Đâu là nội dung quản lý nhà nước về thanh niên

Ngày hỏi:17/01/2022

Thanh niên là gì? Có độ tuổi bao nhiêu? Vui lòng cung cấp quy định về nội dung quản lý nhà nước về thanh niên?

Tại Khoản 1 Điều 4 và Điều 1 của Luật Thanh niên 2020, có quy định:

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.

Quy định về nội dung quản lý nhà nước về thanh niên

Nội dung quản lý nhà nước về thanh niên được quy định tại Điều 36 Luật Thanh niên 2020, cụ thể như sau:

1. Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên; quy định các biện pháp để thực hiện chính sách đối với thanh niên.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên.

3. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình thanh niên và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên.

5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về thanh niên.

6. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

7. Hợp tác quốc tế về thanh niên.

8. Ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chính sách đối với thanh niên.

 

Trân trọng.

         Công tác thanh niên là một loại hoạt động xã hội hàm chứa sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các chủ thể xã hội và thanh niên, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thanh niên và yêu cầu phát triển của xã hội; là quá trình tạo ra môi trường kinh tế, văn hoá, xã hội và là trường học cộng sản cho thanh niên học tập, rèn luyện và trưởng thành; là quá trình đưa thanh niên vào hoạt động thực tiễn cách mạng, đồng thời định hướng giúp thanh niên tự giáo dục, tự hoàn thiện nhân cách của mình. QLNN đối với công tác thanh niên là một dạng quản lý xã hội tổng hợp, mang tính quyền lực nhà nước đối với một đối tượng đặc trưng là thanh niên; là quá trình tác động của hệ thống các cơ quan nhà nước đối với công tác thanh niên và thanh niên bằng chính sách, luật pháp, cơ chế vận hành và tổ chức bộ máy, bằng kiểm tra, giám sát, đồng thời cũng bằng các chính sách, luật pháp, Nhà nước huy động mọi tổ chức, mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ công tác thanh niên.

       Trong nhiều năm qua, vấn đề QLNN về công tác thanh niên luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo sát sao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội, QLNN về công tác thanh niên đã đạt được thành tựu đáng khích lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; mở rộng quan hệ hợp tác về thanh niên với các nước, các tổ chức trên thế giới; góp phần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, bảo vệ thanh niên trước tác động của những tiêu cực và tệ nạn xã hội, sự tấn công của các thế lực thù địch; đề cao trách nhiệm của Nhà nước, các cấp, các ngành, gia đình, xã hội đối với thanh niên và công tác thanh niên. Vì vậy, việc chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên ngày càng đạt hiệu quả, nhưng cũng còn nhiều thách thức.

Thứ nhất, thể chế QLNN về công tác thanh niên từng bước được hoàn thiện.

Trước năm 2005, các nội dung QLNN về công tác thanh niên chưa được đề cập trong các văn bản pháp lý, công tác thanh niên chủ yếu được giao cho tổ chức Đoàn thanh niên thực hiện. Luật Thanh niên được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong QLNN về công tác thanh niên, trong đó, nội dung và trách nhiệm QLNN về công tác thanh niên bước đầu đã được luật hóa. Luật Thanh niên ra đời và việc tổ chức triển khai vào cuộc sống có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc, tạo cơ sở cho việc thực hiện QLNN về công tác thanh niên, xác lập hành lang pháp lý bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp và phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và xã hội. Nhiều quy định cụ thể về cơ chế, chính sách của Nhà nước cả ở Trung ương và địa phương đảm bảo cho thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển đã được ban hành và ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 của địa phương.

Tuy nhiên, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về QLNN về thanh niên còn mang tính định hướng, chưa đầy đủ, đồng bộ và chậm được hướng dẫn, triển khai. Luật Thanh niên có hiệu lực từ tháng 7/2006, nhưng đến nay Chính phủ mới ban hành được 03 nghị định hướng dẫn thi hành(1); nhiều bộ, ngành vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, đầy đủ để các địa phương thực hiện. Nghị định số 120/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ về công tác thanh niên, nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm phối hợp QLNN về công tác thanh niên theo ngành, lĩnh vực được Chính phủ phân công.

Thứ hai, nhiều chính sách cho thanh niên đã được ban hành thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thanh niên.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/2005/CT-TTg ngày 21/3/2005 về phát huy vai trò thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH; Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các chính sách khác có liên quan. vậy, các hoạt động của thanh niên do tổ chức Đoàn và các hội do Đoàn làm nòng cốt được chính quyền các địa phương quan tâm và tạo điều kiện hơn. Nhiều chương trình, dự án dành cho thanh niên đã được Chính phủ phê duyệt và đang được triển khai. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ cộng đồng cho các hoạt động của thanh niên được tăng cường và thu được kết quả nhất định, góp phần tạo động lực để phát triển các hoạt động của thanh niên thời gian qua.

Tuy nhiên, QLNN về công tác thanh niên còn gặp nhiều thách thức, nhiều vấn đề về thanh niên còn chậm được giải quyết như: chất lượng giáo dục - đào tạo cho thanh niên còn nhiều bất cập; công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên chưa gắn với nhu cầu thực tế, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm còn cao; nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí cho thanh niên chưa được đáp ứng đầy đủ; tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên còn diễn biến phức tạp… Bên cạnh đó, một số chính sách còn thiếu tính cụ thể, chưa sát với nhu cầu chính đáng của thanh niên và chưa được điều chỉnh kịp thời hoặc chưa được quan tâm thực hiện. Nhiều địa phương chưa có hình thức phát huy thanh niên một cách hiệu quả; chưa gắn các hoạt động của thanh niên với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngân sách dành cho công tác thanh niên còn hạn chế và thực hiện theo cơ chế lồng ghép, xã hội hóa nên còn bị động. Công tác kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách cho thanh niên ở một số nơi chưa được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Thứ ba, tổ chức, bộ máy QLNN về công tác thanh niên ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Trước đây, Chính phủ chưa giao cho một cơ quan nào thực hiện QLNN về công tác thanh niên; chỉ giao cho Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam làm nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên; vì vậy, vấn đề QLNN về công tác thanh niên chưa được cụ thể hóa và bị buông lỏng. Từ năm 2008, Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan thực hiện chức năng QLNN về công tác thanh niên; ngành Nội vụ đã tích cực triển khai kiện toàn bộ máy, tổ chức. Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập phòng Công tác thanh niên thuộc Sở Nội vụ; 700 quận, huyện đã bố trí cán bộ làm công tác thanh niên với tổng số biên chế gần 1.500 người. Bộ Nội vụ đang tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Một số bộ, ngành trung ương đã phân công công chức theo dõi QLNN về công tác thanh niên thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Tuy nhiên, bộ máy QLNN về công tác thanh niên mới được thành lập, đang trong quá trình hoàn thiện. Số lượng, chất lượng cán bộ đảm đương nhiệm vụ QLNN về công tác thanh niên ở các cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Có nơi bộ máy QLNN về công tác thanh niên chưa được đặt đúng vị trí, chức năng hoặc giao hẳn cho tổ chức Đoàn thanh niên đảm nhiệm. Ở một số bộ, ngành QLNN về công tác thanh niên được giao theo ngành, lĩnh vực lại chỉ quan tâm đến hoạt động trong phạm vi cơ quan bộ, ngành, chưa có sự chỉ đạo theo ngành dọc để triển khai tới cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công chức làm QLNN về công tác thanh niên được tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau, do mới tiếp cận công việc nên gặp nhiều khó khăn, hạn chế, lúng túng trong việc tham mưu đề xuất hoặc không xác định được công việc cụ thể để triển khai thực hiện. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác nghiên cứu, lý luận và tuyên truyền, phổ biến các kiến thức QLNN về công tác thanh niên còn nhiều bất cập; đến nay thuật ngữ “quản lý nhà nước về công tác thanh niên” vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều cán bộ, công chức.

Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong QLNN về công tác thanh niên ngày càng được tăng cường.

Chính phủ luôn quan tâm tạo cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh niên thông qua việc định kỳ hàng năm làm việc với Trung ương Đoàn. Ngày 14/12/2012, Chính phủ đã ký kết với Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quy chế phối hợp công tác giữa hai bên, trong đó giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với Trung ương Đoàn trong công tác chăm lo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; phối hợp xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách, pháp luật đối với thanh niên; quy định chế độ hội họp, cung cấp trao đổi thông tin về thanh niên và công tác thanh niên. Các bộ, ngành (từ Trung ương đến địa phương) đã ký kết nhiều nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn và Đoàn thanh niên các cấp thực hiện chăm lo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá kết quả việc thực hiện tại các địa phương, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật cho đối tượng trên.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan QLNN còn chưa chặt chẽ. Cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa Bộ Nội vụ với Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn và các bộ, ngành hữu quan với chính quyền các địa phương trong thực hiện QLNN về thanh niên chưa được quy định rõ dẫn đến một số hoạt động còn trùng lắp hoặc bỏ trống.

Trên cơ sở thực trạng và định hướng QLNN về công tác thanh niên, để góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác này trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế QLNN về công tác thanh niên; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thanh niên.

Luật Thanh niên hiện hành chỉ mới quy định về nội dung, trách nhiệm QLNN về công tác thanh niên mà chưa quy định về cơ quan QLNN về công tác thanh niên, vì vậy, cần quy định về vấn đề này trong Luật Thanh niên sửa đổi, bổ sung; quy định rõ vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ của cơ quan QLNN về công tác thanh niên với Ủy ban quốc gia về thanh niên, với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn; sớm ban hành các quy định về chế độ, chính sách phát huy vai trò của thanh niên trong giai đoạn mới nhằm cụ thể hóa chính sách, xác định rõ cơ chế, nguồn lực để các chính sách, pháp luật đó được thực hiện trong thực tế.

Hai là, thực hiện kiện toàn bộ máy, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm việc tại cơ quan QLNN về công tác thanh niên các cấp.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QLNN về công tác thanh niên cho đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp để nâng cao khả năng tham mưu, đề xuất tổ chức thực thi chính sách thanh niên. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về việc bố trí cán bộ làm nhiệm vụ này ở các bộ, ngành để tránh tình trạng lúng túng như hiện nay. Các bộ, ngành Trung ương cần bố trí, phân công cán bộ theo dõi, làm QLNN về công tác thanh niên của bộ, ngành mình để làm đầu mối phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện QLNN về công tác tới các cấp chính quyền; nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân các dự án huy động thanh niên tham gia xây dựng kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ba là, phát huy tốt cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, khoa học, hiệu quả trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách đối với thanh niên.

Cần lồng ghép chính sách thanh niên trong các chính sách phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; đưa các chỉ số của thanh niên và công tác thanh niên vào chỉ số thống kê quốc gia, trong chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp; coi việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển thanh niên là một trong những chỉ số đánh giá sự tăng trưởng của từng địa phương, đơn vị và cả nước. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm lo, giáo dục thanh niên, đặc biệt là trong định hướng về học tập, nghề nghiệp, lối sống và phòng chống các tệ nạn nhằm xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh niên. Triển khai thành lập Hội đồng công tác thanh niên ở các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác thông tin, phối hợp liên ngành trong QLNN về công tác thanh niên; có cơ chế để Hội đồng này tham gia vào quá trình ra quyết định của chính quyền về các vấn đề có liên quan đến thanh niên.

Bốn là, xây dựng cơ chế đảm bảo quyền của thanh niên trong việc tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách liên quan đến thanh niên.

Các cơ quan, tổ chức trước khi quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên phải có trách nhiệm lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát,  phản biện xã hội và có biện pháp sử dụng các kênh thông tin của các tổ chức, cá nhân (nhất là đối tượng thanh niên) trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đối với thanh niên. Tổ chức cho thanh niên tham gia xây dựng chính sách để từ đó gắn kết chính sách với cuộc sống.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, định kỳ sơ, tổng kết việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách thanh niên.

Cần kịp thời tổ chức triển khai thực hiện, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho thanh niên. Thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực thực hiện để tranh thủ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các ngành, các cấp và toàn xã hội cho công tác này. Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí và các nguồn lực khác của các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách thanh niên.

 Ghi chú:

(1) Nghị định số 120/2007/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên; Nghị định số 61/2012/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; Nghị định số 12/2011/NĐ-CP về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong.

ThS. Nguyễn Hồng Kiên Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Văn phòng Quốc hội