của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng ở miền Nam; xác định mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở miền Nam và miền Bắc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà”[ii].

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 kết thúc đợt 1 (họp từ 12 đến 22-1-1959) chưa ra Nghị quyết chính thức. Nhưng tinh thần cơ bản của Nghị quyết đã được Ban lãnh đạo Xứ uỷ Nam Bộ đem về truyền đạt ở miền Nam. Vì thế, thực tế diễn biễn cho thấy, từ giữa năm 1959 trở đi đã có hàng loạt cuộc đấu tranh mang tính bạo lực của quần chúng nổ ra ở các địa phương như Minh Thạnh (Tây Ninh), Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một), Gò Quản Cung, Gò Măng Đa (Đồng Tháp), Tà Lốc, Tà Léc (Bình Định), Tam Ngân (Bình Thuận), Nóc Ông Tía, Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Về phía chính quyền Sài Gòn dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, năm 1958 được xem là năm thịnh nhất của nền Đệ nhất. Nhưng thời gian “ổn định” ấy không kéo dài được lâu. Từ giữa năm 1959, các cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam ngày càng có dấu hiệu mạnh mẽ và rõ rệt. Để đối phó với “sự phá rối của Việt công”, loại hết “Việt cộng” ra khỏi miền Nam, tháng 4 năm 1959, chính quyền Sài Gòn thông qua luật số 91. Luật ấy được ban hành ngày 6-5 -1959 mang tên luật 10/59 về việc thành lập các “toà án quân sự đặc biệt”. Theo luật 10/59, tội xử chỉ có hai mức là tử hình và khổ sai chung thân. Xét xử chỉ được phép kéo dài tối đa 3 ngày, không có giảm khinh, không có kháng cáo, bản án thi hành ngay. Luật này áp dụng cho tất cả mọi người được coi là phạm tội ác chiến tranh chống lại cái gọi là “nhà nước Việt Nam Cộng hoà”. Chính quyền miền Nam tổ chức những đội vũ trang có nhiệm vụ chống cộng đưa về các địa phương. Các đội này hoạt động rất tích cực và dùng nhiều biện pháp giết người bị lên án.

Sự khủng bố dã man mà chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm áp dụng ở miền Nam đặc biệt là miền Tây đe doạ sự sống còn của cách mạng miền Nam. Hàng loạt cán bộ, chiến sĩ bị bắt và bị giết, ở nhiều địa phương lực lượng cách mạng bị thiệt hại tới 80% hoặc là gần như 100%.

Chỉ sau hơn một tháng áp dụng luật 10/59, phía chính quyền Sài Gòn đã đạt được những “thành quả” vô cùng to lớn, họ “vui mừng” tổng kết tin tức tháng 6 năm 1959, rằng: “nhờ ở đường lối khôn khéo của chính quyền cùng sự tích cực hoạt động của quân đội, bảo an và dân vệ và toàn thể các cơ quan an ninh ta, nên một số lớn cán bộ Việt cộng đã lần lượt sa lưới, và mọi hành động quân sự của chúng hầu bị tê liệt.

Thêm vào đó, phong trào dân chúng biểu tình ủng hộ đạo luật 10/59 khiến tinh thần bọn cán bộ Việt cộng nằm vùng bị giao động hoặc nằm lì để dò dẫm sự biến chuyển của tình hình. Đồng bào địa phương nhiều nơi rất có cảm tình với chính phủ, đã không ngần ngại gián tiếp giúp tay với quân đội và chính quyền hương thôn vạch mặt, chỉ tên bọn cán bộ nằm vùng kể trên.

Riêng về phía địch, ta chưa thấy một phản ứng rõ rệt nào trước các kế hoạch bình định của ta. Các hoạt động quân sự, phá hoại và bắt cóc so với các tháng trước đã giảm tới 2/3. Sự kiện này chứng tỏ Việt cộng miền Nam đang sống những phút hồi hộp, tinh thần bị giao động, đang chờ quyết định của thượng cấp của chúng.

Tóm lại, so với mấy tháng trước, tinh thần địch, sức hoạt động của cán bộ Việt cộng nằm vùng tỏ ra kém sút hoàn toàn”[iii].

Qua tháng 7 cùng năm hoạt động nằm vùng của lực lượng cách mạng miền Nam tiếp tục đi xuống:

“Kể từ khi đạo luật 10/59 của chính phủ ban hành trong toàn quốc và nhất là các tỉnh miền Tây Nam phần, tình hình tương đối khả quan, năng suất hoạt động của địch bị kém sút hẳn trên mọi phương diện.

Các đơn vị võ trang cũng như các cán bộ nằm vùng hầu như rút vào tư thế trường kỳ mai phục, không dám ngang nhiên xuất đầu lộ diện như mấy tháng trước.

Sự kiện này chứng minh tinh thần số đông cán bộ Việt cộng bị hoang mang giao động, mặt khác có thể các cơ quan đầu não của chúng đã thay đổi chiến lược bằng cách cho cán bộ nằm im để nghe ngóng tình hình, hòng chờ thời cơ tiếp tục hoạt động trở lại.

Về phía nhân dân, trừ một thiểu số bị Việt cộng mê hoặc còn thì đã ý thức được chủ trương và đường lối của chính phủ cộng hoà nhân vị, nhờ đó, sau các đợt biểu tình ủng hộ đạo luật 10/59, họ đã không ngần ngại trực tiếp hoặc gián tiếp vạch mặt chỉ tên bọn cán bộ nằm vùng đã sống công khai hoặc bán hợp pháp tại mỗi địa phương, khiến cho con số cán bộ Việt cộng cốt cán bị bắt đã tăng lên gấp ba, bốn lần so với những tháng trước, như tại An Xuyên, Kiên Giang, Kiến Hoà, Định Tường, Vĩnh Bình và Bình Dương”[iv].

Đến tháng 8 năm 1959, cách mạng miền Nam vẫn đang bị bao phủ bởi một bầu không khí u ám, mù mịt khi mà “nhiều cán bộ Việt cộng bị bắt hoặc bị giết, một số khác ra đầu thú, nhiều cơ sở của chúng bị phá huỷ, một số lớn võ khí bị ta tịch thâu” [v].

Đến lúc này, không thể chần chừ, không thể kéo dài thêm thời gian, Đảng ta liền triệu tập đợt 2 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (từ ngày 10 đến 15-7-1959), lúc này Nghị quyết 15 được chính thức thông qua và phổ biến ngay sau khi kết thúc cuộc họp đợt 2. Nghị quyết 15 khẳng định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; dự kiến xu hướng phát triển từ đồng khởi của nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Ở miền Nam, từ tháng 8-1959, chính quyền Sài Gòn cũng “cảm nhận” thấy sự thay đổi khi nhận định rằng “các cán bộ cao cấp của chúng, vẫn tận dụng hết mọi khả năng để hướng dẫn và lãnh đạo đảng viên tích cực thi hành chính sách phá hoại hầu gây rối chính quyền ta” [vi].

Có Nghị quyết 15 soi đường, Xứ uỷ Nam Bộ mạnh dạn lãnh đạo nhân dân đấu tranh theo chủ trương và đường lối mới của Đảng. Trước hết là đấu tranh chính trị, trong tháng 8-1959, lực lượng cách mạng miền Nam nhắm mục tiêu phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khoá II của chính quyền Sài Gòn. Kế hoạch này được chia làm hai giai đoạn: “giai đoạn 1: phát động một cách rầm rộ và sâu rộng trong quần chúng chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, giáo dục đồng bào không hưởng ứng việc bầu cử; giai đoạn 2: võ trang bạo động, tấn công các đồn lẻ của Bảo an và Dân vệ, chận đánh các toán tuần tiễu của ta, khủng bố đồng bào không cho đi bỏ phiếu, cướp đoạt thẻ cử tri và kiểm tra” [vii]. Cuộc đấu tranh chống lại cuộc bầu cử Quốc hội khoá II của chính quyền Sài Gòn “đã được phần nào kết quả trên phương diện rải truyền đơn, căng biểu ngữ …”[viii]. Ngoài vận động nhân dân chống lại cuộc bầu cử quốc hội Sài Gòn, phía cách mạng còn sử dụng nhiều biện pháp khác để gây dựng lại cơ sở như “Việt cộng còn lợi dụng đoàn thể thanh niên cộng hoà để lồng càn bộ nòng cốt vào để hướng dẫn, gây cơ sở và làm nội tuyến; chúng còn cho cán bộ ra quy thuận, sống công khai hợp pháp để sau này ngấm ngầm hoạt động cho cộng sản”[ix].

Phối hợp với cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không ngừng lên tiếng tố cáo và phản đối quyết liệt việc nhà cầm quyền miền Nam áp dụng đạo luật tàn bạo dã man. Sự kiện nổi bật là Phái đoàn liên lạc của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cạnh Uỷ hội quốc tế đã gửi một bức thư đến Uỷ hội quốc tế yêu cầu Uỷ hội mở cuộc điều tra ở miền Nam và thủ tiêu đạo luật 10/59 mà chế độ miền Nam vừa ban hành. Nội dung bức thư bao gồm những điểm chính yếu như “báo cáo của Diệm còn doạ rằng, trong kỳ lưu động ở miền Tây, lần này của Toà án quân sự đặc biệt Saigon, sẽ còn nhiều đầu rơi nữa.

Theo các tin tức miền Nam, toà án tử hình Vĩnh Long đã chuyển các ông Phạm Văn Thoại, Nguyễn Văn Cương, Lữu Văn Năm và Phạm văn Thanh sang Toàn án quân sự đặc biệt.

Nhiệt độ dồn dập của những sự việc liên quan tới việc thành lập toàn án quân sự đặc biệt chứng tỏ chính quyền miền Nam công khai hoá việc dùng máy chém giết người.

Yêu cầu Uỷ hội quốc tế xét và can thiệp với chính quyền Ngô Đình Diệm thủ tiêu đạo luật này”[x].

Từ đấu tranh chính trị, tiến lên đấu tranh vũ trang là nội dung Nghị quyết 15 đã thông qua, trở thành ngọn đuốc rọi sáng cho nhân dân miền Nam thực hiện bạo lực cách mạng. Bước sang tháng 9-1959, hoạt động của cách mạng miền Nam được phục hồi rõ rệt. Phòng Tình báo chính quyền Sài Gòn phải thừa nhận rằng:

“Sau một tháng bị quân đội ta dồn ép vào thế bị động, bọn Việt cộng đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Chúng tăng cường công tác ám sát, đột kích công sở và cướp thẻ cử tri. Nhiều nơi tại Long An, Kiến Hoà và An Xuyên, Việt cộng võ trang thành từng trung đội, nghi trang quân đội cộng hoà, đột nhập vào các làng mạc, kiểm soát và tịch thâu thẻ cử tri của đồng bào rồi khua chiêng, gõ trống để làm náo động trong cả địa vùng. Đồng bào bị cướp đoạt thẻ cử tri không dám khai báo, mà chỉ khai mất vì sơ ý.

Tại Kiến Giang và An Xuyên, Việt cộng còn đột nhập vào công sở, giết hai nhân viên hành chính, dân vệ, đốt giấy tờ, cướp đoạt súng….

Tại vùng Kiến Phong, hơn bao giờ hết, Việt cộng đã bố trí những cuộc phục kích quy mô, làm thiệt hại cho ta không ít.

Trong những ngày qua, bọn chúng đã di chuyển liên tục, xuất hiện bất thường, không trú ẩn một nơi nào nhất định, khiến cho cuộc truy kích của ta thêm phần khó khăn và vất vả.

Tại Trung nguyên trung phần, vùng Quảng Ngãi, đối phương cũng đã nhiều lần xuất hiện và tổ chức phục kích các đội tuần thám của Bảo an.

Tại Cao nguyên trung phần, tương đối yên tĩnh hơn, trừ một vài vụ quấy rối một vài đồn biên giới của ta, nhưng không gây thiệt hại gì cho ta.

Chủ trương hiện tại của Việt cộng là: luôn luôn di động, để tránh truy kích, tổ chức nội tuyến, tuyên truyền đả đảo luật 10/59, cướp thẻ cư tri để cấp cho cán bộ ra sống công khai hợp pháp”[xi].

Phía chính quyền Sài Gòn cũng nhận thấy “Việt cộng đã bắt đầu thay đổi chiến lược hoạt động… Có thể rồi đây, bọn chúng còn tiếp tục đưa ra mưu lược khác để quấy rối ta, ngõ hầu phục hồi sinh lực cho bọn cán bộ của chúng sau khi bị đạo luật số 10/59 đe doạ”[xii].

Như vậy, Nghị quyết 15 năm 1959 của Đảng là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung. Từ khi có Nghị quyết 15, chuyển biển của cách mạng miền Nam ngày càng rõ rệt. Đạo luật 10/59 của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm không còn là nỗi khiếp sợ của lực lượng cách mạng miền Nam. Mà ngược lại, chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ liên tục bị “bất ngờ” và khốn đốn trước những cuộc nổi dậy khắp nơi của nhân dân miền Nam, bắt đầu bằng Đồng khởi năm 1960.

Trần Thị Vui – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

Ghi chú:

[i] Phiếu tin tức hoạt động cộng sản – Việt Minh số 1534/ĐPG/CQ/31/1/8/765/B ngày 16-9-1958, hồ sơ 5152, phông ĐICH, TTLTII.

[ii] http://www.baomoi.com/Nghi-quyet-15-cua-Dang-soi-sang-con-duong-cach-mang-Viet-Nam.

[iii] Bản tổng kết tin tức tháng 6-1959 của Nha tổng giám đốc bảo an, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[iv] Bản tổng kết tin tức tháng 7 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[v] Bản tổng kết tin tức tháng 8 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[vi] Bản tổng kết tin tức tháng 8 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[vii] Bản tổng kết tin tức tháng 8 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[viii] Bản tổng kết tin tức tháng 8 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[ix] Bản tổng kết tin tức tháng 8 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[x] Tin tức chính trị Việt cộng năm 1959 qua đài Hà Nội, hồ sơ 5735, phông ĐICH, TTLTII.

[xi] Bản tổng kết tin tức tháng 9 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.

[xii] Bản tổng kết tin tức tháng 9 năm 1959, hồ sơ 5795, phông ĐICH, TTLTII.