Công chức hành chính là gì

Cán bộ, công chức là 02 đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật viên chức), vì có những điểm tương đồng nên nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai đối tượng này. Vì vậy, để phân biệt cán bộ và công chức, cần dựa vào những tiêu chí sau:

- Về khái niệm cán bộ, công chức

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

- Về chế độ làm việc

Đối với cán bộ làm việc theo nhiệm kỳ đã được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, còn đối với công chức làm công việc công vụ mang tính thường xuyên, liên tục.

- Nội dung đánh giá cán bộ, công chức:

Đối với công chức, đánh giá theo 05 nội dung sau: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Tinh thần trách nhiệm trong công tác; Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Còn đối với công chức, đánh giá theo 06 nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá thêm theo các nội dung: Kế hoạch làm việc và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách; Tiến độ, chất lượng các công việc được giao; Năng lực lãnh đạo, quản lý; Năng lực tập hợp, đoàn kết.

- Không làm nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức

Đối với cán bộ, Luật sử dụng thuật ngữ xin thôi làm nhiệm vụ và trong các trường hợp sau: Không đủ sức khỏe; Không đủ năng lực, uy tín; Theo yêu cầu nhiệm vụ; Vì lý do khác.

Đối với công chức, Luật sử dụng thuật ngữ thôi việc đối với công chức và trong các trường hợp: Do sắp xếp tổ chức; Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý; 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

- Hình thức xử lý kỷ luật

Đối với cán bộ vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo 04 hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm.

Còn đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý xử lý theo 04 hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý xử lý theo 05 hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

- Về chế độ tập sự

Luật cán bộ, công chức không quy định chế độ tập sự đối với cán bộ, còn đối với công chức thì người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Thời gian tập sự là 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C; 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D; Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự. Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự./.

Hải Giang