Cách nhớ lâu từ vựng tiếng Anh

Từ vựng là yếu tố quyết định cho cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của việc học ngôn ngữ. Tuy nhiên, hầu hết người học tiếng Anh cảm thấy khó ghi nhớ từ mới, học nhiều từ nhưng không dùng rồi quên. Dưới đây là những cách ghi nhớ và sử dụng từ vựng tiếng Anh mà mình thấy hiệu quả.

Không ghi chép một cách khô khan

Ghi chép từ để ôn tập rất cần thiết, nhưng cố gắng ghi nhớ danh sách dài từ mới kèm nghĩa tiếng Việt là cách học khô khan, làm bạn nhanh nản. Hãy biến cuốn sổ ghi chép từ của mình thành nơi để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo và niềm yêu thích tiếng Anh.

Bạn có thể sử dụng bút nhiều màu sắc, vẽ các hình minh họa đơn giản hoặc sơ đồ tư duy bên cạnh từ mới học được để chúng trở nên sinh động hơn. Mỗi trang chỉ nên ghi ít từ hoặc cụm từ, để chỗ trống cho hình vẽ, câu ví dụ và các ý tưởng hay ho.

Học từ mới qua ngữ cảnh

Việc học từ tách rời khỏi ngữ cảnh khiến bạn nhanh quên và khó áp dụng. Do đó, bạn nên học từ trong context (ngữ cảnh) của từ thông qua hoạt động nghe, xem và đọc tiếng Anh. Thời gian đầu, bạn sẽ cảm thấy việc học từ qua ngữ cảnh khá khó nhưng đây là cách tốt nhất để nhớ từ mới hiệu quả.

Nhìn chung, ở giai đoạn đầu, bạn nên học các từ và cụm từ đơn giản, thông qua các video, thẻ từ vựng, từ điển bằng hình ảnh, thuật ghi nhớ từ... Đến giai đoạn sau, khi vốn từ đã nhiều hơn, các bạn có thể tập trung nhiều vào phần nghe và đọc để nâng cao vốn từ qua ngữ cảnh.

Sử dụng thuật ghi nhớ thông tin

Để có thể nhớ từ mới dễ dàng và không bị nhanh quên, bạn không nên chỉ tra từ điển để biết nghĩa tiếng Việt và dừng lại ở đó. Thay vào đó, hãy dành ra một vài phút để vận dụng trí tưởng tượng của mình để nhớ "sâu" một từ mới, đặc biệt là những từ dài theo cách sau:

(1) Chia một từ ra thành các phần nhỏ, mỗi phần đọc to lên để liên tưởng với một từ tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đã biết).

(2) Liên tưởng với các hình ảnh có liên quan, rồi kết nối chúng với nhau tạo thành một câu chuyện nhỏ ngớ ngẩn hoặc hài hước. Câu chuyện càng "crazy" (điên rồ), "funny" (thú vị) bạn sẽ càng nhớ từ lâu hơn. Chẳng hạn:

Với từ "museum" (bảo tàng), phát âm tiếng Việt "mìu-dí-ừm". Hãy tưởng tượng bạn cầm hộp sữa (milk, phát âm tương tự "mìu") vào viện bảo tàng, "dí" mũi vào vật trưng bày và gật gù "ừm ừm". Hình ảnh hài hước này giúp bạn nhớ cả nghĩa và cách phát âm từ "museum".

Cách nhớ lâu từ vựng tiếng Anh

Chị Hoàng Ngọc Quỳnh, hiện sống và làm việc tại Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Liên tưởng âm thanh, hình ảnh, chuyển động với nghĩa và cách phát âm của từ

Với nhiều từ vựng đơn giản khác, bạn có thể tưởng tượng hình ảnh, âm thanh, chuyển động trong lúc đọc to. Bạn nên dùng các trang tra từ điển có audio để vừa xem nghĩa, phiên âm lại vừa nghe được âm thanh. Với mỗi từ mới, đừng học lướt qua mà hãy đọc theo audio khoảng 10-20 lần, vừa đọc bạn vừa tưởng tượng hình ảnh liên quan đến từ đó.

Chẳng hạn, với các động từ "cut" (cắt), "run" (chạy),"fall" (rơi), "fly" (bay), "approach" (tiến lại), "expand" (mở rộng)..., bạn vừa đọc vừa tưởng tượng hình ảnh, âm thanh và chuyển động trong đầu trong lúc miệng đọc to theo audio.

Với các tính từ như "happy" (hạnh phúc), "sad" (buồn), "bored" (chán), "crazy" (điên rồ), "intelligent" (thông minh), "extraordinary" (bất thường)..., bạn có thể tưởng tượng ra một nét mặt cùng trạng thái cảm xúc đi kèm. Tương tự, hầu như từ mới nào cũng đều có thể được liên tưởng nghĩa với một hình ảnh. Hãy dừng lại một chút, sử dụng khả năng sáng tạo của mình để liên tưởng và khắc ghi từ mới thay vì chỉ học lướt qua.

Học từ vựng qua hình ảnh, thẻ từ, sơ đồ tư duy

Bạn cũng nên tận dụng Internet để học từ qua hình ảnh một cách hiệu quả. Khi học từ mới, thử Google từ đó và bạn có thể tìm hàng nghìn hình ảnh liên quan để dễ ghi nhớ từ hơn. Bạn cũng có thể kết hợp hình ảnh và âm thanh để đạt hiệu quả học cao nhất. Thử vào Youtube và gõ từ khóa "learning english vocabulary with pictures" (học từ vựng tiếng Anh qua hình ảnh), bạn sẽ tìm thấy rất nhiều video hữu ích.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm các thẻ từ (flashcard: một mặt ghi từ mới và phiên âm, một mặt ghi nghĩa và hình ảnh) với những từ mới học được, biến việc học thành thú vui. Nếu là người thích sáng tạo, bạn cũng có thể học và ôn tập từ vựng với sơ đồ tư duy (mindmap). Một mindmap đơn giản bao gồm một chủ đề chính ở trung tâm, từ đó phát triển ra các ý nhỏ ở nhánh, kèm hình ảnh minh họa sinh động dễ nhớ.

Học qua từ đồng nghĩa và trái nghĩa

Trong khi học từ mới, việc học luôn cả từ đồng nghĩa và trái nghĩa (synonyms and antonyms) với nó giúp các bạn nhớ được nhiều từ một lúc. Powerthesaurus hoặc thesaurus là hai trang khá hay để tra từ đồng nghĩa và trái nghĩa, bạn có thể tham khảo khi cần.

Nếu đặt mục tiêu mỗi ngày học "sâu" 5-10 từ mới dùng được, sau một năm bạn sẽ có thể tích lũy được 2.500 từ. Vì vậy, đừng vội vàng học lướt rất nhiều từ rồi chóng quên, cảm thấy nản và từ bỏ việc học tiếng Anh.

Hoàng Ngọc Quỳnh

Tự học và đạt 8.5 IELTS Speaking ngay khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, chị Hoàng Ngọc Quỳnh, 31 tuổi, du học thạc sĩ trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh, sau đó giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster, Anh. Nhờ thành thạo tiếng Anh và xây dựng được nhiều phương pháp học, chị viết nhiều sách và thành lập trung tâm học tiếng Anh.

Bài cùng tác giả:

    Đang tải...
  • {{title}}