Câu chuyện về đánh giá dong vat

160 năm trước, một tù trưởng da đỏ - Chief Seattle - từng nói: Con người sẽ ra sao nếu xung quanh không còn một loài thú nào? Nếu muôn loài đều tuyệt diệt, thì con người rồi cũng sẽ chết vì nỗi cô đơn đến tuyệt vọng trong tâm hồn. Những gì đã xảy ra với muông thú rồi cũng sẽ sớm xảy ra với con người, vì trong thiên nhiên, mọi thứ, mọi loài đều kết nối với nhau.

160 năm sau, đối với thế hệ ngày nay, lời nhắn nhủ của Chief Seattle có còn ý nghĩa? Các nhà bảo tồn từ WWF - Việt Nam và cộng sự có một vài câu chuyện muốn kể bạn nghe.

Trên là một trong những nội dung do WWF chia sẻ tại Triển lãm "Bị bẫy", được trưng bày tại tầng 5, toà nhà HNCC, số 1 Lương Yên, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; bắt đầu từ ngày hôm nay, 20.5 đến hết ngày 23.5.

Với những tác phẩm hoà trộn giữa hình ảnh, âm thanh và các hoạt động tương tác, triển lãm khuyến khích người xem tìm hiểu về các loài nguy cấp, cảm nhận những mối đe dọa chúng đang phải đối mặt, và hành động để giúp chúng tồn tại cho các thế hệ mai sau.

Theo số liệu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, trong thập kỷ qua, hơn một triệu động vật trên thế giới bị bắt khỏi môi trường tự nhiên. Trong khi sự biến mất của các loài mang tính biểu tượng như voi, hổ và các loài rùa biển gây khó khăn trước mắt cho công tác bảo tồn, sự mất đi của bất kỳ loài nào, thậm chí ở mức độ địa phương, đều có thể dẫn đến nhiều tác động bất lợi cho thiên nhiên và chính cuộc sống của con người. Sự suy giảm đa dạng sinh học ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái, vốn cung cấp cho những nhu cầu thiết yếu của con người: thực phẩm, nước, chỗ trú ẩn, không khí và môi trường trong lành.

Người Đô Thị xin giới thiệu cùng bạn đọc!

Vĩnh biệt Tê giác Java

Xác cá thể tê giác Java một sừng [Rhinoceros sondaicus] của Việt Nam được tìm thấy vào tháng 4.2010 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, với một vết đạn ở chân và sừng bị lấy đi.

Tháng 10.2011, WWF - Việt Nam công bố đó là cá thể tê giác Java một sừng cuối cùng tại Việt Nam, đồng nghĩa loài này đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản thiên nhiên, biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Ảnh: Dựng lại cấu trúc xương của tê giác Java một sừng © WWF-Việt Nam

Thủy chung sếu đầu đỏ

Sếu đầu đỏ [Grus antigone sharpii] chỉ kết đôi một lần trong đời. Một con chẳng may mất đi, con còn lại sẽ ở vậy, thậm chí tuyệt thực để đi theo bạn đời.

“Một lần chụp sếu đầu đỏ tại xóm sếu Núi Mây, Kiên Lương, khi đàn chim đã bay hết về bãi ngủ, tôi vẫn thấy một cá thể sếu bay vòng vòng kêu thét từng đợt. Thì ra có một cá thể sếu đầu đỏ khác đang thoi thóp vì trúng thuốc trừ sâu, miệng ứa những búng máu tươi… Tôi và bà con xóm sếu đã chôn cất cá thể sếu đầu đỏ xấu số đó nhưng không ai biết số phận bạn đời của nó ra sao.” - Theo lời kể của nhiếp ảnh gia Tằng A Pẩu.

Là loài chim di cư, vào mùa khô, sếu đầu đỏ sẽ bay từ Campuchia về Việt Nam để tìm kiếm thức ăn. Ở Việt Nam, dù các chuyên gia bảo tồn đã cố gắng khôi phục sinh cảnh sống của sếu, nhưng số lượng sếu bay về ngày càng ít.

Ảnh: Sếu đầu đỏ © Tằng A Pẩu / WWF-Việt Nam

Jun, chú voi con bất hạnh

Jun là cá thể voi châu Á [Elephas maximus] khoảng gần 4 tuổi, được Vườn Quốc gia Yok Đôn và Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cứu hộ đầu năm 2015, trong tình trạng chân trước và vòi bị thương nặng. Khi được tìm thấy, chân của Jun vẫn lòng thòng sợi dây bẫy, do giãy giụa nên càng bị siết chặt. Bác sỹ và chuyên gia đã phải cắt bỏ các ngón và một phần đế bàn chân trái trước vì chúng đã bị hoại tử. Vòi của Jun cũng bị tổn thương vĩnh viễn.

Với cặp ngà cân đối, đôi mắt sáng thông minh, đáng lẽ ra Jun đã có thể trở thành voi đầu đàn dũng mãnh, sống hạnh phúc trong cánh rừng đại ngàn xanh.

Hiện Jun vẫn được lưu giữ ở Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk để điều trị vết thương.

Ảnh: Voi Jun © Kayleigh Ghiot / WWF-Việt Nam

Nỗi đau Y Thoong Ngân - voi một ngà

Y Thoong Ngân được thuần dưỡng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk. Năm ngoái, Thoong Ngân tròn 20 tuổi. Với cặp ngà bông trắng muốt, Thoong Ngân được coi là đại diện hoàn hảo cho loài voi.

Tháng 7 năm 2015, một ngày như mọi ngày, khi không phải phục vụ khách du lịch, Thoong Ngân vào rừng tự kiếm thức ăn tại Tiểu khu 502, Trạm kiểm lâm số 2, Vườn Quốc gia Yok Đôn. Lợi dụng tình thế Y Thoong Ngân bị vướng xích, kẻ gian đã lùa voi vào khe giữa hai gốc cây, dùng thêm xích để xích chân, dùng cưa sắt cưa ngà bên phải.

Khi được tìm thấy, ngà của Thoong Ngân đã bị cắt 2/3, ăn sâu vào tủy, chảy nhiều máu, nếu không cắt bỏ có thể gây nhiễm trùng làm ảnh hưởng tính mạng. Thoong Ngân đã trở thành voi chỉ có một ngà.

Trong khi đó, những kẻ gây ra nỗi đau, sự tuyệt vọng của Thoong Ngân, biểu tượng của Tây Nguyên và là tài sản quốc gia, hiện vẫn chưa bị bắt.

Ảnh: Voi Y Thoong Ngân © Kayleigh Ghiot / WWF-Việt Nam

Lucy - báo hoa mai cô đơn

Lucy, cô báo hoa mai [Panthera pardus] được giải cứu năm 2008 từ một đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép và đưa về Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 2010.

Lucy bị tách khỏi mẹ từ nhỏ, nuôi nhốt quá lâu nên không còn giữ được các kỹ năng sống trong môi trường hoang dã. Tám năm, thay vì tự do trong thiên nhiên, kết đôi, sinh trưởng, Lucy chỉ quanh quẩn trong những chiếc lồng sắt, từ trung tâm này tới trung tâm khác. Đối với Lucy, điều này không chỉ đi ngược tập quán tâm sinh lý của loài mà còn tiềm ẩn nguy cơ ung thư dạ con.

Dù giữ được mạng sống, nhưng những động vật hoang dã như báo hoa mai Lucy phải mang hệ luỵ bất ổn, mất cân bằng suốt đời.

Hiện báo hoa mai Lucy được nuôi giữ và ghép đôi tại Vinpearl Safari.

Ảnh: Báo hoa mai Lucy © Kayleigh Ghiot / WWF-Việt Nam

Cuộc đời tù ngục của Kay

Kay là một trong 33 chú gấu ngựa [Ursus thibetanus] được giải cứu tháng 9 năm 2015 từ một trại nuôi gấu lấy mật tại Quảng Ninh. Khi được cứu hộ, Kay đang bị giam giữ trong một cái lồng rỉ sét, chật hẹp tới mức khó có thể đứng lên hay di chuyển.

Việc lấy mật từ những chú gấu như Kay thường được tiến hành bằng cách dùng ống thông tiểu thô đâm trực tiếp vào bụng và túi mật để lấy chất lỏng chảy ra. Đến khi không thể lấy mật được nữa, gấu sẽ bị chiết xuất đến giọt máu cuối cùng trước khi bị bán làm thuốc Đông y.

Uớc tính Kay bị nhốt hơn 10 năm. Đối mặt với cảm giác kề cận cái chết mỗi ngày, lo sợ và bệnh tật khiến Kay mất hết bộ lông đen mượt cũng như hình mặt trăng lưỡi liềm đặc trưng trước ngực của loài gấu ngựa. Quá trình nuôi nhốt cũng khiến mắt Kay bị quặm, lông mi không ngừng chạm vào giác mạc, gây tổn thương mãn tính.

Hiện Kay được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Lông của Kay đang dần mọc lại. Kay cũng được lên lịch phẫu thuật mắt trong tương lai gần, khi sức khỏe hoàn toàn hồi phục.

Ảnh: Gấu Kay © Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam / WWF-Việt Nam

Vượn "yêu"

Hoang Dã - chú vượn đen má vàng [Nomascus gabriellae] tại rừng Cát Tiên đã “phải lòng” tiếng hót của Uli - cô vượn cái được giải cứu từ một hộ dân nuôi nhốt trái phép, về sống tại Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Uli không thể về lại với rừng vì đã mất đi bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Trong khi đó, để tránh ảnh hưởng đến tập tính của Hoang Dã, cán bộ Vườn Quốc gia Cát tiên đã nhiều lần đưa chú về rừng. Nhưng lần nào cũng vậy, chỉ vài ngày, Hoang Dã lại tìm cách trở về với Uli.

Uli mang thai và sinh bé vượn đen má vàng, được đặt tên là Út. Hiện gia đình Uli, Hoang Dã và Út vẫn sinh sống tại khu vực bán hoang dã của Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Ảnh: Vượn đen má vàng Hoang Dã © Nguyễn Việt Thanh / WWF-Việt Nam

Ảnh: Vượn đen má vàng Uli và Út © Nguyễn Việt Thanh / WWF-Việt Nam

Gia đình nhỏ của Omo

Omo – Voọc Chà vá Chân xám [Pygathrix cinerea] ra đời mùa xuân năm 2011, bị bỏ rơi và được người dân miền núi Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam tìm được khi mới 8 tháng tuổi.

Omo được trao cho bên kiểm lâm sau đó được đưa đến Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương [EPRC]. Vô cùng yếu ớt do thiếu sữa mẹ, Omo cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Omo được bón bốn bữa sữa một ngày, ba bữa ban ngày và một bữa đêm, cùng với những chiếc lá non nhất. Cứ thế Omo lớn lên và có gia đình riêng khi 4 tuổi. Omo sống cùng chuồng với một cô voọc non và chú voọc đực trưởng thành khác ở Trung tâm Cứu hộ.

Tuy nhiên, Omo mãi mãi không trở về tự nhiên vì tập tính đã thay đổi.

Mèo báo nhút nhát

Tam Thanh là cá thể mèo báo [Prionailurus bengalensis] được chi cục kiểm lâm Lạng Sơn tịch thu từ đường dây buôn bán động vật trái phép tháng 9 năm 2014.

Sau gần một năm sống tại Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã [SVW], Tam Thanh vẫn rất nhút nhát và sợ người. Tháng 8 năm 2015, Tam Thanh đã được trở về với rừng, với thiên nhiên hoang dã.

Ảnh: Mèo báo Tam Thanh © Tran Quang Phuong / SVW / WWF-Việt Nam

Kỳ diệu - đường về nhà

“Điều kỳ diệu” – tiếng Anh là Miracle, là tên của cá thể Tê tê Java [Manis javanica] đầu tiên sinh ra và phát triển tốt tại môi trường phi hoang dã. Đây là kỳ tích bởi trước đó mẹ của Miracle đã phải trải qua hành trình dài, chịu nhiều thương tổn từ một đường dây phi pháp buôn bán động vật hoang dã để đến được Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã [SVW].

Tháng 11 năm 2015, Miracle cùng mẹ và 22 cá thể tê tê hoang dã khác được tái thả về môi trường tự nhiên. Sau khi ăn bữa trứng kiến cuối cùng, Miracle và mẹ được đưa đến nơi ở mới. Khi hộp gỗ mở ra, lập tức cảm nhận được môi trường sống, tê tê mẹ nhanh chóng rời đi. Còn Miracle, trước đây chưa từng biết đến thiên nhiên hoang dã, lần đầu bị tách khỏi mẹ, chỉ quanh quẩn trong hộp. Mất một thời gian khá lâu, Miracle mới bò ra khỏi hộp, theo dấu mẹ vào rừng, bắt đầu cuộc sống tự lập.

Có điều gì trong Miracle mách bảo, có lẽ là bản năng, rằng nó đã về nhà.

Ảnh: Tê tê Miracle © Nguyễn Phương Thảo / SVW / WWF-Việt Nam

Mrs. B - cầy mực bỏng ngô

Mrs. B là cá thể Cầy mực [Arctictis binturong] được chuyển giao đến Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê [CPCP] và Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã [SVW] từ Trạm cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi đã chăm sóc Mrs. B thời gian dài sau khi cứu hộ cô thành công từ một tay thợ săn ở một tỉnh Miền Trung.

Mrs. B bị mất bàn chân phải phía trước do mắc bẫy thút của thợ săn. Nhờ được chăm sóc, Mrs. B đã hoàn toàn khỏe mạnh và tự tin khám phá khu vực của mình, chinh phục độ cao của các cành cây. Thức ăn yêu thích của cô là các loại thịt và một số loại hoa quả, đặc biệt là chuối. Giống đồng loại, Mrs. B có mùi hương rất đặc biệt – mùi bỏng ngô.

svw-_heidi_quine.jpg]

Ảnh: Cầy mực Mrs B © Heidi Quine / SVW / WWF-Việt Nam

Sao la, niềm hi vọng

Sao la [Pseudoryx nghetinhensis] là loài đặc hữu chỉ có ở miền Trung Việt Nam và Nam Lào.

“Kỳ lân châu Á”, sao la được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Quang, Việt Nam vào năm 1992, và là một trong những phát hiện động vật quan trọng nhất thế kỷ 20 mang tính chất toàn cầu.

Sao la là loài vô cùng nhút nhát, hiếm khi bắt gặp được chúng. Chưa nhà khoa học nào tận mắt thấy sao la trong tự nhiên. Hơn 20 năm từ khi phát hiện, thông tin về sinh cảnh và tập tính của sao la vẫn rất hạn chế. Cho đến nay, các cá thể sao la bị bắt đều không sống được trong điều kiện nuôi nhốt.

Hình ảnh gần đây nhất của sao la được ghi lại qua bẫy ảnh của WWF-Việt Nam năm 2013.

_david_hulse.jpg]

Ảnh: Sao la © WWF-Việt Nam

Thư của một du khách Pháp gửi WWF - Việt Nam

"Tôi vừa trở về Pháp sau chuyến thăm Việt Nam. Tôi muốn viết cho các bạn ngay rằng tôi đã nhìn thấy con Cu li nhỏ [Nycticebus pygmaeus] tại chợ Bắc Hà. Đây là loài được IUCN xếp vào danh mục sắp nguy cấp tại Việt Nam và trên thế giới. Tôi thích chợ Bắc Hà nhưng mỗi lần đến đây, tôi đều khiếp sợ khi chứng kiến cảnh con người “ăn thịt” thiên nhiên. Tôi dễ dàng tìm thấy hàng tá chim thú bị nhốt và rao bán, bên cạnh là la liệt lan rừng quí hiếm bị cắt khỏi cành không thương tiếc.

Tôi yêu Việt Nam và mong làm điều gì đó giúp người dân nơi đây hiểu rằng họ đang phá hủy sinh cảnh sống của chính họ." - [Pierre Bounel]

Cu li [Nycticebus pygmaeus] là loài thú quý và cổ trong bộ linh trưởng, có vị trí đặc biệt trong nghiên cứu tiến hoá và thích nghi với đời sống trên cây. Hiện loài cu li đang bị đe doạ tuyệt chủng vì chúng bị săn bắn để làm thuốc.

Chủ Đề