Bệnh kinh nghiệm và cách khắc phục

Nội dung cần cung cấp thêm cho học viên ở bài 1 - Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng (Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính)

Sự lãnh đạo của Đảng từ khi khởi xướng đường lối đổi mới đến nay, Đảng đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân tổ chức thực hiện đường lối đó trong thực tiễn. Nhất quán với quan điểm thực tiễn, quan điểm đổi mới và phát triển, Đảng ta qua các kỳ đại hội và các hội nghị Trung ương trong các nhiệm kỳ đã nỗ lực cụ thể hóa, bổ sung và điều chỉnh nhiều vấn đề quan trọng từ nhận thức lý luận đến chủ trương, biện pháp để phát triển và hoàn thiện đường lối. Đó cũng chính là quá trình Đảng ta từng bước trưởng thành về tư duy lý luận, nâng cao tầm tư tưởng, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính, có trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam.

Thời gian qua, Đảng đã đổi mới tư duy lý luận, vượt qua tư duy theo lối kinh nghiệm, khắc phục bằng được lối tư duy giáo điều, chủ quan, duy ý chí, trì trệ và bảo thủ, xa rời thực tiễn, bệnh sách vở, tách rời lý luận với thực tiễn, từng bước xây dựng tư duy khoa học, tôn trọng quy luật khách quan.

Những biểu hiện nhận thức được khái quát trên, có thể nói rằng, Đảng luôn mong muốn phải ngăn ngừa, khắc khục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta.

Cho nên, khi trình bày Bài 1 - Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, ở chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, ngoài những nội dung trong sách giáo trình, theo tôi, thì giảng viên cần cung cấp thêm nội dung, cụ thể như sau:

Ở Mục 4. Lý luận nhận thức duy vật biện chứng, trong giáo trình kết cấu có hai tiểu mục:

4.1. Bản chất của nhận thức; 4.2. Quan hệ giữa thực tiễn và lý luận.

Hai tiểu mục này không giải thích rõ bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều. Cho nên, cần bổ sung thêm tiểu mục: 4.3. Ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều.

Mục này, có những nội dung cụ thể như sau:

4.3.1. Bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều.

Thứ nhất, nội dung về bệnh kinh nghiệm

Biểu hiện của căn bệnh này như coi thường lý luận (LL), coi thường học tập LL; cho kinh nghiệm là yếu tố duy nhất quyết định mọi thành công trong nhận thức và hoạt động thực tiễn (TT); không đánh giá đúng vai trò của đội ngũ trí thức,

Kinh nghiệm đóng vai trò hết sức to lớn trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn của con người. Nhưng nếu tuyệt đối hóa kinh nghiệm, coi thường, hạ thấp lý luận, không chịu học tập lý luận thì sẽ mắc bệnh kinh nghiệm. Bệnh kinh nghiệm, về bản chất là khuynh hướng tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa kinh nghiệm cá biệt, cụ thể. Dần dần biến kinh nghiệm cá biệt, cụ thể đó thành những kinh nghiệm phổ biến nhằm áp dụng những kinh nghiệm này cho mọi trường hợp, mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.

Người mắc bệnh kinh nghiệm thường nhân danh đề cao thực tiễn để hạ thấp lý luận. Trên thực tế, vấn đề thực tiễn mà họ đề cao là thực tiễn cục bộ, vụn vặt, chưa chỉnh thể, chưa trọn vẹn, chưa mang tính phổ biến.

Thứ hai, nội dung về bệnh giáo điều

Về bản chất, bệnh giáo điều là khuynh hướng tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa lý luận, coi thường hạ thấp thực tiễn, không đánh giá đúng vai trò của thực tiễn trong hoạt động nhận thức cũng như hoạt động lý luận, hoặc áp dụng lý luận và kinh nghiệm không tính tới điều kiện thực tiễn lịch sử cụ thể.

Ở Việt Nam, bệnh giáo điều được biểu hiện qua hai hình thức, một là, giáo điều lý luận, thể hiện ở chỗ vận dụng lý luận không căn cứ vào những điều kiện thực tiễn cụ thể; học tập lý luận tách rời thực tiễn, xa rời cuộc sống, rơi vào bệnh sách vở; bệnh tầm chương trích cú; bệnh câu chữ,hai là, giáo điều kinh nghiệm, thể hiện ở chỗ, vận dụng kinh nghiệm của ngành khác, người khác, địa phương khác, nước khác vào ngành mình, địa phương mình, nước mình nhưng không tính tới những điều kiện thực tiễn lịch sử - cụ thể của mình.

4.3.2. Nguyên nhân của bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều.

Nguyên nhân của bệnh kinh nghiệm có nhiều, chẳng hạn như ảnh hưởng tiêu cực của nền sản xuất nhỏ, theo mùa, theo chu kỳ; ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng gia trưởng, phong kiến;Nhưng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp nhất là vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, không hiểu quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn của cán bộ, đảng viên.

Còn nguyên nhân của bệnh giáo điều ở Việt Nam như ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp quá lâu; bệnh thành tích, bệnh hình thứcĐặc biệt là vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn và không hiểu quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn ở một số cán bộ và đảng viên. Đây là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp nhất của căn bệnh giáo điều ở Việt Nam.

4.3.3. Giải pháp cốt lõi ngăn ngừa, khắc phục

Một là, giải pháp về bệnh kinh nghiệm

Thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của nền sản xuất nhỏ.

Phải thông qua tổng kết TT, nhưng phải đứng từ chỗ đứng của LL để tổng kết TT một cách có lý luận chứ không phải từ kinh nghiệm và chủ nghĩa kinh nghiệm.

Gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận để phát triển lý luận mới, có năng lực dự báo khoa học. Bởi lẽ, không có trình độ lý luận thì không thể tổng kết kinh nghiệm một cách có lý luận và không thể định hướng cho công cuộc đổi mới.

Khắc phục tư tưởng coi thường trí thức, tuyệt đối hóa kinh nghiệm. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước1 là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị.

Quán triệt tốt sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, hiểu và vận dụng đúng quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn.

Hai là, giải pháp về bệnh giáo điều

Khắc phục chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa hình thức, đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.

Từng bước hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện tốt nguyên tắc thống nhất giữa LL với TT, hiểu và vận dụng đúng đắn quan hệ biện chứng giữa LL với TT trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Nâng cao công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng, học đi đôi với hành, LL liên hệ với TT và đặc biệt tăng cường tổng kết thực tiễn.

Phải quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm và nguyên tắc, phương châm và phương pháp tư duy của Bác để nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận trong thực tiễn đổi mới của nước ta.

4.3.4. Kỹ năng, tư tưởng đối với học viên.

Học viên phải nhận thức rằng: lý luận phải gắn với thực tiễn, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng HCM trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phải có quan điểm thực tiễn trong nhận thức và hành động. Quan điểm thực tiễn đòi hỏi nhận thức sự vật, hiện tượng, nhận thức lý luận phải gắn với nhu cầu thực tiễn; phải lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn đánh giá sự đúng, sai của lý luận, chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách.

Tăng cường tổng kết thực tiễn để kiểm tra lý luận, chủ trương, đường lối, chính sách và qua đó kịp thời bổ sung, điều chỉnh, phát triển lý luận cũng như chủ trương, đường lối, chính sách cho phù hợp thực tiễn mới ở địa phương và quốc gia.

Người học phải nhận thức được rằng, thực tiễn luôn vận động và phát triển sẽ là cơ sở để chúng ta có thêm những nhận thức mới và sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận.

Phải thấy được vai trò to lớn của lý luận khoa học, trên cơ sở đó người học không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận cho mình. Tuy nhiên, khi học tập lý luận không được tuyệt đối hóa lý luận; học tập lý luận thì phải liên hệ với thực tiễn địa phương, đất nước và thời đại. Phải thấm nhuần lời dạy của Bác: Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế2.

Người học khi học lý luận thì phải đào sâu, hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng, những vấn đề gì chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho rõ ràng, hiểu ra được thực chất điều mà trước đó chưa hiểu rõ, chưa biết rõ. Bởi thế, trong học tập lý luận, Bác còn yêu cầu: phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn. Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa3.

Có thể nhận thấy rằng, việc giảng viên cần cung cấp thêm nội dung ở trên, xuất phát bởi những lý do chủ yếu sau:

Một là, nội dung bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều mang tính gắn kết rõ nhất mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn.

Hai là, Đại hội Đảng khóa XII đề cập, Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nướcnâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới4.

Ba là, người học cần nhận thức được bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều.

Bốn là, biết nguyên nhân của bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều

Năm là, người học biết được giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều.

Tóm lại, qua phần học này, học viên phải vượt qua tư duy theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa hời hợt, khắc phục bằng được lối tư duy giáo điều, chủ quan, duy ý chí, trì trệ và bảo thủ, xa rời thực tiễn, bệnh sách vở, tách rời lý luận với thực tiễn, từng bước xây dựng tư duy khoa học, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Do đó, học viên phải tiếp tục học tập, rèn luyện để có năng lực tư duy biện chứng, chống lại những biểu hiện chủ quan, phiến diện, siêu hình, cực đoan, xa lạ với tinh thần khoa học và quan điểm thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.28.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.94.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.98-99.

4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.201.