Chân bị phù nề là bệnh gì

Người bị phù chân sẽ gặp rất nhiều bất tiện trong các hoạt động thường ngày, nhất là khi đi lại, thậm chí là đau đớn. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là do đâu và cách xử trí ra sao? Hãy cùng chuyên gia cơ xương khớp MEDIPLUS tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Phù chân là như thế nào?

Phù chân là hiện tượng chân bị sưng phồng có kèm theo đau hoặc không, vị trí thường gặp là ở cẳng chân, mu bàn chân hoặc tại mắt cá chân. Nếu như phù chân kéo dài thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý trong cơ thể.

Phù chân xảy ra khi các mạch máu nhỏ của cơ thể bị rò rỉ dịch. Lúc này, thận bắt đầu giữ lại nhiều natri và nước so với bình thường để bù lại phần chất lỏng bị mất. Điều này làm cho lượng nước lưu thông trong cơ thể tăng lên, dẫn đến các mô bị sưng phù.

Chân bị phù nề là bệnh gì

Phù chân có thể là dấu hiệu của bệnh lý

Phù nề chân là bị bệnh gì?

ThS BSNT Nguyễn Anh Dũng – Chuyên gia cơ xương khớp Tổ hợp y tế MEDIPLUS cho biết hiện tượng phù chân có thể do một số nguyên nhân gây ra dưới đây:

1. Phù chân ở phụ nữ đang mang thai

Theo các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hiện tượng phù chân chính là mang thai. Thông thường, tình trạng phù chỉ là tạm thời và xuất hiện trong thời gian ngắn.

Ở những tuần cuối của thai kỳ chính là khoảng thời gian có thể xuất hiện tình trạng phù chân do có sự chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, làm tăng áp lực gây kéo nước ra khỏi lòng mạch, từ đó gây phù 2 chi dưới ở thai phụ. Hiện tượng sưng phù có thể sẽ tăng lên vào cuối ngày hoặc vào những ngày hè. Tuy nhiên, đây là tình trạng rất phổ biến nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Hãy yên tâm rằng sau khi sinh xong, tình trạng này sẽ tự động biến mất.

Tuy nhiên, nếu trong thời kỳ mang thai mà chân của thai phụ bị sưng phù kèm theo triệu chứng như đau đầu, tăng huyết áp, đi tiểu ít, buồn nôn hoặc đau bụng vùng thượng vị,… thì cần phải đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán sớm tình trạng tiền sản giật.

Chân bị phù nề là bệnh gì

Phù nề chân khi mang thai

2. Bệnh lý suy tim phải

Đối với người mắc bệnh suy tim phải, khi sức bơm máu của tim bị giảm đi sẽ gây ứ đọng máu ở chân. Điều này sẽ làm xuất hiện tình trạng sưng phù chân, nhất là vào buổi tối. Ngoài bị phù chân thì khi mắc suy tim, bệnh nhân sẽ xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như ho, khó thở, mệt mỏi, khả năng vận động bị hạn chế.

3. Bệnh thận

Thận là cơ quan có chức năng chính là cân bằng lượng chất lỏng bên trong cơ thể. Khi cơ thể mắc các bệnh lý liên quan đến thận thì chức năng thận sẽ bị suy yếu, không thể hoạt động theo cơ chế bình thường, gây tích nước, dẫn đến hiện tượng chân bị phù nề. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện kèm các triệu chứng khác như bị khó tập trung, chán ăn, mệt mỏi và khó ngủ, buồn nôn, tăng huyết áp, rối loạn tiểu tiện,…

4. Bệnh xơ gan

Ở người bệnh xơ gan có thể hình thành nên sẹo tại gan. Điều này ảnh hưởng đến lượng máu cung cấp cho gan, tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng phù chân và tăng huyết áp. Xơ gan cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự sản sinh protein albumin – một yếu tố gây phù.

5. Bệnh tiểu đường

Chân bị phù nề là bệnh gì

Phù chân do bệnh tiểu đường

Khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh sẽ phải đối diện với rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, một trong số đó chính là tình trạng phù chân. Các trường hợp bị tiểu đường, lượng đường huyết lưu thông kém, tụ lại tại phần cẳng chân gây sưng đau. Tình trạng kéo dài có nguy cơ gây chấn thương dây thần kinh bàn chân. Để xác định chính xác nguyên nhân, bệnh nhân cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị với phác đồ phù hợp.

6. Viêm tắc tĩnh mạch

Viêm tắc tĩnh mạch là hiện tượng xuất hiện các cục máu đông tại các mạch máu gây tăng áp lực tại các vùng bị tắc nghẽn, Lúc này, máu tại tĩnh mạch vùng tắc nghẽn sẽ dồn vào mô gây nên hiện tượng phù chân. Những người có nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch là người bị béo phì, nghiện hút thuốc lá, bệnh nhân bị suy tim, ung thư, phụ nữ đang mang thai và cả những người phải ngồi nhiều.

7. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Chân bị phù nề là bệnh gì

Phù nề do giãn tĩnh mạch chi dưới, máu ứ đọng tại các chi.

Đây là tình trạng gây nên bởi sự suy giảm chức năng của tĩnh mạch. Lúc này, khả năng đưa máu trở về tim bị giảm đi khiến máu bị ứ đọng ở các chi. Biểu hiện khi mắc bệnh chính là cơ thể bị nhức mỏi, đau tức các chi, đặc biệt là tình trạng phù chân. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác như bị kiến bò và hay bị chuột rút về ban đêm…

8. Tắc nghẽn đường bạch huyết

Tắc nghẽn đường bạch huyết là tình trạng xảy ra khi các hạch bạch huyết tại vùng chậu bị tổn thương, ảnh hưởng đến sự lưu thông của dịch bạch huyết xuống khu vực chân, gây nên tình trạng phù ở khu vực này.

Để giảm bớt hiện tượng phù chân, người bệnh nên xoa bóp hạch bạch huyết hoặc mang vớ nén để giảm đau và giảm sưng. Đối với trường hợp bệnh nhân bị phù bạch huyết nặng thì có thể phải can thiệp phẫu thuật.

9. Do bị gout

Chân bị phù nề là bệnh gì

Chân bị sưng phù và đỏ lên do bị bệnh gout ở nhiều đối tượng.

Bệnh gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa các nhân purin với đặc điểm chính là tăng acid uric trong máu. Axit uric trong máu tích tụ, từ đó gây ra sưng đỏ phù tại các khớp, dễ phát hiện nhất là ở vị trí ngón cái. Bệnh gout không được điều trị và kiểm soát nồng độ acid uric tốt dễ tiến triển mạn tính với nhiều đợt cấp hơn và gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng sau này. Cần lưu ý phát hiện sớm, chủ động thăm khám và có phác đồ điều trị hiệu quả.

Một số yếu tố khác cũng là nguyên nhân gây tình trạng phù chân:

  • Trời nóng: Hiện tượng phù chân xảy ra thường xuyên hơn khi thời tiết nóng là do các tĩnh mạch giãn ra như là cách giúp cơ thể được làm mát tự nhiên. Khi tĩnh mạch giãn, các chất lỏng sẽ đi vào các mô gần đó. Điều này dẫn đến việc các chất lỏng bị tích tụ ở khu vực mắt cá và bàn chân, gây nên biểu hiện sưng phù tại đây.
  • Uống rượu bia: Không nhiều người biết rằng việc uống rượu bia cũng chính là một nguyên nhân gây phù chân, bởi vì cơ thể sẽ trữ nước và gây phù. Thông thường, tình trạng chân bị sưng phù do uống rượu bia sẽ khỏi trong một vài ngày.
  • Chấn thương: Khi chân bị chấn thương, chẳng hạn như gãy xương hoặc bong gân thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng các biểu hiện sưng, viêm. Lúc này, máu sẽ được dồn xuống chân nhiều hơn để hồi phục vết thương.

Để khắc phục phù nề chân, người bệnh nên nghỉ ngơi và tránh áp lực lên vùng chấn thương. Đồng thời, cũng có thể nâng cao bàn chân lên và chườm mát khu vực bị thương để giảm đau, giảm sưng.

Chân bị sưng phù nề cần xử trí như thế nào?

Tình trạng chân bị sưng phù có thể sẽ khỏi sau vài ngày, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khả năng vận động. Vậy khi bị phù chân cần phải xử trí như thế nào?

Ngay khi phát hiện tình trạng sung phù quanh bàn chân, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên áp dụng các phương pháp dưới đây để làm giảm tình trạng phù chân:

  • Ngâm chân: Người bệnh cần thực hiện ngâm chân trong cả nước nóng và nước lạnh. Bởi lẽ, nước nóng giúp cho các mạch máu được giãn nở, nước lạnh thì làm co mạch. Việc ngâm chân thường xuyên giúp cải thiện việc ứ đọng máu và dịch ở chân và giảm bớt tình trạng sưng phù. Người bệnh nên ngâm chân với nước nóng từ 3 – 5 phút, sau đó ngâm nước lạnh từ 30 – 60 giây, cứ như vậy lặp lại trong 15 – 20 phút để đạt hiệu quả tối ưu.
  • Ngâm chân với giấm táo: người bệnh pha dung dịch giấm táo với nước ấm theo tỉ lệ 1:1, làm ướt khăn bằng dung dịch trên rồi quấn quanh vùng chân bị phù. Vì trong giấm táo có chứa hàm lượng kali cao, có tác dụng giúp cân bằng nồng độ bên trong lòng mạch và mô ngoại bào, vì thế sẽ giảm sưng phù hiệu quả nếu người bệnh ngâm chân thường xuyên..
  • Đi lại nhẹ nhàng và massage các khớp, giúp cơ thể lưu thông máu tốt hơn. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho các chất lỏng dư thừa di chuyển và giảm phù chân. Bên cạnh đó, nâng cao chân hơn so với tim cũng là một giải pháp để làm giảm tình trạng này.
  • Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi thay đổi nhiệt độ quá nhanh, tình trạng phù chân có thể tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân không nên ra khỏi phòng điều hòa một cách quá đột ngột, thay vào đó cần chậm rãi hơn để cơ thể làm quen và thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống khoa học: Người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ về lượng nước cần được bổ sung. Bên cạnh đó, cần cắt giảm việc tiêu thụ muối và tăng cường chất xơ, nhất là đối với người cao tuổi.

Để đảm bảo sức khỏe của bản thân, mọi người cần theo dõi cơ thể thường xuyên nếu có những biểu hiện khác lạ. Khi nhận thấy các bất thường cần lập tức đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời bởi đội ngũ có chuyên môn.

Hy vọng thông qua bài viết này, mọi người có thể hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây tình trạng phù chân là do đâu, đồng thời đưa ra được cách xử lý và điều trị kịp thời khi mắc phải. Nếu còn thắc mắc nào cần được giải đáp, vui lòng liên hệ hotline 19003366 để được nhận tư vấn từ chuyên gia.