Cải cách hành chính trong công tác cán bộ

Công tác Cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam, đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt trong quá trình thực hiện.

CCHC phải được thực hiện đồng bộ trên tất cả các nội dung, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; bảo đảm thực chất, quyết liệt, đồng bộ. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết công việc và cùng tạo ra giá trị sản phẩm cho xã hội.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 27/4/2016 về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tập trung thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện/Bộ phận Một cửa cấp huyện và cấp xã hoạt động hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp có bước chuyển tích cực, từng bước tiến đến xây dựng chính quyền điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Giải quyết hồ sơ, TTHC cho tổ chức, công dân trên một số lĩnh vực còn trễ hẹn, nhất là lĩnh vực đất đai. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nơi chưa đồng đều; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng gây phiền hà, sách nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết TTHC cho người dân. Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, truyền thông (ICT INDEX) còn chuyển biến chậm, chưa hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 03-NQ/TU đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác CCHC; biện pháp, chế tài chưa đủ mạnh dẫn đến một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tập trung cao trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC; năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa ngang tầm nhiệm vụ; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu thiếu tập trung, quyết liệt, chậm đổi mới sáng tạo; kinh phí đầu tư cho hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Ngày 14/10/2021, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm, khóa XXII về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh CCHC theo hướng toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng giải trình. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có tư duy, khát vọng đổi mới, có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.