Giá dầu diesel hôm nay bao nhiêu tiền 1 lít

Giá xăng dầu thế giới

Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 2-1 [giờ Việt Nam], giá dầuthô ngọt nhẹ của Mỹ [WTI] giao tháng 1 đứng ở mức 75,21 USD/thùng, giảm 2,31% [tương đương 1,78 USD/thùng].

Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 2 là 77,78 USD/thùng, giảm 1,75 USD/thùng [tương đương 2,20%].

Giá dầu trong năm 2021 đã có lúc lên tới 86,70 USD/thùng. Ảnh: vanguardngr

Giá dầu trong tuần đã duy trì đà tăng và từng có thời điểm suýt chạm ngưỡng 80 USD/thùng. Sắc xanh bao phủ thị trường giá dầu bởi nhiều nguyên do. Theo nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của UBS, sự gián đoạn sản xuất ở Ecuador, Libya và Nigeria và sự kỳ vọng về một đợt sụt giảm lớn nữa trong tồn kho dầu thô của Mỹ là nguyên nhân đẩy giá dầu leo dốc.

Giá dầu cũng lấy lại đà tăng khi chính phủ các nước áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tác động của các ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục đối với tăng trưởng kinh tế, như nới lỏng các quy tắc xét nghiệm.

Giá dầu chỉ quay đầu giảm, cao nhất là 2,31% khi thị trường tiếp nhận thông tin rằng Trung Quốc nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới hạ hạn ngạch nhập khẩu dầu thô đợt đầu tiên của năm 2022 đối với các nhà máy lọc dầu độc lập tới 11%.

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu ở Nigeria cũng đã được nối lại, kèm với đó là sự tăng vọt các ca nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới, từ Úc tới Mỹ.

Dù đã có lúc trồi lúc sụt, lúc xanh lúc đỏ, cả hai mặt hàng dầu WTI và Brent đều đạt mức giá tăng trong khoảng 50-60% trong năm 2021 khi nhu cầu nhiên liệu tăng lên gần với mức trước đại dịch và sự cắt giảm sản lượng sâu trong hầu hết năm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh [OPEC +] giúp xóa bỏ tình trạng dư cung. Trong năm 2021, giá dầu Brent tăng 50,5%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2016, trong khi đó, WTI đạt mức tăng 55,5%, mức tăng mạnh nhất đối với hợp đồng chuẩn này kể từ năm 2009, khi giá tăng hơn 70%.

Đáng chú ý là, trong tháng 10-2021, cả Brent và WTI đều chạm đỉnh của năm: 86,70 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất kể từ năm 2018 và 85,41 USD/thùng đối với dầu WTI, cao nhất kể từ năm 2014.

Giá dầu có thể "ổn định" nhờ quyết sách của OPEC +? Ảnh: oilprice

Không biết liệu giá dầu sẽ còn tăng lên bao nhiêu nữa trong năm 2022 này bởi theo nhiều nhà phân tích, giá dầu có thể tăng lên tới hơn 100 USD/thùng. Tuy nhiên, OPEC + chắc sẽ không thể ngồi yên để giá dầu bị đẩy lên quá cao bởi nhóm này luôn nỗ lực bình ổn thị trường dầu.

Hiện tất cả đang chờ quyết sách từ phía OPEC + trong lần nhóm họp tới ngày 4-1 có tiếp tục tăng sản lượng lên tổng cộng 400.000 thùng/ngày vào tháng Hai.

Vua Salman của Saudi Arabia cho rằng, thỏa thuận tăng sản xuất của OPEC + là cần thiết để ổn định thị trường dầu mỏ. Iraq cũng đã lên tiếng ủng hộ việc tuân thủ các chính sách hiện tại của OPEC + để nâng sản lượng.

Nhưng việc duy trì sản lượng tăng không phải là điều dễ dàng đối với OPEC + khi mà các thành viên của nhóm cũng đang phải chật vật để đạt được mục tiêu sản xuất chung của mình.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 2-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 22.550 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.295 đồng/lít; dầu diesel không quá 17.579 đồng/lít; dầu hỏa không quá 16.518 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.740 đồng/kg.

Bắt đầu từ 2-1, theo Nghị định 95/2021 [sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu], giá bán lẻ xăng, dầu trong nước sẽ được điều chỉnh ba lần/tháng [ngày 1, ngày 11 và 21 hằng tháng], có nghĩa là 10 ngày/lần thay vì 15 ngày/lần trước đó.

Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

MAI HƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề