Công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam tư năm 1911 đến năm 1930 là

Những cống hiến lịch sử của Nguyễn Ái Quốc vào quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

11:05 05/02/2018
[...] Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên đã ý thức được sự cần thiết phải có Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

  • Giá trị dân tộc và thời đại trong quyết định lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc
  • Sự sáng tạo mới về hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
  • Nguyễn Ái Quốc - Những năm tháng gian khó

Sự ra đời của các Đảng chính trị là sự phản ánh trình độ trưởng thành nhất định của cuộc đấu tranh giai cấp hay dân tộc, khi các lực lượng chính trị ý thức sâu sắc được mục đích của mình, thấy rõ sự cần thiết phải liên kết lại trong một tổ chức chặt chẽ nhằm thống nhất tư tưởng và hành động để lôi cuốn quần chúng tham gia đấu tranh cho những mục đích mà họ theo đuổi.

Ở châu Âu, các chính đảng tư sản xuất hiện khá sớm, từ cuối thế kỷ XVIII, trong thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp 1789. Các đảng công nhân xuất hiện muộn hơn, phải trải qua giai đoạn đấu tranh từ tự phát đến tự giác, vượt qua thời kỳ “đồng côpếc đầm lầy” đến với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản theo đúng những nguyên tắc về chính trị, tư tưởng, tổ chức của V.I.Lênin để trở thành một đảng mácxít kiểu mới,… đó là cả một quá trình lịch sử lâu dài, từ những năm 30 của thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.

Bìa cuốn “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ở Việt Nam, theo nhận định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ khi Pháp xâm lược, phong trào yêu nước của Việt Nam phát triển mạnh, nhưng “đó là một sự hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần Vương”, mà “không có một tổ chức nào như một đảng”. Đúng là trước khi Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu năm 1925, ở Việt Nam chưa thật sự xuất hiện một tổ chức nào đáng gọi là một chính đảng theo đúng nghĩa của nó.

Năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga, ở Việt Nam dấy lên phong trào Đông Du, tiếng là phong trào nhưng không có tổ chức[...]. Khi Pháp – Nhật cấu kết với nhau trục xuất Phan Bội Châu và số học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật, thì phong trào cũng tan.

Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, Phan Bội Châu có lập ra Việt Nam Quang Phục hội [tháng 5-1912] với tôn chỉ “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hòa dân quốc”. Nhưng như Phan Bội Châu đã tự thừa nhận: Hội “mới lọt lòng mẹ ra, mới thử một tiếng khóc thì đã biết triệu chứng là khó sống lâu rồi”.

Sau khi cụ Phan bị bắt vào ngục Quảng Đông, “hội viên bảy rơi, tám rụng, Quang Phục hội chỉ thành ra một bậc thần vị để tế ở trên bàn mà thôi”. Sau này, khi thấy phong trào đã nghiêng về xu hướng cách mạng thế giới, Phan Bội Châu dự định cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Việt Nam Quốc dân Đảng theo mẫu của Tôn Trung Sơn, nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã bị bắt, đưa về Việt Nam.

Phan Chu Trinh đã viết: “Ngày nay, muốn độc lập, tự do, phải có đoàn thể,…” nhưng ông chỉ mới nói mà chưa làm. Còn Đảng Lập hiến [1923] thì như Nguyễn Ái Quốc nhận định “đó không phải là một đảng có tổ chức, mà đơn thuần, một vài nhà trí thức theo kiểu Pháp đặt tên đảng. Những thủ lĩnh của đảng này là những người theo quốc tịch Pháp”. Dù sao thì các đảng kiểu đó cũng không thể lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, bởi nó thiếu một đường lối chính trị và tổ chức đúng đắn, chặt chẽ, lại không có cơ sở rộng rãi trong quần chúng, thường chỉ có danh không có thực, nên sớm muộn cũng đều tan rã và thất bại.

Nguyễn Ái Quốc, ngay từ khi về Quảng Châu mở các lớp huấn luyện chính trị, đã đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?” và Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”.

Người chỉ ra tấm gương của cách mạng Nga: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng [công nông] làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc không những là người Việt Nam đầu tiên nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết phải có đảng lãnh đạo mà còn chỉ ra rằng, đảng đó phải là một đảng kiểu mới, tức là phải khác về chất so với các đảng, các hội chỉ tồn tại trên danh nghĩa trước đây. Sự khác biệt đó, như Người đã chỉ ra:

- Đó là Đảng phải biết lấy dân chúng công nông làm gốc, phải được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lênin.

- Đảng đó phải được tổ chức chặt chẽ, bền vững, thống nhất, đảng viên của Đảng phải bền gan, phải hy sinh.

- Đảng phải biết tổ chức, vận động dân chúng trong nước làm cách mạng đồng thời biết liên lạc, đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đầu năm 1930 chính là được xây dựng trên những nguyên tắc chỉ nam đó.

Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đã sớm khẳng định sứ mệnh lịch sử và vai trò cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

[...] Nguyễn Ái Quốc sang phương Tây sau Phan Chu Trinh 2 tháng, nhưng không phải trong vai thân sĩ mà trong tư cách người công nhân lao động, từng bước tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đầu tiên gia nhập Công đoàn Lao động Hải ngoại ở Anh, rồi đến với phái tả của cách mạng Pháp, sớm trở thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa, chiến đấu cho lợi ích của giai cấp công nhân và những người lao động.

Sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu và viết nhiều bài nghiên cứu về phong trào công nhân Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… từng bước nhận thức về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới. Cuối năm 1922, được tin 600 thợ nhuộm Chợ Lớn quyết định bãi công, Nguyễn Ái Quốc coi đó là dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam “giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình”…

Theo Người, “những công nhân bản xứ khốn khổ kia, thường là rất ngoan ngoãn, dễ sai, dễ bảo, không được giáo dục và tổ chức, đã đi đến chỗ phải tập hợp nhau lại…” thì chúng ta phải “ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại”, và nhiệm vụ của những người lao động ở chính quốc “không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức”.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra đời là để gánh vác nhiệm vụ của lịch sử đó: giáo dục cho giai cấp công nhân về ý thức và phương pháp tổ chức, đúng như điểm 1 của Sách lược vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”.

Đến đây, giai cấp công nhân Việt Nam, thông qua lãnh tụ và Đảng của mình, đã có sự chuyển biến từ tự phát đến tự giác, ngày càng được tôi luyện và trưởng thành qua đấu tranh: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”.

Thứ ba, kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước như là quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là một cống hiến lịch sử của Nguyễn Ái Quốc.

V.I.Lênin đã nói, ở các nước tư bản phát triển, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân.

Còn ở Việt Nam, trong điều kiện một nước nông nghiệp, thuộc địa, nửa phong kiến, công nghiệp chưa phát triển, vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam tuy đã ra đời, nhưng còn rất nhỏ bé [theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc, vào khoảng 2% dân số], làm thế nào để xây dựng được một chính đảng thực sự là đảng của giai cấp công nhân?

Bằng kinh nghiệm đã qua của bản thân mình: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đi tới một sáng tạo lớn: đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để từng bước đi tới chuẩn bị thành lập một Đảng của giai cấp công nhân ở Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 [chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh].

Sau khi Quốc tế III được thành lập, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ nhất các dân tộc phương Đông họp tại Ba Cu [tháng 9-1920], các Đảng Cộng sản Inđônêxia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… lần lượt được thành lập. Nhưng Nguyễn Ái Quốc không vội vã bởi Người đã nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của cách mạng thế giới và những chuyển biến mới trong phong trào cách mạng Việt Nam.

Các cuộc vận động cứu nước từ cuối thế kỷ trước sang đầu thế kỷ này tuy liên tiếp bị đàn áp nhưng tinh thần yêu nước của dân ta lúc nào cũng sôi nổi. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào có xu hướng ngả về cách mạng thế giới. Sau tiếng bom của Phạm Hồng Thái, thanh niên trong nước lại nô nức tìm đường đến Quảng Châu.

Nguyễn Ái Quốc đã có mặt đúng thời điểm này để kịp thời tập hợp những thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết, có chí khí cách mạng, nhưng đang thiếu người hướng đạo, đưa họ vào một tổ chức quá độ là “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn, chuẩn bị những hạt giống cho sự ra đời của “một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”.

Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện chính trị, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về lý luận Mác – Lênin, về lịch sử phong trào cách mạng thế giới, về đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam… rồi đưa họ về nước, đi vào phong trào công nhân, thực hiện “vô sản hóa” về tư tưởng và nếp sống, vừa tự rèn luyện trong thực tế, vừa tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện được sứ mệnh là người gieo những hạt giống của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất của chủ nghĩa yêu nước đã được chuẩn bị sẵn.

Việc chỉ trong một thời gian ngắn từ giữa năm 1929, đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản, dù họ có tranh luận, chỉ trích nhau gay gắt nhưng với sự xuất hiện kịp thời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, họ đã thống nhất lại thành một đảng duy nhất. Điều đó chứng tỏ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hiện tượng đã chín muồi và hợp quy luật mà bộ phận ưu tú do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu chỉ làm nhiệm vụ thúc đẩy cho nó mau tới mà thôi.

Mặt khác, việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến việc thành lập Đảng ta là một cống hiến lịch sử, một sáng tạo độc đáo, có giá trị đóng góp vào lý luận xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân ở những nước thuộc địa và phụ thuộc có hoàn cảnh tương tự như nước ta.

Thứ tư, ngay từ đầu vừa thành lập, Nguyễn Ái Quốc đã dày công xây dựng, giáo dục Đảng ta thành một Đảng Mác – Lênin trong sạch, cách mạng triệt để.

Để xứng đáng là một Đảng Mác Lênin, đội tiên phong của giai cấp vô sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Đảng phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, đó chính là thực chất của vấn đề giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đối với những Đảng ở những nước chậm phát triển, giai cấp công nhân còn nhỏ bé thì đa số đảng viên xuất thân từ những thành phần xã hội ngoài công nhân, đó là điều dễ hiểu. Nhưng yếu tố quyết định bản chất giai cấp công nhân của Đảng là hệ tư tưởng, là chủ nghĩa Mác – Lênin.

Ngay từ những bài giảng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy”. Và Người nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Do ý thức được nguồn gốc xuất thân của đảng viên ta khác nhau nên Người luôn luôn coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin, nâng cao giác ngộ giai cấp cho họ, đưa họ từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp nhuần nhuyễn dân tộc với giai cấp.

Ngoài việc nhấn mạnh phải “học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức”, Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trên trang đầu cuốn “Đường Kách Mệnh”, Người đã chỉ ra một trong những “tư cách của người cách mệnh” là “cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất…”.

Trên báo Thanh niên số 61 ra ngày 18-9-1926, Người nêu ra 12 điều mà một “người cách mạng kiểu mẫu” phải tu dưỡng, trong đó có điều phải “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ, hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng”. Người nói điều này ngay từ buổi cách mạng còn trứng nước, đến nay ta càng cảm thấy tính sâu sắc, tính nhạy bén trong tư duy cách mạng của Người.

Cách mạng là sự nghiệp lâu dài: chống đế quốc để giành lại độc lập cho dân tộc; chống nghèo nàn lạc hậu để đem lại cơm no, áo ấm, phẩm giá cho con người. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó, Người nhắc nhở mỗi chiến sĩ cách mạng phải giữ sao cho “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”[...].

# cống hiến lịch sử Đảng Đảng CSVN đường kách mệnh Hồ Chí Minh Nguyễn Ái Quốc
Facebook Twitter Link gốc

Nguyễn Ái Quốc và các tổ chức chính trị trên hành trình tìm đường cứu nước [1911-1930]

22 Tháng 09 Năm 2021 / 1438 lượt xem

ThS. Vũ Kim Yến

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc cũng là quá trình đi từ người yêu nước trở thành người cộng sản, chiến sĩ quốc tế. Người đã tham gia thành lập hoặc trực tiếp thành lập một số tổ chức chính trị mà thông qua hoạt động trong các tổ chức đó, Người đã góp phần to lớn cho sự đoàn kết của các dân tộc thuộc địa, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam vào đầu năm 1930.

1. Nguyễn Ái Quốc và Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp

Sau một chặng đường dài bôn ba trên hành trình tìm đường cứu nước kể từ ngày 05/6/1911, cuối năm 1917 Nguyễn Ái Quốc đã trở lại Pháp. Người tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và nhanh chóng trở thành linh hồn của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam viết bằng tiếng Pháp, gồm 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó có Việt Nam. Dưới bản Yêu sách, Người ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên diễn đàn chính trị quốc tế. Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được Hội nghị Vécxây xem xét. Đối với dư luận Pháp, Yêu sách cũng không có tiếng vang như mong muốn, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Thực dân Pháp bắt đầu chú ý tới người có tên Nguyễn Ái Quốc. Viên mật thám Pháp Paul Arnoux chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Pari, tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt tại một buổi nói chuyện, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[1].

Đối với những người Việt Nam yêu nước, từ đây Nguyễn Ái Quốc đã được biết đến như một biểu tượng của lòng yêu nước. Một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Đây là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc. Qua việc bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, như sau này Người đã viết: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn”[2] và “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”[3].

2. Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa

Sau khi đến Pháp, Nguyễn Ái Quốc không chỉ hòa nhập ngay vào phong trào đấu tranh của những người Việt Nam yêu nước mà còn tìm cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè quốc tế như người Pháp, người dân của các thuộc địa khác như Tunisia, Maroc, Mad¬agascar, Algérie, Triều Tiên v.v.. Tháng 7 năm 1920, sau khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ở đó con đường cứu nước, giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản. Đó là cơ sở để Người vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp

[tháng 12 năm 1920], Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ ba [Quốc tế Cộng sản], trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Cũng chính từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực, hướng mọi hoạt động, kiên trì và quyết tâm truyền bá lý luận Mác - Lênin, tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về nước, tiến hành cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường lối cách mạng vô sản.

Sứ mệnh này một phần được thực hiện gắn với những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tổ chức được thành lập năm 1921 - một hình thức mặt trận của các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị, liên minh với giai cấp vô sản ở chính quốc cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Như cuộc họp ngày 28/5/1922 thông qua Tuyên ngôn của Hội do Nguyễn Ái Quốc viết và nhấn mạnh: “Chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy... Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”[4], Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa là một hiện tượng có một không hai trong lịch sử, đó là một liên minh chống chủ nghĩa thực dân ra đời và hoạt động ngay tại chính trung tâm chính trị của nước Pháp thực dân.

Thời gian đầu [1922 - 1923], Hội Liên hiệp thuộc địa có khoảng 200 hội viên, hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi và có ảnh hưởng rộng rãi. Hội những người Việt Nam yêu nước là một đoàn thể trong Hội Liên hiệp thuộc địa. Tuy nhiên, thời gian sau, do nhiều nguyên nhân tác động như: Sự cản trở và phá hoại của Bộ Thuộc địa, sự eo hẹp về tài chính... hoạt động của Hội giảm dần. Đến tháng 6 năm 1926, Hội Liên hiệp thuộc địa ngừng hoạt động.

Từ những hoạt động và đóng góp của mình, Nguyễn Ái Quốc đã được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa. Khi Hội xuất bản báo Le Paria [Người cùng khổ] làm cơ quan ngôn luận, Người được phân công làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của tờ báo. Từ khi ra đời [1/4/1922] cho đến lúc đình bản [4/1926], báo Le Paria ra được 38 số, trong những điều kiện hết sức khó khăn về tài chính và phương tiện hoạt động, lại luôn bị cảnh sát theo dõi, đe dọa, gây khó dễ. Nguyễn Ái Quốc đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của báo bằng cách viết nhiều bài cho báo, thậm chí còn dành cả phần tài chính eo hẹp của mình cho báo. Với vai trò là chủ bút, Nguyễn Ái Quốc đã có gần 40 bài viết, có số Người viết đến 4 bài. Những bức tranh, ký họa của Người đăng trên báo ký tên Nguyễn Ái Quốc và một số bút danh khác. Nội dung các bài viết này tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và báo Le Paria đã đạt được những kết quả tốt. Như Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái”[5]. Thực tiễn đấu tranh và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là những đóng góp của Người tại Đại hội I và II của Đảng Cộng sản Pháp, tại Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa cùng với việc xuất bản báo Le Paria đã được Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Uy tín và vai trò của người cộng sản Đông Dương đã được Quốc tế Cộng sản biết đến và Người được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Mátxcơva [Liên Xô] dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Một chương mới trên hành chính giải phóng dân tộc đã được mở ra với Người.

3. Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức

Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Pêtơrôgrát và ít ngày sau Người lên xe lửa đi Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có mặt ở quê hương của Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Trên đất nước của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, học tập để hướng tới con đường giải phóng dân tộc và góp phần phát triển tư tưởng độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Những hoạt động và kinh nghiệm tích lũy được đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, gánh vác sứ mệnh trọng đại mà lịch sử đã lựa chọn và giao phó cho Người: chuẩn bị về chính trị và tư tưởng để tiến tới thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam. Cuối tháng 10 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátx- cơva và đến Quảng Châu ngày 11/11/1924.

Trong thời gian này, Quảng Châu được gọi là “Mátxcơva của Trung Quốc”, trở thành trung tâm cách mạng của Trung Quốc. Với tư cách là cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á. Để tiện cho công việc hoạt động, Người được bố trí làm phiên dịch cho Bôrôđin, nhà hoạt động cách mạng Xôviết, được nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn

mời sang Trung Quốc làm cố vấn chính trị cho Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng. Trên cương vị của mình, Nguyễn Ái Quốc đã có những hoạt động thực tiễn góp phần đáng kể vào phong trào cách mạng Trung Quốc và các nước thuộc địa phương Đông. Một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng đó là việc Người đã cùng với các đồng chí Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên tích cực vận động thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức [09/7/1925]. Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức là một đoàn thể mang tính chất quốc tế giống như Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm đoàn kết các dân tộc nhỏ yếu, bị áp bức trong một tổ chức cách mạng để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, đưa các dân tộc bị nô lệ vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong Ban lãnh đạo Hội, Nguyễn Ái Quốc được bầu làm bí thư kiêm phụ trách công việc tài chính đồng thời là người trực tiếp phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội. Người được giao soạn thảo “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức”. Tuyên ngôn tố cáo sự áp bức bóc lột của bọn đế quốc và kêu gọi nhân dân các thuộc địa đoàn kết đấu tranh, liên minh với công nhân thế giới và kêu gọi nhân dân thuộc địa, công nhân thế giới đoàn kết đấu tranh: “Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi. Toàn thể các dân tộc bị áp bức, toàn thể thợ thuyền trên trái đất đang bị cướp công, hãy kết đoàn với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng”[6].

4. Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên

Ngay khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời liên lạc với phong trào của những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động ở đây. Nhờ sự tích cực chắp mối liên lạc của Hồ Tùng Mậu, khoảng tháng 12 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã gặp các thành viên chủ chốt của Tâm tâm xã - một tổ chức gồm những thanh niên đầy nhiệt huyết và chí khí, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì nghĩa lớn để thức tỉnh đồng bào.Tuy nhiên, vì chưa có người tổ chức và hướng dẫn nên họ chưa biết làm gì ngoài hành động mưu sát cá nhân mà tiêu biểu là vụ mưu sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ngày 19/6/1924 tại Quảng Châu. Tiếp xúc với những thanh niên hăng hái nhất trong tổ chức Tâm Tâm xã, tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được chỗ dựa, hình thành được nhóm trung kiên, bí mật. Từ nhóm bí mật, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên [tháng 6 năm 1925] - một tổ chức có tính chất quần chúng “có khuynh hướng mácxít”, nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước ở trong và ngoài, với hạt nhân là

KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

Cộng sản đoàn [gồm 5 người đầu tiên là Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt và Lâm Đức Thụ].

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một sáng tạo, có chủ đích của Nguyễn Ái Quốc, nhằm đưa chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng mới vào phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Mục đích của Hội là: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc [đập tan bọn Pháp và giành lại được độc lập cho xứ sở] rồi sau làm cách mệnh thế giới [lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản]”[7]. Nhiệm vụ của hội viên là đi sâu vào quần chúng để “hoàn thành những công tác có lợi cho Hội”; tổ chức quần chúng, giáo dục nhân dân đứng lên làm cách mạng; tố cáo những hành động và tội ác của thực dân Pháp và bọn phản động; học tập và giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là tổ chức “vô sản hóa” cho những hội viên không xuất thân từ thành phần công nhân. Thông qua những nội dung hoạt động của mình, Hội đã thu hút đông đảo các lực lượng vào tổ chức cách mạng của mình, đồng thời có ảnh hưởng tích cực đến các tổ chức chính trị cùng thời khác.

Sau khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành lập, Tổng bộ Hội quyết định ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của mình. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên đã thấm nhuần những nguyên tắc của báo chí vô sản do Lênin đề ra. Báo đã trở thành ngọn cờ tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam. Báo ra mắt số 1 ngày 21/6/1925. Nguyễn Ái Quốc là cây bút chính đồng thời cũng là người tổ chức in ấn, phát hành, mà chủ yếu là gửi về trong nước để tuyên truyền. Dòng tư tưởng của thời đại, nhiệm vụ tập hợp lực lượng cách mạng, cách thức tổ chức các đoàn thể, phương pháp Đảng cách mạng và đặc biệt là việc nêu rõ tính tất yếu phải có Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng ... được nêu rõ trong các số báo đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới.

Với việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có một tổ chức, một điểm tựa, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị để chuẩn bị xây dựng một đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho việc tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về trong nước. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4 năm 1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, các thanh niên Việt Nam yêu nước, xuất thân từ học sinh, trí thức, có một vài người là tú tài nho học, đã đến Quảng Châu tham gia vào lớp tập huấn chính trị. Tổng số học viên cho đến tháng 4 năm 1927 là 10 lớp với khoảng

250-300 học viên, trong đó Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện 75 học viên. Kết thúc khóa học, có người được giữ lại ở nước ngoài công tác, có người được cử đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông tại Mátxcơva hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố [Quảng Châu]... còn phần đông thì được cử về nước hoạt động, gây dựng và tổ chức, phát triển các phong trào cách mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tiến lên một tầm cao mới. Lần lượt trong nước đã xuất hiện các tổ chức cộng sản và đầu năm 1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã diễn ra, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy là, từ thời điểm ra đi năm 1911 cho đến năm 1930, là cả hai thập kỷ cho một hành trình Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm kiếm, khảo nghiệm trong thực tiễn nguồn sáng chân lý cách mạng: Chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Gắn với thời kỳ này, là những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tham gia, sáng lập các tổ chức chính trị có tính chất quốc tế, mà thông qua đó, Người đã có nhiều cống hiến quan trọng cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa và cho sự nghiệp cách mạng chung của thế giới.

Chú thích:

1. Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.81.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.441.

3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1969, tr.30.

4. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 1, tr.128-129.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1,tr.208.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.500.

7. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Các tổ chức tiền thân của Đảng, Hà Nội, 1977, tr.82.

Video liên quan

Chủ Đề