Bức xạ cưỡng bức là gì

 Nội dung sau sẽ đem đến cho đọc giả những khái niệm, thuật ngữ về biến đổi khí hậu thường được dùng.

1. Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu – Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC): IPCC là tổ chức quốc tế hàng đầu về đánh giá BĐKH do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) thành lập năm 1988, là tổ chức khoa học Liên Chính phủ của tất cả các nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Khí tượng Thế giới. 

2. Băng quyển - Cryosphere: Các khối băng và tuyết (trên đất liền và biển) của trái đất.

3. Biên độ ngày của nhiệt độ - Daily (Diurnal) Range of Temperatures: Phạm vi biến đổi của nhiệt độ trong vòng 24 giờ.

4. Biến đổi khí hậu - Climate Change: Sự thay đổi của khí hậu (định nghĩa của Công ước khí hậu) được quy trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào sự biến động khí hậu tự nhiên trong các thờigian có thể so sánh được. Biến đổi khí hậu xác định sự khác biệt giữa các giá trị trung bình dài hạn của một tham số hay thống kê khí hậu. Trong đó, trung bình được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định, thường là vài thập kỷ.

5. Chuẩn (khí hậu) - Normals (Climate): Trung bình của thời kỳ, tính cho một thời kỳ như nhau là 30 năm.

6. Chuẩn sai khí hậu - Climatic Anomaly: (1) Độ lệch của giá trị một yếu tố khí hậu so với giá trị trung bình của nó; (2) Sự khác biệt giữa giá trị của một yếu tố khí hậu ở một nơi và giá trị trung bình của yếu tố đó lấy theo vòng vĩ tuyến đi qua nơi đó.

7. Chu trình các-bon - Carbon Cycle: Các quá trình tự nhiên chi phối sự trao đổi các-bon (dưới dạng CO2, cácbônát và các hợp chất hữu cơ, v.v...) trong khí quyển, đại dương và trái đất.

Bức xạ cưỡng bức là gì

Chu trình Carbon (nguồn: www.dauvetcarbon.com)

8. Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu - UN Framework Convention on Climate Change (UNFCCC): Thường gọi tắt là Công ước khí hậu, được hơn 150 nước ký tại Hội nghị Thượng đỉnh trái đất ở Rio de Janeiro năm 1992. Mục tiêu cuối cùng của Công ước là “ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người vào hệ thống khí hậu”. 

9. Cưỡng bức bức xạ - Radiative Forcing: Sự thay đổi trong cán cân bức xạ của trái đất giữa bức xạ tới của mặt trời và bức xạ đi của trái đất dưới dạng bức xạ hồng ngoại và sóng ngắn. Nếu không có cưỡng bức bức xạ, bức xạ mặt trời được trái đất hấp thụ sẽ gần bằng bức xạ hồng ngoại phát ra từ trái đất. Việc có thêm khí nhà kính đã hấp thụ thêm một phần bức xạ hồng ngoại trong khí quyển, bức xạ trở lại trái đất, tạo ra ảnh hưởng gây nóng lên toàn cầu.

10.Dao động khí hậu - Climatic Fluctuation: Biến động khí hậu gồm bất kỳ dạng thay đổi có tính hệ thống, dù thường xuyên hay không thường xuyên, trừ các xu thế và bất liên tục (thay đổi đột ngột trong một giai đoạn, từ giá trị trung bình này sang giá trị trung bình khác), đặc trưng bằng ít nhất hai cực đại (hay cực tiểu) và một cực tiểu (hay cực đại), gồm cả ở hai đầu chuỗi số liệu.

11.Điôxit các-bon hay CO2 - Carbon Dioxit: Một chất khí trong tự nhiên, cũng là một sản phẩm phụ của việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và sinh khối, cũng như các quá trình thay đổi sử dụng đất và các quá trình công nghiệp khác. Đó là chất khí nhà kính chủ yếu do con người sinh ra, ảnh hưởng đến nhiệt độ trái đất. Nó là chất khí tham chiếu để tính “tiềm năng nóng lên toàn cầu” của các khí nhà kính khác. CO2 chiếm gần 0,036% khí quyển. 

12.Giãn nở nhiệt của các đại dương - Thermal Expansion of the Oceans: Với khối lượng không đổi, thể tích các đại dương và mực nước biển thay đổi theo mật độ của nước biển. Mật độ có quan hệ ngược với nhiệt độ, do đó, khi các đại dương ấm lên, mật độ giảm và các đại dương giãn nở. Thay đổi về độ mặn ở khu vực nhỏ cũng làm thay đổi mật độ và thể tích nước biển, tuy nhiên tác động này tương đối nhỏ trên quy mô toàn cầu.

13.Hạn - Drought: Hiện tượng lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái, gây đói nghèo và dịch bệnh.

                                                                                                                             Mai Hương