Đặc trưng của cộng đồng gia đình là gì

Văn hóa gia đình truyền thống là nền tảng của sức mạnh nội sinh trong doanh nghiệp quân đội

(LĐXH) - Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các yếu tố tiêu cực, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam

Văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam là toàn bộ những giá trị, chuẩn mực truyền thống của gia đình Việt Nam trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ giữa gia đình với xã hội được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội. Đó là những giá trị được kết tinh của kiểu gia đình truyền thống Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử gắn với nền văn hoá nông nghiệp lúa nước và cốt lõi quan hệ văn hoá gia đình Nho giáo phương Đông. Đặc điểm của gia đình truyền thống Việt Nam là loại gia đình hạt nhân mở rộng với đặc trưng “tam, tứ, ngũ đại đồng đường” với nhiều thế hệ cộng sinh trong một gia đình. Do có bề dày lịch sử nên các giá trị văn hoá kết tinh đã trở thành giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.  

Giá trị văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam thể hiện ở “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ” của gia đình. “Gia đạo” là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em; là cha hiền con hiếu, anh nhường em nhịn, vợ chồng yêu thương nhau, việc học tập lấy tâm, tri, năng làm gốc… “Gia phong” được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Cốt lõi của gia phong truyền thống luôn hướng tới tinh thần trọng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa. “Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử trở thành truyền thống, được cha ông chọn lựa qua nhiều thế hệ, con cháu cần noi theo. Nhờ những giá trị văn hoá đó mà gia đình truyền thống Việt Nam trở thành hạt nhân quan trọng bậc nhất của xã hội phong kiến Việt Nam. Trục quan hệ dọc Gia đình (Nhà) - Làng xã - Tổ quốc, với gia đình là nền tảng luôn là một liên kết bền vững của văn hoá Việt Nam, tạo nên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc hơn bốn ngàn năm văn hiến. Việc gìn giữ “gia đạo”, “gia phong”, “gia lễ” là động lực tinh thần to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đặc trưng của cộng đồng gia đình là gì

Ảnh minh họa

Ở thời đại nào văn hoá gia đình cũng là nền tảng cho văn hoá dân tộc Việt Nam. Văn hoá gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hoá, trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh con người. Mỗi cá nhân đều bắt đầu từ gia đình, văn hoá gia đình. Văn hoá cá nhân, văn hoá gia đình và văn hoá xã hội có mối quan hệ biện chứng, khăng khít, chặt chẽ như kiềng ba chân. Bởi vậy, gia đình tốt là bảo đảm cho cá nhân tốt, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Hay theo Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là: Gia đình (nhà) - Làng - Nước; ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ thực tế xã hội cho thấy, việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong công tác xây dựng gia đình văn hóa có đời sống kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội. Do vậy, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Văn hoá gia đình doanh nghiệp quân đội

Những yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc hòa quyện với văn hóa quân sự và những phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” có tác động lớn đến văn hóa DNQĐ, làm cho DNQĐ có văn hóa đặc thù riêng. Văn hoá DNQĐ là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của DNQĐ, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của DNQĐ; tạo nên sự khác biệt giữa DNQĐ với các doanh nghiệp ngoài quân đội và được coi là truyền thống riêng của mỗi DNQĐ. Dù hoạt động ở lĩnh vực gì thì văn hoá DNQĐ cũng luôn tồn tại và nó tồn tại chính trong mỗi thành viên của DNQĐ.

Văn hoá gia đình DNQĐ là sự phát triển của văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam. Gia đình DNQĐ là một “đại gia đình”, trong đó, sự liên kết không phải từ tiêu chí chung dòng máu mà là chung môi trường sống, chung tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, chung một truyền thống văn hóa tốt đẹp, chung một ý chí xây dựng DNQĐ. Không phải mọi doanh nghiệp đều có thể trở thành gia đình bởi chưa hẳn đã tạo được tính chất cố kết gia đình trong cộng đồng thành viên của doanh nghiệp. 

Văn hoá DNQĐ luôn chứa trong nó giá trị gia đình bởi những người xây dựng nó thấy rõ giá trị văn hóa gia đình trong văn hoá DNQĐ. Gia đình DNQĐ đã quan tâm đến từng gia đình của từng thành viên trong DNQĐ. Đến lượt nó, mỗi cá nhân, gia đình riêng của DNQĐ đều coi DNQĐ là gia đình chung của mình. Văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống thẩm thấu vào văn hoá DNQĐ, biến những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam thành giá trị văn hoá gia đình DNQĐ trong thời đại mới.

Đặc trưng của cộng đồng gia đình là gì
Ảnh minh họa

Ở DNQĐ, các thế hệ xây dựng nên DNQĐ mang bản sắc của các thế hệ trong một gia đình truyền thống. Những thế hệ tiền thân gây dựng gia đình DNQĐ trong những năm đầu khó khăn thiếu thốn đã luôn gắng sức với một niềm tin để lại gia sản cho con cháu mai sau. Những thế hệ kế tiếp luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ cha anh và bồi đắp những giá trị vật chất - tinh thần đã được cha anh khởi tạo với tinh thần quyết xứng đáng với công lao tiền nhân; đồng thời, có trách nhiệm nuôi dưỡng những giá trị mới cho đời sau.

Những dấu ấn văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam có thể nhận thấy trong đời sống của DNQĐ trong các phạm trù cơ bản “gia đạo”, “gia lễ”, “gia phong” từ truyền thống đến hiện đại. Lãnh đạo, chỉ huy DNQĐ luôn nhận thấy trách nhiệm làm “gia chủ” và xứng đáng với sự gương mẫu của cha, anh trong chuẩn mực “gia đạo”, “gia lễ”, “gia phong”, giành được sự cảm phục, trân trọng, phục tùng của cấp dưới trong DNQĐ. Mọi thành viên từ lãnh đạo, chỉ huy đến mọi cán bộ, chiến sĩ, người lao động đều sống, làm việc với niềm tự hào và trách nhiệm theo chuẩn mực văn hoá gia đình DNQĐ.

Vào “Ngày hội gia đình DNQĐ”, những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tặng quà mừng thọ tứ thân phụ mẫu của người lao động, nuôi dưỡng cả đời mẹ Việt Nam anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ gia đình người lao động trẻ vượt khó, chính sách tạo công ăn việc làm cho con em trong DNQĐ... là những nét văn hoá độc đáo, là đặc trưng riêng của văn hoá gia đình DNQĐ. Đó chính là chất kết dính các thành viên, kết dính xã hội với DNQĐ, tăng thêm sức mạnh cho sự phát triển bền vững của DNQĐ. Cái đáng nói nhất là tầm nhìn của những người xây dựng văn hoá DNQĐ đã ý thức sâu sắc giá trị cốt lõi nhất của văn hoá gia đình truyền thống trong một hoàn cảnh nền kinh tế thị trường dễ bị chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng chi phối để làm lu mờ các giá trị truyền thống gia đình.

Văn hóa gia đình truyền thống đối với sự phát triển của DNQĐ

Văn hóa gia đình hòa quyện với văn hóa DNQĐ đã tạo nên tính độc đáo, trở thành sức mạnh nội sinh, nền tảng cho sự phát triển bền vững, thành công; là nhân tố tạo nên sự đoàn kết gắn bó nghĩa tình giữa các thế hệ trong Đại gia đình DNQĐ. Khi đã hàm chứa văn hóa gia đình bên trong, văn hóa DNQĐ có vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của DNQĐ. Nó giúp DNQĐ trường tồn vượt xa cuộc đời của những người sáng lập. Ta có thể thấy rằng, văn hóa gia đình trong văn hóa DNQĐ là một tài sản vô giá và có vai trò to lớn đối với DNQĐ. Điều này được thể hiện ở chỗ:

Văn hóa gia đình trong DNQĐ tạo nên sự khác biệt của thương hiệu DNQĐ với lợi thế cạnh tranh lớn: Tổng hợp các yếu tố gắn kết, điều phối, kiểm soát, tạo động lực... làm tăng hiệu quả hoạt động và tạo sự khác biệt trên thị trường. Hiệu quả và sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường.

Văn hóa gia đình góp phần làm cho văn hóa DNQĐ vừa là mục tiêu vừa là công cụ để điều phối, kiểm soát, giảm xung đột, gắn kết nội bộ, thu hút nhân tài, giữ vững niềm tin của đối tác để DNQĐ phát triển. Do có sự thấm nhuần của văn hóa gia đình mà văn hóa DNQĐ được hình thành và duy trì, nó sẽ điều phối và kiểm soát hành vi cá nhân bằng các câu chuyện, truyền thuyết; các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc... Trong trường hợp phải ra một quyết định phức tạp, văn hoá DNQĐ giúp DNQĐ thu hẹp phạm vi các lựa chọn phải xem xét.

Đặc trưng của cộng đồng gia đình là gì
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, văn hóa gia đình là keo gắn kết các thành viên của DNQĐ. Nó giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi trong nội bộ DNQĐ phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hoá gia đình trong DNQĐ chính là yếu tố giúp mọi người hoà nhập và thống nhất... Mặt khác, với các lõi giá trị, các trụ cột, các nền tảng vững chắc, với phương châm, chiến lược sản xuất kinh doanh và quan điểm lãnh đạo, quản lý phù hợp đã được xác định trong văn hóa DNQĐ, chính văn hóa gia đình trong DNQĐ sẽ thu hút nhân tài, giữ chân thành viên của mình và giữ vững niềm tin của đối tác để phát triển.

Là nền tảng tinh thần to lớn, văn hóa gia đình cùng văn hóa DNQĐ đã và đang tạo nên động lực đổi mới, sáng tạo để phát triển và hội nhập. Trong môi trường văn hóa này, mọi thành viên của DNQĐ thấy rõ mục tiêu, định hướng và ý nghĩa to lớn của công việc mình làm; tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên và một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh, có kỷ cương, tình thương, trách nhiệm ở DNQĐ như ở gia đình mình.

Trong sức hấp dẫn và sự lan tỏa của các giá trị văn hóa, mọi thành viên của DNQĐ có cảm giác mình làm công việc có ý nghĩa, hãnh diện, vinh dự, tự hào vì là một thành viên của Đại gia đình DNQĐ. Trong khi tình trạng “chảy máu chất xám” ở xã hội đang lan tràn, con người đang vì lợi ích cá nhân mà “tham vàng bỏ ngãi”, chỉ chạy theo thu nhập vật chất thì cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động ở DNQĐ đang hướng đến một môi trường bền vững, hài hòa cả giá trị vật chất và tinh thần. Khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một DNQĐ với môi trường hoà đồng, dân chủ, kỷ luật, được tôn trọng và tạo điều kiện phát triển toàn diện như ở chính gia đình mình.

Lê Duy Dũng - Cao Thị Hồng Hạnh