Alzheimer đọc như thế nào

Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ với các triệu chứng nặng dần theo thời gian. Bệnh bắt đầu với việc hay quên, sau đó chức năng não bị suy giảm liên tục, ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tư duy và ngôn ngữ.

Bệnh được chia làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Bệnh nhân sẽ bắt đầu có dấu hiệu mất trí nhớ nhẹ.

  • Giai đoạn giữa: Các triệu chứng mất trí nhớ trở nên trầm trọng hơn và bệnh nhân bắt đầu cần sự hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày.

  • Giai đoạn cuối: Triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân thay đổi tính tình (có thể hung hăng hơn, hay nghi ngờ…).


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của Alzheimer

Triệu chứng của Alzheimer khi bắt đầu thường nhẹ và sẽ nặng dần theo thời gian:

  • Bắt đầu mất trí nhớ làm ảnh hưởng đến công việc thường ngày. Thường quên mất chỗ để đồ vật, thường xuyên hỏi đi hỏi lại 1 vấn đề, quên các cuộc nói chuyện gần đây, quên tên...

  • Gặp rắc rối với việc tính tiền, thanh toán hóa đơn…

  • Khó hoàn thành các công việc quen thuộc vẫn thường làm.

  • Khó khăn trong việc lập kế hoạch hoặc đưa ra một quyết định nào đó.

  • Suy giảm khả năng phán đoán.

  • Bối rối, mất phương hướng, đi lạc dù đi những nơi quen thuộc.

  • Thấp thỏm, lo lắng.

  • Gặp vấn đề với việc sắp xếp lời nói.

  • Bị ảo giác, ảo tưởng.

  • Khó ăn, khó nuốt, giảm cảm giác thèm ăn.

  • Thay đổi tâm trạng, tính cách và hành vi theo chiều hướng xấu đi.

Tác động của Alzheimer đối với sức khỏe 

Alzheimer khiến bệnh nhân quên mất nhiều thứ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp, công việc hàng ngày. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng hơn, khả năng nhận thức cũng như phán đoán của bệnh nhân cũng bị suy giảm, tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của bản thân bệnh nhân và gia đình.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Alzheimer

Nếu không có các biện pháp kiểm soát, bệnh Alzheimer tiến triển nhanh chóng gây sa sút trí tuệ và nhận thức nghiêm trọng, thậm chí bệnh nhân không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày, mất khả năng tự chủ cũng như không tự vệ sinh cá nhân được.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến Alzheimer

Có sự lắng đọng protein β – amyloid thành các mảng xung quanh tế bào não làm gián đoạn sự dẫn truyền thần kinh giữa các tế bào.

Sự thay đổi hình dạng và tự cấu trúc lại của protein tau tạo thành các đám rối thần kinh, làm rối loạn hệ thống dẫn truyền xung và gây độc cho tế bào thần kinh.

Sự suy giảm chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine trong não bệnh nhân.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải Alzheimer?

Người trên 65 tuổi.

Người có bố mẹ, anh chị em… trong gia đình mắc Alzheimer.

Người sống cô lập, ít vận động trí não.

Người có lối sống không lành mạnh (uống nhiều rượu bia, hút thuốc, béo phì…)

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer, bao gồm:

  • Tuổi tác là nguy cơ lớn nhất, bệnh thường gặp ở người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mắc Alzheimer khởi phát sớm.

  • Môi trường sống bị ô nhiễm có thể làm tăng tốc độ thoái hóa của hệ thần kinh.

  • Di truyền: Gia đình từng có người mắc bệnh Alzheimer.

  • Người mắc hội chứng Down.

  • Bệnh trầm cảm không được điều trị, người hay mất ngủ.

  • Từng bị chấn thương sọ não.

  • Lối sống (uống quá nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá…).

  • Cô đơn, cô lập với xã hội.

  • Có bệnh tim.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Alzheimer

Không thể chẩn đoán bệnh Alzheimer chỉ bằng bất cứ xét nghiệm đơn lẻ nào. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các vấn đề nào bạn đang gặp phải và có thể thực hiện một số bài kiểm tra về trí nhớ, tư duy, khả năng tập trung. Tình trạng sa sút trí tuệ của bệnh nhân có thể được tính theo thang MMSE, Mini – Cog…

Chụp CT, MRI, PET.

Phương pháp điều trị Alzheimer hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Hiện không có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer, nhưng có thể sử dụng các loại thuốc để giảm một số triệu chứng và sự tiến triển của bệnh.

  • Thuốc ức chế acetylcholinesterase (donepezil, galantamine, rivastigmine): Giúp tăng nồng độ chất dẫn truyền acetylcholine trong não, thường được chỉ định cho bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu và giữa, cũng có thể dùng tiếp tục ở giai đoạn sau của bệnh.

  • Memantine: Giúp ngăn chặn hoạt động quá mức của glutamate gây chết tế bào thần kinh. Thuốc được dùng cho bệnh nhân Alzheimer giai đoạn giữa và sau hoặc ở người không dung nạp thuốc ức chế acetylcholinesterase.

  • Thuốc chống loạn thần (risperidone, haloperidol): Chỉ định cho bệnh nhân có biểu hiện hung hăng, có nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc người khác và chỉ nên sử dụng liều thấp nhất, trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp trị liệu tâm lý để kích thích khả năng nhận thức và hỗ trợ trí nhớ, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng ngôn ngữ.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Alzheimer

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị.

  • Hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng, đọc sách, thực hiện các bài vận động trí não theo chỉ dẫn của bác sĩ.